Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Câu lạc bộ Đá đểu
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13
Từ Đà Lạt trở về Thi Ẩm lầu được một thời gian, tứ đại thi nhơn quyết định chu du thiên hạ một chuyến, dùng tài thơ mà dương danh với đời. Cả nhóm đi từ Nam ra Bắc, từ Tây sang Đông, từ miền xuôi lên miền ngược, từ thượng nguồn sông La đến hạ nguồn sông Lô, bất luận nơi nào cũng để lại những chiến thắng hoành tráng khiến giới thi văn sĩ địa phương tâm phục khẩu phục.

Chuyến đi kéo dài hơn 10 năm đã biến 4 gã trai tơ ngày nào trở thành những người đàn ông đích thực mạnh mẽ phương cương. Tài năng thơ phú đã đưa họ lên đỉnh cao của danh vọng. Giang hồ hào kiệt bốn phương bấy giờ tôn xưng họ là : Chớp Mắt thi bá, Hớ Thiệt thi vương, Lãnh Diện thi thánh, Ngạo Thế thi tiên.

Ngày tứ đại thi nhơn trở lại Thi Ẩm trấn, bá tánh trong vùng đổ xô ra đường nhiệt liệt chào đón, không khí tưng bừng hân hoan. Giữa những tràng tán tụng huyên náo, tứ đại thi nhơn nghênh ngang tiến vào Thi Ẩm lầu, đến đúng chỗ ngồi năm xưa đã được dọn sẵn cơm rượu, vui vẻ ngồi xuống. Trong khi bốn lão nâng ly chúc mừng nhau, khách khứa kéo vào tửu lầu ngày càng đông, trong số ấy có nhiều người tranh thủ đến bái chào, bày tỏ niềm ngưỡng mộ. Duy có một người ngồi nơi góc khuất tửu lầu vẫn thản nhiên như thường, lặng lẽ ăn uống, chẳng thèm liếc qua bốn gã lấy nửa con mắt. Tứ đại thi nhơn thấy vậy thì nhìn nhau cho là sự lạ.

Được một lát, người ấy chợt đứng dậy, bước lại phía bốn lão, chỉ tay vào bức thư pháp khổ rộng treo một bên vách lầu, hỏi cộc lốc :

- Thơ của mấy ông đấy à?

Tứ đại thi nhơn nghe vậy bực lắm, không thèm đáp lời. Chỉ có Hớ Thiệt thi vương lơ đãng gật đầu.

Như chỉ chờ có thế, người ấy quay ngoắt lại bàn của mình, ôm mặt khóc hu hu.

Tứ đại thi nhơn càng lấy làm kỳ quái. Vốn là người ít đê tiện nhất trong 4 lão, Lãnh Diện thi thánh tỏ vẻ thương cảm, cao giọng hỏi :

- Bằng hữu người xứ nào? Danh tánh là chi? Hà cớ gì thấy thơ của chúng mỗ lại cảm động làm vậy?

Tuy lão hỏi, nhưng lại ngầm ý khoe khoang thơ của các lão có sức lay động tâm can người đọc, nên mới cố ý nói to lên như vậy. Chẳng ngờ người kia càng khóc thảm thiết. Mãi sau mới quay sang bốn lão, nước mắt giàn giụa, bảo :

- Tôi là Phều Phào, người xứ Quảng. Năm lên 3 tuổi tôi đã giỏi thơ nhất làng, lên 5 tuổi giỏi thơ nhất xã, lên 7 tuổi được xem là giỏi thơ nhất huyện. Đến nay sau 20 năm phiêu bạt giang hồ tứ hải, nghe nhiều thấy nhiều, tôi tự so sánh thì không tìm ra kẻ nào trên đời làm thơ hay bằng mình được... Lại nghe cổ nhân dạy rằng...

Ngạo Thế thi tiên hừ một tiếng, Chớp Mắt thi bá đập mạnh tay xuống bàn, Hớ Thiệt thi vương huýt sáo, Lãnh Diện thi thánh nhổ toẹt một bãi nước miếng xuống đất.

Phều Phào chẳng thèm để ý, vẫn rầu rĩ nói tiếp.

- …ông trời vốn đố kỵ anh tài, tôi sợ mình sẽ vì tài thơ xuất chúng này mà chết sớm... Sau nghe người ta bẩu Thi Ẩm lầu có 4 vị tứ đại thi nhơn nổi danh lắm. Tôi mới tìm đến đây xem thơ các vị có sánh được với thơ tôi không. Nếu tài tôi kém các vị một chút thì chắc sẽ khỏi bị họa. Ai ngờ đọc bài thơ các vị đề trên vách kia, tôi hiểu ra rằng các vị vẫn dưới tôi một bậc, nên đau buồn mà khóc đó.

Không nhịn nổi nữa, Chớp Mắt thi bá đứng dậy nhìn trừng trừng vào mặt Phều Phào gằn giọng :

- Ý bác là thơ bác hay hơn thơ bọn tôi chứ gì? Hừ, cống rãnh mà cứ thích sóng sánh với đại dương phỏng! Đâu, thơ bác đâu, cho tôi xem hay cỡ nào!

Ngạo Thế thi tiên gật đầu phụ họa :

- Phải rồi, thơ mi mô, cho tụi này coi cái coi !

Lãnh Diện thi thánh ra vẻ nho nhã :

- Bằng hữu đã nói thế thì hãy cho huynh đệ chúng tôi một phen mở rộng tầm mắt được chăng?

Hớ Thiệt thi vương chưa kịp nghĩ ra câu nào hay ho như thi thánh để quẳng ra cho oai, nên chỉ gật gù ra ý đồng tình.

Phều Phào lại nói :

- Khách quan mà xét, thơ các vị cũng không phải quá dở. Chỉ là tôi thấy thơ các vị nó xưa cũ lắm rồi, lạc hậu lắm rồi. Các vị dùng cái thứ nghệ thuật thơ ca từ thời cổ đại nào rồi. Cho nên thơ các vị không có cái sinh khí mới mẻ tân kỳ mà thơ tôi có...

Hớ Thiệt thi vương nhăn mặt :

- Bớt nói lời thừa đi bác. Tôi chỉ cần bác cho xem một bài thơ của bác thôi. Xem hay cỡ nào mà dám chê thơ tụi tôi. Hay bác chỉ chém gió, chỉ giỏi đánh võ mồm?

Phều Phào vỗ bụng cười lạnh nhạt :

- Được được. Các vị tha thiết như vậy thì đừng hối hận, tôi sẽ sáng tác ngay một bài tại đây, tôi sẽ tả... - Gã nhìn quanh rồi chỉ vào Thiên Di đang đứng xem náo nhiệt - tôi sẽ làm một bài thơ tặng cho cô kia. Các vị dỏng tai lên mà nghe đây.

Phều Phào, đột nhiên thay đổi hẳn nét mặt, xoay mình hướng về phía Thiên Di, quỳ xuống, tay phải đặt lên trước ngực, tay trái cong cong hơi hất ra phía sau, dáng vẻ hệt như một hiệp sĩ thời trung cổ. Rồi cứ thế, gã di chuyển bằng đầu gối về phía cô nàng đang há hốc miệng ngạc nhiên. Từ trong mồm gã văng ra những câu thơ kỳ dị, mà giọng thì đắm đuối không sao tả nổi :

Em
Ngớn ngác huy hoàng
Khắc khủm những mảnh tam giác vỡ hình có hai góc hồi hộp


Tứ đại thi nhơn sững sờ, không thể tin nổi trên đời lại có thứ thơ kỳ dị như vậy. Giọng Phều Phào âm vang khắp tửu lầu lúc này đã không còn một chút tiếng động.

Chói lọi như nước mắt của mặt trời trưa hè lộp bộp
Tôi túm


Hớ Thiệt thi vương buông mình ngồi sụp xuống ghế, như kẻ mất hồn. Giọng Phều Phào trở nên giận dữ như quát tháo. Thiên Di sợ hãi lùi lại.

tóc em hư ảo xuân thì ném chảo vào các thánh bột mì
nhão nhẹt cả cơn gió


Lãnh Diện thi thánh nặng nề với lấy bình rượu tu một ngụm lớn. Giọng Phều Phào trở nên điên cuồng như mãnh thú dưới vực thẳm. Thiên Di lúc này đã lùi lại sát cửa ra vào. Hai tay cô run rẩy, khay đựng cùng với dĩa thịt chó nhựa mận trên bàn cạnh đó rơi xuống vỡ tan tành.

Cái gì khì khụp con nai vàng lắc lư ăn cỏ
em
hổn hển thênh thang lênh láng bóng loáng


Ngạo Thế thi tiên chết lặng. Tội nghiệp Thiên Di bị Phều Phào biến thành Nàng Thơ, vụt chạy ra ngoài. Phều Phào, vẫn quỳ dưới đất, đưa tay kính cẩn nhặt chiếc khay lên ôm vào lòng mân mê. Giọng gã bỗng trở nên êm đềm tha thiết.

Em
Mũi và, mồm và, tai vân vân phát sáng
Tôi biểu tượng vẽ lên một hội kín của sít sìn sịt


Chớp Mắt thi bá thẫn thờ ngồi xuống. Giọng Phều Phào lúc này trở nên hoang dại, nhưng khẽ khàng lại như lời thì thầm xa vắng.

Tôi khênh tôi
đu đưa tôi quả mít
Trên cây em
nửa lít


Im lặng ngự trị khắp tửu lầu. Phều Phào vẫn ôm chiếc khay quỳ dưới đất. Có lẽ tâm trí gã vẫn miên man bồng bềnh trong miền cảm hứng vô biên, chưa kịp trở về.

Một hồi lâu sau, Phều Phào mới đứng dậy, và bằng một điệu bộ lịch lãm, gã cúi chào lần lượt 4 phía. Tiếng vỗ tay bắt đầu vang lên liên miên bất tuyệt. Mọi người trong tửu lầu như đã quên bẵng sự có mặt của tứ đại thi nhơn.

Chớp Mắt thi bá đổ hết ly rượu vào miệng rồi bật ra một tiếng chửi thề. Hớ Thiệt thi vương lẩm bẩm đọc kinh. Lãnh Diện thi thánh rút khăn tay lau mồ hôi. Ngạo Thế thi tiên ngửa mặt lên trời cười lạnh. Tình cảnh điêu tàn thống khổ hùng tráng bi thương này thật không bút mực nào tả siết. Cũng từ chính nơi đây, tứ đại thi nhơn đã bước ra giang hồ, tạo nên sự nghiệp lừng lẫy. Để rồi hôm nay, đúng giây phút khải hoàn, cũng chính nơi đây lại xuất hiện một gã thi nhơn lạ hoắc, với thi pháp siêu việt kỳ ảo, đánh bại cả bốn gã trong một bài thơ.

Khi tiếng vỗ tay của khách khứa trong quán đã ngừng hẳn, mới nghe Ngạo Thế thi tiên thở dài ngao ngán :

- Chúng ta hết thời rồi ư ?

Chớp Mắt thi bá thì thầm :

- Gã này lợi hại như con mài mại !

Hớ Thiệt thi vương cay đắng :

- Thực sự là không đỡ nổi !

Lãnh Diện thi thánh nghẹn ngào :

- Về thôi về thôi !


Từ đó, tứ đại thi nhân gác bút, Ngạo Thế mở quầy ba, Lãnh Diện đi buôn hoa, Hớ Thiệt viết sách giáo dục giới tính đem bán, còn Chớp Mắt chuyển sang nghề dạy thổi tù và. Bao nhiêu chiến tích lẫy lừng của họ năm xưa trên thi đàn chỉ còn được nhắc lại vào những khi trà dư tửu hậu mà thôi.

Lại nói Phều Phào thi sĩ vì chưa dứt bỏ được nỗi lo cánh cánh trong lòng nên vẫn hàng ngày lặng lẽ tìm đến thi lầu uống rượu làm thơ, chẳng thèm bắt chuyện với ai. Cũng không ai hay biết gã có cảm thấy an ủi chút nào chăng khi bài thơ của tứ đại thi nhơn trên vách tửu lầu giờ đã được thay bằng bài thơ của gã :

Em
Ngớn ngác huy hoàng
Khắc khủm những mảnh tam giác vỡ hình có hai góc hồi hộp
Chói lọi như nước mắt của mặt trời trưa hè lộp bộp
Tôi túm
tóc nàng hư ảo xuân ném chảo vào các thánh bột mì
nhão nhẹt cả cơn gió
Cái gì khì khụp con nai vàng lắc lư cỏ
em
hổn hển thênh thang lênh láng bóng loáng
Em
Mũi và, mồm và, tai vân vân phát sáng
Tôi biểu tượng vẽ lên một hội kín của sít sìn sịt
Tôi khênh tôi
đu đưa tôi quả mít
Trên cây em
nửa lít
Hít
Tiếng giường tre chói lòa khút khít
Xô ta ngã về với tiếng hú của ông Long
Xoắn xít ba vòng
Man dại dài hơn bốn đòn gánh
Đau
Ta oánh
Mông nàng tròn trịa tàu lá chuối ràn rạt bão giông
Tiếng kêu bộp choạc
Ai trong đêm nghe tiếng tù và thổi
Bình bịch nốt trầm như dàn loa ba lăm kilowatt
Ai đây
Tiếng thét ộp oạp toang toác trên đường ray
Chiếc tàu con thoi vận hành đè sấp lũ uyên ương tàn tạ nghiến ngấu
A
Tiêm hấu
Vặn to cái núm quả dưa
Phòng CT
Ợ chua



Một thời đuổi bướm hái hoa
Giờ đây về thổi tù và hầu em


Người đẹp chong chanh


[Hình: OFFVMT10.jpg?t=1299414443]
Ở đời cái gì mà lâu thì cũng nhàm chán, phàm làm việc gì mà sức sáng tạo không cao hoặc lặp lại thì chỉ làm được vài lần rồi nghỉ (ngoại trừ một số việc làm hoài không chán). Cho nên khi trót mang trong dòng máu đê tiện rồi, thì Tứ đại thi nhân kia sao mà chịu đựng nổi mấy công việc kia.

Một ngày không nắng không mưa, không trưa không tối. Tứ thánh hẹn nhau vào rừng chơi, bọn họ đi thẳng vào rừng sâu nhưng tuyệt nhiên không nói với nhau lời nào.

Buồn chăng? Hay là vì chuyện gì?

Không ai hiểu cả, nhưng nét mặt người nào cũng trông rất là thiểu não như cái bánh bao chiều. bất chợt lão Hớ cất tiếng phá tan cái sự iên lặng đến ghê người:

Buồn quớ

Hớ hớ…bất ngờ lão Lãnh phá lên cười sằng sặc như điên

Lão Chớp buột miệng: “Người buồn thì cảnh có vui bao giờ”

Lại thơ nữa, ta thấy cảnh đẹp mà. Hè hè…Tiếng lão Ngạo vang lên.(lão nì đúng là đê tiện)

Hay nhân lúc chỉ có bốn người mình, bọn mình làm thơ đi, lâu ngày không làm nhớ quá. Cả bọn đồng thanh hưởng ứng, không khí bỗng nhiên rộn ràng hẳn lên.

Lão Hớ liền ngâm trước:

Trong rừng không mực cũng mài thơ

Ba lão kia lọi mắt ngạc nhiên vì bài thơ đầy sức sáng tạo, nên cùng buột miệng: Hay

Lão Chớp liền tiếp:

Chẳng bút cho nên đỡ phải quờ (chữ quờ trong quờ quạng)

Hay, hay lắm. ba lão kia cũng đồng thanh kêu lớn

Ngạo thế liền vội vàng ngâm luôn:

Sờ lưng con chữ đưa tay vuốt

Lanh diện bồi luôn:

Nắn nót đôi vần nhũn nàng thơ

Cả bọn đồng thanh tung hê với nhau vang một góc rừng. lâu rồi mới thấy bọn họ vui như vậy và họ cùng nhau ngâm:

Trong rừng không mực cũng mài thơ
Chẳng bút cho nên đành phải quờ
Sờ lưng con chữ đưa tay vuốt
Nắn nót đôi vần nhũn nàng thơ.

Rồi bọn họ cười khoái trá. Bất chợt có tiếng nói sau lưng:

Im cho ta ngủ, thơ giề nghe mắc ói.

Sự sỉ nhục trong quá khứ bổng chạy bộ về, cả bọn đồng thanh rú lên:

Ai! Cao nhân phương nào mà dám phách lối?

Ta đây nè, đang nằm trong lùm(núp lùm)

Cả bọn quay lại thì thấy một lão sồn sồn trạc tuổi mình, nằm vắt chân chữ y trong bụi cây, tay cầm cây sáo. Bọn họ liền hỏi: Cho hỏi các hạ là cao nhân phương nào?

Lão sồn sồn liền mắng:

Ta mà các người cũng không biết vậy mà thi với chả nhân, các ngươi có tánh thú chứ tứ thánh cái giề. Các người nghe bài thơ này rồi đoán thử nhé:

Vốn kêu là trứng mà thành quả
Lộn lại nên nhầm thành hột luôn
Ở đời ai dám ngon hơn mỗ
Mà ngon hơn mỗ hột gà ung

Hớ thi vương liền nói:

Tưởng giề chứ cái đó dễ ợt, lão tên Hột chứ giề?

Chưa đúng đâu kưng. Lão sồn sồn gằn giọng

Chớp ta bằng nói:

Tên Vịt đúng không?

Chưa đúng đâu kưng. Lão sồn sồn gằn giọng tiếp

Ta biết roài, lão tên Lộn. Lãnh diện lên tiếng

Chưa đúng đâu kưng. Lão sồn sồn gằn giọng tiếp

Lão là Hột Vịt Lộn chứ gì? Hé hé…Ngạo thế luyến thoắn.

Đúng mà chưa đúng. Ta thích nghe Hột Vịt Nộn hơn cho nên tên ta là HVN

Ồ!!!

Cả bọn cùng nhau rống.

Bất chợt Ngạo thế hỏi:

Tai sao khi nãy lão chê thơ bọn mỗ, nghe lão ngâm thơ chắc rằng lão cũng biết về thơ, vậy lão cùng bọn này đàm đạo nhé?

Ok. HVN gật đầu.

Lão Chớp bằng hỏi: Thế nào là thơ hay thơ giỏi, thế nào là thơ dở thơ ương

Thế các người nghĩ sao? HVN bất ngờ hỏi lại

Ơ cái lão này, bọn ta đang hỏi mà. Lão Hớ cau có.

Oài ! ta bé cái nhầm. vậy các người đọc thơ các người đi rồi ta sẽ nói cái giỏi và ương cho nghe.

Bốn đại thi nhân liền sổ ra một tràng, toàn là những tuyệt tác kinh điển của họ sáng tác lâu nay. Nghe xong HVN liền phán

Thơ các người không thể gọi ương được, nhưng cũng không thể gọi là Từ Công Phụng được.

Là sao, không hiểu?. cả bọn lắc đầu ngơ ngác như con gì lác

Là Trên Ngọn Tình Sầu, ý nói là tuyệt đỉnh đó mấy pa. làm thơ phải biết liên kết, biết ẩn dụ, hoán dụ. Tác giả là đi liền tác phẩm, các người chỉ lo dùng điển cố, diển tích, thuật ngữ là lối tư duy sáo mòn. Không thể cách tân thơ ca hậu hiện đại được.
Nên vứt cái thành ngữ bấy lâu nay ăn sâu vào trong máu các người mà dùng thêm vào sáo ngữ, thì mới mong ra có những bài thơ toàn bích được.

Lão HVN thao thao liền một lúc thiếu điều muốn đứt hơi, nên tạm dừng lại để nuốt nước miếng rồi nói tiếp:
Các ngươi phải biết rằng: Mùa xuân nghe tiếng chim hót, mùa hè nghe tiếng ve ngâm, mùa thu nghe tiếng côn trùng rả rích, mùa đông nghe tiếng tuyết rơi, ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu réo rắt, trong núi nghe tiếng gió thổi ngàn thông, bên nước nghe tiếng sóng vỗ, thì lúc đó mới gọi là thiên thiên bất tuyệt được. Hiểu chửa?

Chỉ được cái chém gió, có ngon thì làm một bài ta coi. Ngạo Thế chồm lên.

Được ra đề đi, hôm nay ta cho các người mãn nhãn. HVN điềm nhiên đớp lại.

Chủ đề là cái cây sáo trong tay lão đó, ngon làm đi. Ngạo thế đắc thắng, cả bọn cũng đắc thế.

HVN liền xoay cây sáo ba vòng rồi thổi khúc : Tiếu Ngạo Giang Hồ

Bốn chàng thi nhân ngỡ ngàng trong tiếng nhạc, nhìn chăm chú vào HVN chỉ thấy HVN thổi rất say sưa, đôi bàn tay rất điêu luyên nhịp nhàng như vuốt ve khúc sáo, lúc trồi lúc sụt như chứng khoán. Nói chung là rất có nghề.

HVN khi ấy cũng vừa xong khúc nhạc tình bèn nâng ống sáo lên và hỏi: cái giề đây? Rồi nhăn mặt (chắc mệt quá đây), Lãnh diện thấy vậy buột miệng: “Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu” lão nhể?

Ta hỏi cái giề đây? HVN buông từng tiếng một

Cái ống sáo chứ chẳng lẽ là tù và ah. Lão Chớp buôn chuyện.

Đúng là sáo thiệt, nhưng ta muốn gọi tên khác theo kiểu sáo ngữ mà ta có nói. Vậy ta gọi cái này là “Chụt” và mần luôn bài thơ về “Chụt”. Trong bài thơ ta sẽ dùng toàn “sáo ngữ”, đây là thể thơ Cổ kim hậu hiện đại, được viết trên nền Nhất Thất Lệnh. Các người hãy nghe cho rỏ.

Nghe đây:

Chụt
Khi trồi, lúc thụt
Ngưng vài giây, làm vài phút
Tò te tòm tem, tù tì tút tút
Tỉ tê môi múa mép, mút mút thổi chùn chụt
Bất ngờ nghe tiếng nĩ non, hổn hển đôi lần rồi phụt
Thiên hạ tấm tắc hoài tiếng sáo, nào hiểu cho người thổi sùn sụt

Nghe xong bài thơ Tứ thánh vội vàng bảo nhau:

Về thôi! Về thôi!

Nhìn dáng vẻ vội vàng của họ hình như đã Ngộ ra điều gì…
020

...mấy...huynh...quả...là...các...bậc...cao...phàm...

bái...phục....bái...........

whew!
Hồi trước ta đương chuyện rằng Tứ đại thi nhơn tuy thua Phều Phào nhưng không cam phận, một bữa lang thang vào rừng chơi lại may mắn gặp được tiên nhân chỉ lộn. Sự việc tiếp theo sẽ như thế nào, mời các bạn xem tiếp.

Tứ đại thi nhơn chưa kịp cất bước đã nghe HVN gọi giật lại :

- Hãy khoan! Các bác vừa rồi nghe thơ mỗ, có phải đã ngộ ra điều gì chăng?

Chớp Mắt thi bá nhìn vẻ mặt ba người bạn đồng hành, rồi mới từ tốn đáp :

- Bác nói đúng. Quả thật chúng tôi nghĩ rằng có thể dùng thi pháp “nhất thất lệnh cải biên” mà bác vừa sử dụng để đối địch với một cao thủ đã từng khiến chúng tôi thân bại danh liệt.

HVN lộ vẻ hoài nghi :

- Ồ, cứ như mỗ thấy, công phu của các bác cũng thuộc hàng nhất đẳng, ai có bản lãnh đả bại cùng lúc cả 4 bác được vậy?

Hớ Thiệt thi vương nắm chặt bàn tay, mặt ửng đỏ, căm giận đáp :

- Chúng tôi chỉ nghe hắn xưng là Phều Phào, người xứ Quảng.

Lãnh Diện thi thánh bổ sung :

- Thi pháp của hắn cực kỳ lợi hại, chúng tôi đến giờ vẫn không hiểu đó là loại võ công gì!

HVN suy nghĩ một lát, đoạn bảo :

- Tôi biết rồi, để tôi thử đi một vài đường các bác xem có giống chiêu thức hắn dùng không nhé!

Không đợi tứ đại thi nhơn giả nhời, HVN đọc luôn :

"Tôi lém lước bọt nên tường
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè"


Tứ đại thi nhơn nhất loạt lắc đầu kêu lên “Không giống! không giống!”. HVN bảo :

- Đây là mấy thức đầu tiên trong bài quyền “Đâm ja” của thi sư Bùi Chát môn đồ giáo phái Thơ Hiện đại (1). Nếu không giống thì để tôi thử cách khác.

"Tôi vừa chạy lúp xúp vừa tuột quần
cục xà bông tự tử trong bồn cầu
vì sao tôi cứu sống cục xà bông
bản năng tôi kêu lên:
“Chẳng gì đáng sống bằng cục xà bông.
Mày là thằng tốt.”
Tiếng kêu, giống tiếng cục cứt rớt xuống nước"


Tứ đại thi nhơn lại đồng loạt lắc đầu “Không giống! không giống!”. HVN bảo :

- Đây là mấy thức đầu tiên trong bài quyền “Trước cô nàng đó, cái mùi đó” của thi sư Tiến Dũng môn đồ giáo phái Thơ Siêu Thực (2).

Tứ đại thi nhơn nói :

- Nghe ghê quá! Thử môn khác đi bác!

HVN liền tiếp :

"con dế buồn thèm khóc cuối đêm sương
lũ gián khua râu gặm mòn căn nhà cổ
đôi môi cài then từ mùa yêu năm ngoái
mỏng mòng mong
nhảm nhàm nham
cũ cù cu
mu


chỉ còn nắng thôi nôi ngự trị bảng màu
kết dính em vào anh
chết mấy mùa thu sắp đặt
chuột cống viễn du niềm sa mạc rét mướt"


Trong khi HVN chậm rãi xuất chiêu, tứ đại thi nhơn cảm thấy những chiêu thức này vừa lạ vừa quen. Rồi như chợt nhận ra, cả 4 gã giật bắn mình lùi lại kêu lên : “Đúng nó rồi! Đúng nó rồi!”.

HVN ngừng tay hỏi :

- Có giống chiêu thức của Phều Phào lắm không?

Chớp Mắt thi bá run run :

- Rất giống, nhưng Phều Phào ra chiêu hiểm độc hơn nhiều.

HVN cười :

- Mấy chiêu tôi vừa đánh ra thuộc bài quyền “Trưa, ngồi uống bia hơi một mình tại quán A Sồi, đọc hậu nhảm nhí tân thi trào, cảm thán” của Phú Trạm thi sư (3). Bài quyền này xây dựng trên nền tảng võ học của phái Hậu hiện đại, có nguồn gốc từ Tây phương. Theo tôi đoán thì Phều Phào thi nhơn đã học môn này, rồi nhờ tài năng thiên bẩm mà sáng tạo ra đường lối võ công riêng, có thể gọi là “Hậu hiện đại cách tơn”, đương nhiên sẽ biến hóa khôn lường, các bác thua là phải.

Tứ đại thi nhơn nghe HVN nói vậy vừa mừng vừa sợ. Ngạo Thế thi tiên rụt rè hỏi :

- Cứ như bác nói thì bác rất hiểu loại võ công này, không biết có cách nào khắc chế được chăng?

Hớ Thiệt thi vương cũng nói :

- “Nhất thất lệnh cải biên” liệu có chống được “Hậu hiện đại cách tơn” không bác ?

HVN trầm tư đáp :

- Không phải tôi không muốn giúp các bác. Có điều cái tôi biết chỉ là chiêu thức bên ngoài, còn tâm pháp của mấy loại võ công tối thượng ấy tôi thực sự là chưa từng được học qua. Tuy nhiên, tôi có mấy nhời đường đột, chẳng biết các bác có muốn nghe không?

Lãnh Diện thi thánh vội đáp :

- Quan bác cứ dạy, anh em chúng tôi xin rửa tai cung kính lắng nghe!

Bấy giờ, HVN mới bảo :

- Võ công nào cũng có chỗ hay chỗ dở, khó mà chia ra cao thấp theo cách thông thường. Hai người ở hai môn phái khác nhau nếu phải đọ sức thì đó trước tiên là tỷ thí về công phu tu luyện. Các bác luyện “Thất ngôn bát cú chưởng pháp” đến hỏa hầu cao nhất, vẫn có thể đánh bại một người luyện “Hậu hiện đại thần công” mà chưa tinh thuần.

Thấy tứ đại thi nhơn chăm chú lắng nghe, HVN hào hứng nói tiếp :

- Trong trận chiến với Phều Phào, nguyên nhân chính khiến các bác thất bại là vì các bác rơi vào cái thế “địch tối ta sáng”. Phều Phào biết rõ võ công của các bác, trong khi các bác hoàn toàn không biết gì về công phu của gã. Cho nên, nếu bây giờ các bác luyện thêm được một vài bản lãnh bí mật nữa, thì chắc chắn sau này gặp lại, Phều Phào sẽ khó mà áp đảo được các bác như lần trước.

Hớ Thiệt thi vương vội hỏi :

- Các loại võ công cổ điển như Song thất lục bát chưởng, Lục bát cẩm nã thủ, Thất ngôn bát cú chưởng pháp, Tứ tuyệt côn pháp, Nhất thất lệnh kiếm pháp... chúng tôi đều đã thông thạo cả rồi. Nếu cần học thêm thì phải là loại võ công hiện đại ngoại nhập mới có thể làm cho Phều Phào bị bất ngờ. Xin bác giới thiệu cho dăm ba võ phái mới nổi gần đây để chúng tôi tiện bề tầm sư học đạo.

Tam đại thi nhơn kia cũng gật đầu biểu ý đồng tình.

HVN trầm tư một lát rồi nhỏ giọng bảo :

- Nói đến các loại công phu đối lập với thi học chính tông, ngoại trừ “Hậu hiện đại thần công” còn có thể kể đến “Siêu thực ma công”, “Tượng trưng vô ảnh chưởng”, “Tân hình thức đại pháp”... Muốn học được những công phu này, các bác hãy tìm một người như thế... như thế... rồi làm như thế... như thế... mới mong có kết quả.

Muốn biết HVN xúi dại tứ đại thi nhơn đi gặp gỡ ai và làm gì, mời các bạn theo dõi buổi đọc chuyện lần sau big green


Chú thích :

1. Thơ Bùi Chát, xem thêm
2. Thơ Trần Tiến Dũng, xem thêm
3. Thơ Inrasara, xem thêm. Inrasara tên thật là Phú Trạm, mới thụ phong chức Phó chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam.

E hèm

Ta lại về với ánh sáng của màn đêm
Cây cọ đâm xuyên tàu lá chuối rách nát
Những khối hình lập thể xoay tròn bùng nhùng ảo ảnh
Đầu tàu hú dài.

Cắt chiếc tai
Đoá hoa quằn quại
Hôm nay điên dại
Ngày mai 56 triệu đô la.

Thời gian
Xình xịch
39,5 độ C

Bộ khung xương chỉ còn dính làn da
Ta như cái hộp sữa giấy Vinamilk bị hút hết
Hồng đậu ơi tương tư hay là chết
Ánh đèn màu vẫn lấp lánh màn đêm.


Tiếng làu nhàu bổ vỡ chiếc ti vi
Bộ khung xương biết đi trên hè phố
Chợt thèm bát phở
Đánh rớt tù và.



(20-03-2011, 03:24 PM)chopmat Đã viết: [ -> ]E hèm

Ta lại về với ánh sáng của màn đêm
Cây cọ đâm xuyên tàu lá chuối rách nát
Những khối hình lập thể xoay tròn bùng nhùng ảo ảnh
Đầu tàu hú dài.

Cắt chiếc tai
Đoá hoa quằn quại
Hôm nay điên dại
Ngày mai 56 triệu đô la.

Thời gian
Xình xịch
39,5 độ C

Bộ khung xương chỉ còn dính làn da
Ta như cái hộp sữa giấy Vinamilk bị hút hết
Hồng đậu ơi tương tư hay là chết
Ánh đèn màu vẫn lấp lánh màn đêm.


Tiếng làu nhàu bổ vỡ chiếc ti vi
Bộ khung xương biết đi trên hè phố
Chợt thèm bát phở
Đánh rớt tù và.

Ta lại về với ngôn ngữ riêng ta
Tiếng tù và xập xình
cũng chẳng là gì
đáng lạ
Những bản ngã
những màu tranh cách tân
vẽ theo kiểu trời ơi
tô điểm lên nền thời gian vật vờ
bất chợt bùng lên hối hả

quay quắt tiếng khụt khịt
ta là ta
rút cây sáo xoay ba vòng
liếm đầu môi lên như đứa trẻ
như con chiên ngoan hôn lên đầu thập tự
bất ngờ
ta được phục sinh

Như tiếng chim non líu lo
ta líu lưỡi, tê tê
hai đầu môi như hai gọng kiềm kẹp cứng

Suối nguồn ùa ra
ta úp mặt vào đám cỏ cây hoang dại
và bắt đầu
trình diễn một bản tấu chói lóa
sóng sánh
cô đặc
của khúc phiêu.

* Viết trên nền " Thơ cách tơn hậu hiện đại"
Ngạo ta cảm thán mà rằng,trên đời mấy ai có được nhiều tri kỷ như ta.Đành bắt chước người xưa phóng bút mô tả tri kỷ vậy:

Chớp
Cổ lai nhất xuất thi nhân Chớp
Văn đạo tù và nhất trượng thăng


Lãnh
Nguyệt lạc thâm thâm long vĩ xích
Lãnh Công qui ngoạ bất qui sơn


Nhiên
Lâm đoạn sơn minh,tiểu lộ thường
Chiếu thuỷ xà cừ tề dậy hương
Hoàng Nhiên ân cần, tứ dạ tạc
Hữu đắc phù sinh,phường bất lương



Hoa
Thủ lộng sinh tiêu bạch đoàn phiến.
Nhất phiến nhất thủ bạt thiên sầu
Hữu trung thi mộng Dao Đài khúc.
Đoạn chi nhất tế,bách nan trùng


(20-03-2011, 05:24 PM)Ngạo Thế Cuồng Sinh Đã viết: [ -> ]...
Nhiên
Lâm đoạn sơn minh,tiểu lộ thường
Chiếu thuỷ xà cừ tề dậy hương
Hoàng Nhiên ân cần, tứ dạ tạc
Hữu đắc phù sinh,phường bất lương

đọc một hồi thấy lùng bùng sigh


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13