RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm)
lanhdien > 25-05-2012, 10:31 PM
Chương 8: VĂN CHƯƠNG BÙI GIÁNG TRONG NHỮNG CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN
Nhiều người từng biết đến một thứ văn chương kỳ dị của Bùi Giáng. Nhưng thật ra đó không phải là văn chương đích thực của ông. Ta hãy đọc một số cuốn sách của Bùi Giáng để tìm hiểu về văn của ông. Trước hết là những cuốn ông viết ra trong thời kỳ mới đến Sài Gòn được ít lâu. Chúng được đặt tựa một cách thật khiêm tốn bằng cụm từ mở đầu “Một vài nhận xét về…”, được xuất bản trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1959. Những cuốn sách này được viết ra nhằm mục đích phục vụ cho học sinh trung học. Trong sách có kèm theo những đề bài tập làm văn cho học sinh luyện tập, nội dung liên quan đến các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm…Trên thực tế, đây là những cuốn sách thuộc thể loại giới thiệu tác giả tác phẩm, người lớn cũng có thể đọc được và thấy thú vị.
Thật đáng ngạc nhiên là ở những cuốn sách này, văn chương Bùi Giáng giản dị và quá trong trẻo. Chúng khác xa với thứ ngôn ngữ kỳ dị mà ta thường thấy ở ông sau này. Ta hãy đọc một đoạn văn Bùi Giáng mở đầu phần bài viết về Lục Vân Tiên: “Lục Vân Tiên. Không một cuốn truyện nào đã làm xúc động tuổi nhỏ của chúng ta nhiều bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được người vú già kể cho nghe. Kể đi kể lại mãi, và tôi cứ đòi kể lại cho nghe hoài. Dường như mỗi lần nghe lại, lại thấy mới mãi ra. Từ đó hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên cứ ám ảnh tôi luôn”, “Thế rồi ngày nay tôi lại nói chuyện Lục Vân Tiên với bà con nghe. Tất nhiên là nói sẽ dở lắm. Vì tôi không làm sao có được cái giọng của người vú già là một lẽ. Cái giọng trịnh trọng, chậm rãi, cảm động, lạ lùng, sau khi đằng hắng đủ ba lần, rồi mới bắt đầu: Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Bao giờ cũng vậy, trước khi lựa lời kể lại, bà chậm rãi cao giọng ngâm mấy lời thơ đầu của cụ Đồ Chiểu. Và từ đó, cái câu Ai ơi lẳng lặng mà nghe mãi mãi trong tâm tư tôi sẽ còn vang một âm vang huyền hoặc”.
Ta thấy ở đây giọng văn của một người rất lịch thiệp. Giọng văn của một ông thầy giáo quần áo đóng thùng tươm tất, đầu tóc chải mượt, mắt đeo kiếng trắng. Nó quá khác biệt với những gì mà ta thường hiểu về một thứ ngôn ngữ Bùi Giáng cà riềng cà tỏi được viết ra bởi một tác giả râu ria xồm xoàm áo quần bẩn thỉu. Văn chương bây giờ của ông đẹp và thật mạch lạc. Không hề có những ngôn từ “lai rai theo điệu du côn” như ông tự nhận sau này. Chúng ta hãy chú ý đến điểm này để có cái nhìn chính xác khi tìm hiểu về Bùi Giáng. Nhưng giờ đây, ta hãy đọc tiếp một đoạn văn thật hay nữa của Bùi Giáng để thấy rõ sự bóng bẩy trong câu chữ của ông. Một đoạn văn trong cuốn sách viết về Chinh phụ ngâm: “Rồi những buổi sáng, những buổi chiều, có sương, có khói, có cánh nhạn ở cuối ngàn, có mây hồng vây ải lạnh, người sẽ trở gót ra lại bên đầu cầu, nhìn lại làn nước trong như lọc, kể lể những gì với nước suối, tỉ tê những gì với ngàn dâu xanh. Ngàn dâu xanh ngày kia che khuất bóng chàng, ngày nào sẽ trả lại cho ta bóng chàng về giữa những hàng cờ bay phấp phới?”.
Không chỉ bóng bẩy và hoa mỹ. Ngòi bút Bùi Giáng lúc này còn thể hiện một sự sắc sảo, tinh tế trong khi phân tích tác phẩm. Hãy đọc thêm một đoạn này nữa trong cuốn sách viết về Truyện Kiều để thấy rõ điều đó: “Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia câu chuyện tầm thường, giữa cuộc sống tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu”, “Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất, trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong lòng đau thương của thế kỷ”.
Những áng văn thật là trong trẻo. Nhưng Bùi Giáng chỉ giữ được chất văn này trong mấy cuốn sách đầu tiên ấy thôi. Những cuốn sách khác cách đó một vài năm, là một loại văn chương hoàn toàn khác.
Sau những cuốn sách này, Bùi Giáng tập trung toàn bộ sức lực để viết cuốn Thi ca Việt Nam. Đây là cuốn sách ông đặt rất nhiều tâm huyết, nhưng cuối cùng đành chấp nhận ngậm ngùi cay đắng vì không được cơ quan phụ trách về văn hóa của chính quyền cũ cho phép in ra. Lý do là vì ông đề cập đến quá nhiều văn nghệ sĩ đang sống ở miền Bắc khi đó. Việc này đã khiến ông bị sốc một thời gian. Tiếp theo, ông viết một số cuốn sách có tựa đề bắt đầu bằng cụm từ “Giảng luận về…”, đề cập đến các tác giả như Tản Đà, Phan Văn Trị, Bà Huyện Thanh Quan…Những cuốn sách này cũng rất có giá trị.
Tác giả: Trần Đình Thu