RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm)
lanhdien > 25-05-2012, 07:06 PM
Chôm cái này của đại ca Trần Đình Thu về cho bà con mình đọc
Bùi Giáng - Thi sĩ kì dị
Tác giả Trần Đình Thu
Mở đầu:
Bùi Giáng là một trường hợp vô cùng đặc biệt trong nền thi ca Việt Nam. Đặc biệt trước tiên là các nhà phê bình chính thống hầu như muốn "né"ông, trong khi đại đa số độc giả thì lại rất yêu mến ông. Ngay cả những nhà văn nhà thơ nổi tiếng, nhiều người cũng rất có cảm tình với ông. Chẳng hạn như nhà thơ Huy Cận. Trong bài thơ Thân tình gởi anh Bùi Giáng, Huy Cận viết:
Đôi lời thăm bạn thơ
Thăm tấm lòng tri kỷ
Bao giờ đến bây giờ
Tình thơ không hoen gỉ.
Bùi Giáng là một con người không nhà không cửa không vợ không con. Ông lang thang giau74 đời trong bộ dạng của người mà ta quen gọi là điên. Đầu đội trời, chân đạp đất, áo quần kết đủ thứ xanh đỏ tím vàng, một đám trẻ con rồng rắn theo nhau la ó chọc ghẹo. Đó là hình ảnh thường thấy về ông trên những nẻo đường Sài thành.
Nhưng Bùi Giáng đồng thời là tác giả của sáu bảy mươi đầu sách đủ mọi thể loại, từ văn thơ cho đến dịch thuật, từ giới thiệu tác giả tác phẩm nước ngoài cho đến bàn luận về triết học phương Tây...Chưa nói đến vấn đề chất lượng thì một con số chừng đó đầu sách cũng đủ cho ta thấy một bí ẩn ghê gớm trong con người kỳ dị này.
Vì vậy tìm hiểu về Bùi Giáng là tìm hiểu về một hiện tượng chứ không phải tìm hiểu về một tác giả, một nhà thơ như những trường hợp khác. Trước nay, có rất nhiều người đã viết về Bùi Giáng nhưng phần lớn là những bài viết tản mạn đăng báo hoặc đăng ở những tập san chuyên đề về Bùi Giáng. Chưa có một tài liệu nào nói đầy đủ về toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của ông. Vì thế chung quanh Bùi Giáng có những vô số thông tin hư thực. Nó làm cho độc giả cảm thấy mù mờ. Một đôi người lại thần thánh hóa ông, vì vậy rối rắm chất chồng thêm rối rắm.
Bùi Giáng là người như thế nào? Ông là người điên hay tỉnh? Vì sao ông có thể viết hàng trăm cuốn sách trong tình trạng như vậy? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho trường hợp thi sĩ kì dị này.
Có một điều rất khó giải thích là, thi sĩ đã tạo ra một phạm vi ảnh hưởng quá lớn trong những độc giả của ông. Một số người sáng tác "thơ theo phong cách Bùi Giáng". Tức là bắt chước thứ ngôn ngữ quái dị của ông để làm thơ. Ngay cả văn xuôi cũng xảy ra hiện tượng này. Một số tác giả khi viết truyện ngắn hay tiểu thuyết vẫn thường bắt chước cách đảo ngược từ ngữ hoặc là cách viết liên tục cả trang giấy mà không dùng dấu châm câu...Tất cả những điều ấy đã tạo nên hiện tượng Bùi Giáng độc nhất vô nhị trong lịch sử văn chương.
Chương 1: CUỘC CHẠY TRỐN QUÁ KHỨ
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại một ngôi làng nằm ven sông Thu Bồn, nơi mà sau này có lần ông mơ màng hồi tưởng lại: “Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc. Cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn gò đồi núi thật xanh. Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc”. Đó là ngôi làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, gần năm trăm năm trước, cụ tổ dòng họ này đã theo chân đoàn quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tôn từ Hoan Châu, Nghệ An vào để khai khẩn lập làng, từ đó truyền dõi dòng họ Bùi.
Trải qua nhiều đời, dòng họ Bùi trở thành một trong những dòng họ lớn ở đất Quảng Nam. Dòng họ này đã sản sinh ra những con người nổi tiếng như bác sĩ Bùi Kiến Tín, nhận bằng Y khoa tại Pháp từ năm 1940, người đã sáng chế ra loại dầu gió nổi tiếng mà trước kia ở miền Nam không ai không biết đến là dầu Bác sĩ Tín.
Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chánh qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền. Thuở nhỏ, Bùi Giáng được đặt tên là Bùi Khắc Gián, sau lớn lên đến tuổi đi học, ông được thầy giáo đổi tên lại thành ra Bùi Giáng. Ông Bùi Công Luân, một người em ruột cùng cha cùng mẹ của Bùi Giáng viết: “Không rõ cơ duyên huyền diệu nào đưa đẩy, ba tôi đã gặp được hai bà nội tướng đều thuộc hai gia đình suốt ba đời cần lao theo nếp, gia thanh giữ lễ. Mẫu thân thứ nhất là con gái cụ Phạm Tuấn, một trong năm Ngũ phụng tề phi. Mẹ đầu chẳng may qua đời sớm, lúc hạ sinh người con thứ ba – một gái đầu và hai trai. Mẫu thân thứ nhì là cháu cụ Hoàng Diệu, cũng là một gái đầu lòng, thêm một cô út, có điều, khoảng giữa là một loạt… bảy vị! Anh Bùi Giáng là con trai đầu của mẫu thân sau, tức thứ năm trong gia đình - Sáu Giáng là theo cách gọi miền Nam”.
Sáu Giáng chính là cái tên thân mật mà nhiều người gọi ông. Và Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết:
–Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?
– Và cô có phải cô Bông năm nào?
– Anh còn nhớ rõ, ôi chao
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu
Năm chưa đầy 20 tuổi, Bùi Giáng đã lập gia đình. Sau khi cưới vợ xong, Bùi Giáng dọn ra ở riêng ngay. Ông đi về hướng Tây, lên tận vùng rừng núi Trung Phước thuộc huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Nơi đó, cha mẹ ông có một ít ruộng vườn, có thể trồng cây để sinh sống. Nhưng có lẽ ông đến đó không phải vì sinh kế mà vì một điều bí mật khác. Trong bài viết Chị và anh in trong tập thơ Chớp biển của Bùi Giáng do thân nhân ông ở nước ngoài xuất bản, có đoạn kể về việc ông rời Thanh Châu lên định cư ở Trung Phước như sau: “Dường như anh muốn xa lánh, trốn tránh, thậm chí đoạn tuyệt với một cái gì đó. Có thể là một quá khứ với những kỷ niệm không phai. Có thể là một đoạn đời với nhiều bão dông còn âm ỉ”.
Tuy nhiên cái khung cảnh của một vùng đất miền sơn cước có lẽ cũng gợi cho tâm hồn thi sĩ của ông những niềm thích thú chứ không chỉ đơn thuần là chạy trốn quá khứ. Theo lời tả của ông Bùi Công Luân, thì ngôi làng Trung Phước có phong cảnh rất đẹp, địa thế trải dài bên sông Thu Bồn. Đặc biệt, nơi Bùi Giáng ở thật nên thơ: một mái nhà tranh giữa khu vườn rộng đầy cau.
Trung Phước có lẽ là mảnh đất tươi tốt ươm mầm cho hồn thơ Bùi Giáng. Không rõ bài thơ đầu tiên của ông ra đời từ lúc nào, nhưng trong tập Mưa nguồn in năm 1957, ta bắt gặp những hình ảnh dòng sông mùa nước lũ, bến đò nằm đợi khách, hoa sim hoa mua nở tím – có lẽ là những hình ảnh của chính làng quê này:
“Mây dừng lại chân trời phủ khói
Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ”
“Người xuống theo dòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi sương mây
Suối đá gập ghềnh hôm sớm tụ
Khói mù mịt thổi xuống đồi cây”
Trần Đình Thu