RE: Những bài viết về Bùi Giáng (sưu tầm)
lanhdien > 26-05-2012, 12:22 AM
Chương 24: BÙI GIÁNG BỐN MÙA
Sau năm 1975, Bùi Giáng vẫn không ngừng bước chân ngao du. Thời kỳ này, cũng như nhiều tác giả khác, việc in sách của Bùi Giáng không thể thực hiện được. Có lẽ ông cũng trở nên trầm uất hơn vì không được cầm ngòi bút để sáng tạo. Đến năm 1990, thơ ông được thân nhân in ở nước ngoài, đánh dấu sự trở lại của tác phẩm Bùi Giáng. Năm 1993, tập Mưa Nguồn được Nhà xuất bản Hội nhà văn tái bản. Nhiều người động viên, ông bắt đầu dịch và sáng tác lại.
Năm 1994, ông cùng Trịnh Công Sơn xuất bản cuốn sách có tên gọi Hán Tự Hào Cú. Năm 1996 ông in tập thơ Rong Rêu. Năm 1997 in Đêm Ngắm Trăng…
Có một điều cần lưu ý là giai đoạn sau này, những biểu hiện bên ngoài cho thấy ông vẫn còn bệnh nặng thế nhưng về mặt ngôn ngữ thì ông có vẻ bớt rối loạn hơn. Vào năm 1973, khi tạp chí Văn thực hiện số chuyên đề về ông, có gửi một số câu hỏi phỏng vấn, hầu như ông không trả lời được gì mà chỉ nói loanh quanh. Thế nhưng đến năm 1997, tuyển tập Thời Văn cũng làm số chuyên đề như vậy thì ông lại trả lời phỏng vấn khá rành mạch.
Trong đặc san Tưởng nhớ thi sĩ Bùi Giáng, Phạm Mạnh Hiên kể: “Sau năm 1975, anh Bùi Giáng lang thang đây đó nhiều nơi, một vài ngôi chùa đã mời anh trú ngụ, nhưng cuối cùng anh về nhà người bà con trong một con hẻm sâu trên đường Lê Quang Định. Nơi đây anh có riêng một cái cốc nhỏ nằm khuất trong góc vườn tĩnh lặng. Tôi có đến thăm anh đôi lần. Thấy anh sức khỏe yếu đi vì tuổi già. Với Bùi Giáng tôi nghiệm ra một điều, khi nào anh ăn mặc có vẻ tươm tất chút chút là lúc đó tôi thấy anh nằm ủ rũ, buồn bã lắm. Ngược lại, lúc anh nhảy múa, hý lộng, tôi lại bắt gặp trên khuôn mặt anh niềm vui vô hạn, đúng cái chất Bùi Giáng muôn đời muôn thuở!”.
Phạm Xuân Đài cũng kể: “Từ sau năm 1975, cuộc sống của Bùi Giáng suy sụp xuống một bực, các cơn điên có vẻ mạnh và thường xuyên hơn. Trong vòng đùm bọc của bà con, anh được cư ngụ trong một căn lều nhỏ làm riêng cho anh giữa một khu vườn đầy cây lá. Chỗ ở thích hợp với anh lạ lùng. Nó như một cái am của ẩn sĩ, như túp lều lý tưởng cho một nhà thơ, lại cũng là nơi nương náu đầy may mắn của một kẻ không vợ không con không sản nghiệp. Ở đấy anh được yên tĩnh và tự do. Cái góc xanh tươi kín đáo ấy giữa đất Sài Gòn hỗn độn sau 75 là một món quà đặc biệt mà số phận dành cho một kẻ tài hoa lận đận nhưng rõ ràng là cũng có phước có phần”.
Có một chi tiết thú vị được một người bạn nhỏ của Bùi Giáng là Quang Huy kể lại, cho thấy trong con người Bùi Giáng lúc nào cũng đầy ứ thơ, sẵn sàng tuôn trào. Đó là chuyện ông làm thơ trong cuốn sổ ghi nợ. Số là ông thường qua lại mua rượu, thuốc lá ở cô chủ quán bên cạnh nhà ông đang ở, khi thì xị rượu, khi thì con khô mực, và chủ quán đã dành riêng cho ông một cuốn tập để ghi lại các khoản còn thiếu, thế là ông dùng thơ để ghi luôn. Khi mấy người bạn đến thăm ông, ông nhờ đi mua rượu giúp thì họ mới biết. Những người bạn ông đã trả hết số nợ để xin cuốn sổ mang về làm kỷ niệm. Ta hãy đọc vài câu “thơ nợ” của ông trong cuốn sổ có một không hai đó:
“Hai ngàn rất mực hôm nay
Ra ba rất mực đầu dây nhì nhằng”
“Nợ thêm nợ nữa bây giờ
Một ngàn bất tận bất ngờ tương lai”.
Không chỉ ngạc nhiên về chuyện ông làm thơ ghi nợ mà những người bạn của ông còn ngạc nhiên hơn khi ông không chịu dùng số mà chỉ dùng toàn chữ để thay cho số. Những chữ như đợt một, đợt hai, đợt ba…đáng lẽ viết số thì ông đều viết chữ:
“Đợt nhì: Lại thêm hai hột ba ngàn
Trăm năm sau nữa nghìn vàng tương lai.
Đợt tam: Đợt tam muôn một một lần
Một nghìn vô tận tử phần tình thương.
Đợt tứ: Bình minh rượu đế một ngàn
Còn thêm gói bánh một ngàn là hai.
Đợt năm: Chịu chơi vô tận bao dong
Ba gói kem sữa thong dong ba ngàn.
Đợt sáu (Sáu Giáng): Nợ này có một không hai
Có hai không một đeo dai thượng thừa
Ông ngồi uống rượu đong đưa
Đong đầy đổ ụp móc mưa giậy thừa.
Đợt bảy: Bất ngờ ngẫu nhĩ nhận ra
Một ngàn hụt hẫng từ ta nợ người.
Đợt tám: Chín mươi chín tuổi ở đời
Ở điên uống loạn ăn rồi nói lông bông”,
“Tối hậu: Hai bịch trời ơi
Hai ngàn cả thảy
Thiên thâu tử hình”
“Tái tối hậu: Một nghìn cả thảy hôm nay
Mai sau sẽ nợ mai này sẽ tính sau”
Có một chỗ, ông không tiện gieo vần ngàn nên ông phải gieo vần triệu:
Hôm nay bất chợt trùng phùng
Rượu ngon vô tận đáng mừng rõ thay
Thưa anh trời đất sâu dày
Ba mươi chục triệu có là bao nhiêu
Hôm sau ông lại “đính chính” bằng một câu thơ khá hài hước và thâm thúy:
Té ra dữ tợn lẽ đời
Ấy là lầm một lẽ trời là muôn
Ông điên đảo xiết bao buồn
Nợ nần bốn chục nghìn trùng mai sau
Quả thật Bùi Giáng là một con người suốt một đời sống vì thơ, sống cho thơ, dù tỉnh táo hay không.
Nhưng cuộc đời rong chơi mãi rồi cũng có lúc phải dừng lại, giã từ cuộc chơi. Nói như câu thơ ngày trước của ông “Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại. Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu”. Đó là cái ngày 7.10.1998. Trước đó từ giữa tháng 9-1998, sức khỏe Bùi Giáng đột ngột suy giảm nhanh chóng. Đêm 23-9-1998, trong lúc làm việc thì Bùi Giáng bị ngã quỵ tại nhà. Ông được người em ruột Bùi Văn Ký đưa vào bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh. Khám lâm sàng cho biết có nhiều điểm máu tụ trong não do bị té, tình trạng rất nguy kịch. Bệnh viện Chợ Rẫy chụp Sanner và phát hiện ông bị đứt mạch máu não, tụ huyết dẫn đến hôn mê sâu. Ca mổ đã tiến hành xong và ông vẫn hôn mê. Lúc 14 giờ ngày 7.10.1998 nhằm ngày 17 tháng 8 Mậu Dần, ông trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, hưởng thọ 72 tuổi. Thi hài ông được đưa về quàn ở chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM sau đó an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức vào ngày 11.10.1998, nhằm ngày 20.8 năm Mậu Dần.
Trước lúc mất, Bùi Giáng đã để lại một số lượng thơ chưa in rất lớn. Số thơ này chủ yếu được sáng tác từ năm 1993 trở về sau. Chúng đều được Bùi Giáng phân thành tập và được ông đặt tên cẩn thận. Năm 1998, thân nhân và bạn bè ông đã cho xuất bản tập Như Sương, năm 2001 xuất bản tập Mười Hai Con Mắt, năm 2004 xuất bản tập Thơ vô tận vui...
Tổng kết cuộc đời Bùi Giáng, nhà thơ Phạm Thiên Thư có bài thơ Bùi Giáng bốn mùa nguyên văn như sau:
Ta thấy anh là – con dế điên
Cả mùa Xuân – hát giữa thanh thiên
Mùa Xuân hoa cỏ vương đầy sách
Anh ném thơ ca – xuống võng thiền
Ta thấy anh – là con dế què
Suốt mùa Hạ thầm – hát còn nghe
Anh chưa nhảy khỏi bờ nhân ngã
Lại ném tồn sinh tím vỉa hè
Ta thấy anh – là dế sương mù
Hát ca âm ỉ suốt mùa Thu
Anh mơ hồ cỏ đêm xác nguyệt
Vàng chuỗi Kim Cương mở lối tu
Ta thấy anh là dế nội đồng
Lẫn vào hương cỏ hát mùa Đông
Anh sai ngôn ngữ như phù thủy
Ngôn ngữ đè anh xuống cõi không
Ta với anh – cùng Dế đá trời
Thượng Đế cầm râu ngoáy ngoáy chơi
Chọi với hư vô – đầu trụi tóc
Tìm trong đá tảng – cái chơi vơi.
Tác giả: Trần Đình Thu