Vì sao Dương Quý Phi không được sắc phong ngôi Hậu?
Dương Quý Phi - một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa, nổi tiếng bởi vẻ đẹp "hoa nhường, nguyệt thẹn" khiến Đường Huyền Tông mê mẩn không rời. Vì sao nhận được sự sủng ái, yêu chiều như vậy, mỹ nhân này vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận phận quý phi cho tới cuối đời?
Dương Quý Phi (719 - 756), tên thật Dương Ngọc Hoàn, tự Thái Chân, sinh ra ở Tứ Xuyên, là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc, cũng là quý phi quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Bà là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Cha là Dương Huyền Diễn thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim.
Dương Quý Phi không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, mà còn có tài gẩy tì bà, thông tường nhiều khúc hát và điệu múa làm mê lòng người, trở thành ái phi được sủng ái nhất của triều đại Đường Huyền Tông.
Nhà thơ Bạch Cư Dị trong “Trường hận ca” từng ca ngợi mức độ được sủng ái của Dương Quý Phi bằng hai câu thơ nổi tiếng: "Hậu cung giai lệ tam thiên nhân, tam thiên sủng ái tại nhất thân.” (Hậu cung giai nhân trên 3.000, 3.000 ngàn yêu chiều dồn mình nàng).
Nhan sắc “nguyệt thẹn hoa nhường” của Dương Quý Phi được Lý Bạch tụng ca trong bài thơ: “Thanh bình điệu”: “Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng. Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến, Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng”. (Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng. Gió xuân dìu dặt giọt sương trong. Ví chăng non ngọc không nhìn thấy, Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông.- Ngô Tất Tố dịch).
Vì mê mẩn sắc đẹp của Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông không chỉ tận cùng sủng ái bà mà còn quan tâm, cất nhắc gia thuộc bà vào những vị trí quan trọng trong triều. Ba người chị của Dương Quý Phi lần lượt được phong là Hàn Quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân.
Dương Quý Phi được hoàng đế yêu chiều đến vậy, nhưng vì sao bà không thể đường đường chính chính lên ngôi Hoàng hậu, mãi chỉ mang danh phận của một Quý phi?
Căn cứ vào những ghi chép lịch sử trong “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư”, “Tư trị thông giám”, Dương Ngọc Hoàn tức Dương Quý Phi vốn là vương phi của Hoàng Thọ vương Lý Dục, con thứ 18 của Đường Huyền Tông. Vì say mê nhan sắc của bà, Đường Huyền Tông tìm mọi cách để chiếm hữu cho riêng mình.
Năm 727, trong lần đi tuần tiễu tại miền Tứ Xuyên, Lý Dục ngay lập tức mê mẩn sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Ngọc Hoàn. Sau ba lần thỉnh cầu của Huệ Phi (mẹ Hoàng Thọ vương Lý Dục), Đường Huyền Tông cũng chấp thuận cho Ngọc Hoàn được tiến cung và trở thành vương phi của Lý Dục.
5 năm sau, Đường Huyền Tông mới trông thấy Ngọc Hoàn. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Huyền Tông liền say mê vẻ đẹp giai nhân tuyệt sắc của bà. Bất chấp lễ giáo phong kiến, hoàng đế truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi.
Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Sau đó, Huyền Tông lại sai Cao Lực Sĩ chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương Lý Dục.
Hết 5 năm, Đường Huyền Tông ban lệnh cho Ngọc Hoàn được hoàn tục, rồi triệu vào cung, chính thức sắc phong làm Quý phi. Chuyện này khiến Hoàng thọ vương Lý Dục vô cùng uất hận.
Còn một căn nguyên nữa khiến Đường Huyền Tông mặc dù vô cùng sủng ái Dương Quý Phi, vẫn không sắc phong bà lên ngôi Hoàng hậu, là bởi bà không thể sinh cho Hoàng đế một người con.
Sắc phong hoàng hậu trong các triều đại phong kiến là một việc trọng đại, có sự can dự của các quần thần, chiếu thị khắp thiên hạ. Hoàng hậu phải toàn vẹn dung nhan và đức độ. Con đẻ của hoàng hậu sẽ được lập ngôi thái tử, sau này nối nghiệp đế vương. Vì vậy, ngôi vị hoàng hậu thường do quan hệ huyết thống mẫu – tử mà nên.
Nhưng thời bấy giờ, thái tử được lập từ nhiều năm và đã trưởng thành. Trong khi đó, Dương Quý Phi lại không có nổi một mụn con, nên Đường Huyền Tông đành ngậm ngùi coi bà là hoàng hậu trong tim mình. Đường Huyền Tông rõ hơn ai hết nếu lập bà lên ngôi Hoàng hậu, sẽ gặp phải sự phản đối của Thái tử, Hoàng thọ vương Lý Dục và các quần thần; thậm chí có thể gây nên cuộc biến chính trong triều.
Dù không được sắc phong ngôi hậu, nhưng bà vẫn là người vợ yêu được Huyền Tông say đắm, chiều chuộng hết mực. Như cuộc đi tắm suối của bà mỗi lần tốn hàng vạn bạc của kho, nhà vua cũng sẵn sàng chi trả, không chút tiếc rẻ.
Theo: Báo Đất Việt/Huanqiu, Fenghuang