Trước hết tôi xin nói về nỗi cô đơn. Dường như trong mỗi cá nhân ai cũng đều có và chẳng biết nó bật dậy và bước đi từ khi nào mà thôi. Có thể ngay lúc này, sau đây vài phút, hoặc sau sau nữa...Nhưng cô đơn như thế nào thì mới là điều đáng nói. Ông gì đó xứ Ăng - lê mà tôi không nhớ tên có nói một câu đại loại rằng con người chỉ cô đơn khi đối diện với đồng loại, còn khi đứng trước thiên nhiên thì họ không thấy cô đơn. Mà tôi cũng thấy rất thú vị vì cũng đã đôi lần, cũng từng thích thú và đối diện thế. Mới ngay đây thôi khi hàn huyên với lão ở quán Lối Xưa, sau đó thì lão ra về tôi cũng đã nói với Thanh về chuyện đó. Thanh hỏi tôi rằng sao đi một mình? Và gợi ý rằng ở Đà Lạt cũng có những cái thú vị lắm và khuyên tôi nếu có thời gian thì nên lên đó chơi. Tôi trả lời rằng: Tôi không thích chốn xô bồ cho mấy! Ở đó sẽ có những cuộc vui riêng và dành cho số đông và tôi đối diện hàng ngày. Lúc này tôi chỉ muốn một mình để cảm nhận, cũng như muốn khám phá một điều gì đó mới mẻ, khác lạ...Để được tận hưởng, thích thú. Nó có vẻ như là cảm giác cô đơn mà thật ra không phải, nó là một cuộc kiếm tìm, là một cuộc hóa thân để thấy mình là chính mình. Niềm vui của tôi lúc này chính là sự tĩnh lặng và B,lao đủ để tôi dừng lại và ngồi xuống lắng nghe...Thanh mỉm cười gật đầu và không ngạc nhiên. Chắc Thanh đã quá hiểu vùng đất này, và cũng đã biết được mục đích tôi đến đây.
Ở Nguyễn Đức Sơn chắc hẳn đã xảy ra những điều như thế này...
Bỏ thị thành để về với núi rừng, với heo hút tịch mịch trong nhường ấy năm trời, thì ngoài những lý giải thông thường của người đời như là trốn chạy, bất mãn hay hay bất kỳ một lý do nào đó đi chăng nữa thì cũng chỉ nhận xét sơ sài và không chính xác hết được. Nó cũng giống như câu chuyện trong lá thư mà Nguyễn Bắc Sơn viết gởi cho thiền sư Nhất Hạnh có đoạn như vầy:
" Có một người khách lạ đi ngang qua một thị trấn. Trong thị trấn ấy có ba người sốt sắng. Ba anh chàng này chặn ông khách lại. Anh chàng thứ nhất bảo ông khách: “Anh nên đi đường này”, trong khi anh chàng thứ hai bảo: “Không, đi đường kia mới đúng”. Nhưng anh chàng thứ ba lại bảo con đường anh ta chỉ cho ông khách mới thật là “con đường đúng nhất”. Ba người thi nhau vẽ bản đồ tỉ mỉ trình bày con đường mình đề nghị cho đến khi ông khách chậm rãi hỏi: “Các anh có biết tôi định đi đến đâu không mà các anh sốt sắng chỉ đường thế ?”
Riêng lão, tôi nghĩ nếu không có sự bền bĩ và một tình yêu bao la ,thì khó lòng mà chấp nhận được hoàn cảnh như thế. Với lão tình yêu thơ ca và tình yêu núi rừng mà điển hình là hàng vạn cây thông lão đã ươm mầm và mọc lên ở Phương Bối nó đều như nhau.
Lão ở Phương Bối đã đốt lên ngọn lửa thiêng để rồi rực cháy trên đồi tịch mịch. Nó khiến cho người ta có cảm giác rằng khi đã không còn những ham muốn lẽ thường, những thị phi thế tục thì cuộc quay về để dạo chơi chỉ là bước phiêu bồng mà một khi trót lỡ mang trên vai mình sứ mạng văn chương, và nói theo kiểu Bùi Giáng là " Thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn và sẽ chết đi giữa cây cỏ gây cấn ly kỳ”.
Chắc chắn lão sẽ chẳng thể nào chấp nhận câu nói của họ Bùi. Đừng hỏi lão là vì sao? Lão chẳng bao giờ thèm trả lời lại. Thử nghe những lời này của lão..." với tôi, thông với thơ là một.Trong núi thơ có đồi thông. Trong đồi thông có núi thơ. Núi thơ là đồi thông. Đồi thông là núi thơ."
Bạn thử tưởng tượng gần 30ha đồi được trồng toàn cây thông thì nó phải như thế nào? Nó là cả một chuỗi thời gian miệt mài và không ngừng nghỉ của niềm đam mê dữ dội. Ngay cả việc ươm trồng những cây thông con thôi cũng đủ thấy nó kinh khủng như thế nào, rồi phải trồng trọt, bảo vệ nó thoát khỏi những bàn tay chặt phá vô tội vạ đang ngày đêm rình rập. Lão và cô Phượng cùng các con của mình có thể nói đã tận hiến cho thiên nhiên. Hôm tôi trò chuyện với cô Phượng trong lúc cô ăn cơm tôi có nói đùa rằng: Đại gia mà ăn uống khổ hạnh thế sao cô? Cô tròn mắt ngạc nhiên với hai tiếng "đại gia". Bởi nó lạ lẫm quá chăng? Cả cuộc đời lão và cô sống với núi rừng, nào có mảy may nghĩ đến chuyện tiền bạc bào giờ đâu. Thức ăn chính đều từ những rau cỏ quanh nhà, quanh đi quẩn lại vẫn là công việc trồng thông, nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ thu lợi. Lúc đó chính là tôi cảm nhận vẻ đẹp rõ rệt nhất về cô qua khuôn mặt khắc khổ, già nua kia và cảm thấy khâm phục lão tận cùng. Họ giống như "tỉ phú không tiền". Đó chẳng phải là không màng danh lợi, phú quí giàu sang và chẳng phải là tận hiến cho tất cả đó sao?
Trưa hôm đó khi từ quán Lối Xưa quay lại. Lão khi ấy đã ngủ trưa và tôi trò chuyện với cô Phượng một hồi thì qua phòng khách nghỉ ngơi. Thật sự lúc đó tôi muốn trò chuyện cùng lão để lắng nghe một cuộc gợi mở về văn chương. Nhưng không muốn làm phiền giấc ngủ trưa của lão, nên đành nằm trên chiếc võng mà đong đưa những suy nghĩ về Phương Bối, về lão với những tính nết quái dị, khác người...
Lão đến cuộc đời này để làm gì vậy? Là dạo chơi, hí lộng hay là để dằn xé, đắp bồi...? Hàng loạt câu hỏi tôi đưa ra để rồi phải suy nghĩ. Tôi muốn gặp lão để đặt nhiều câu hỏi, nhưng khi đến nơi thì lại không muốn hỏi nữa. Tôi thấy chẳng cần thiết! Với lão chỉ cần lắng nghe lão trò chuyện tự động mình sẽ suy nghĩ và có câu trả lời cho riêng mình. Lão có một cái gì đó rất mâu thuẫn ngay chính con người lão, mà ngay cả lão cũng không giải thích được huống chi người khác? Tất cả là phỏng đoán, là mơ hồ, là là trong những hằng hà sa số...
Đôi lúc thấy lão cô tịch như đền đài, lặng lẽ tựa hồ thu, rồi có lúc thấy lão ầm ầm như sóng biển sẵn sàng cuốn phăng đi mọi thứ và băng băng như con tàu lao về phía trước. Những phút giây đó thoắt ẩn, thoắt hiện qua từng sát na. Lão tín ngưỡng đạo Phật vô cùng, đặc biệt là khi nói về Thích Ca, nhưng lại không mấy ưa các sư, thầy. Lão nói với tôi " Thích Ca đã cứu nhân loại khỏi sự diệt vong" rồi trầm ngâm đăm chiêu, diệu vợi giống như nhập Thiền. Nhưng chỉ là vài giây phút thôi, rồi bắt đầu một chuỗi văng tục lai láng. Ở trong lão máu " du côn" dường như lúc nào cũng chực chờ để phát tiết. Nhưng phải hiểu rằng đó là thứ máu "du côn" cửa miệng. Lão chưa hề làm tổn thương ai bằng một hành động nào mặc dù luôn miệng thích nói "đánh lộn chơi". Lão thích ăn nói theo kiểu ngang tàng như vậy, nó giống như mấy câu thơ của lão trong tập Tịnh Khâu:
Kiếp trước ta là du đãng
Kiếp này ta đi lảng vảng
Bên cầu tử sinh lỗ tai nghễnh ngãng
Tôi nghĩ đó cũng là một nét hào sảng có phần khí khái đôi lúc pha chút trịch thượng của lão. Lão kể tôi nghe có lần một phái đoàn Phật giáo đâu đó ghé đến nhà tìm con trai lão (con lão xuất gia làm hòa thượng). Lão giới thiệu lão là cha, có gì cứ nói cho lão nghe. Nhưng mọi người thì muốn gặp con lão. Lão liền ngăn cản lại không cho gặp rồi nói với giọng kiên quyết " Các ông bước đến nữa là tôi tự tử chết cho coi". Mọi người thấy có vẻ gay go và có vài người tỏ ra bực bội. Thấy vậy lão liền nói mấy ông cho tôi nói một câu thôi. Mọi người mới hỏi ông muốn nói gì? Lão mới thủng thỉnh đáp " Tôi nhìn mấy ông ,tôi mới biết vì sao gọi là Phật tử...nha ...nha..." Kể xong lão cười đắc ý.
Lão là vậy! chẳng cần bưng bít, bợ đỡ hoặc giả xun xoe ai đó, nó na ná như kiểu của Phùng Quán " yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét" nhưng lại không hẳn vậy. Bởi lão có khi yêu lại thích nói ghét, thích chê bai đôi chút...nhưng tuyệt nhiên không có kiểu ghét thì nói là yêu. Có thể lão giống ở Phùng Quán câu cảm thán này: " Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy" .Lão vịn câu thơ thật, những năm dài nơi núi rừng hiu quạnh chẳng phải lão đã viết rồi xé, xé rồi viết, cứ miệt mài lây lất như vậy đó sao?
Thơ ca với lão như là máu thịt là xương tủy là cống hiến cho mai sau. Khi còn trẻ lão đã xác định rồi " tôi nghĩ viết là viết cho mai sau. Hơn nữa nếu tôi biết chắc chắn rằng hằng hằng thế kỷ sau, những cái gì tôi sẽ viết trong đời sẽ không có ai đọc, tôi bỏ viết ngay... " ( Trích từ Phỏng vấn quan niệm sáng tác của Đại học Bách Khoa với Sao Trên Rừng 1961). Cũng như rừng thông ngoài kia của lão. Nó không phải là hôm nay mà nó là mai sau...
về đây say với trăng ngàn
phiêu diêu hồn ngập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi
mai kia tắt lửa mặt trời
chuyện linh hồn với luân hồi có không
thái hư chừng sắp chuyển vòng
đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
chúng ta chờ ước mong gì
văn minh gửi cát bụi về mai sau..
Lão không tin vào một ai nên lúc nào cũng sẵn sàng ở trong tư thế cô độc. Có trí nhớ dai nhách nên luôn luôn phải đối diện để chất vấn. Điều này khiến lão rất khổ sở cho nên lão tìm đến thiên nhiên để xoa dịu, làm lành với nó cho nguôi ngoai cơn bực dọc chăng? Có lẽ trước thiên nhiên lão thấy mình nhỏ bé lại. Đó là lúc lão yếu mềm nhất...
"một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi"
Hoặc có thể là...
hồn tôi cây cối liên hoan
rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
tuổi vàng suối mộng trời thơ
lớn lên tôi chết trên bờ hư không.
Còn rất nhiều nhiều nữa không thể nói hết được, đối với lão phải là là sống bằng ngọn lửa Tịch mịch và hơi lạnh Thiên thu.
Bửu Ý đã khắc họa lão khá đầy đủ : " là hình ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi. Húc bừa về phía trước, không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Thêm thù và bớt bạn. Đơn độc quắt queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển." Nhưng lão chưa hẳn đã thừa nhận. Vậy mới là tính cách của lão, ngang ngược và thẳng thừng đến thô lỗ. Với lão thì nếu thích làm thơ thì cứ làm, thích đái thì cứ đái thôi...chả phải lăn tăn rách việc.
Hôm mới gặp tôi lão lần đầu sau một hồi trò chuyện tôi mới đọc vài câu thơ của lão, nhưng lúc ấy tự nhiên lúng túng sao lại quên mất vài từ. Chúng ta hẳn nhận ra là thơ ca mà chỉ cần sai một từ thôi đã mất hẳn ý nghĩa thực của nó. Tôi nhớ, lúc đó tôi nói:
" Năm mười bốn em cởi quần ra đái". Lão mắng ầm lên " Ông đọc tầm bậy"...Tôi đành cười xòa để che dấu cái sự mắc cỡ mà nói rằng : " Vậy ông ngon đọc đi...". Lão mới ngân nga...
"Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em cởi truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy
Khắp bầu trời ướt mượt cả lông măng"
Thú thật tôi không mê thơ của lão nhiều lắm. Nhưng ở lão, tôi có sự thích thú riêng mà tôi nghĩ không phải ai cũng có. Đó chính là nó dung tục và trần trụi đến tê điếng trong từng câu chữ. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, những năm 60 mà lão đã có những câu thơ như thế, những câu như..." Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu ngồi/ em chưa đái mà hồn anh đã ướt" nếu nói theo kiểu bây giờ thì rất là " hoành tráng". Sau lão mấy chục năm và sự va chạm ào ạt của công nghệ truyền thông. Đặc biệt là nề nếp " phong kiến" đã không còn khắc khe như trước, gần như đã cởi mở được lớp dây trói buộc về văn hóa. Mọi người đã quen dần và cũng đã chấp nhận nó là một thứ đã và đang tồn tại song hành trong văn chương hiện đại, thì vào thời điểm đó quả là một vấn đề rất ghê gớm. Hôm nay nghe những Vy Thùy Linh hay gì gì đó lãi nhãi và nhai đi nhai lại những thứ ấy thành thứ đặc sản mà tôi bật cười. Chẳng phải lão đã đi trước bọn họ chừng mấy chục năm đó sao? Nhưng những thứ được cho là dung tục của lão còn khoác lên tấm áo mỹ miều của ngôn ngữ chứ không cằn cỗi. Tôi hình dung nó giống như bức tranh khỏa thân vậy, tuy thật sự nó lộ liễu nhưng vẫn có nét đẹp mê hồn. Và đó đã bắt đầu hình thành và khẳng định tính cách của lão, là một cuộc dấn thân, là một sự chấp nhận búa rìu dư luận thời đó. Nhưng nào có đè bẹp được lão đâu? Điều đó cho thấy sự gai góc của lão cũng đã vượt qua khỏi người thường. Cho đến bây giờ khi "trà dư tửu hậu" cùng lão. Nếu ai mong muốn lão nói một điều gì đó êm tai thì thật viễn vông, phù phiếm. Tôi may mắn được lão đãi ngộ và "ban ơn mưa móc" bằng hàng loạt Cờ Lờ Đờ Mờ. Nhưng thú thật là tôi thấy đã, đã chi lạ. Quá hả hê và sung sướng...
Trong vài câu chuyện được nghe lão kể lại, tôi đã thấy những nét ngang bướng đến thẳng thừng của lão. Theo lời lão kể lại rằng; thời đó Phạm Duy có đến chơi với lão và có ý định phổ nhạc mấy bài thơ của lão nhưng lão không chịu. Lão nói với tôi với giọng ngùi ngùi " khi đó tôi đói lắm, nếu chỉ cần Phạm Duy phổ nhạc thì tôi sẽ nổi tiếng và sẽ bớt khổ hơn. Nhưng tôi không chịu!" . Hay như chuyện về vị giáo sư nọ thấy lão có tài, có ý định mời lão về dạy học ở một trường đại học lúc bấy giờ. Lúc ấy thấy lão đi ngang quán cà phê. Vị giáo sư nọ đang ngồi trong đó bằng gọi lão vô và đưa cho lão một cọc tiền rồi nói ý định của mình. Lão lắc đầu không nhận lời. Lão nói rằng " Thà ông kêu tôi dạy Toán, Lý...hay cái gì đó tôi còn về kiểm tra sách vở lại để mà dạy. Chứ riêng văn học thì tôi không thể nào! Bởi nó không phải là thứ để dạy cho người ta hiểu rõ ràng, không phải là bất kỳ ai làm văn thơ hay là đều có thể dạy tốt được...". Thế đấy! Một khi mà lão không thích thì cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào lão cũng không bao giờ chấp nhận.
Lão thường xuyên tiếp khách, những người khách lạ quen đủ cả. Nếu như khách tìm đến hỏi lão về Thơ thì lão thích nói về những cây thông hơn, kể chuyện lão trồng thông và gìn giữ nó như thế nào. Thế nhưng khi viết bài mà ca ngợi lão trồng thông thì lão phàn nàn và không thích thú. Lão nói "tụi nó toàn viết về thông chứ có viết về thơ tôi đâu" Thật lạ lùng như thế. Rất mâu thuẫn...Nhưng nếu viết về thơ lão thì lão đau đớn kêu lên:
Ôi thôi mắc tội tày đình
Ngàn năm cái giống phê bình thơ ca
Hồn không bằng chiếc lá đa
Múa may chữ nghĩa làm cha tôi kìa!
Những suy nghĩ như thế cứ trôi dài đi, chiều xuống thật nhanh từ lúc nào mà tôi không hay. Tôi qua phòng lão thì không thấy lão nằm đó nữa, vội lấy điện thoại ra alo thì nghe bên kia lão nói "tôi đang có chuyện một chút nha...nha...". Một mình ngồi nhìn những cây thông đang chen lấn nhau phía trước mặt. Bất giác tôi thầm thỉ với chính mình rằng đây là thơ của lão chăng? Là đứa con tinh thần vô giá mà lão đã đổ bao nhiêu công sức và có cả máu xuống đó chăng? Những câu thơ trên trang giấy tựa như những phấn thông đang tràn ngập nơi này? Là những giọt máu trên đồi biết trổ bông.
Rồi lại nhìn những biến đổi của thời tiết nơi này chẳng khác gì lão. Nó mơn man đó rồi lại buồn thẳm sâu hun hút...Bạn nhìn những bức hình này sẽ thấy nó thay đổi qua từng sát na:
Ánh nắng vừa khẽ lướt qua rồi biến mất chỉ trong hai lần bấm máy liên tục từ chiếc máy ảnh. Rất nhanh đến bất ngờ như đang dự báo một điều gì đó sắp thay đổi...
Tiếng gậy lộc cộc của lão vang lên từ phía sau núi đang rõ dần. Lão chậm rãi ngang qua thềm nhà và nói " Ông về đi...nha...nha...Trời sắp mưa lớn lắm rồi...nha nha...Ông về không kịp thì tối công an đến hỏi tôi và làm khó cho tôi lắm...nha nha...". Tôi bật cười gật đầu và im lặng không nói gì, nhìn lão đang lò dò chống gậy lên đồi tìm cô Phượng.
Trời bây giờ đen kịt lại, bác xe ôm cũng đã đến rước tôi...Chạy vội ra xe và nhìn lên đồi Phương Bối. Hình ảnh lão chống gậy đi lên, bóng dáng cô Phượng từ phía sau núi chạy vào nhà...Tôi đưa tay vẫy vẫy và chào tạm biệt. Có gì đó thật miên man quá. Sau phút hội ngộ là một cuộc chia tay. Lão lại tiếp tục về với thế giới riêng của lão. Thế giới tịch mịch và hơi lạnh thiên thu... Tôi về lại với tôi, với tháng ngày lăn lóc mưu sinh thực tại. Cảm giác chua chua, nghẹn nghẹn lại trào dâng.
Tạm biệt Phương Bối - Tạm biệt B,lao của muôn vàn cảm xúc.
Hẹn với lão một buổi trở lại và ăn hại hơn xưa.
The end