Các khái niệm căn bản trong thơ - Tiết 2
Chào các bạn,
Hôm trước chúng ta đã nói về các chất liệu chính của thơ là vần, giai điệu, nhịp, hình tượng, ý và tứ. Những chất liệu này hòa hợp với nhau, cùng xâm nhập vào nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính của người đọc.
Làm thơ cũng như làm bánh, các chất liệu trên có thể ví như đường, bột, trứng, sữa... Còn làm ra loại bánh nào lại là chuyện khác. Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về một số khái niệm liên quan đến loại bánh - thơ.
Thể thơ
Có khá nhiều thể loại thơ. Tùy vào đặc thù ngôn ngữ mà người ta tạo ra các thể thơ khác nhau. Như Việt Nam ta có Ngũ ngôn, Lục bát, Tứ tuyệt... Trung Quốc có Cổ phong, Tuyệt cú, Thất ngôn bát cú Đường luật... Pháp có Dactyle, Ballade, Sonnet, Rondeau...
Về sau này người ta cũng tạo ra những thể loại mới hơn như thơ Tự do, Không vần...
Những thể thơ cổ điển thường có một số nguyên tắc nhất định về cách dùng thanh bằng thanh trắc, số âm tiết trong câu, số câu trong bài... Các học viên tự tìm hiểu thêm qua tài liệu dưới đây :
Đại cương về các thể thơ
Trường phái
Trong các loại hình thơ truyền thống, trường phái thường được đồng nhất với thể thơ. Ví dụ như trường phái thơ Đường sẽ gắn với các thể thơ đặc trưng của Đường luật. Khi thi ca phát triển đến thời kỳ hiện đại, các nhà thơ không chịu được sự trói buộc của các phép tắc luật lệ quy ước bởi thể loại, họ bèn tạo ra các trường phái thơ mới mẻ hơn mà trong đó, vai trò của thể thơ đã bị làm lu mờ đi.
Một số trường phái thơ có thể nhắc đến là Tân hình thức, Siêu thực, Ấn tượng, Trừu tượng, Hậu hiện đại.... Trong truyền kỳ về Tứ đại thi nhơn, tôi cũng có đề cập qua, mời các bạn xem thêm :
Một số trường phái thơ đương đại
Trường phái thơ ngày càng đa dạng phong phú. Nhiều nhà thơ tự sáng tạo ra những kiểu cách quái dị trong dùng từ, đặt câu và cấu tứ, rồi đặt một cái tên. Bạn bè anh ta a dua theo, tung hê lên rồi cũng thành ra một trường phái mới. Trong giới hạn của giáo trình này, chúng ta sẽ không đi sâu vào các trường phái nói trên. Học viên có thể tham khảo thêm ở bên ngoài qua các tài liệu sau :
Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc Hậu hiện đại Việt- Đỗ Quyên
Về trường phái thơ “Tân… con cóc” của Nguyễn Quang Thiều - Trần Mạnh Hảo
Trào lưu
Trào lưu là khuynh hướng chung nhất trong sáng tác thi ca tại một thời kỳ lịch sử nhất định. Nếu trong một trào lưu, các tác giả chủ chương ủng hộ chỉ một trường phái, thì trào lưu có thể được đồng nhất với trường phái. Ví dụ như trào lưu Thơ mới của Việt Nam thời trước gắn với trường phái Thơ mới, xét trong tương quan đối lập với các trường phái thơ truyền thống.
Trong giới hạn của giáo trình này, chúng ta sẽ không đi sâu vào các trào lưu thơ. Học viên có thể tham khảo thêm ở bên ngoài qua các tài liệu sau :
Chuyển động thơ Việt Nam hiện đại – đương đại - Anh Chi
Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại - Inrasara
Đỏng đảnh nàng thơ - Tiểu phẩm vui của Huỳnh Cương
Thi pháp
Hiểu đơn giản là cách làm thơ. Đây là tổng hòa của yếu tố cá nhân - phong cách riêng của nhà thơ - với yếu tố cộng đồng - ảnh hưởng đến từ các trào lưu và trường phái. Không có 2 nhà thơ có thi pháp giống nhau, dù họ cùng làm theo một thể thơ, đi theo cùng một trường phái và sáng tác trong cùng một trào lưu.
Thi pháp của một nhà thơ là cái gì đó rất khó để diễn giải cụ thể bằng lời lẽ, nhưng có thể cảm nhận được bằng trực giác khi đọc một vài câu thơ. Thi pháp của một nhà thơ hình thành bởi vốn sống, nhân sinh quan, thế giới quan và tư tưởng của chính anh ta.
Giọng thơ
Giọng thơ là cái hàm ý phía sau mà tác giả gửi gắm vào trong bài thơ. Giọng thơ quyết định cách thức mà nhà phê bình thẩm định tính chất văn chương và giá trị nghệ thuật của một tác phẩm trong sự tương đối giới hạn bởi mục đích mà tác giả muốn đạt tới.
Chẳng hạn một tác giả viết bài thơ vì mục đích cổ động, thì hàm ý phía sau bài thơ là kêu gọi người đọc làm một cái gì đó. Giọng thơ lúc này là giọng thơ cổ động. Từ đây, người bình tác phẩm này phải dựa trên cái mục đích cổ động của tác giả để định lượng và định tính các giá trị của nó.
Ví dụ một số giọng thơ tiêu biểu : trào phúng và châm biếm (Tú Xương, Bút Tre...), cổ động tuyên truyền (Tố Hữu, Tố Nhiên...), bi tráng, sầu muộn, diễm tình, hư ảo...
-----------------
Bài tập :
Sau các nội dung đã học và tham khảo mở rộng, học viên hãy trả lời các câu hỏi sau :
1. Xác định đâu là ý, hình tượng và tứ trong câu ca dao dưới đây :
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
2. Bài thơ sau thuộc thể loại nào, thuộc trường phái nào, và mang giọng thơ gì :
(13-05-2011, 02:51 PM)Phụng Đã viết: QUÀ CHO ANH
Em đi chơi Hà Nội,
Hỏi anh thích quà gì,
Lòng vui nhưng miệng nói,
Em bày vẽ mà chi ?
Nhưng lòng em đã mở,
Anh từ chối sao đành,
Thì liệt kê một dãy,
Những gì cần cho anh.
Trước tiên là hoa sữa,
Nghe nói thơm nồng nàn,
Hãy ướp hương vào tóc,
Và nhớ đừng để tan.
Khi nào em vào lại,
Tóc còn vương vấn mùi,
Anh nhận quà bằng mũi,
Ngửi nửa ngày là vui !
Hôm nào chiều dịu mát,
Khi hoàng hôn bắt đầu,
Hãy xòe đôi tay nhỏ,
Hứng nắng nồng thật lâu.
Khi nào em vào lại,
Tay còn ấm nắng chiều,
Anh nhẹ nhàng cầm lấy,
Coi như quà tình yêu !
Có bao nhiêu đặc sản,
Những quán đứng quán ngồi,
Em ráng nếm cho hết,
Để vị ngấm vào môi.
Khi nào em vào lại,
Miệng môi rất đậm đà,
Vị ẩm thực Hà Nội,
Anh… nếm mà xuýt xoa !
Đêm gió trời khẽ hát,
Hồ Tây tiếng sâm cầm,
Những giọng người Hà Nội…
Tai em hãy ghi âm.
Khi nào em vào lại,
Anh áp má vai kề,
Nghe lời em kể lại,
Thả hồn vào đam mê.
Khi đi em nhớ ghé,
Thăm 36 phố phường,
Thu hết vào tầm mắt,
Những gì thiệt thân thương.
Khi nào em vào lại,
Trong ánh mắt yêu kiều,
Bao điều em đã thấy,
Anh nhìn bằng thương yêu.
Ước mong thì nhiều lắm,
Nhưng sợ em phiền lòng,
Nên chỉ nhờ... chừng đấy,
Em cố làm, nghe hông !
Em đi chơi ngoài ấy,
Thân là gái miền Nam,
Hồn ướp hương vị Bắc,
Làm “quà” ai hổng ham ?