Thi Ẩm Lâu

Phiên bản đầy đủ: Chuyện Đông chuyện Tây - An Chi!
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Trang: 1 2 3 4
Hôm trước có Mặc Thôi tiên sinh đề nghị tôi làm cái box "giải đáp tất tần tật" về Hán ngữ và những thứ tương tự vậy. Dĩ nhiên tôi phải nhã nhặn chối từ 030 Nay nhân đọc "Chuyện Đông chuyện Tây" của ông An Chi (trên Kiến thức ngày nay gộp thành 6 quyển), thấy là một mục có thể đúng như ý tiên sinh, tôi post lên để các đồng tiện cùng nhã giám.

Do tính chất chiên môn của TAL, tôi xin post chỉ phần lớn những vấn đề liên quan đến văn học. Ngoài ra, có thể thêm một số câu hỏi thú vị về đời sống theo thiển ý cá nhân.
7- (KTNN 96, ngày 15-11-1992)
Tại sao lại gọi những người bán nam bán nữ (lại cái) là "pê-đê”.

AN CHI: Cái tên pê-đê dùng để chỉ những người bán nam bán nữ là kết quả của một lối hiểu sai lệch nay đã trở thành thông dụng. Đó là do tiếng Pháp pédé, dạng tắt của pédéraste. Đây là một danh từ gồm hai từ căn gốc Hy Lạp: péd- (<paidos = trẻ con) và -éraste(<erastês = si mê). Vậy pédéraste là người si mê trẻ con. Còn cái nghĩa đích thực của từ này là: kẻ đàn ông hành dâm vào hậu môn của một bé trai. Nghĩa này đã cho ra nghĩa rộng thông dụng hiện nay là: kẻ loạn dâm hậu môn. Vậy pédé trong tiếng Pháp không hề có nghĩa là "lại cái".
12- (KTNN 98, ngày 15-12-1992)
Tại sao lại nói "ruột đau chín chiều'? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?

AN CHI: Chữ chiều ở đây chính là chữ mà Huình-Tịnh Paulus Của viết chìu và giảng là "chỗ uất khúc, vạy vò", (Đại Nam quấc âm tự vị, tập I, Sài Gòn, 1895,tr. 145). Đây chính là cái nghĩa gốc đã cho ra nghĩa thông dụng hiện đại của chiều trong chiều hướng, đường một chiều, v.v. Ruột đau chín chiều là dịch ý của mấy tiếng Hán cửu hồi trường nghĩa là "chín (lần) quặn ruột". Giản Văn Đế nhà Lương có viết: "Bi dao dạ hề, cửu hồi trường" (Đêm buồn dài dặc hề, chín lần ruột quặn). Tư Mã Thiên cũng viết: "Trường nhất nhật nhi cửu hồi" (Một ngày mà ruột quặn chín lần). Cái nét nghĩa "uất khúc, vạy vò" của từ chìu, mà Huình-tịnh Paulus Của đã ghi, rất ăn khớp với cái nghĩa của tiếng hồi là "quanh", là "quặn". Vậy chín chiều là "bản dịch" rất sát của cửu hồi (cửu = chín, hồi = chiều, nghĩa là quặn) nhưng do cấu trúc của nó về mặt thuần túy hình thức rất giống với cấu trúc của "(đường) một chiều hoặc" (một sớm) một chiều nên mới dẫn đến hai cách hiểu nhầm đã được ghi nhận trong câu hỏi. Cuối cùng, cũng phải nhắc lại rằng nếu theo đúng chính tả hiện nay thì chữ chìu của Huình-tịnh Paulus Của phải được viết là chiều (Những chữ chiều trong chiều theo, chiều lòng, trăm chiều, v.v. đều được ông nhất loạt viết thành chìu).
13. (KTNN 98, ngày 15-12-1992)
Tại sao có người lại cho rằng câu "Mũi dại lái phải chịu đòn" đúng ra phải là "Mũi vạy lái phải chịu đòn"?

AN CHI: Hình thức gốc và đúng là Mũi vạy lái phải chịu đòn. Câu tục ngữ này bắt nguồn từ đặc điểm của nghề ghe thuyền. Mũi vạy là mũi lệch, mũi không đi đúng hướng cần thiết, có thể do nước xoáy hoặc nước xiết. Trong điều kiện này người cầm lái đương nhiên phải vất vả và phải vững tay vì anh ta là người chịu đòn. Chịu đòn ngon lành thì thuyền sẽ ngon lành vượt qua dòng nước xiết hoặc cơn nước xoáy. Chịu đòn kém cỏi thì thuyền sẽ chông chênh, thậm chí có thể bị lật. Vậy chịu đòn là gì? Là dùng sức của mình mà ghì cây đòn lái cho vững, không để cho cái bánh lái bị dòng nước làm chao đảo, quặt quẹo gây nguy hiểm cho con thuyền. Câu tục ngữ muốn nói đến vai trò và tráchnhiệm của người chỉ huy trong tình thế khó khăn, nguy hiểm. Từ nguyên dân gian đã biến nó thành "Mũi dại lái phải chịu đòn" đưa đến cách hiểu hiện nay rằng dại là từ trái nghĩa với khôn còn chịu đòn là bị đánh bằng roi vọt. Tuy nhiên, cái nghĩa ví von của câu này thì lại không khác lắm so với cái nghĩa của câu gốc.
20. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Tại sao lại gọi là "ông Táo"? "Táo" là gì?

AN CHI: Táo là tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa Ià bếp. Đại táo là bếp to, nấu cho chiến sĩ (quân đội) hoặc nhân viên (cơ quan) ăn tập thể rất đông người. Trung táo là bếp vừa, nấu cho cán bộ trung cấp. Còn tiểu táo là bếp nhỏ, nấu riêng cho cán bộ cao cấp. Lại còn có đặc táo là bếp nhỏ loại đặc biệt thượng hảo hạng. Theo tín ngưỡng xưa, bếp có thần bếp gọi là táo quân, táo vương hoặc táo thần, khẩu ngữ còn gọi là táo công. Người Việt Nam đã dịch táo công thành ông táo. Dân gian Việt Nam còn lấy hai tiếng ông táo để chỉ từng hòn trong ba hòn đất dùng để bắc chảo bắc nồi lên mà xào mà nấu. Những hòn đất này thoạt đầu thì cháy nám, rồi lâu ngày dài tháng, trở nên đen thủi đen thui (vì vậy mà trong khẩu ngữ ở Nam Bộ trước đây, người ta còn dùng hai tiếng ông táo để gọi đùa người Ấn Độ, rồi về sau cả lính da đen nữa).
21- (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Tại sao lại nói "ngày tư ngày tết" và “tư niên" (là quanh năm). Hai tiếng "tư” này có liên quan gì với nhau hay không?

AN CHI: Hán ngữ có một từ ghi bằng chữ 玆 , mà âm Hán Việt là tư, có nghĩa là năm, là mùa. Mathews' Chinese-English Dictionary (p.1023. ch.6935) giảng là: "A year, a season”. Sách Lã thị xuân thu có câu: “Kim tư mỹ hòa, lai tư mỹ mạch” nghĩa là mùa này tốt lúa gạo, mùa tới tốt lúa mì. Vì nó cùng một trường nghĩa với tết nên người ta đã ghép nó với từ này thành tư tết, rồi lại xen ngày vào mà nói thành ngày tư ngày tết.

Còn tư trong "tư niên” thì lại không liên quan gì đến tư trong "ngày tư ngày tết" cả. Nó là tư trong tư bề, tư mùa, nghĩa là một biến thể ngữ âm của tứ là bốn. Tư bề là bốn bề, nghĩa là mọi phía; tư mùa là suốt bốn mùa, nghĩa là quanh năm. Sự di chuyển tự nhiên và hợp lý từ bốn sang mọi, sang quanh trong nghĩa của tư bề, tư mùa đã dẫn đến cách hiểu sai lệch rằng tư có nghĩa là quanh, là khắp, là cả, v.v.. Với cách hiểu sai lệch này, người ta đã nói tư niên mà hiểu là quanh năm.
27. (KTNN 101, ngày 01-02-1993)
Con dâu của vua gọi là gì? Tại sao con rể của vua lại gọi là “phò mã”?

AN CHI: Con dâu của vua gọi là hoàng tức. Hoàng là một thành tố chỉ những gì thuộc về vua, liên quan đến vua. Tức là dạng tắt của tức phụ đã trở nên thông dụng, có nghĩa là con dâu. Con rể của vua vốn được gọi là hoàng tế (tế là rể). Từ đời Ngụy, đời Tấn, chàng rể được phong làm phụ mã đô úy, gọi tắt là phụ mã, âm xưa là phò mã. Đây là một chức quan chuyên trách việc ngựa xe cho vua, anh chàng hoàng tế được cái tên phò mã là nhờ ở chức này.
31. (KTNN 101, ngày 01-02-1993)
"Tiền cheo" là tiền gì?

AN CHI: Trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã liên hệ lệ nộp cheo Ở Việt Nam với tục lan nhai (chặn đường) của Trung Hoa. Còn Phan Kế Bính thì đã nói rõ như sau: "Lệ cưới xin phải nộp tiền lan nhai cho làng, thể gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc năm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng, bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng tương đương nhau. Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc năm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, v.v.. Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau và người ngoài cũng không có phép mà tranh cạnh được nữa (Việt Nam phong tục, Nxb Đồng Tháp, 1990, tr.180-181).

Thế là Phan Kế Bính đã nói rất rõ về khái niệm cheo. Nhưng việc cả ông lẫn Đào Đây Anh liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai thì lại là một việc không đúng. Lan nhai (chặn đường) là một tục lệ khác mà chính Phan Kế Bính cũng có nói đến khi ông mô tả lệ giăng dây: "Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải chọ” (Sđd, tr.59). Đây mới đích thị là tục lan nhai.
32. (KTNN 102, ngày 15-02-1993)
“Chữ D.C. sau chữ Washington (Washington D.C.) là chữ gì ?

AN CHI : D.C. là 2 chữ đầu của District (of) Columbia. District of Columbia là một hạt liên bang, khác với Columbia là thủ phủ của bang South Carolina. Vì Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nằm trong hạt liên bang Columbia nên người ta thường viết Washington D.C. để phân biệt nó với Washington là tên một bang ờ miền tây bắc Hoa Kỳ mà thủ phủ là Olympia.

33. (KTNN 102, ngày 15-02-1993)
“Tại sao lại nói “con gái con đứa” để chỉ con gái và “đàn ông đàn ang” để chỉ đàn ông ?

AN CHI : Từ điển tiếng Việt 1992 giảng rằng con gái con đứa, là một lối nói của khẩu ngữ hàm ý chê bai để chỉ gọi con gái nói chung. Đây chỉ là cách giảng theo nghĩa hiện đại. Còn xét về lịch đại thì con gái con đứa lại có nghĩa là con gái con trai. “Trai” là nghĩa xưa của đứa. Nghĩa này biến mất khỏi tiếng Việt hiện đại nhưng trong tiếng Mường – một ngôn ngữ cùng gốc với tiếng Việt – thì đứa vẫn còn có nghĩa là “trai” (Xem, chẳng hạn, N.K. Skolovskaja, Nguyễn Văn Tài, Jazưk mương, Moskva, 1987, tr. 189, từ 1830). Vì không còn biết được nghĩa của đứa nữa nên người ta mới dùng cụm từ con gái con đứa để chỉ con gái một cách khái quát.

Trường hợp của đàn ông đàng ang cũng tương tự. Ang là biến thể ngữ âm của áng trong áng ná mà Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes và Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đều giảng là “cha mẹ”. Vậy ang là cha và đàn ông đàn ang là bậc ông bậc cha (so sánh với đàn anh đàn chị, chẳng hạn). Vì không còn biết nghĩa của ang là gì nữa, nên người ta mới dùng cụm từ trên đây mà chỉ đàn ông nói chung, có hàm ý đùa cợt, tưởng rằng ở đây đàn ông đối nghĩa với đàn bà và cụm từ đang xét là kiểu từ lấp láy (mà không ngờ rằng ở đây đàn ông là “bậc ông”, cũng như đàn anh là “bậc anh” và đàn chị là “bậc chị”.
Thấy ngộ ngộ hè 015
Trang: 1 2 3 4