Hơn 18 năm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, Thiếu tá Trang Hải Âu, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/2 Phúc Tần - Trường Sa, là người giữ “kỷ lục” Việt Nam về thời gian sống và làm việc trên nhà giàn.
Trở về đất liền, ông lại tiếp tục làm công việc gắn bó với biển tại một đơn vị trong ngành Dầu khí. Sống cuộc đời gian khổ xa đất liền, xa những toan tính đời thường và nhiều hy sinh trong hạnh phúc riêng tư, người lính dạn dày kinh nghiệm và giàu sức chịu đựng ấy có một tình yêu rất sâu đậm và thiêng liêng với vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Ở nơi mọi nỗi khổ trên hành tinh đều có
Thiếu tá Trang Hải Âu - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/2
Vừa trở về đất liền, điều đầu tiên mà Thiếu tá Trang Hải Âu nói đến trong câu chuyện với chúng tôi về hơn 18 năm lăn lộn trên biển, “đó là nơi mà mọi nỗi khổ trên hành tinh đều có”. Dù ông nói với giọng cười rất thoải mái và tự gọi vui mình cùng đồng đội là những người “đầu đội trời, chân đạp sắt”, nhưng ký ức đó cho chúng tôi biết về rất, rất nhiều gian khổ mà người lính trên nhà giàn phải trải qua. Xa người thân, xa đất liền, những người lính phải chịu thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Mỗi lần tàu “mở dây”, mọi lo toan cho cuộc sống riêng của họ phải gửi lại gia đình, vợ con, mọi tin tức người thân chỉ đến sau 2-3 tháng. Tuy vậy, tin buồn tứ thân phụ mẫu qua đời thì phải căn cứ tâm lý người có tang để thông báo kịp thời.
Có những lần giữa đêm khuya, Thiếu tá Âu buộc phải gọi một người lính dậy để báo tin buồn… Giữa biển khơi mịt mùng, nỗi đau mất cha mẹ càng trở nên da diết hơn bao giờ hết, cả nhà giàn cùng thức dậy và gồng mình chịu đựng! Hiện nay cuộc sống trên nhà giàn đã được cải thiện đáng kể, có điện, có tivi, có sóng điện thoại di động, Internet… nhưng việc thiếu nước ngọt và rau xanh vẫn chưa có cách giải quyết. Anh em vẫn phải dùng nước sinh hoạt theo “công thức”: mùa mưa 3 xô/người, rồi giảm dần còn 2 xô, 1 xô, dùng can, khi hết thì dùng theo lệnh của chỉ huy. Rau xanh thì chỉ được ăn thoải mái vào những ngày tàu mới ra. Khó có thể kể hết những khó khăn đời thường trên nhà giàn. Đơn giản như hỏng hóc một vật gì nhỏ nhất cũng phải đợi tàu ra…
Chỉ có cuộc sống khắc nghiệt trên biển mới làm nảy sinh những tình huống rất oái oăm. Một lần có cha con ngư dân ở Quảng Ngãi đi mò hải sâm và bị cá đuối đâm, bụng chướng lên vì bị tắc đường tiểu. Không thể không cứu người bệnh, trong khi nhà giàn chỉ còn 1 ống thông tiểu buộc phải để lại dự phòng, y sĩ không biết phải làm sao và hỏi ý kiến chỉ huy trưởng. Cuối cùng thì một quyết định “chưa có tiền lệ” được đưa ra: cắt đôi ống thông tiểu, 1 nửa để cấp cứu cho ông già ngư dân và 1 nửa để dự phòng. Việc đó tưởng như rất nhỏ, nhưng chỉ huy giàn và y sĩ phải dám chịu trách nhiệm, vì rất có thể sẽ xảy ra tình huống có chiến sĩ bất ngờ bị bệnh.
Thiếu tá Trang Hải Âu và đồng đội đã từng đứng trước nguy cơ nhà đổ cận kề. Những con sóng dội như bom vào chân đế, nhà giàn rung bần bật và cái chết gần như đã báo trước, đòi hỏi người chỉ huy phải có bản lĩnh rất kiên cường. Thiếu tá Âu yêu cầu họp Chi bộ Đảng, thống nhất tập thể chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc và yêu cầu niêm phong, hủy tài liệu, chuẩn bị áo phao, gạo rang, bông băng, thuốc chống cá mập, từng người viết tên tuổi cho vào bao nilon… để sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống. Đến giờ ăn, cơm vẫn phải nấu như bình thường, dù trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” đó không ai có tâm trạng cầm bát đũa! Thiếu tá Âu bình tĩnh yêu cầu mỗi anh em phải ăn ít nhất hai bát cơm để có sức chiến đấu. Chính những lần thử thách cam go đó đã rèn luyện nên bản lĩnh vững vàng giúp những người lính như ông đương đầu và vượt qua mọi gian khổ.
Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ
Có lẽ như một duyên nợ, người mang tên loài chim biển – Trang Hải Âu – đã có cuộc đời gắn liền với những con sóng. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi Bộ Quốc phòng giao các quân khu chọn những sĩ quan có năng lực và kinh nghiệm chỉ huy đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại các nhà giàn trên quần đảo Trường Sa, Thiếu tá Trang Hải Âu đã được điều động về làm Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/2 Phúc Tần. Từ chú bé mồ côi cha ở vùng quê nghèo Thanh Nho, Thanh Chương, Nghệ An, ông đã vào học khoa Chỉ huy Binh chủng Hợp thành – Trường Sĩ quan Lục quân II và trải qua chặng đường binh nghiệp nhiều gian khổ ở Quân khu IV và Lào. Chồng ở Trường Sa, vợ và cậu con trai 3 tuổi vẫn ở trong mái nhà tranh, thương vợ con quá, ông phải vay tiền đơn vị làm nhà.
Thiếu ta Trang Hải Âu trong một chuyến về bờ, phía sau là Nhà giàn DK 1/2
Dù phải chịu nhiều hy sinh trong cuộc sống riêng, vợ ông nhiều lần giận dỗi “thôi bố về bờ đi…”, hay con gái không chịu cho bố bế khi ông về thăm, lúc con bắt đầu quen hơi thì bố lại ra giàn; nhưng cuộc đời ông gắn bó với biển cả đến hơn 18 năm vì những lý do rất giản dị và đáng quý. Ông nói: “Mình đi vì mình quen rồi. Mình không đi thì người khác sẽ phải đi. Thôi thà mình đi luôn cho được việc!”. Hơn nữa, có những tình huống trên biển cần người chỉ huy phải dạn dày kinh nghiệm, có trình độ và bản lĩnh, để xử lý chính xác và không bị rối.
Hơn 18 năm sống trong không gian nhà giàn không hề rộng rãi, nhưng ông và đồng đội chưa một lần nói nặng lời với nhau. Có lúc đến giờ đổi gác, thấy đồng đội ngủ ngon quá, người lính trên giàn DK 1/2 sẵn sàng gác luôn tới sáng. Giữa những gian khổ và khắc nghiệt, Thiếu tá Âu vẫn viết những câu thơ rất mộc mạc và đầy tinh thần lạc quan: “Nhà của chúng tôi cũng giống mọi nhà/ Có giậu mùng tơi, có khóm rau dền quen thuộc/ Nhưng nhà của chùng tôi cũng khác mọi nhà/ Có cầu thang đi lên nhưng không đi xuống/ Mắt thỏa bốn phương, chân chớ bước ra”.
Với những đóng góp của mình, Thiếu tá Trang Hải Âu đã 9 lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó có 4 năm liên tục và được nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì. Biết được hoàn cảnh khó khăn và cảm mến bản lĩnh người lính của ông, những cán bộ Dầu khí đã tạo điều kiện giúp ông làm việc trong ngành để tiếp tục chăm lo cho gia đình có hai con còn đi học.
Xa đất liền và làm nhiệm vụ đặc biệt trên biển cả, Thiếu tá Trang Hải Âu có trong mình tình yêu sâu đậm với phần biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù gần 20 năm đi biển, ông vẫn giữ cảm giác xúc động khi thấy quốc kí bay trên nóc nhà giàn. Ở ông, phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn còn nguyên vẹn.
Thanh Loan