RE: Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ
lanhdien > 14-06-2012, 10:46 PM
BÀI THƠ THÀNH CÔNG RỰC RỠ NHẤT
Trần Đình Thu
Năm 1937, Tự Lực Văn Đoàn phát động cuộc thi văn chương, Nguyễn Bính đã tập hợp một số bài thơ để gửi dự thi. Sau đó ông được trao giải khuyến khích với tập thơ Tâm hồn tôi. Đây là tập thơ có những bài quan trọng như Chân quê, Người hàng xóm, Xuân về, Qua nhà…
Nhưng sự kiện đặc biệt quan trọng trong thời kỳ này là việc đăng tải ba bài thơ Lỡ bước sang ngang. Năm 1939, Nguyễn Bính gửi ba bài thơ này đến tờ báo Tiểu thuyết thứ năm và được tòa soạn đăng tải lên trên ba số báo. Nói ba bài thơ cũng được nhưng chính xác hơn có lẽ là ba đoạn thơ trong cùng một bài thơ dài đến 110 câu.
Sau khi được đăng tải, bài thơ đã tạo ra một sự say mê cuồng nhiệt trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ. Người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc lòng Lỡ bước sang ngang. Các bà các chị dùng nó để ngâm vịnh cho nhau nghe, để hò ru con ngủ. Bài thơ đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ chưa từng có. Nó được phổ cập từ Bắc chí Nam. Đâu đâu người ta cũng đọc Lỡ bước sang ngang, cũng nói chuyện về Lỡ bước sang ngang. Người ta bàn tán về nó trên ghe trên xuồng, đọc nó trên tàu hỏa, trên xe đò…Có người kể, trong những ngày đi kháng chiến, thỉnh thoảng trên bước đường hành quân lại nghe văng vẳng giọng người mẹ trẻ cất lên lời ru Lỡ bước sang ngang “Ầu ơ. Trời mưa ướt áo làm gì. Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng” bên những xóm vắng ven đường trong buổi trưa hè yên ả.
Từ khi bài thơ được đăng tải, nhắc đến Nguyễn Bính là người ta dùng cụm từ “tác giả Lỡ bước sang ngang”. Và Lỡ bước sang ngang không chỉ cuốn hút những độc giả nữ hoặc là tầng lớp bình dân. Ngay cả những trí thức lớn vẫn thích đọc thích nghe Lỡ bước sang ngang. Trong một thiên hồi ký của mình, học giả Trần Bạch Đằng kể chuyện ông đọc Lỡ bước sang ngang cho anh Ba Lê Duẩn, tức cố Tổng bí thư Lê Duẩn sau này nghe như sau: “Một lần tin Tây càn quét Đồng Tháp Mười, cơ quan di chuyển, tôi được phân công đi cùng với anh Ba trên chiếc xuồng ba lá. Tôi bơi lái, anh Ba bơi mũi, xuất phát từ xã Nhơn Hòa Lập, xuôi theo kinh Dương Văn Dương ra sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa bơi đêm để quên mệt, tôi đọc bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Anh Ba bảo tôi đọc to một chút. Anh vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng lại bình: Hay!...Rồi đến nơi an toàn, mặc dù gần sáng, anh bảo tôi đọc lại lần nữa”.
Lỡ bước sang ngang là tên của một bài thơ nhưng đồng thời cũng là tên của cả tập thơ, bao gồm những bài như Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư…Tập thơ này cùng với tập thơ Tâm hồn tôi đều cùng được xuất bản vào năm 1940 (Tâm hồn tôi được Tự Lực Văn Đoàn trao giải vào năm 1937 nhưng chưa được in ra ngay mà phải chờ cho đến năm 1940 có điều kiện mới được in ra). Như vậy, đây là một trong hai tập thơ đầu tay của Nguyễn Bính. Nó đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.
Năm 1944, Nguyễn Bính sống cùng bạn bè ở một ngôi nhà trọ thuộc khu vực Đa Kao, quận 3, TP.HCM ngày nay. Túng tiền tiêu, một hôm mấy anh em bàn nhau xem có cách gì kiếm tiền một cách thật đàng hoàng. Một người bạn thân của Nguyễn Bính là Hoàng Tấn bày ra một kế hay. Thế là chỉ mấy ngày sau, người ta đọc được những mẩu quảng cáo về việc bán đấu giá bản viết tay tập thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ được trưng bày trong một tủ kính lớn đặt tại nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ở đường Sabourain. Với tài viết chữ thảo của mình, tức viết như kiểu ngày nay người ta thường gọi là viết thư pháp, Nguyễn Bính đã trình bày tập thơ Lỡ bước sang ngang rất ấn tượng. Cuối cùng bản viết tay tập Lỡ bước sang ngang được một người tên là Trần Sĩ Nghi, một nhà thầu khoán yêu thơ mua với giá 300 đồng. Nhuận bút một bài thơ đăng báo cao nhất vào thời điểm này khoảng 5 đồng, như vậy tập thơ được mua với giá gấp 60 lần nhuận bút bài thơ. Nếu quy đổi theo bây giờ, lấy mức nhuận bút cao nhất của một bài thơ là 300 ngàn, thì tập thơ được mua với giá 18 triệu đồng. Cần nhớ là Nguyễn Bính chỉ bán một bản viết tay tập thơ chứ không phải là bán bản quyền tập thơ, nên cái giá này phải nói là quá cao.
Sau khi mua được tập thơ, nhà thầu khoán đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng với hơn 50 khách. Sau lời khai mạc của chủ nhân, đến lượt Nguyễn Bính làm thủ tục ghi lời đề tặng và ký tên trên tập thơ. Sau đó các nữ ca sĩ bắt đầu ngâm bài thơ Lỡ bước sang ngang và những bài thơ khác trong tập thơ. Tiệc tùng kéo dài đến tận quá nửa đêm mới ngưng. Hoàng Tấn cho biết, vào năm 1999, sau 45 năm kể từ ngày mua tập thơ viết tay của Nguyễn Bính, gia đình nhà thầu khoán hiện sinh sống ở bên Pháp vẫn còn lưu giữ tập thơ. Quả là một chuyện hiếm có trong văn chương.