Kim Huỳnh và Trần Hoàng Tuấn
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Canberra và Hà Nội
Stan sống ở tầng trên cùng trong khu căn hộ của tôi ở Việt Nam và anh được coi là một người thành đạt. Trông anh cao ráo và ưa nhìn. Anh đã sống ở nhiều nước và là một bác sĩ kiêm nhà quản lý được đánh giá cao. Stan không đến Việt Nam để kiếm tiền mà để giúp người Việt, vì thế anh kỳ vọng rất nhiều.
Mặc dù công việc của Stan thành công mỹ mãn nhưng anh vẫn thường nản lòng khi về đến căn hộ của mình. Mùi hôi thối tỏa ra từ ống dẫn trong nhà tắm, điều hòa nhiệt độ thường xuyên hỏng và hơn nữa là anh không bao giờ bắt được kênh BBC World trên TV.
Hầu hết những người sống cùng khu này đều gặp phải vấn đề tương tự, nhưng mà từ lâu mọi người đã từ bỏ ý định thay đổi gì đó. Chúng tôi chấp nhận những mùi mẽ ấy, thời tiết nóng điên người và mọi thứ không được sửa sang.
Nhưng Stan thì khác: anh ấy nghĩ rằng đó là vấn đề nguyên tắc. Anh trả tiền thuê nhà theo giá quốc tế với suy nghĩ rằng sẽ nhận được dịch vụ và chất lượng theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, Stan cũng tin rằng bằng việc giữ tiêu chuẩn của mình, anh cũng đang giúp Việt Nam. Làm sao mà người Việt có thể đạt được chuẩn quốc tế ở bất kì lĩnh vực nào đó nếu ai cũng từ bỏ kỳ vọng của chính mình?
Đôi lúc Stan đúng. Sau khi khăng khăng là mùi trong nhà tắm không thể chấp nhận được, người ta đã cử một nhóm thợ ống nước đến và rồi vấn đề cũng được giải quyết theo hướng có lợi cho tất cả mọi người.
Nhưng đôi khi tính cố chấp của anh chỉ khiến anh thêm thất vọng. Đơn giản là anh không thể có một chiếc điều hòa nhiệt độ mới trong khi cái anh đang dùng có thể được sửa lại. Tín hiệu BBC ở phòng anh chập chờn là vì đường dây cáp loằng ngoằng dẫn lên tầng áp mái nơi anh ở. Vì chuyện nọ chuyện kia cùng những vấn đề cố hữu ở đây mà mối quan hệ giữa Stan và quản lý khu nhà ngày càng căng thẳng và xấu đi trông thấy.
Nhưng Stan cũng xây dựng được một số mối quan hệ thân tình với những người làm trong khu nhà, như chàng trai tên Sơn trẻ trung nhanh nhẹn.
Stan hướng dẫn Sơn cách ngồi thẳng lưng trên ghế khi sử dụng máy vi tính, anh bảo Sơn rằng chiếc mũ bảo hiểm nhãn Manchester United của cậu chẳng có công dụng bảo vệ gì hết, không khác gì cái hộp nhựa. Và nhất là Stan còn giật thuốc lá ra khỏi miệng Sơn và ném đi khi anh bắt gặp Sơn hút thuốc.
Gần đây, tôi có cơ hội hỏi Sơn về cảm giác của cậu về cách mà Stan đối xử với cậu. Tôi bảo: “Anh ta hành xử như thể cậu là một đứa trẻ không thể tự đưa ra quyết định được vậy.”
Sơn đưa ra phản ứng của mình. “Cả lời nói và cách ứng xử của Stan đều đúng. Tư thế của tôi sai nên lưng tôi bị đau, tôi thực sự nên mang một chiếc mũ bảo hiểm tốt hơn và lái xe cẩn thận hơn, và ai cũng biết là hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nữa. Nhưng đôi lúc tôi không thể tự nhắc mình những điều ấy.”
Nhưng tôi cũng biết rằng, mặc dù phóng khoáng, nhưng Sơn vẫn không ưa Stan vài điểm. Sơn là người tự tôn và yêu nước; cậu am tường lịch sử Việt Nam, văn hóa, ca dao tục ngữ và cảm thấy tự hào khi thảo luận những điều đó với người sống trong khu nhà này (đặc biệt là những ai biết chút tiếng Việt). Tôi biết cậu giận dỗi vì cuối mỗi tháng Sơn lại cộng thêm 2,000 đồng vào hóa đơn tiền điện của Stan cho mỗi điếu thuốc bị vứt đi.
Mối quan hệ của Sơn và Stan cho thấy vẫn còn một hố sâu ngăn cách giữa Việt Nam và phương Tây.
Văn minh Phương Tây và Phương Đông
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét nền văn minh và sự văn minh nghĩa là thế nào. Văn hóa và văn minh có mối liên hệ rất gần gũi. Tuy nhiên, nếu như văn hóa được xem là nhân dạn và tính cách của một xã hội thì văn minh có thể được coi là dân trí và đạo đức của xã hội ấy.
Ở phương Tây, văn minh đồng nghĩa với hiện đại hóa cho nên trở nên văn minh là tiến từ đói khổ lên giàu có, từ tĩnh thành động, từ định hướng nhóm sang định hướng cá nhân, từ bó buộc trong phạm vi địa phương sang những biên giới phổ quát hơn. Quan niệm của phương Tây về văn minh vì thế tập trung vào sự tiến lên và nhu cầu bỏ lại đằng sau những tập tục cũ, cách nghĩ cũ và giá trị cũ.
Người Việt và nói chung người Đông Á hiểu về văn minh khác, nhấn mạnh đến mở rộng thay vì tiến lên. Trong khi cá nhân ở phương Tây tìm kiếm sự độc lập thì cá nhân ở phương Đông lại tìm kiếm sự hòa nhập. Theo Khổng Tử việc phát triển bản ngã (tu thân) là cái điều kiện tiên quyết để điều hành gia đình (tề gia), và gia đình làm nền tảng cho việc trị quốc và bình thiên hạ. Theo mô hình này, việc mở rộng dần dần cho phép duy trì tính liên kết xã hội trong khi có biến.
Đương nhiên, không có nền văn minh nào là hoàn hảo hoặc là đồng nhất, và Phương Đông và Phương Tây hay giao thoa qua lại. Tuy thế, trong những diễn đàn tôi tham gia gần đây, quan điểm của mọi người chủ yếu xoay quanh lập trường tiến lên của Stan và mở rộng của Sơn đối với các vấn đề gây tranh cãi ở Việt Nam như gia trưởng, ăn thịt chó, karaoke và ách tắc giao thông. Một số tranh luận mạnh mẽ nhất từ cả hai phía được tóm tắt dưới đây:
Gia trưởng
Quan điểm của Stan
Stan Đã viết:Theo tôi, đầu tiên là phụ nữ Việt cần được giải phóng khỏi những áp bức ở nhà và cả ngoài xã hội.
Niềm tin cho rằng chỉ đàn ông mới có thể nối dõi tông đường khiến người phụ nữ Việt bị phân biệt đối xử ngay từ trước khi lọt lòng mẹ. Đây không chỉ là tàn tích từ thời phong kiến Nho giáo của Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này qua tỉ lệ trẻ sơ sinh nam nữ chênh lệch hiện nay, và nhà nước đã phải cấm bác sĩ tiết lộ giới tính thai nhi cho các cặp vợ chồng có thai.
Người vợ hầu như bị phụ thuộc toàn bộ vào chồng. Tôi gần như không bao giờ thấy đàn ông làm việc nhà và thường là ít hoặc không chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.
Ngoài xã hội, tôi thấy phụ nữ phải quét tước, mang vác và bán hàng, làm bất cứ việc gì để trợ giúp gia đình; trong khi đàn ông ngồi hàng giờ uống bia, chè và cà phê, nói chuyện bóng đá, chơi bài hay chơi cờ. Những người phụ nữ học vấn cao mà tôi biết cũng không khá khẩm hơn, họ cũng phải đối mặt với áp lực và thách thức trong công việc chuyên môn rồi về nhà vẫn phải hoàn thành tất cả những nghĩa vụ truyền thống trong gia đình.
Vì thế, tôi cho rằng không gì khiến xã hội Việt văn minh hơn là dành tự do và công bằng hơn nữa cho phụ nữ Việt.
Quan điểm của Sơn
Sơn Đã viết:Chỉ đơn giản là vì phụ nữ Việt không giống phụ nữ phương Tây không có nghĩa là họ bị áp bức.
Ở Việt Nam phụ nữ cũng được tôn vinh như anh hùng (Hai Bà Trưng và Bà Triệu), nhà thơ (Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan) và những vị thần thánh (thánh mẫu). Việt Nam có Hội Phụ nữ hoạt động mạnh và rộng khắp, đồng thời là nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội lớn hơn cả Anh và Mỹ.
Chỉ đơn giản là vì phụ nữ Việt không giống phụ nữ phương Tây không có nghĩa là họ bị áp bức. Ở Việt Nam phụ nữ cũng được tôn vinh như anh hùng (Hai Bà Trưng và Bà Triệu), nhà thơ (Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan) và những vị thần thánh (thánh mẫu). Việt Nam có Hội Phụ nữ hoạt động mạnh và rộng khắp, đồng thời là nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội lớn hơn cả Anh và Mỹ.
Không phải cái gì thuộc về gia trưởng cũng xấu và cần loại bỏ ngay lập tức. Người đàn ông và đàn bà Việt có những vai trò khác nhau bởi vì về cơ bản họ có những mong muốn, phẩm chất, và tính khí khác nhau.
Sự khác biệt này không hẳn là đồng nghĩa với sự nô dịch; mà hơn hết, sự tổng hòa đàn bà và đàn ông, âm và dương, là nền tảng để xây dựng cộng đồng hòa hợp.
Vì thế trước khi phá bỏ hoàn toàn cấu trúc gia đình phụ hệ là nền tảng cho văn hóa Việt bao thế kỉ nay thì chúng ta cần xem xét thận trọng xem hành động đó có ý nghĩa như thế nào đối với các giá trị gia đình vốn tồn tại làm nền tảng cho xã hội Việt Nam.