Chẳng ai trong chúng ta là không say mê những bộ phim tình báo lôi cuốn và đầy kịch tính, đặc biệt là khi nhân vật chính là những nữ điệp viên xinh đẹp, thông minh và đầy bản lĩnh.
Trên thực tế, đời sống thật của những nữ điệp viên huyền thoại này còn hấp dẫn và ly kỳ hơn nhiều.
1. Nữ điệp viên xinh đẹp Violette Szabo
Violette Szabo được sinh ra vào tháng 6/1921 với cha là người Anh và mẹ là người Pháp. Người phụ nữ xinh đẹp và dũng cảm này đã sống một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng oanh liệt.
Sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng một phần lãnh thổ Pháp, Violette tình nguyện gia nhập vào ngành tình báo và tham gia vào Những chiến dịch đặc biệt (Special Operations Executive) năm 1943. Chiến dịch này chuyên tìm diệt những kẻ phản bội tổ quốc, đi theo Đức Quốc xã và bọn SS, mật vụ Gestapo khét tiếng của phát xít Đức.
Vào ngày 7/6/1944, Violette từ máy bay nhảy dù xuống vùng Limoges để thực hiện nhiệm vụ phối hợp với những người Pháp kháng chiến tại địa phương tìm diệt những kẻ phản bộ tổ quốc.
Sau khi trở về Paris, do bị kẻ gian chỉ điểm, Violette đã rơi vào tay Sư đoàn SS "Das Reich" Panzer. Violette bị giao cho cơ quan mật vụ Gestapo khét tiếng tàn bạo thẩm vấn.
Vì không chịu khai ra bất kỳ điều gì nên Violette đã bị chuyển đến trại tập trung Ravensbruck. Tại đây, nữ tình báo xinh đẹp đã bị hành quyết trong phòng hơi ngạt vào tháng 1/1945 khi mới tròn 23 tuổi.
Chính phủ Pháp đã truy tặng cho Violette 2 Huân chương cao quý: Thánh George và Thập tự chinh vì những công lao của nữ điệp viên huyền thoại này trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
2. Virginia Hall - Nữ điệp viên “nguy hiểm nhất”
Virginia Hall sinh năm 1906, ở Baltimore, Mỹ. Bà là một người có năng khiếu thiên bẩm về ngoại ngữ, có khả năng nói thành thạo tiếng Pháp, Italia và Đức. Cơ quan mật vụ khét tiếng của phát xít Đức – Gestapo từng coi nữ điệp viên Hall là “người lợi hại nhất, nguy hiểm nhất trong đội ngũ các nhân viên tình báo của quân đồng minh."
Năm 1941, Hall được Cục Chiến dịch Đặc biệt của Anh (SOE) tuyển mộ và đồng ý trở thành điệp viên đặc biệt cho Anh. Bà đã sang Pháp và đóng giả là một phóng viên của tờ New York Post. Dưới vỏ bọc một phóng viên, bà đã thiết lập được các mạng lưới kháng chiến ở Vichy.
Là một người thông minh, bản lĩnh và đầy kinh nghiệm, nữ tình báo Hall đã nhiều lần trốt thoát khỏi lưới bủa vây của quân phát xít. Kẻ thù rất ngạc nhiên khi sau này phát hiện ra rằng nữ tình báo dũng cảm đó đã mất một chân trong một tai nạn khi đi săn tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1939. Từ đó, bà phải dùng chân giả.
Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, nữ điệp viên với chiếc chân giả này đã trở về làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Vì những chiến công xuất sắc, bà được Chính phủ Mỹ tặng thưởng huân chương cho nhà tình báo lỗi lạc. Hơn 60 năm sau, bà Hall tiếp tục được Chính phủ Anh và Pháp vinh danh.
Bà Hall nghỉ hưu năm 1966 và qua đời tại Bệnh viện Shady Grove Adventist ở thủ đô Washington năm 1982, hưởng thọ 76 tuổi.
3. “Hoa hậu điệp viên” Christine Granville
Christine Granville sinh năm 1915, ở Ba Lan. Bà là cháu gái của một chủ ngân hàng giàu có người Do Thái thuộc gia đình Goldfeder. Năm 17 tuổi, Granville trở thành Hoa hậu Ba Lan.
Khi quân phát xít Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, Granville đã tình nguyện làm việc cho cơ quan tình báo Anh. Với sự thông minh, sắc sảo và khả năng nói thành thạo nhiều ngoại ngữ, Granville đã được đưa vào hoạt động trong Cục Chiến dịch Đặc biệt của Anh. Bà trở thành nữ điệp viên được cố Thủ tướng Anh Churchill rất mực yêu quý.
Mặc dù đạt được nhiều thành tích lẫy lừng nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, Christine bị cả Anh và Ba Lan bỏ rơi. Năm 1952, bà bị người tình cũ sát hại ở thủ đô London. Ở thời điểm đó, bà chẳng còn gì.
4. Nancy Wake – mục tiêu số 1 của mật vụ Đức
Nancy Wake sinh ngày 13/8/1912, ở New Zealand nhưng bà lớn lên ở Australia.
Năm 1939, Wake đến Pháp làm việc và lập gia đình với một doanh nhân giàu có ở đây. Sau khi Đức quốc xã đưa quân xâm chiếm Pháp, bà đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến với mong muốn bảo vệ quê hương.
Bà Wake là một trong những người phụ nữ dũng cảm nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II. Với tư cách là một nữ điệp viên được đào tạo bài bản, bà đã có nhiều hoạt động khiến mật vụ Đức điên đầu. Bà trở thành mục tiêu số 1 của cơ quan mật vụ Gestapo. Cơ quan này thậm chí đã treo thưởng 5 triệu franc cho bất cứ ai chỉ điểm hoặc giết chết bà.
5. Mata Hari - nữ điệp viên hai mang?
Mata Hari sinh ngày 7/8/1876 ở Hà Lan. Bà lấy tên nghệ danh là Margaretha Zelle khi đang là một trong những vũ công nổi tiếng nhất Paris trước thế chiến I.
Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, với những mối quan hệ xuyên biên giới của Mata Hari với những nhân vật quân sự và chính trị Đức, bà lọt vào tầm ngắm của cơ quan mật vụ Pháp và trở thành mục tiêu bị giám sát.
Trong quá trình đưa Hari đi thẩm vấn, phía Pháp đã thuyết phục bà đến nước trung lập Tây Ban Nha để phát triển các mối quan hệ với hải quân Đức và các tùy viên quân sự Đức ở Madrid sau đó báo cáo các thông tin tình báo thu thập được cho Paris.
Tuy nhiên, trong thế giới tình báo phức tạp và khó hiểu, Pháp đã nghi ngờ bà Hari là một điệp viên hai mang. Tháng 2 năm 1917, Hari trở về Paris và ngay lập tức bị bắt sau đó bị cáo buộc là điệp viên của Đức.
Phiên tòa xét xử bà vào tháng 7 cùng năm đã đưa ra một số bằng chứng khiến vũ nữ xinh đẹp này không thể giải thích thỏa đáng. Hari bị kết tội và bị tuyên án tử hình.
Vào sáng sớm ngày 15/10/1917, Mata Hari bị đánh thức dậy và được đưa đi từ nhà tù Paris đến một doanh trại quân đội ở ngoại ô thủ đô. Tại đây, bà đã bị xử bắn.
nguon Việt Báo