Khi Hàn Mặc Tử đã thực sự biết mình mắc bệnh nan y, anh vẫn không hề tỏ vẻ sợ hãi lo lắng bên ngoài, nhưng có nhiều hiện tượng cho thấy anh tự đè nén nỗi lo âu từng giây từng phút.
Mặc dù mọi người trong gia đình vẫn tìm cách bưng bít dư luận xôn xao bên ngoài cái thành phố bé nhỏ nầy, mà mỗi một gia đình, mỗi một người dân đều như thông cảm nhau, hiểu biết lặng lẽ với nhau, như qua cả hơi thở. Vì vậy, cái truyền thống cảm nhận đó cũng đã đến với anh được.
Anh Trí vẫn biết cả: Từ con đường Khải Định, con đường Jules Perry cho đến Gia Long, những ai đã có triệu chứng mắc bệnh phong, anh đếm được cả trên đầu ngón tay. Câu chuyện Giang Đông Nhị Kiều ở Gia Long bỗng nhiên mất tích, vắng bóng từ một năm nay cả mùa hè trên bờ biển, càng làm cho anh xót xa hơn.
Nỗi đau buồn càng dồn dập cho anh, từ khi Hoàng Hoa về Huế, Mộng Cầm giải ước, khiến cho anh phải nhiều đêm thao thức, bồi hồi tâm sự nhiều tam canh, và tiếng đàn tranh của “Nàng” trước kia nghe sao dịu dàng, say đắm bao nhiêu thì nay trở nên dày vò ray rứt anh bấy nhiêu.
“Nàng” là Mỹ Thiện, ở cách nhà chúng tôi độ 30 mét thôi, một thiếu nữ người Huế, con gái nhà giáo họ Cung, vốn là một cây đàn tỳ bà lỗi lạc, lại còn nổi tiếng đàn đủ năm cây (tranh, tỳ, nhị, nguyệt, bầu).
Cho nên, cây đàn tranh dưới bàn tay tuyệt kỹ của nàng đã làm cho bao nhiêu con tim xao xuyến một vùng trời Khải Định.
Nàng đẹp như bức tranh thuỷ mặc tàu mà vẻ kiều mỵ tình tứ như ẩn như hiện dưới nét đan thanh mờ ảo.
Hình như con người nàng có nhiều tâm sự, mà chỉ bộc lộ vào những đêm khuya thanh vắng qua tiếng đàn tranh nỉ non như than thở, như bơ vơ tìm kiếm, đuổi theo vào tận cùng giấc cô miên trằn trọc, những tâm hồn nghệ sĩ, lẻ loi.
Tiếng đàn đó làm cho anh Trí vừa sợ hãi vừa lo lắng đợi chờ, những đêm dài tuyệt vọng vì biết mình mắc phải chứng nan y ghê gớm.
Anh thường đánh thức tôi dậy để cho có bạn, để cùng theo dõi tiếng đàn ma quái đó.
Có đôi khi bảo tôi gióng dây tơ cây đàn nguyệt, so phím cách không hòa điệu, khiến nhiều căn phố kế cận vang nhẹ tiếng động của tò mò.
Có phải vì thế mà nhiều bà đạo đức lên giọng nặng nề phê phán lẳng lơ mất nết. Nhất là bà kế mầu nàng, vốn không lớn tuổi hơn nàng bao nhiêu, theo dõi hằn học, chỉ vì bà cũng rất đẹp.
Tôi thỉnh thoảng có dịp đến hòa đàn với ông giáo, đôi khi cũng có nàng dự hòa, vì ông giáo rất nghệ sĩ và phóng khoáng, trẻ trung.
Anh Trí chỉ nghe danh nàng nhưng chưa biết mặt. Có lần anh hỏi tôi về nàng, tôi cười, đọc cho anh nghe mấy câu:
… Và đôi mắt ai rười rượi buồn
Ngón tay trên phiếm nhẹ sầu buông
Trễ tràng mái tóc gây thương nhớ
Chỉ bấy nhiêu thôi đủ vấn vương.
Quả thật là tai họa “bạc số”. Chỉ có cách bảy tháng sau đó, khi tôi lên Đà Lạt, bỗng được tin nàng quyên sinh trong một giấc ngủ dài với 10 viên thuốc Véronal để từ giã cõi đời khắt khe độc ác.
Nàng đã mất, một buổi sáng cuối thu buồn thảm.
Nhà thương đã ra công chạy chữa. Họ không phục hồi được mạng sống nàng, nhưng đã phục hồi được tiếng thơm trinh bạch nàng, mà phương pháp chạy chữa đã có dịp chứng minh ngược lại những gi gièm siễm thị phi về nàng.
Mọi người đều ứa lệ. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, khi nghe Mỹ Thiện quyên sinh, đã có xôn xao luận điệu hoang thai. Ôi xót xa chưa!
Anh Trí khi nghe anh Bửu Dòng, từ nhà thương chạy về vội vã báo tin buồn cho cả xóm đang chờ đợi, bỗng sững sờ ngơ ngác.
Anh ngậm ngùi hồi lâu rồi lặng lẽ đi vào phòng riêng đóng cửa lại viết ngay bài thơ:
CÔ GÁI ĐỒNG TRINH
Ôi chao, ghê quá, ôi ghê quá
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi
Đêm qua tranh vướng trên cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở trên môi.
Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình
Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi
Chết rồi xiêm áo trắng như tinh
Có tôi đây, hồn phách tôi đây
Tôi nhập vào trong xác thịt này
Cốt để dò xem tình ý lạ
Trong lòng bí mật ả thơ ngây
Biết rồi, biết rồi, thôi biết cả
Té ra nàng sắp sửa yêu ta
Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy
Như chục xuân về thổ lộ ra.
Mấy tháng sau đó tôi về Qui Nhơn nghỉ tết. Anh Trí đem bài thơ trao cho tôi, giọng nghẹn ngào anh nói: Tao giải oan cho Mỹ Thiện đó. Rồi anh hỏi: “Sao, mi có khóc cho nàng được câu nào không?” Tôi nói: Bận công việc quá, đầu óc không còn minh mẫn, chỉ làm được mấy câu trên chuyến xe Đà Lạt về đây:
… Ôi! Nhớ bàn tay, nhớ những đêm
Trăng sao mờ nhạt gió ngàn êm
Tim ai thổn thức trên đầu ngón
Xao xuyến lòng ta thập lục huyền
Hòa âm buổi ấy dưới trăng thâu
Thánh thót đàn ai nhỏ lệ sầu
Sao em không nói câu ân ái
Nỡ để nàng gieo xuống mộ sâu.
Anh xem xong nói “được lắm” Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Mỹ Thiện mất đi, Hàn Mặc Tử cảm thấy thiếu vắng tiếng đàn tranh vẩn vơ quen thuộc mà hàng đêm anh hồi hộp đợi chờ đến với anh, như một nỗi xót xa, xa không thể nào tránh được. Bây giờ xót xa đó càng ray rứt hơn, dày vò hơn, bởi vì anh lại vừa mất đi cái giây phút đợi chờ một cuộc hẹn hò, vừa lo lắng bồn chồn, vừa thích thú say sưa…
Tiếng đàn tranh huyền hoặc này trở thành thói quen của anh.
Ông Trần Thanh Mại viết về anh đã nói: Hàn Mặc Tử có một nguồn cảm thụ rất mạnh khiến anh hòa nhập dễ dàng vào tiếng đàn, như chính anh cũng là giây đàn, cũng run rẩy, cũng quằn quại mỗi khi bàn tay nghệ sĩ bấm vào cung bậc giây đàn.
Có nhiều khi anh thét lên, nức nở như tiếng đàn bị uốn nắn mà anh cảm thụ qua âm thanh. Tiếng đàn có vẻ như ma quái ám ảnh anh suốt thời kỳ đau nặng. Cũng có khi an ủi, khi thì dằn vặt không buông tha anh:
Nàng lạy Nàng, hãy nghe tôi cầu khấn
Hãy khoan tay cầm lại trí tương tư
Đang chờn vờn trong nguồn sáng ngất ngư
Đang lướt rướt ở trong màu hoa lệ
Đó là những lời than vãn năn nỉ, mà anh đang cảm thụ nỗi đau nhức.
Và cũng có khi anh say sưa mê mẩn khoan khoái
Bằng trăm tiếng vẽ nên trăm màu sắc
Với đôi tay Nàng trút hết đê mê
Dạ lan hương bừng mở cánh e dè
Trong khúc nhạc rên đều hơi gió tới.
Những câu thơ vừa nhức nhối vừa say mê này đã được Hàn viết lên trong bài thơ sau:
ĐÀN NGỌC
Điện Hàm Chương mai hoa còn rất ngọc
Xiêm nghê nàng ven vén để hương lay
Nốc đi cho làn phấn điểm màu say
Cho ứ đọng toàn thân người rớm khóc
Rồi muôn xuân đã nư chiều thổn thức
Đều run rên như thể tâm hồn mơ
Ai gieo chi thương tiếc giữa đường tơ
Cho lỡ dở vang lên từng tiếng nấc
Nguồn ánh sáng lờ đi trong sự thật
Trong ão huyền và trong cả mê ly
Ai nỡ nào cắt nghĩa tới hàng mi
Là ứ lại, là trào ra nước mắt
Bằng trăm tiếng vẽ nên trăm màu sắc
Với đôi tay Nàng trút hết đê mê
Dạ lan hương bừng mở cảnh e dè
Trong khúc nhạc rên đều hơi gió tớt
Đàn ngọc đã rít lên chiều nã nớt
Tôi kêu rên van khóc lạy nàng thôi
Hãy uống đi cốc rượu ngấm đầy hơi
Chan chứa vị nồng cay đêm hợp cẩn
Nàng lạy Nàng hãy nghe tôi cầu khẩn
Hãy khoan tay cầm lại trí tương tư
Đang chờn vờn trong nguồn sáng ngất ngư
Đang lướt mướt ở trong màu hoa lệ
Trên cung bực hãm mau niềm ngọc kể
Với lòng run ngưng hết cả thanh âm
Cho lửng lơ chới với điệu phong cầm
Cho tôi bớt bồi hồi trong một phút.
Bài Đàn Ngọc trên đây, Hàn thú nhận sự yếu đuối của anh trước ảnh hưởng huyền hoặc của tiếng đàn tranh mà anh hoàn toàn bị chế ngự.
Cô Gái Đồng Trinh từ đó trở thành một hiện tượng kỳ lạ, một Nàng thơ, dẫn dắt anh vào những nhớ thương bàng bạc bâng quơ, hoặc hòa nhập vào những lời thơ quằn quại xót xa mà cuộc đời nàng đã đi qua ngắn ngủi.
Những năm Hàn đau nặng, nỗi u buồn tuyệt vọng đã đưa Nàng đến giấc ngủ vĩnh viễn, cũng đã được Nàng san sẻ cho anh trong những đêm cô quạnh trên bờ biển xa xôi.
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Xin để tang anh đến vạn ngày
Bất cứ lúc nào bóng Nàng cũng mơ hồ chập chờn hiện ra trong tầm mơ ước của anh.
Muốn gởi thương về người cổ độ
Mà sao tình chẳng nói cho nhau…
Chiều xưa khúc nhạc nóng ran lên
Không có ai đi để lỗi nguyền
Nguồn thơ ứa mắt hai hàng lệ
Tờ giấy hoa tiên cũng ướt mèm.
Có những khi anh hình dung Nàng như một bóng ma ghê rợn trên bãi cô liêu.
Tôi ngồi dưới bãi đợi Nường Mơ
Tiếng rú ban đêm rạng bóng mờ
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng
Rung từng không khí bạt vi lô
Ai ai lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mơ sao ngậm cứng tơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi
Ôi chao, ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời.
Hiện tượng Mỹ Thiện là một sự tiếc nuối bâng quơ dông dài, cô đọng lại từ những cuộc tình dang dở xa xưa.
NHỮNG GIỌT LỆ
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Mỹ Thiện đã giam hãm tâm tư anh một thời gian khá lâu, cho đến khi anh gặp lại con trăng cũ, con trăng lãng mạn nằm sóng soài trên cành me, bên cửa sổ cái gác trọ con đường Espagne Sài Gòn.
Nhưng càng về lâu dài, anh rất thích thú sống với trăng, nào là đi chơi với Trăng, ngủ với Trăng, như chính thân anh hòa lẫn với trăng (tôi đã từng kể lại trong tập hồi ký Hàn Mặc Tử-anh tôi) trong nhiều trạng thái xuất thần.
Những trường hợp xuất thần ngày càng xảy ra nhiều.
Khi anh Trần Thanh Địch giới thiệu Thương Thương với anh, Thương Thương chiếm ngay chỗ của Trăng dễ dàng, và trở thành thật sự một Nàng Tiên bằng xương bằng thịt, có thể giao thiệp với anh bằng thơ văn. Thật tuyệt vời.
Anh bỗng nhiên suy cảm phong phú lạ lùng, mọi vật đều trở thành một cõi Bồng Lai. Chim hoa lá đều hiểu anh và anh đã sáng tác Cẩm Châu duyên, Quần tiên hội, những vần thơ trác tuyệt còn lưu lại đến ngày nay như những viên ngọc quí của nền văn học.
Đó là hương vị chót, những ngày cuối đời, mà định mệnh dành cho anh như để đền bù những gian khổ mà anh đã trải qua.
Tác giả Nguyễn Bá Tín