Tịnh tâm khúc
TieuChieu > 18-03-2011, 11:26 PM
Hoàng Quốc Bảo, dòng nhạc như chiếc cầu tâm linh nối liền đời thường và nẻo đạo
Xuất hiện sau những Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên một vài năm, và, sau Trịnh Công Sơn khoảng sáu, bảy năm; nhưng nếu lấy con số 10 năm làm thước đo, đếm một thế hệ, thì Hoàng Quốc Bảo là người cuối cùng, lấy được chiếc vé lên chuyến tầu âm nhạc, chung với những tên tuổi vừa kể. Khi chuyến tầu âm nhạc đi khắp cùng đất nước kia, chỉ còn một vài ghế trống.
Tuy nhiên, nếu Trịnh Công Sơn rướn mình, giơ cao ngọn cờ kêu đòi chấm dứt chiến tranh; Vũ Thành An với những bài không tên viết cho một (hay những) cuộc tình tuyệt vọng, Từ Công Phụng với nỗ lực đi tìm vàng son, thuở trước... thì, Hoàng Quốc Bảo, tự những nhát cuốc vỡ đất sáng tác đầu tay, đã cho thấy khuynh hướng xới sâu cõi hư không. Ðời giả tạm.
Ngay với những tình khúc rực rỡ chia ly, nát nhàu thống khổ, ở đâu đó, giữa những hợp âm được nối kết bởi Hoàng Quốc Bảo, vẫn mang tới cho người nghe, cảm nhận muốn vươn, thoát khỏi những trói buộc hạn hẹp của kiếp người. Tham vọng xóa bỏ sự phân biệt hình/tướng. Ðem nhị nguyên đúng/sai, thành/bại, phải/trái... về nhất thể.
Bằng âm nhạc, tự những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, họ Hoàng đã thiết lập cho mình (hay cho người), những chiếc cầu tâm linh, bắc qua đôi bờ nhân gian và, lẽ đạo.
Dù không một chỉ dấu, chẳng một tận khai cố tình, bằng cõi tâm tĩnh, lặng, Hoàng Quốc Bảo, với cõi nhạc của mình, đã mặc nhiên mang đến người nghe, những hồi chuông lai tỉnh. Những thời kinh, những câu kệ nhắc gọi chúng sinh, hồi hướng bến giác.
Tính thiền hay lời gọi kêu chúng sinh rời bỏ bờ mê trong đời nhạc Hoàng Quốc Bảo, mỗi lúc, một thêm nồng nàn sở nguyện, bằng vào bản thân, qua những năm luân lạc, quê người, họ Hoàng càng thực chứng lẽ vô thường. Ðời hữu hạn.
“Có lẽ ta về ai biết đâu - Trồng vàng hoa trên núi sương hào - có lẽ trăm rừng xanh trở lại - gọi đàn chim xa mãi về phương nào - có lẽ ta về như giấc mơ - làm dòng sông bôi xóa đôi bờ - có lẽ người hồi sinh trở lại - nhìn cuộc chơi quên bấy lâu nay.”
("Hồ Như")
Khi nghe lần thứ hai câu “...làm dòng sông bôi xóa đôi bờ...” tôi rất muốn hỏi ông, “Hồ Như” là ca khúc được viết thời gian nào? Trước hay sau 30 tháng 4? Nhưng cuối cùng, tôi im lặng. Tôi im lặng vì trong một thoáng mơ hồ, người thanh niên ngồi bệt trên thảm, trước mặt tôi, người thanh niên lúc nào cũng như ngơ ngác, lạc lõng, dường không còn là Hoàng Quốc Bảo. Ông là một người khác. Với tôi, ông không “làm” (tôi nhấn mạnh) “dòng sông bôi xóa đôi bờ” mà ông chính “là” (tôi nhấn mạnh) dòng sông. Và, dòng sông ấy đã “bôi xóa đôi bờ.”
Tôi không hỏi “đôi bờ” trong ca khúc “Hồ Như” của Hoàng Quốc bảo là đôi bờ nào. Tôi không hỏi bởi tôi nghĩ, nếu hỏi, chưa chắc giải thích của ông và cảm nhận riêng của tôi, đã gặp gỡ nhau. Với tôi, đó là “đôi bờ” của biến cố kinh hoàng, điếng tê mới xẩy ra. Còn tưa máu. “Ðôi bờ” với tôi là trong/ngoài một tổ quốc. “Ðôi bờ” với tôi là hai miền tử/sinh mà, con người bị phanh thây, đứng giữa...
DU TỬ LÊ