Nhà mặt tiền
Ngôi nhà anh vừa dọn đến ở trọ có vị trí khá đặc biệt. Mặt tiền trưng ra một con đường buôn bán sầm uất. Mặt sau cũng là mặt tiền, nhưng là mặt tiền của một con hẻm nhấp nhô.
Anh nghe ông chủ tiệm tạp hóa kể. Nhà ông xây từ thời trước Giải Phóng, là kiểu nhà cũ có lầu mà vẫn trông thấp lè tè, cứ xuống cấp dần theo thời gian và những cơn mưa dai dẳng. Ông vừa nói vừa cười khà khà, khoe hàm răng ố vàng vì khói thuốc:
- Cậu chưa biết đâu. Nhà tôi đây hồi trước là độc nhất vô nhị. Mùa nắng thì nóng sầm sập. Mưa xuống thì cả con đường đều ngập, nhà nào cũng thi nhau tát nước. Riêng nhà tôi còn phải lấy thêm xô chậu hứng nữa. Vì chủ trước cho đi máng xối trong nhà, nó mục nát rồi, cứ mưa là tràn.
Ông kể tiếp rồi cách đây mấy năm. Con đường này tự nhiên được trao tặng cái danh hiệu: tuyến đường trọng điểm của quận.
Ừ thì quận vùng ven cũng là quận đấy thôi. Ở trên ra lệnh xuống phải làm lại mặt đường đang láng o, giờ đào ra chằng chịt. Mấy người dân ở chung quanh như ông thì mừng lắm mang ra nào trà đá, thuốc lá rồi hỏi thăm đội thi công làm xong sẽ hết ngập phải không. Mấy anh thợ hớp ngụm trà, rít thêm điếu thuốc xong cười phớ lớ:
- Tụi tui bên đội thi công mặt đường chứ không phải đội chống ngập.
Từ đó máy khoan, máy cắt vẫn chạy ầm ầm, xe lu nghiến kèn kẹt trên mặt đường vừa rải nhựa bốc lên một mùi khét lẹt, chỉ là không còn ai mang trà đá và thuốc lá ra mời thợ thầy nữa.
Ông chủ tạp hóa còn chêm thêm một câu:
- Tội gì làm chuyện lỗ vốn!
Anh nhà văn nghe xong chỉ cười mà không cho ý kiến. Chỉ vừa mới tiếp xúc, nhưng anh vẫn có thể nhận ra ông chủ nhà đây rất hay tính toán chi li, là kiểu người sống rất thực tế. Ông chắt chiu từng đồng tiền một, và với ông không có gì là không thể sinh lời, chỉ là lời ít hay nhiều thôi. Anh cũng chẳng cảm thấy điều đó có gì là xấu. Con người ta sống mà tính toán một chút có khi lại hay vì sẽ chẳng ai thiệt hơn ai, hay lừa gạt được ai nữa.
Thấy anh hơi thiếu tập trung, ông chủ khục khặc ho mấy tiếng. Đâu phải lúc nào cũng tìm được một thính giả tốt tính như người ở trọ này đâu, ông phải tranh thủ nói cho thỏa cái ấm ức bao lâu nay của mình.
- Lúc con đường gần làm xong, mấy hộ ở mặt tiền như chúng tôi được thông báo là sẽ được cho quét vôi, sơn sửa lại biển hiệu. Vì nghe đâu ngày hoàn công có đoàn gì lớn lắm sẽ xuống tham quan. Không thể nào làm xấu đi hình ảnh của tuyến đường trọng điểm.
Nghe xong ai cũng thấy mừng, vì khi không được sơn sửa lại nhà. Nhưng đến cuối buổi họp mọi người ra về còn được tặng thêm một tờ giấy trên đó ghi nôm na mấy dòng là: vận động tự nguyện sửa sang khu phố.
Rồi thì muốn hay không thì cũng phải đóng góp mà thôi. Nhưng cũng may là xưa nay người ta chỉ cần trưng bộ mặt ra cho thiên hạ thấy xấu hay đẹp là đủ lắm, còn phần bên trong thì là chuyện riêng của mỗi nhà. Thế nên khi thu đủ tiền tự nguyện rồi người ta cũng bắt đầu cho sơn phết lại: trước nhà, biển hiệu, cả mấy cái cột đèn. Mấy ngày đó đi đâu cũng nghe mùi nước vôi, mùi sơn quyện chặt trong không khí, uống hớp nước mà cũng phải nín thở mấy lần. Đến tận hôm đoàn tham quan xuống, ông còn thấy nhiều người cứ phải một tay bắt tay, một tay tranh thủ che mũi. Mấy bà mấy cô áo dài đi cùng thì khẩu trang cũng không thèm tháo. Hôm sau cả con đường được đưa lên báo, mặt ai cũng tươi roi rói, chỉ tiếc là ông cứ ra ra vô vô trước cửa nhà mấy lần mà cũng chả dính được tấm ảnh nào.
- Nhưng nói đi thì cũng nói lại. Sửa sang xong rồi nhìn khu phố cũng có giá trị hẳn lên. Có điều từ đó cái gì cũng tăng giá theo từ điện, nước đến cả ly cà phê.
Ai bảo đường ông ở đã thành đường trọng điểm, nên ly cà phê lề đường giờ cũng thành cà phê lề đường trọng điểm. Dù lúc ông uống thì mùi vị vẫn y chang như trước, cứ thoang thoảng mùi khét vì rang bắp quá lửa.
- Đấy cậu coi, thứ gì cũng tăng. Buôn bán trước kia chỉ tạm đủ sống, giờ thành thiếu trước hụt sau. Nên tôi mới bàn với bà nhà làm thêm cái gác gỗ cho người ta thuê, được đồng nào hay đồng đó.
Vòng vèo mất cả buổi trò chuyện anh nhà văn cuối cùng cũng đã hiểu nguyên nhân vì sao căn nhà anh đang trọ có kết cấu kỳ lạ như thế. Mặt tiền thì cứ nhà mới, bước vào trong nhà thì từng miếng gạch, từng thớ gỗ đều bị thời gian khắc lên chi chít, chưa kể nó còn cõng trên lưng chừng vai một cái gác gỗ như cái tổ chim bồ câu phóng đại.
Và anh đang ngồi tựa bên ô cửa sổ của cái tổ ấy nhìn xuống một mặt khác của căn nhà… nơi những con hẻm sẽ chảy về đâu…