Cách pha trà:
Pha trà là một nghệ thuật.
Chọn ấm trà, chọn trà đã đành mà còn phải kén cả nước. Thường thì nên dùng nước suối hoặc nước lọc, loại nước cất người ta chê là nhạt. Một nguyên tắc chung là trà xanh (lục trà), hay Oolong dùng ấm nhỏ, chỉ có hồng trà mới dùng ấm lớn. Cùng với ấm, người uống trà phải có chén tống, chén quân theo kiểu Việt Nam, hoặc một ấm chuyên theo kiểu Trung Quốc, có những loại chén kiểu làm bằng đất tử sa (purple sand) nhưng có những chén sứ mỏng gọi là sứ vỏ trứng. Tùy ý thích mỗi người có một cách chọn, nhưng theo Trâm Anh nên chọn ấm trà bằng đất sét nung không tráng
men (unglazed) và chén trà bằng đất sét nung có tráng men (glazed). Mỗi ấm trà chỉ nên dùng cho một loại trà, để hương vị thuần nhất. Dù pha loại trà nào, 3 yếu tố chính là:
- Lượng trà.
- Nhiệt độ nước.
- Thời gian hãm trà pha.
Sau đây là phương pháp pha trà của nhà Trâm Anh dự thi tuần văn hóa chè Việt Nam tại Hà Nội năm 2000.
1. Sửa soạn đầy đủ dụng cụ gồm : Ấm trà, thuyền trà (cái bát lớn hình cái thuyền hoặc tròn để âm). Bồn (thường là hình tròn hoặc chữ nhật dùng đựng nước đổ đi), nắp bồn là cái đĩa có lỗ hủng để nước chảy xuống dùng làm đĩa đựng chén trà. Hộp đựng trà và nước sôi. Nếu pha trà theo kiểu truyền thống Việt Nam thì dùng bộ trà gồm: Ấm trà( kèm một đĩa có thành cao đựng ấm trà). Một chén tống (kèm đĩa), bốn chén quân (kèm đĩa).
2. Tráng nước sôi để ấm chén nóng đều.
3. Để trà đầy khoảng nửa ấm.
4. Đổ nước sôi cho đến khi nước tràn ra thuyền trà, đóng nắp lại (gọi là nước thứ nhất).
5. Trong giây lát (khoảng 15 giây) đổ hết nước nhất ra thuyền trà sau đó để vào bồn, lý do là để trà tơi ra hầu nước trà được ngấm đều.
6. Lại đổ nước vào và đóng nắp lại. Đợi chừng 45 giây đến một phút cho trà ngấm.
7. Trong khi chờ đợi, đổ nước sôi vào thuyền trà cho đến khi ngập khoảng một nửa ấm.
8. Rửa chén trà bằng cách xoay tròn chén trong thuyền trà nơi tay cầm. Lấy chén ra xếp lên bồn.
9. Đủ 45 giây đến một phút nhấc ấm trà ra. Gạt nước bám vào trôn ấm lên thành thuyền trà.
10. Rót trà theo kiểu xoay tròn, bắt đầu từ khách trước đến chủ sau, hay rót qua lại nếu là bạn bè.
11. Uống trà. Uống chầm chậm để thưởng thức hương trà, hương hoa và hàn huyên tâm sự.
Làm sao để có một ấm trà ngon
Đầu tiên phải làm ấm bình trà và chén trà bằng cách tưới nhanh nước sôi lên bình trà và chén trà, như thế sẽ giúp trà pha ra sẽ được nóng lâu hơn. Lượng trà, nhiệt độ nước và thời gian hãm trà là những yếu tố quan trọng trong cách pha trà. Trà phải được pha hợp khẩu vị của bạn. Một cách tốt là dùng 3gr trà pha với 150 cc nước sôi chờ 5 – 6 phút. Nếu trà pha theo cách này chỉ châm nước 1 lần. Ngược lại, dùng ấm trà nhỏ hơn, cho trà khoảng nửa ấm trà châm nước sôi vào lần 1 rót ra ngay (không uống vì nước một là nước rửa trà). Châm nước sôi lần 2 đầy tràn ấm trà đậy nắp lại chờ khoảng 1 phút trà nở ra, miệng vòi có bọt phập phồng, rót trà ra dùng rất ngon, rót hết trà ra các chén trà. Những lần pha kế tiếp tăng thời gian hãm trà lên 15 giây, mỗi chén trà pha của mỗi lần sau phải giống như chén lần đầu.
Trước khi rót trà qua những chén nhỏ phải lọc qua để tránh đóng cặn.
Người ta vẫn cho rằng trà đạo của Nhật chú trọng về nghi thức coi việc uống trà là một hình thức tế lễ, còn cách uống trà của Trung Quốc nặng về phẩm chất trà, là một hình thức thưởng ngoạn đi tìm hương vị của trà. Còn người Việt Nam dùng trà để tìm sự hoà hợp giữa con người với con người, hương trà, hương hoa hương của đất trời và tình người không thể thiếu trong chén trà Việt Nam.
Một hộp trà ngon, một bộ ấm trà đắt tiền còn dễ kiếm nhưng một khung cảnh yên tĩnh một tâm hồn thư thái thì vẫn là cái gì khó kiếm. Nhưng nó sẽ giúp người uống trà “minh minh đức” để nhận ra chính mình, tìm ra lẽ sống. Chén trà ngon là như thế.
Đọc xong thấy mệt
Công phu quá chừng chừng ..