Nghiêng sang em tôi thấy nắng vàng(“Gần như niềm tuyệt vọng”, TCS)
![[Hình: ChanDungTCS.jpg]](http://1.bp.blogspot.com/-IxrHqJzno-A/TiHpdHXEmjI/AAAAAAAAEgY/YIih-j47JgA/s1600/ChanDungTCS.jpg)
TCS - Bùi Quang Ngọc vẽ
Làm gì có chuyện ảo. Làm sao biết ảo hay không ảo? Làm sao em biết bia đá không đau? Làm sao em biết đời sống buồn tênh? Làm sao... mà trả lời.
Ảo, nghĩa là không thực. Những gì thuộc về “ảo” đều là... ảo cả, ảo vọng tuổi trẻ, ảo tưởng hòa bình, ảo ảnh cuộc đời... vân vân. Tôi không rõ là ngày trước, khi viết về một hiện tượng, một tiếng hát, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã phát giác được cái “ảo” từ những góc nhìn nào. Khuôn mặt liêu trai, mái tóc liêu trai, vóc dáng liêu trai, giọng hát liêu trai, tất cả hiện ra dưới ánh đèn mầu... liêu trai mờ ảo của phòng trà, đủ để tạo nên một “
Ảo ảnh Thanh Thúy”?
Khác với ảo ảnh, thường là những tìm kiếm, đuổi bắt (tìm nhưng không gặp được, đuổi nhưng không bắt được, như vũng nước trong sa mạc, như những bong bóng xà-phòng nhiều màu sắc, như chiếc bóng của mỗi người...), ảo giác ở ngay trong đầu, không phải tìm kiếm đâu xa, ẩn nấp sẵn đâu đó, có dịp là xuất đầu lộ diện. Ảo giác có khi là tưởng tượng, có khi là đóng kịch, là giả vờ, là bị đánh lừa hay tự đánh lừa, là tưởng vậy mà... không phải vậy, khiến dẫn đến những lầm lạc trong nhận thức, chẳng còn biết đâu là thực là giả.
Đọc một cuốn sách, xem một bức tranh, nghe một bài nhạc..., đôi khi trong thưởng ngoạn nghệ thuật,ảo giác cũng thấp thoáng, chập chờn. Trường hợp Trịnh Công Sơn (TCS) là một ví dụ.
A. Ảo giác ngôn ngữ TCS
1. Thật và giả
Ảo giác, trước hết đến từ chữ nghĩa TCS.
“
Toàn bộ âm nhạc TCS đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực...” (1), nhận xét này của nhạc sĩ Phạm Duy quả có đúng, mặc dầu không phải tranh trừu tượng lúc nào cũng đẹp cả. Gọi nhạc TCS là“nhạc... trừu tượng” cũng không sai. Chỉ là chuyện chữ nghĩa (“thơ cụ thể”, chẳng hạn). Trừu tượng,nên cần phải vận dụng ít nhiều trí tưởng tượng mới nhìn ra cái đẹp. Hình tượng người nữ trong lời nhạcTCS chẳng hạn:
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai…
Vai em gầy guộc nhỏ...
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền…
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…
Em gầy ngón dài…
Ngón tay em dài nên mãi ru thêm ngàn năm…
Cái đẹp này dường như không được bình thường lắm, có vẻ bệnh hoạn nữa là khác, vì gầy guộc quá,xanh xao quá. Cái đẹp thật mỏng manh, dễ vỡ...
Thế nhưng làm sao biết là đẹp? Có chắc là đẹp? Ai nói đẹp? Chắc không phải TCS. Ông không hề nói xấu, nói đẹp chi cả. Ông chỉ mô tả sơ sài, qua loa, đại khái là như vậy, ai muốn hiểu sao thì hiểu.Vậy thì đẹp, xấu chỉ là do ta nghĩ, ta tưởng tượng ra đấy thôi. Phải đẹp chứ, có hình tượng người nữnào ở trong thơ, trong nhạc mà lại không đẹp. Thử hình dung cái đẹp “
kiểu TCS”. Xem nào, “
đôi vai lụa mát” chắc phải... mát rượi! “
Đôi môi lửa cháy” chắc phải... bốc lửa! “
Da thơm quả ngọt” chắc phải... ngọt lắm, thơm lắm! “
Mi cong cỏ mượt” chắc phải... mượt lắm, cong lắm! Không đẹp sao được.Thực ra, bức tranh toàn cảnh trong nhạc TCS không hoàn toàn là trừu tượng. Nếu chỉ thuần là tranh trừu tượng, khó lòng giữ chân người xem lâu được. Khách xem tranh sẽ bỏ đi thôi. Điều khiến người xem chịu dừng lại ngắm nghía và trầm trồ trước họa phẩm của TCS chính là vì những tranh ấy không phải lúc nào cũng trừu tượng hay siêu thực. Chỉ đôi ba chỗ thôi, chẳng hạn:
Tim lăn trên đường mòn..., hoặc
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi..., hoặc
Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô..., hoặc
Dòng nước mắt sẽ bay trong trời
làm cơn mưa rớt trên chăn gối
lời cỏ cây hát trên da người
Còn lại là những chỗ người nghe nhạc, xem tranh đều có thể hiểu được. Cái thu hút trong lời nhạc TCS là những chỗ hiểu được và không hiểu được xen lẫn vào nhau, nằm cạnh nhau. Hiểu hết, hiểu dễ dàng thì đâu còn muốn nghe thêm nữa. Bài hát dù có hay ho, có mùi mẫn tới đâu cũng dễ trở thành cũ, vì mọi câu hỏi đều đã được trả lời, mọi chuyện đều đã được giải quyết xong, giống như là “
Thôi là hết/chia ly từ đây” (“Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”, Lam Phương) vậy. Ở lời nhạc (hay “ca từ”, như cách gọi ở trong nước) TCS, những vấn nạn vẫn còn nguyên trạng, chưa có lời giải đáp, không có câu trả lời,vì vậy nghe đi nghe lại mà vẫn cứ “mới”, vẫn ít thấy nhàm chán, vẫn muốn nghe nữa, nghe nữa...
Tôi là ai mà còn trần gian thế?
Tôi là ai mà yêu quá đời này?
Tôi là ai / là ai / là ai...???
Những câu hỏi cứ dấy lên mỗi ngày, cứ đeo đẳng theo ta mãi một đời.
Trở lại với những bức họa trừu tượng, TCS đã lấy gì để vẽ nên những tranh ấy? Chỉ là chữ và nghĩa,không có bất kỳ một chất liệu nào khác. Thử xét qua một ít từ loại, những danh từ, động từ, tính từ...được sử dụng qua bàn tay phù phép của TCS.
Động từ chẳng hạn, thử lấy chữ nào đó TCS vẫn hay dùng, ví dụ chữ “
phơi”:
Môi nào hãy còn thơm / cho ta phơi cuộc tình
(“Ru ta ngậm ngùi”)
Chưa nghe nói có ai đem tình ra phơi như phơi áo bao giờ. Phơi chỗ nào? Phơi trên cánh môi thơm chứ còn ở đâu nữa! Đem tình ra phơi cho khô ráo đã là chuyện lạ. Phơi thế nào mà tình không khô mà nắng lại... khô mới lạ hơn nữa:
Phơi tình cho nắng khô mau
(“Tình xót xa vừa”)
Lại có khi là “
nắng phơi” chứ không phải “
phơi nắng”:
Nắng phơi trên mầu ngói non tươi
(“Chiều trên quê hương tôi”)
Những động từ khác:
Treo: “
Treo tình trên chiếc đinh không” (Chưa thấy ai mắc, máng, treo cuộc tình bao giờ)
Khoác: “
Sương khoác mềm vai phố” (Như là khoác vai tình nhân...)
Lùa: “
Lùa nắng cho buồn vào tóc em” (Chỉ thua “Bầy chim lùa vạt nắng” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền)
Mưa: “
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ” (Chỉ thua“Mơ hồ nghe lá thu mưa” của nhạc sĩ Cung Tiến)
Nhặt: “
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy” (“Nhặt” đã khó, “giữ” càng khó hơn. Chỉ thua “Nhốt gió” củanhà văn Bình Nguyên Lộc)
Lăn: “
Tim lăn trên đường mòn” (Nghe như là phim... kinh dị)
Đổ: “
Đêm đổ xuống đời ta”
Trói: “
Trong lòng phố mưa đêm trói chân”
Nghe: “
Có con đường nằm nghe nắng mưa”
Ươm: “
Trời ươm nắng cho mây hồng”
Thắp: “
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”
Khắc: “
Vết buồn khắc trên da”
Chở: “
Có con đò chở nắng mưa đi”
Chờ: “
Tôi xin làm nụ cười, chờ em giữa đôi môi”
Người nghe TCS có thể nhặt thêm được rất nhiều động từ như vậy. Các động từ trên là cũ chứ đâu có mới, nhưng lại chở theo sau những ý tưởng, những hình ảnh mới mẻ nên ta tưởng như chúng “mới mẻ”. Những động từ ấy, thả ra từ ống tay áo của TCS, trở nên linh hoạt hơn, có sức sống hơn, bắt trí tưởng tượng làm việc nhiều hơn, vì vậy cũng dễ tạo nên những ảo giác.
Về tính từ, cũng đâu có kém. Chỉ “nắng” và “gió” thôi cũng đã chở theo rất nhiều tính từ (và các từ loại dùng như tính từ): “
nắng mềm”, “
nắng khuya”, “
nắng hững hờ”, “nắng quạnh hiu”, “nắng chiều quạnh quẽ”, “nắng rất la đà”; “gió vô tình”, “gió vô thường”, “ngọn gió hư vô”, “ngọn gió hư hao”,“ngọn gió hoang vu”, “ngọn gió quạnh hiu”, “gió mùa thu rất ân cần”... Cũng phải kể thêm những danh từ được cho làm tính từ:
“đời cơm áo”, “tay rong rêu”, “nắng thủy tinh” (nguyên là “ngôn ngữ thơ” của Thanh Tâm Tuyền),
“con đường lứa đôi”, “em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”, “tôi là ai mà còn trần gian thế”...
Về danh từ, kể sao cho hết. Khi ông nói đến dòng sông, con đường, hoa cỏ, chim muông, đấy khôngcòn là dòng sông, là con đường... hiểu theo nghĩa thông thường. Con sông không còn là con sông, con đường không còn là con đường. Những vật thể, hình tượng ấy đều vừa có thực vừa không có thực, đều nửa thực nửa giả hoặc chỉ là những khái niệm trừu tượng.
“
Dòng sông” chẳng hạn, là biểu tượng của dòng đời, dòng chảy của thời gian. Dòng sông trong lời nhạc TCS còn gợi lên những ý niệm về nỗi chia lìa, biền biệt, mất tăm, mất hút...
Sông bao lần sông đã ra đi...
Có một dòng sông đã qua đời...
Một dòng sông nước cuốn / một cuộc tình không may...
Tôi như chim ưu phiền / bay về cuối dòng sông...
Dòng sông nào đây? Chẳng có dòng sông nào cả.
“Con đường” chẳng hạn, là biểu tượng của cuộc hành trình, là hướng đi, là sự lựa chọn hay tìm kiếm miệt mài...
[i]Đường nào dìu ta đến cơn say...
Đường về tình tôi có nắng rất la đà...
Người đi tìm mãi suốt con đường...
Em đi bỏ lại con đường...
Con đường nào đây? Chẳng có con đường nào cả. Chỉ nghe là nghe vậy chứ có thấy đường xá, nhà cửagì đâu. Nào có phải là “
con đường xưa em đi” hay “
con đường tình ta đi” đâu. Làm gì có con đường nào.
“Hoa cỏ” cũng vậy. Khi ông viết về những bông hoa, ta có cảm giác không dễ gì tìm gặp những bông hoa ấy ở ngoài đời.
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay...
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi...
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời...
Có nụ hồng ngày xưa rớt lại / bên cạnh đời tôi đây...
Từ đó ta là đêm / nở đóa hoa vô thường...
Đóa hoa nào đây? Chẳng có đóa hoa nào cả. Làm gì có chuyện “đóa hoa vô thường”, làm gì có đóa hoa vàng nào “
mỏng manh cuối trời”, làm gì có nụ hồng nào
“ngày xưa rớt lại bên cạnh đời tôi đây”.
Những lời ấy thật đẹp nên ta tưởng tượng những bông hoa ấy cũng phải đẹp lắm. Kỳ thực, những bông hoa diễm ảo ấy chỉ nở trong những giấc mơ huyền hoặc hay trong những khu vườn ảo giác.
Đâu có riêng gì hoa cỏ, thực vật, đến cả chim muông, động vật cũng đều là... giả tưởng.
Đàn bò vào thành phố / không còn ai hỏi thăm...
Đàn bò bỗng thấy buồn...
Ngựa hồng đã mỏi vó / chết trên đồi quê hương...
Một ngày đầu thu / nghe chân ngựa về chốn xa...
Trong trái tim / con chim đau nằm im...
Liệu có ai chịu tin đàn bò, đàn ngựa, chim chóc ấy là... có thực! Ngựa trong những lời nhạc TCS cũng “ảo”, cũng chập chờn như bầy ngựa trong tranh của các nhà danh họa chuyên vẽ ngựa.
Cũng đâu có riêng gì vạn vật, cỏ cây, đến cả nắng mưa, gió bão cũng không còn được hiểu theo nghĩa bình thường.
Đây là mưa, là bão:
Có mưa quanh chỗ nằm...
Nghe quanh đời mưa bão...
Mưa bay trong ta / bay từng hạt nhỏ...
Đây là nắng, là gió:
Đường về tình tôi có nắng rất la đà...
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì...
Đến cả thời tiết, mùa màng cũng thuộc về tâm cảnh của con người chứ không còn là của thiên nhiên,đất trời nữa, vì vậy mới có những “
ta nghe tình đổi mùa” hay “
em đứng lên mùa thu tàn tạ”... Đến cả không gian, thời gian cũng đều là “giả” là “ảo”, vì vậy mới có những “trong ta chiều đã tàn” hay“đêm đổ xuống đời ta”... Liệu có cần phải kể thêm nữa những bầu trời, tinh tú, mặt trăng, mặt trời...
Ta thấy em trong tiền kiếp / với mặt trời lẻ loi...
Từ khi em là nguyệt / trong tôi có những mặt trời...
Vườn năm xưa em đã đến / nay trăng quá vô vi...
Trăng thế nào gọi là “trăng vô vi”? Kỳ thực, chẳng có trăng, sao gì cả. Mặt trời rực rỡ, chói lọi, cho những ảo giác về chủ thể, về thông thái, trí tuệ, về siêu nhiên, siêu hình. Bóng trăng lung linh, huyền ảo,gợi những ý niệm về lẽ biến hóa ảo diệu của đất trời.
Đến cả những nỗi buồn cũng là “
nỗi buồn ảo giác”, vô cớ, không tên, kiểu “
tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, hoặc những nỗi đợi chờ mà... không chờ đợi gì cả:
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế...
Có một người dường như chờ đợi
thật ra đang ngồi thảnh thơi...
Sau cùng, chẳng có gì hết. Chẳng có dòng sông, chẳng có con đường, chẳng có mặt trời mặt trăng, cũng chẳng có nỗi buồn, chẳng có ai chờ ai đợi...
Chưa hết, ta còn gặp những cách ví von, những “
có khi” và “
đôi khi”:
Lòng ta có khi mơ hồ / tưởng mình đang là cơn gió...
Đời ta có khi tựa lá cỏ / ngồi hát ca rất tự do...
Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối...
Đôi khi thoáng nghe bước chân về đâu đó của ai...
Hoặc những “nghe” và “thấy”:
Đêm nghe gió tự tình...
Ta nghe nghìn giọt lệ
rớt xuống thành hồ nước long lanh...
Ta thấy em đi quanh từng ngọn nến tắt...
Ta thấy em đang ngồi khóc / khi rừng chiều đổ mưa...
Nghiêng sang em tôi thấy nắng vàng…
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ... (Sao không? Nhà văn Võ Phiến cũng từng nghe “Thác đổ sau nhà” vậy.Thác đổ thật, vì… “
tỉnh ra có khi còn nghe”).
Tất cả, những trạng thái lửng lơ, lơ lửng “
hình như, có lẽ, chắc là, dường như” ấy, những “
có khi” và“
đôi khi” ấy, những
“nghe” và “
thấy” ấy, “đôi khi” cũng là những tác nhân gây nên những ảo giác chập chờn, nửa hư nửa thực.
Ngôn ngữ TCS, như vậy, có thể gọi là... “
bóng chữ” (nói như nhà thơ Lê Đạt), chứ chẳng phải chữ với nghĩa gì nữa!