“Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.” - Xuân Quỳnh
Một người đã nói với tôi, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã cố tình bẻ câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh (và vì thế gây cho nhiều phụ nữ ngộ nhận chăng?) vì khi phổ nhạc ông sửa lời bài hát thành “Nếu phải cách xa em, Anh chỉ còn bão tố.” Bởi lẽ đối với đàn ông không có cái gì là bão tố cả. Bão tố là khái niệm chỉ dành cho phụ nữ, giống như triết học là thứ chỉ dành cho đàn ông. Những người phụ nữ hay mơ mộng, ảo tưởng sẽ xa rời hơi thở cuộc sống và bão tố nổi lên từ đó. Những cơn bão lòng ấy có bao giờ dứt không nếu họ cứ lẫn quẩn trong cái vòng suy tưởng chẳng đâu ra đâu đó?
Một người đọc suy nghĩ của tôi rõ như đọc một truyện tranh dành cho trẻ mẫu giáo bỗng quăng vào mặt tôi một câu hỏi khiến tôi chới với. Tôi muốn cái gì? Ừ, tôi là một diễn viên quá tồi nên không thể hiện tốt cái vai mà tôi muốn diễn. Tôi chẳng biết một người phụ nữ thì nên muốn gì khi đứng trước một tác phẩm trừu tượng mà hình ảnh và màu sắc thay đổi không ngừng theo không gian và thời gian. Một tác phẩm nghệ thuật quá đặc sắc mà người nghệ sĩ đã trả giá rất đắt để có thể vẽ ra được và vì thế anh ta rất khéo lựa chọn nên trưng bày hình ảnh, màu sắc nào tại thời điểm nào. Tôi chưa định thần xem nên trả lời thế nào thì ngọn lửa đã vụt tắt ngấm. Có những câu hỏi đặt ra chỉ để thử phản ứng của người được hỏi (và để họ tự tìm lời đáp cho bản thân) chứ không cần thiết câu trả lời là gì.
Một người bảo tôi chẳng bao giờ hiểu họ là ai, họ nghĩ gì vì tôi đã không chịu tìm hiểu họ. Giữa muôn trùng mảnh ghép vỡ vụn chấp nhặt từ những điều họ đã nói, đã làm (mà tôi có dịp nghe và thấy thôi), tôi cố lần mò hình dung ra một bức chân dung tổng thể nhiều màu loang lỗ. Tôi mất tự tin với khả năng tổng hợp của mình (dù rằng người ấy nghĩ tôi cũng có chút ít đầu óc). Tôi không hiểu được đàn ông cần gì ở phụ nữ ư? Đàn ông cần 2 loại phụ nữ: hoặc là một cô gái ngây thơ hoặc là một người đàn bà hiểu đời. Người đó đã nói vậy. Tôi đã vượt xa cái tuổi để sắm vai một cô bé hồn nhiên trong trắng mà tại sao lại chưa chuẩn bị đủ tâm lý để sống đúng lứa tuổi của mình, để thành một người phụ nữ trưởng thành? Và phải chăng vì cái sự dở dở ương ương ấy, tôi nghiễm nhiên trở thành một dạng “sản phẩm thừa” của cuộc đời. Tôi có nhiều điểm yếu và điểm yếu người đó ghét nhất (và cũng muốn cải tạo nó nhất chăng?) có lẽ là sự hoảng sợ trong tôi. Tương lai là một cái gì chưa đến thì tại sao nó làm cho tôi sợ? Ai cũng có một cuộc đời và mỗi người có quyền lựa chọn cách mình đối diện với nó. Sự lựa chọn ấy quả là một trải nghiệm khắc nghiệt. Trong khi cuộc đời bày ra trước mắt mình mỗi ngày một nhiều trò chơi và luật chơi rất công bằng: anh phải trả giá cho tất cả bất kỳ điều gì anh muốn đạt thì thái độ sống của 2 người lại khác nhau: một người chấp nhận những rủi ro và sẵn sàng trả giá nên hứng khởi trước những điều mới mẻ cuộc đời đem lại, dù anh ta biết có thể kết quả thu về chẳng có gì nhưng quan trọng là anh ta đã chơi trò chơi đó thú vị như thế nào; còn người kia thì cứ đứng phân vân, đắn đo mãi xem có nên tham gia một trò chơi rủi ro cao đến thế không nên cuối cùng cơ hội tuột mất, trở thành kẻ đứng bên lề cuộc chơi.
Một người khuyên tôi rằng đôi lúc con người phải dừng lại để xem họ đang ở đâu giữa cuộc đời này. Tôi đang đứng trước một khúc quanh mà cứ tần ngần đứng mãi không có can đảm rẽ ngoặc. Nếu tôi sợ hãy tỏ rõ là mình sợ (để nhờ ai đó dẫn đi hay để từ bỏ, quay đầu lại đi đường khác?), còn nếu không hãy cứng rắn lên, đừng tỏ sự sợ hãi cho người khác biết (con người phải có lòng tự trọng chứ, người đó nói vậy). Tôi không có lập trường, thích dựa dẫm vào người khác? Tôi đáng thương hại đến vậy sao?
Một người chỉ trích ngày nay con gái không hiểu đúng những gì ông bà xưa đúc kết về những đức tính cần có của người phụ nữ :“công, dung, ngôn, hạnh”. Nếu phụ nữ không hiểu rõ và đầy đủ chữ quan trọng và cần thiết nhất trong 4 chữ ấy, chữ “hạnh”, thì họ sẽ là người gặp bất hạnh. Tôi giật mình, một cảm giác xót xa, ê chề dâng lên. Tôi tự hỏi tôi đã làm gì với chữ “hạnh” của mình để người khác hạ giá nó thê thảm đến vậy?
Vào một đêm đẹp trời, không mây, không mưa, không trăng, không sao, trong cơn mộng mị tôi đã được dịp trò chuyện với một người muôn mặt về những chuyện như thế đó. Tôi vẫn đang tìm lời đáp cho câu hỏi “Tôi muốn cái gì?”. Tôi muốn nhiều thứ (dĩ nhiên là những thứ tôi nghĩ là tôi có thể đạt được khi đã trả một cái giá đắt) nhưng tôi chắc chắn 1 điều từ tận đáy lòng mình tôi muốn “tôi sẽ không trở thành 1 bi kịch” – 1 điều mà người đó cố gắng bao lần để tôi quán triệt được.
“Người đi qua đời tôi, trong tôi còn lưu lại chút gì của người không?” Giữa bao người đi qua đời người đó, tôi cũng chỉ là một vệt mờ nhạt buồn tẻ nên có lẽ cũng chẳng đến nỗi làm người ấy nhớ. Và vốn dĩ người ấy cũng muốn tôi quên họ đi cho nhẹ lòng. Nếu thật sự cách xa anh em chỉ còn bão tố nhưng rồi em cũng sẽ phải học cách sống chung với bão thôi, anh ạ. Và rồi cơn bão nào cũng qua.
(P/s: Cho 1 mùa cũ)