Tiqui - taca
Phở > 22-08-2012, 02:20 PM
Triết lý yêu thương ẩn dưới đôi chân thiên tài
Khi Tây Ban Nha đại thắng Italia để một lần nữa bước lên ngôi bá chủ châu Âu thì người ta đã đặt ra một câu hỏi vĩ đại: Bao giờ thì Tây Ban Nha với sự thắng thế của thứ bóng đá Tiqui – taca sẽ bị đánh đổ?
Lịch sử bóng đá thế giới chứng minh rằng chẳng có một sơ đồ chiến thuật, một công thức thi đấu, một mô hình chiến thắng nào là vĩnh cửu. Thế nên điều quan trọng nhất đối với một “mô hình chiến thắng” không chỉ nằm ở việc nó có thể tồn tại trong bao nhiêu lâu, mà còn nằm ở việc nó đã để lại những bài học thiết thực nào. Phải rồi, những bài học bóng đá, những bài học cuộc đời, những bài học vế sự sống và cách sống còn đọng lại phía sau một mô hình chiến thắng - đó mới là điều thực sự đáng quan tâm.
1. Một người em tôi, một cây bút trẻ đang tung hoành trên một trong những tờ báo thể thao hàng đầu tại Việt Nam quả quyết: Tây Ban Nha vẫn sẽ thống trị thế giới ở kỳ World Cup 2014 tới đây. Lý do là Euro 2012 chứng minh những thay đổi hợp lý của thứ bóng đá Tiqui – taca đang khiến nó trở thành một thứ pháo đài bất khả xâm phạm. Cụ thể, Tiqui – taca trước đây là một thứ bóng đá tấn công thuần túy, một thứ bóng đá tận hiến cho cái đẹp và vì cái đẹp. Nhưng Tiqui – taca dưới bàn tay nhào nặn của HLV Del Bosque, HLV trưởng đương nhiệm của Tây Ban Nha bây giờ, lại là sự kết hợp khéo léo giữa cái đẹp và cái thực dụng, giữa việc tận hiến vì cái đẹp và việc phải làm sao để cả một đội bóng có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Quả thật, Tây Ban Nha bây giờ đá bóng khó chịu hơn so với chính Tây Ban Nha của 2 năm hay 4 năm về trước, và một khi sự khó chịu tiếp tục được nâng tầm thì Tây Ban Nha sẽ tiếp tục trở thành một thế lực rất khó đánh bại tại kỳ World Cup tới.
Chia sẻ với quan điểm của bạn nghề trẻ tuổi, nhưng tôi cứ trằn trọc với một câu hỏi: 2 năm nữa, cả một thế hệ làm nên Tiqui – taca trong lòng ĐT Tây Ban Nha như Xavi, Iniesta, Silva, Fabregas sẽ già đi, yếu đi, mệt mỏi đi so với bây giờ, cũng như bây giờ họ đã yếu đi rất nhiều so với 4 năm về trước. Ở một bối cảnh mà những hạt nhân chính của Tiqui – taca đứng trước nguy cơ khó có thể phát huy mọi sức lửa của mình trong thời gian tới thì bóng đá Tây Ban Nha chưa cho thấy sự xuất hiện của những cầu thủ trẻ - những cái tên thay thế xứng tầm.
ĐT Tây Ban Nha với khoảnh khắc vinh quang tại Euro 2012.
Đã vậy, nhìn cái cách Croatia và Bồ Đào Nha đổ kín người trên phần sân nhà để “tê liệt hóa” Tiqui - taca của Tây Ban Nha tại Euro lần này, chắc chắn phần còn lại của châu Âu đã rút ra những bài học sống còn trong việc chống chọi lại một sơ đồ khó chịu. Và cuối cùng, trong trận địa World Cup tới, Tây Ban Nha khả năng sẽ phải chạm trán với những ông kẹ Nam Mỹ như Argentina hay chủ nhà Brazil, chứ không đơn thuần chỉ chạm trán với những đội bóng châu Âu. Vì tất cả những lý do như vậy mà tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ rằng có rất nhiều khả năng bóng đá Tiqui – taca của Tây Ban Nha sẽ bị hạ bệ trong vòng 2 năm nữa.
Nhưng thôi, dẫu sao đấy cũng là một câu chuyện của tương lai, và việc tranh cãi xem tương lai sẽ như thế nào bao giờ cũng là những cuộc tranh cãi rất…mất thời gian. Mặt khác, nhìn sâu vào quá khứ, người ta đã thấy cái thịnh rồi cái suy của rất nhiều những mô hình chiến thuật khác nhau, từ 4-2-4, 3-5-2, 4-4-2, cho nên với Tiqui – taca, việc thịnh suy của nó ra sao, việc nó có thể thống trị được bao lâu và bị đánh bại khi nào, xem ra không quan trọng. Điều quan trọng là nó có thể để lại một bài học, một triết lý đáng suy ngẫm nào không?
2. Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới đêm chung kết World Cup 2010, cái đêm mà Tây Ban Nha vượt qua một Hà Lan giàu toan tính với một bàn thắng ở hiệp phụ của Iniesta để lên ngôi bá chủ bóng đá nhân loại. Đêm ấy, có một hình ảnh đọng lại vĩnh cửu trong trái tim tôi: Đó là ngay sau khi ghi bàn, Iniesta đã cởi phăng chiếc áo thi đấu, để lộ chiếc áo lót in dòng chữ: “Jarque luôn sát cánh cùng chúng tôi!”. Jarque là ai vậy? Xin thưa, là một cựu cầu thủ rất bình thường của CLB Espanyol – CLB đối địch của Barcelona mà Iniesta đang thi đấu.
Năm 2009, một cú đột quị bất ngờ đã khiến Jarque lìa đời trong sự tiếc thương của cả nền bóng đá Tây Ban Nha. Rất nhiều người bất ngờ khi Jarque lại hiện sinh trên ngực áo của Iniesta trong một trận chung kết diễn ra một năm sau sự cố, thời điểm mà có thể là với nhiều người khác, cái tên Jarque đã rơi vào lãng quên. Nhưng rõ ràng là Iniesta không quên, những đồng đội của Iniesta không quên, triết lý Tiqui – taca không quên một chàng trai bạc mệnh…
Vẫn là chuyện của một trận chung kết, nhưng là chung kết Champions League năm ngoái giữa Barcelona, nơi khởi thủy của Tiqui – taca nguyên nghĩa với Manchester United giàu uy lực. Trận chung kết ấy, Đội trưởng Puyol cùng các đồng đội hãnh diện bước lên bục danh dự nhận chiếc cúp chiến thắng. Nhưng thay vì trở thành cầu thủ Barca sau cùng chạm tay vào cúp, cái điều mà mọi cầu thủ khác trong thế giới bóng đá này đều khao khát, Puyol đã nhường vinh dự đó cho hậu vệ Abidal. Và khi Abidal cười rạng rỡ giương cao chiếc cúp chiến thắng, người ta thấy trên cánh tay anh đã được đeo lên chiếc băng đội trưởng từ khi nào không biết.
Tại sao Puyol lại nhường Abidal chiếc băng đội trưởng? Tại sao Puyol lại nhường Abidal cái quyền được là cầu thủ Barca cuối cùng ôm cúp, cũng đồng nghĩa là cầu thủ được vinh dự “đóng chốt” lại một chiến thắng của cả một tập thể? Hẳn tất cả vẫn còn nhớ, thời điểm ấy, Abidal vừa phải vất vả chiến thắng căn bệnh ung thư gan quái ác.
Thế nên theo nhận định của báo chí Tây Ban Nha thì hành động nhường nhịn của Đội trưởng Puyol cho Abidal giống như một sự khích lệ, một lời gửi gắm của một người đội trưởng cực kỳ nhân đạo: Này Abidal, hãy vững tin nhé, vững tin chiến thắng căn bệnh quái ác đang ám lấy mình! Bây giờ nói lại hành vi nhường nhịn của Puyol cho Abidal thấy mọi thứ sao mà dễ dàng, nhưng ở vào bối cảnh mà bản thân Puyol cùng các đồng đội đang tột cùng phấn khích với một chức vô địch danh giá, ở một bối cảnh mà tất cả các cầu thủ đều khao khát được trở thành người “đóng chốt” của một lễ nhận cúp vinh quang mới thấy rằng không phải ai cũng có thể thực hiện một hành động nhường nhịn cao thượng, giàu hy sinh như Puyol đã làm.
3. Hình ảnh một Puyol nhường quyền nhận cúp cho một người đồng đội xấu số cộng hưởng với hình ảnh Iniesta khắc chạm lên chiếc áo, lên trái tim mình tên một đồng nghiệp xấu số khác trong hai trận chung kết ở hai cấp độ khác nhau của bóng đá Tây Ban Nha khiến tôi cứ trằn trọc với một câu hỏi: Đấy chỉ là những hành động tự phát cá nhân, là sản phẩm của một sự thức tỉnh trong khoảnh khắc hay là kết quả của một triết lý, một quá trình giáo dục? Câu hỏi ấy thúc đẩy tôi tìm hiểu giáo trình đào tạo của lò đào tạo trẻ La Masia – Barcelona, nơi mà Tiqui – taca khởi phát.
Và tôi chợt nhận ra rằng ở lò đào tạo này, người ta dạy những đứa trẻ một điều cực kỳ quan trọng: Với Tiqui – taca, những đường chuyền bóng, những cú sút bóng, những pha ban bật bóng, tất cả mới chỉ là một phần rất nhỏ. Phần lớn hơn, quan trọng hơn là trong một đội bóng, và rộng hơn, trong một xã hội – bóng đá, các cầu thủ nhất thiết phải thương yêu, hòa thuận với nhau. Ở ngay cổng của lò đào tạo La Masia người ta có thể dễ dàng trông thấy một khẩu hiệu lớn, một thông điệp lớn, một triết lý lớn: “Ở đây: Chiến thắng phải đi liền đức hạnh!”.
Vậy thì rõ ràng những hành động đầy tính nhân văn của Iniesta, của Puyol và của nhiều cầu thủ khác vốn tắm mình trong “triết lý giáo dục Tiqui – taca” (hãy tạm gọi như thế) đâu phải là những hành động ngẫu nhiên. Nó chính là sản phẩm của một quá trình đào tạo bóng đá, nơi mà yếu tố “đức hạnh” đã được đặt ngang bằng, đặt tương đương, thậm chí còn được chú trọng hơn yếu tố…giành chiến thắng! Có phải chính nhờ yếu tố đức hạnh ấy, chính từ cái triết lý giáo dục cao quý ấy, chính từ cái linh hồn thẳm sâu của Tiqui – taca ấy mà ĐTQG Tây Ban Nha đã thực sự thay đổi, và bóng đá Tây Ban Nha đã thực sự được nâng tầm?
4. Khỏi nói ai cũng biết, cho tới trước năm 2008, thời điểm mà Tiqui – taca xuất hiện trong lòng ĐT Tây Ban Nha thì đội bóng này nổi tiếng với biệt hiệu “học tài thi phận”. Biệt hiệu ấy xuất phát từ việc Tây Ban Nha thường xuyên đá rất hay tại vòng loại các giải đấu lớn, nhưng cứ vào đến VCK thì lại thua nhanh, thua dễ dàng, mà phần lớn những cái thua đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ. Nên nhớ, ở một xã hội đã từng bị cai trị bởi một nền độc tài kéo dài hàng chục năm, ở một nền bóng đá mà “văn hóa vùng miền” đôi khi vẫn được coi trọng hơn “văn hóa quốc gia” thì những bất đồng trong lòng ĐTQG Tây Ban Nha đã từng được nhìn nhận như những bất đồng tất yếu. Nhưng kể từ khi Tiqui – taca hiện hình thì những bất đồng cũng lập tức tan biến, và Tây Ban Nha trở thành một ĐT thống nhất, một ĐT với những con người biết thương yêu và biết hành động vì cái chung.
Và như thế, Tiui – taca có thể thịnh rồi suy, ĐTQG Tây Ban Nha có thể đứng trên đỉnh cao chiến thắng rồi có thể rơi tõm xuống vực sâu thất bại nhưng cái triết lý thẳm sâu về tình người, về đức hạnh mà Tiqui – taca đem lại thì mãi là một triết lý bất tử, một bài học bất tử trong lịch sử phát triển bóng đá nhân loại.
Về phần mình, nếu được phép nói, tôi muốn nói một câu chân thật rằng: Xin cảm ơn Barcelona, cảm ơn ĐTQG Tây Ban Nha, cảm ơn Tiqui – taca, vì mỗi khi đối diện với Tiqui – taca, tôi không chỉ được đối diện với một trận cầu đẹp, mà còn được đối diện với những hình ảnh đẹp, những tình cảm đẹp, những con người đẹp…
Những cái mà nếu chẳng may không còn nữa thì có lẽ trái đất sẽ ngừng quay và sự sống sẽ lụi tàn…
(Theo ANTG cuối tháng)