RE: Nói Lái : một dạng đặc biệt của tiếng Việt - Nguyễn Hữu Phước
lanhdien > 01-10-2011, 01:36 PM
Đây!
Lại Hối của cụ Lãng Nhân
Lại Hối
Hòa vừa gõ cửa thì Sinh đã ra mở, niềm nở mời vào phòng khách, giới thiệu với các bạn:
- Đây bác Hòa là một nhà thâm nho. Và đây, bác Đoàn ưa khảo sát về từ ngữ, bác Đằng thích khám phá về sắc dục, bác Dương thạo về phân tâm học, chúng tôi mời bác Hòa đến là chân thứ năm trong hội "Lại Hối".
- Làm chân thứ Năm thì tôi e khập khiễng, vì tôi…già rồi. Hơn nữa hội có năm chân, có lẽ cũng hơi vắng vẻ Châu Trần. Vả lại, tôi chưa hiểu cái tên hội mang nghĩa gì. Lại Hối, việc gì phải hối? Tội cam vạ đáng gì? Đã hối rồi là đủ, sao đến nỗi phải "Lại Hối"? Mà hội với hè đã xin phép chưa? Vớ vẩn không khéo lại tù cả nút…
- Bác yên trí, Sinh đáp. Hội này không phải xin phép, cũng không phải hội kín, chính quyền có dòm ngó tới thì cũng đến cười xòa, có lẽ lại còn khen mình là có công bảo vệ thuần phong mỹ tục nữa là khác. Còn bác bảo số hội viên thưa thớt, xin bác biết cho rằng nhiều chính đảng chỉ có một hội viên vừa làm lãnh tụ vừa làm ủy ban tổ chức, ủy ban vận động, mà cũng kiến nghị kiến nghiếc ầm ầm, có sao đâu! Nhưng tôi xin vào đề ngay để bác khỏi áy náy. Bác là người thông kim bác cổ, hẳn cũng nhận với chúng tôi rằng tiếng ta vẫn mang tiếng là nghèo, chúng ta có nhiệm vụ làm cho phong phú thêm lên. Chúng tôi nghĩ ta sẵn có phương pháp nói lái, một phương pháp đầy màu sắc dân tộc mà ít khi được bà con áp dụng, thì nay đem khuếch trương nó ra, cũng là một cách làm giàu cho ngôn ngữ, vì câu nói lái đột nhiên hàm một ý nghĩa khác hẳn nguyên văn. Như Lại Hối mà chúng ta đang thành lập đây, không phải là ăn năn sám hối nữa, vì lái lại nó sẽ thành Hội Lái, tức là hội những người nói lái.
Dương nói:
- Theo chủ trương của Freud, lời nói của ta phải qua ba phòng: từ phòng ý thức, qua phòng tiềm thức, tới phòng kiểm duyệt, rồi mới phát thanh ra. Nói lái tức là nói ra những tiếng có liên quan đến sắc dục chẳng hạn, mà ý thức và tiềm thức thấy là khó diễn tả được toạc móng heo, thì phòng kiểm duyệt sẽ soát lại và thay đổi cho khỏi "công xúc tu sĩ" trước khi cho nói ra. Ấy là cái nghĩa bảo vệ mỹ tục mà bác Sinh vừa nêu lên đấy.
Hòa cười hà hà:
- Tưởng kín hay hở thì ký nhi viễn chinh, chứ hội lái tôi sợ gì mà dam khống. Và tôi lại đề nghị với các bác bầu Hồ Xuân Hương làm chủ tịch danh dự, với hai phó chủ tịch danh dự là trạng Quỳnh và Yên Đổ. Là vì ai cũng đã biết cái tài nói lái của ba vị ấy. Xuân Hương đã diễu:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Chỉ vì một chút tẻo tèo teo
Bè từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
Trạng Quỳnh cám ơn cô hàng nước đã cho bánh dầy:
Đang khi nắng cực đói lòng thay
Giả ơn chị tú lại cho dầy
Bây giờ biết lấy chi mà tạ
Xin quỳ hai gối chống hai tay
Còn Yên Đổ mừng một ông thợ kèn hai chữ "Đại hạ" lấy cái nghĩa đen là hè to, lái lại thành tò he, rõ ra tiếng kèn. Và khi Ông Ích Khiêm làm đền ở Hà Nội để kỷ công những binh sĩ trong Trung ra bị chết trận ngoài Bắc, sai người đến xin mấy chữ để đề ngoài cổng đền, người này có vẻ tự đắc kể lể "quan tiễu muốn làm đền cho lính tôi", Yên Đỗ đòi ba nén bạc và cho ba chữ "Tối linh từ". Ông Ích Khiêm bất bình vì tiền nhuận bút đắt thế mà ba chữ lại quá ư tầm thường, có biết đâu cụ tam nguyên đã dùng lối nói lái: tối linh là lính tôi, cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng.
Sinh tiếp:
- Vâng, bầu các vị ấy vào ghế danh dự là xứng đáng lắm. Nay xin bàn đến một vài quy luật mà chúng ta sẽ ấn định cho Lại Hối. Tôi thấy trong các câu đố của ta, có lối đố tục giảng thanh như:
Xưa kia em trắng như ngà
Bởi chưng ngủ lắm nên là em thâm
Lúc bẩn chàng đánh chàng đâm
Đến khi rửa sạch, chàng nằm lên trên.
Giảng là cái chiếu! Lại có lối đố thanh giảng tục, như: "Đầu làng đánh trống, cuối làng phất cờ, trống đánh đến đâu, cờ phất đến đấy" giảng là con chó vừa vẫy đuôi vừa sủa. Vậy tôi tưởng ta cũng nên phân biệt hai lối trong khoa nói lái: ý tục lái thanh, ý thanh lái tục.
- Nên lắm chứ. Đoàn góp ý. Ta có thể xếp vào loại ý tục lái thanh những câu chẳng hạn như: đái dầm lái ra dấm đài, răng mái hiên ra răng hiền mai (nếu ta thuộc vào hạng này, ta cũng nên để ý tới người nào đối thoại với mình mỗi lần lại kính cẩn thưa ông rằng vì biết đâu trong đó chẳng ẩn cái ý răng ông thừa). Bà kia tấm lưng sàm sạp như cánh phản có khi ngơ ngác không hiểu sao có người lại gọi mình là phán Cảnh. Hai ông thanh niên nói nhỏ với nhau: cô điếm nọ hay đi đường Ca-ti-na (đường Đồng Khởi bây giờ) bắt cọp, ta chớ tưởng là cô có thừa can đảm, vì nếu đọc chữ bắt là bắc cho hợp thủy thổ, thì mục tiêu của cô gái có đặt đâu vào chúa sơn lâm! Mấy cô bán hàng rong tụ ở một vỉa hè cấm đỗ, hễ trông thấy bóng cảnh sát là rủ nhau vác chày mà lộn, cảnh sát nếu nghe biết được, có lẽ sẽ hiểu lầm đó là một chưởng siêu việt của môn phái võ lâm nào, chứ không ngờ là một lối khinh công rất thường mà những cô cẳng dài luyện không thấy mệt.
Hòa thêm:
- Về lối ý tục giảng thanh, tôi nhớ một câu đối thật tài tình: "Tuổi gần sáu chục chưa đeo kính; Thức suốt năm canh chỉ sợ gà" lời nghe tự nhiên và có lý, sợ gà vì nó gáy sáng thì tan cuộc, nhưng lái lại, ta sẽ nhớ ngay đến câu ngày trông quan lớn như thần, đến đêm quan lớn tần mần như ma! Lại có người ra vế đối nam đáo nữ phòng: thạch bất truy, không ai hiểu thạch bất truy thủ nghĩa gì, sau tác giả mới nói: thạch bất truy là đá chẳng theo! Ấy là đổi tục ra thanh, chưa thấy đủ thanh, lại dịch nghĩa đen ra chữ Hán nữa cho bí hiểm. Tức như cái kiểu Đại hạ của Yên Đổ trên kia và những chữ mộc tồn: cây còn con cầy; - quần thần: bầy tôi: bồi tây; Đại điểm: chấm to: chó Tâm… mà chúng ta vẫn lấy làm khoái trá mỗi khi nghe kể lại.
Dương cười:
- Theo tôi, ý tục lái thanh không thông dụng bằng ý thanh lái tục. Tôi xin kể mấy thí dụ: cụ trong dân là một tiếng tôn xưng trang trọng, nhưng lái lại, e mất vệ sinh. Đại sứ là chức vị lớn, ai nỡ lái cho thành một tác động có thể bị phạt vi cảnh nếu diễn ra ngoài đường. Chính phủ mà lái thành ra chú phỉnh thì mang lỗi vu cáo cho những chính quyền không mị dân. Bảo bà Cố mắc tội vu khống thì lại phủ nhận tác dụng của nhựa cây hê-vê-a loại "mút" mà giới phụ nữ đua nhau sử dụng. Báo hay nói đến ông Ráp Thập là bậc anh tài thành thạo về máy nước cột đèn, nếu lái lại ông Thấp Rạp thạo về đén nước cột mày, ông sẽ hét lên tùm lum, dù mấy chữ chẳng có nghĩa gì cả. Ông Xuân Quảng ai nỡ lái là Quang xuẩn, mà bảo ông ấy đòi nồi thịt dim là dìm nồi thịt đoi thì cũng tội nghiệp. Câu tường thuật trong báo bà dân biểu tấn công, cụ chủ rung chuông, nghe thật hiền lành vô tội, ta cũng chẳng nên gán cho nó cái nghĩa rất oan uổng cho cả hai "nạn nhân": bà riêu bẩn cống tân, chuộng chủ rung cu!
Đoàn tiếp:
- Ý thanh lái tục kể cũng ác thật. Đến Ba Tàu còn sợ nữa là! Chắc các bác chưa quên trào cụ Ngô có lệnh cấm gọi tổng thống bằng cụ. Ấy là vào ngày 5-5-1960, ông Đoàn Thêm có ghi sự kiện này đấy, và tôi dám chắc chính ông ấy cũng không biết lý do cái lệnh đột ngột đó. Có gì đâu: sáng hôm ấy, mấy ông ba tàu cở bự lên đồ lớn vào yết kiến ông Diệm, để trình bày một ý kiến mà các ông loanh quanh năm lần bảy lượt xin ông Diệm đại xá cho mới dám tỏ bày. Ông Diệm nghe nói lằng nhằng mãi đâm bực mình, vì đã cho phép nói mà vẫn không ai nói rõ là ý kiến gì. Sau phải hứa sẽ không bắt tội ai cả, bấy giờ một ông gốc Quảng Đông mới mạnh dạn: "Thưa tổng thống, chúng tôi chỉ thắc mắc về một tiếng cụ. Chúng tôi vẫn biết cụ là một tiếng xưng hô với bậc tôn trưởng, nhưng mỗi khi được đặc ân lên yết kiến tổng thống, chúng tôi xin ngài cho phép không dùng tới tiếng ấy. mà không phạm tội vô lễ, vì xin tổng thống tha chết cho, hai chữ cụ Ngô e có kẻ xuyên tạc ra là ngộ cu". Ông Diệm hầm hầm đứng lên chẳng nói chẳng rằng, bỏ khách lừng lững đi sang phòng khác, như lối Tôn Quyền tác-sắc với Khổng Minh rũ áo quay vào hậu đường. Thế là ngay chiều hôm ấy có lệnh: cấm dùng chữ cụ để tôn xưng họ Ngô.
- Bác này chỉ khéo giải thích khôi hài. Sinh nói. Nhưng bác nói có sách, ai dám không tin. Tôi thấy rằng những thí dụ các bác đưa ra đề cập đến cả hai lối nói lái: lối Nam chỉ lộn lại hai chữ đầu và cuối, rồi đổi tử âm đầu chữ nọ với tử âm đầu chữ kia. Như đường Công Lý, lái ra Ký lông. Lối Bắc thì Công Lý sẽ thành ra Ly cống, tức là cũng lộn lại hai chữ, nhưng chỉ đổi vị trí của hai đầu thôi. Nay chúng ta dự thảo một hiến pháp cho Lại Hối, tôi xin đề nghị mấy khoản này:
Điều 1: Áp dụng cả hai phương pháp Nam và Bắc tùy theo trường hợp, cốt dùng phương pháp nào đi đến những câu có nghĩa lý đôi chút.
Điều 2: Hạn chế nói lái vào phạm vi ý tục lái thanh.
Dương nhận xét:
- Điều 1 tỏ ra chúng ta không chia rẽ Nam Bắc: điều 2 hợp với chủ trương của Phrới-mun dinh, mà có người còn gọi là Dích-mun-phrơi (Siegmund Freud) để quyền phòng kiểm duyệt bảo vệ cho si tủ khỏi bị xung cốc.
- Minh hô hết hoàn! Lái thanh lại còn tránh cho ta nhiều khẩu nghiệp có hại cho hòa bình của xã hội và khiến ngôn ngữ châm biếm đến đâu cũng vẫn giữ được vẽ tao nhã văn hoa. Điều đáng ghi nhất là hội sẽ làm giàu cho tiếng nước nhà, và do đó hội sẽ góp chút ít công phu vào nền văn hóa dân tộc.
Mấy người đều vui vẻ đồng ý chấn cả hai ki. Sau đó hội bế mạc bằng những câu chào man rợ:
- Biên chào tạm xịt
- Nặm lái muôn hôi!