Category : Truyện ngắn
Những mảnh vỡ của đêm
Tác giả : Nắng Thủy Tinh
Cây ớt xa quê

Chị lớn lên từ những trái ớt quê nhà. Từ lúc bé lẫm chẫm bước đi, chị đã được theo bố mẹ ra vườn. Người lớn thì làm việc, còn chị thì mải mê đuổi theo những con côn trùng bé xíu cũng như chị lúc đó.

Chơi đồ hàng, chị lấy lá ớt làm cơm, trái ớt làm thịt. Thi thoảng nghịch dại, moi ruột quả ớt ra chơi để rồi cả hai tay bỏng rát, chị đã biết xoa tay vào cát ướt để cái nóng kia giảm đi phần nào.

Rồi lớn hơn, chị một buổi đi học, một buổi phụ ba chăm sóc vườn ớt_ nguồn sống của cả gia đình. Chị còn biết phơi ớt khô rồi rang với muối, cho vào hũ để mẹ mang ra chợ bán. Đến ngay cả những giấc mơ của chị cũng thấm đẫm vị cay nồng của ớt.

Chị lấy chồng xa tận mãi trên thành phố. Ngày tiễn chị đi, bố bứng một cây ớt cho vào chậu_ của hồi môn của chị đó. Hôm đó có ăn miếng ớt nào đâu mà hai mắt chị cứ đỏ hoe.

Cây ớt ba cho, chị chăm kỹ lắm. Cái cây ấy nó ra hoa, rồi bắt đầu xuất hiện lác đác những quả ớt xanh bé tí ti. Chị khấp khởi mừng. Khoe khắp nhà chồng. Ớt nhà chị vốn có tiếng ngon mà. Ai đó thì thầm mấy tiếng “Đồ nhà quê”. Niềm vui trong chị như vơi đi một nửa, mà nỗi nhớ nhà thì cứ tăng theo cấp số nhân.

Những quả ớt chín dần, đỏ au.

Hôm ấy chị đi chợ, tìm mua con cá ngon nấu nồi canh chua. Lúc hái những trái ớt xuống để cho vào canh và làm mắm, bất giác chị thẫn thờ. Những trái ớt tuy chín đỏ, nhưng mềm oặt ẹo. Không lẽ ớt mà nó cũng biết nhớ mảnh đất nơi nó sinh ra?

Chén nước mắm chị pha hôm đó, ai cũng bảo mặn quá. Chắc có mấy phần nước mắt của chị. Nước mắt của những trái ớt xa quê…


Màu ký ức

Ngày em tiễn tôi lên thành phố. Hai đứa bịn rịn mãi, tưởng không thể xa nhau. Nhưng vì tương lai của em, vì hạnh phúc của chúng tôi mà tôi đành nuốt nước mắt ra đi.

Tàu lăn bánh. Chiếc áo bà ba vàng nhạt của em lẫn trong những chiếc áo trắng học trò ra ga đưa tiễn thầy cứ mờ dần, mờ dần như mảnh nắng nhạt nhòa mùa đông.

Giữa thành phố xa hoa, giữa bồn bệ những con số, đôi lúc tôi thấy mình kiệt sức. Nhưng nụ cười của em, những lá thư em viết màu mực tím biên biếc đong đầy nỗi nhớ… giúp cho tôi thêm sức lực.

Làng tôi và em nghèo lắm. Cái nghèo thấm sâu vào từng thớ đất đến độ gieo trồng gì cũng chỉ sinh ra thêm những cái nghèo khác mà thôi. Tôi và em chung lớp, chung con đường đến trường quen thuộc, rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay.

Học xong cấp ba, em ở nhà phụ gia đình buôn bán. Tôi học cao đẳng sư phạm với ước mơ mang con chữ đến những mái đầu khét nắng của trẻ con quê tôi.

Cái nghề thanh đạm, lương ba cọc ba đồng. Em vẫn ủng hộ mơ ước của tôi. Nhưng ba em thì kiên quyết: không để con gái ông phải chịu sống cảnh nghèo khó cùng tôi.

Thương em, tôi từ bỏ hoài bão của mình, quyết tâm lên thành phố lập nghiệp, để ba em rồi có thể bằng lòng cho hai đứa đến với nhau.

Những con số quay vòng, những con chữ đảo điên. Em đi lấy chồng _ một công tử giàu có theo sự sắp đặt của gia đình. Nhận được thư báo của người bạn thân, tôi vội trở về, để chỉ kịp nhìn thấy em thật đẹp trong tà áo cưới mà chú rể không phải là tôi.

Tà áo dài đỏ của em nổi bật trong ráng chiều rực rỡ. Chỉ riêng tôi khuất dần phía bóng tối với hàng ngàn mảnh vỡ vụn không biết nên ráp lại từ đâu.

Tôi lại trở về với những dãy số dài như vô tận. Không còn em, tôi chẳng biết mình nên bám víu vào đâu. Tôi lấy công việc lấp đầy những khoảng trống em để lại. Những khoảng trống như chiếc lỗ đen vũ trụ, hút cạn mọi thứ tôi dùng để trám lòng mình.

Nhưng thời gian là liều thuốc an thần hiệu nghiệm. Nỗi đau trong tôi nguôi dần, chỉ còn là những vệt màu loang lổ: chiếc áo bà ba vàng nhạt của em, tà áo cưới rực rỡ hôm nào, cả những con chữ tím biêng biếc… tất cả như hòa lẫn vào nhau thành một thứ màu vừa nhàn nhạt vừa thăm thẳm. Tôi gọi đó là màu ký ức.

Tôi tìm về với quê, tìm về với những đứa trẻ mái đầu khét nắng sau bao năm mệt mỏi giữa cơm áo gạo tiền nơi thị thành. Con cái tôi giờ cũng đã có gia đình và đứa nào cũng ủng hộ cho cái quyết tâm mở lớp học tình thương của một ông công sở về hưu như tôi.

Tôi gặp lại em giữa buổi chợ trưa chang chang nắng. Em bây giờ đã khác hẳn ngày xưa. Ừ, mấy mươi năm rồi chứ có ít gì đâu.

Đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, những bước chân bấm sâu vào đất. Cái nghèo vẫn tìm đến với em. Tôi muốn lắm, gọi một cái tên, nhưng cổ họng cứ tắt nghẹn. Cái bóng nhỏ bé, chông chênh của em xa dần. Tôi ngẩn ngơ trông theo mãi, chỉ còn thấy thấp thoáng tà áo em mặc. Chiếc áo bà ba mang cái màu vừa nhàn nhạt vừa thăm thẳm.

Tôi gọi đó là màu ký ức.


Khe cửa hẹp


Tuy cùng mang hai tiếng tuổi thơ, nhưng những ký ức ấy trong mỗi chúng ta đều rất khác nhau: với bạn có thể là ô cửa xanh ngăn ngắt mây trời, hay với người là những trò chơi giữa cái nắng oi nồng mùa hạ… Còn tuổi thơ tôi lại gắn liền với một khe cửa hẹp.

Ngày ấy bố mẹ đều đi làm cả ngày, tôi chưa đến tuổi đi học, và gửi nhà trẻ lúc này là một điều vượt quá mức chi tiêu của gia đình. Vì vậy cứ sáng sáng, bố mẹ khóa cẩn thận cửa nẻo trước khi đi làm, còn tôi thì tha thẩn chơi giữa bốn bức tường dán kín mít bằng giấy báo. Tôi chơi chán thì cũng là lúc đói bụng và biết lấy cơm mẹ đã nấu sẵn ủ kỹ trong cà mên vẫn còn âm ấm ra mà ăn, rồi lại tiếp tục những trò chơi một mình.

Và trò tôi thích nhất là nhìn mọi người qua khe cửa nhà mình. Chắc ai thấy cảnh tượng một con bé nằm bẹp dí, ép sát người xuống nền xi măng, đầu nghiêng hẳn về một hướng, thô lố mắt nhìn qua khoảng không giữa cánh cửa và nền nhà thì chắc không khỏi phì cười.

Con bé ấy là tôi đấy.

Ai biết được một khe hở chỉ đủ đút lọt mấy ngón tay mũm mĩm của trẻ con lại là cả một vũ trụ tuổi thơ của tôi.

Qua khe cửa tôi có thể nhìn thấy những đóa hoa nắng lung linh, tinh nghịch rơi đầy ngoài hiên nhà, có bông còn lém lỉnh đến độ chui tọt qua khe cửa, áp vào mặt tôi. Nong nóng. Và trận mưa rào chợt đến chợt đi, còn mau hơn cả những giọt nước mắt vẫn chưa kịp khô trên mi tôi lóng lánh. Những hôm trời mưa ấy, khi nằm nhìn qua khe cửa, tôi cứ phải xuýt xoa vì cái lạnh âm ẩm của nền xi măng.

Tôi nằm đợi cả những vòng bánh xe quen thuộc của bố mẹ khi chiều tàn_ lúc những nhà hàng xóm thở ra mùi thức ăn thơm sực nức. Chỉ cần thấy những vòng bánh xe ấy, rồi đôi ủng to của bố, bàn chân gầy gầy của mẹ hiện ra trước cửa, tôi sẽ đứng phắt ngay dậy, mặt mày hớn hở chuẩn bị chờ đón những cái ôm thật ấm áp. Và chẳng mấy chốc nhà tôi cũng thở ra mùi thức ăn thơm phưng phức kia.

Rồi cả hình dáng bước chân của cô bán tàu hũ đường quen thuộc. Chỉ cần nhìn thấy đôi dép xỏ ngón màu xanh lá, hai ống quần vải đen sờn thấp thoáng đầu ngõ, tôi biết ngay là cô mà không cần nghe đến tiếng rao ngọt hơn cả nước đường cô nấu: “Ai ăn tàu hũ nước đường không…”

Lúc đó tôi sẽ thì thầm nho nhỏ. “Cô ơi, cô đợi đến cuối tuần nha. Khi ấy cháu sẽ ăn. Ăn tận hai chén cơ!”

Vì tôi biết cuối tuần bố hay mẹ sẽ mua tàu hũ cho tôi. Ngày hôm đó, tôi cũng không cần nằm bẹp dí chờ bóng dáng đôi dép cô, mà có thể hiên ngang ngồi ngay trước cửa nhà đợi tiếng rao ngọt lịm kia.

Thoang thoảng mùi thơm ngòn ngọt của chuối chiên pha lẫn mùi ngầy ngậy béo của khoai lang rán vàng từ nhà đối diện bay đến. Nhà của thằng Sún_ bạn thân nhất của tôi những ngày thơ ấu đấy. Tôi chỉ thích hít hà hương thơm những món rán vàng ấy chứ không dám ăn vì sợ răng tôi rồi sẽ sún hết như răng thằng bạn (thật ra lúc đó nó đang thay răng). Tôi hay nằm bên khe cửa, Sún nằm phía bên ngoài. Dĩ nhiên lúc nhà nó đã ngủ trưa, chứ thấy cảnh con mình đang nằm trên nền đất giữa cái nắng chang chang, thế nào mẹ nó cũng phết cho nó mấy roi.

Một hôm, tôi mải mê nhún nhảy trên ghế, hăng say đến độ té sấp xuống nền nhà. Lúc ấy không thấy đau, nhưng tôi vẫn khóc. Khóc thật to, miệng ngoác cả ra, mong bố mẹ sẽ chạy đến đỡ mà quên mất chỉ có mình tôi đang ở giữa bốn bức tường. Thế mà Sún vẫn nghe tiếng tôi khóc. Nó vội chạy qua và nằm bẹp xuống đất mà hỏi:

- Ti ơi. Sao mày khóc thế?

Được người hỏi thăm tôi càng khóc lớn. Thằng Sún chẳng biết nghĩ gì mà lại biến mất, tôi chả còn nhìn thấy đôi mắt đen lay láy của nó nữa. Thế là đành tạm thời nín khóc, nằm ép bụng xuống sàn nhà và gọi váng lên:

- Sún ơi? Mày đâu rồi.
- Tao đây nè.

Thằng Sún lại xuất hiện trước mắt tôi. Hay đúng hơn là cặp mắt nó xuất hiện trước mắt tôi.

- Sao mày khóc dữ vậy?
- Tao té.
- Đau không?
- Không.
- Không đau. Sao mày khóc?
- Tao cũng không biết. Tự nhiên khóc thế thôi.
- Mày nín đi. Cho mày nè.

Nói rồi, thằng Sún đút mấy ngón tay qua khe cửa, đẩy theo một miếng khoai lang vàng rộm.

- Tao không ăn đâu. Ăn rồi sún như mày à?

Sún giận tôi. Nó bỏ về. Miếng khoai lang nằm chỏng chơ trên mặt đất.

Dĩ nhiên là mấy ngày sau, hai đứa trẻ lại làm huề nhau ngay. Nhưng từ đó Sún cũng không bao giờ mời tôi một miếng khoai hay chuối nào nữa.

Tôi lớn dần lên, cũng biết thích món ấy, nhưng vẫn len lén đi xa nhà mua ăn, chứ không dám ăn ở nhà Sún.


Năm tháng cứ lặng lẽ trôi, nhà tôi chuyển đi nơi khác. Tôi thành vợ rồi cũng được một đứa trẻ gọi bằng âm thanh trìu mến là: mẹ.

Một hôm đang nấu nướng sau bếp, tôi chẳng thấy đứa con gái bé bỏng đâu. Vội quày quả lên nhà trên thì thấy… bé đang nằm ép sát mình xuống nền nhà, chăm chú nhìn qua khe cửa sắt. Tôi bèn nhấc bổng bé dậy, xoa xoa cái bụng nhỏ mát lạnh và hỏi:

- Con đang làm gì vậy?

Con bé mân mê mấy sợi tóc lòa xòa của tôi, rồi líu lo nói:

- Con đợi bố về. Chỉ cần nhìn qua khe cửa, thấy đôi giày của bố hiện ra trước cửa là con sẽ được đón bố ngay.

Tôi ôm thật chặt con vào lòng. Những ký ức ngày xưa cứ chực tuôn trào.

Chỉ một khe cửa hẹp nhưng với trẻ con lại là cả một vũ trụ bao la. Bởi có lẽ đứa trẻ nào cũng không chỉ nhìn bằng mắt mà còn ngắm mọi vật vớt tất cả trái tim trong veo của nó.

Ai cũng từng một thời là trẻ con…