Category : Truyện ngắn
Nếp gấp thời gian
Tác giả : Nắng Thủy Tinh
Tôi chọn mang quần áo mình đến tiệm giặt ủi ấy chẳng vì lý do gì đặc biệt, chỉ đơn giản vì tiệm nằm ngay một ngã tư nên thuận tiện cho việc tôi chạy xe đến hay đi mà chẳng cần phải quay đầu.

Còn làm sao tôi biết đến tiệm giặt ủi này à? Lần ấy dừng xe khi đèn đỏ, vô tình liếc dọc liếc ngang và tôi trông thấy nó. Chẳng biển hiệu rực rỡ, chỉ là một đôi cánh bướm to đề vài dòng chữ “Nhận giặt ủi nhuộm…”. Thế mà tôi bị đôi cánh bướm ấy hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trông bên ngoài, căn tiệm ấy vừa thấp lè tè vừa có vẻ xám xịt như một kẻ đã ốm lâu ngày không ra nắng. Bên trong lại càng ẩm ướt hơn. Hàng hàng quần áo giăng mắc la liệt, và lúc nào không khí cũng thoảng mùi nước xả quần áo. Cứ bước vào tiệm là cảm giác lạc vào một thế giới khác. Những tiếng còi xe chát chúa dường như cũng không thể len qua tấm màn hẹp vào trong mà chỉ là âm thanh vọng lại từ một nơi nào xa xăm lắm.

Lần nào cũng như lần nào, tôi ôm một bọc quần áo to tướng đến cửa tiệm là mọi thứ lại trôi chậm rãi theo cái trình tự quen thuộc. Lúc nào cũng thế chỉ có hai ông bà ngồi trông tiệm. Bà lão khi nhìn thấy tôi thường mỉm cười rất tươi. Nụ cười đầy những nếp gấp thời gian chằng chịt. Rồi bà run run mở bao lấy cặp mắt kiếng ra, chậm chạp mở sổ, nắn nót từng con chữ mà theo tôi nghĩ không phải vì bà muốn viết đẹp mà là tay bà đã yếu lắm rồi. Ông lão_ chồng bà ngồi chếch một chút ngay sau lưng bà. Tôi đến nhiều lần, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy ông có phản ứng gì, dù là một nụ cười hay một cái nhìn với tôi. Mắt ông lúc nào cũng đăm đăm nhìn vào cái gáy của vợ. Thấy tôi có vẻ quan tâm đến ông, bà mỉm cười nói:

- Ai cũng bảo ổng lẩn thẩn rồi, nhưng không phải đâu. Ổng tỉnh táo hơn ai khác đó cháu.

Tôi gật gật đầu cho xuôi câu chuyện.


Tôi vốn là người đãng trí. Dù thường xem quần áo trước khi mang giặt ủi, nhưng tôi vẫn hay bỏ quên một món đồ nào trong mớ vải bùi nhùi ấy. Khi là cái USB, lúc là thỏi son môi… nhưng chúng chẳng bao giờ mất. Lúc tôi đến tiệm lấy quần áo đã giặt ủi sạch về, thế nào bà lão cũng đưa tôi những món mà tôi đã quên. Tuyệt nhiên chưa hề thấm nước. Tôi nghĩ có lẽ những người cho quần áo vào máy giặt đã kiểm tra đồ trước đó. Tôi lí nhí cảm ơn. Bà cất những tờ tiền tôi đưa, nói bâng quơ:

- Toàn bà phải kiểm tra lại đấy, chứ mấy đứa con nhà bà đứa nào cũng hấp tấp, cứ có đồ là nó cho vào máy hết. Nhà bà mở tiệm giặt ủi cũng lâu rồi. Từ thời ông bà còn trẻ. Lúc nào cũng vậy, ông luôn nhắc bà phải cẩn thận xem coi khách có để quên gì không để còn trả lại, không thì hỏng hết đồ của họ.



Một lần khác, tôi đến tiệm khi đã trả tiền và nhận đồ xong, toan ra về, thì bất giác tôi nghe ông lão ấp úng phát ra những tiếng gì đó. Bà lão dừng tay quay lại nhìn rồi à lên một tiếng. Bà mở tủ đưa tôi chiếc kẹp tóc tôi lại bỏ quên khi mang đồ đi giặt.

- Ông nhắc bà mới nhớ trả cháu đấy. Cháu thấy chưa, ông có lẩn thẩn tí nào đâu?

Tôi cảm ơn ông và lần đầu tiên tôi thấy khóe miệng ông hơi cong lên, như chiếc bóng của một nụ cười ẩn khuất đâu đây.


Rồi vào một ngày chạy xe ngang tiệm, tôi thấy thay cho đôi cánh bướm là những mảnh vải, cờ báo tang lễ. Hỏi thăm mới biết, bà lão đã qua đời đêm hôm trước. Bất giác tôi nhìn mảnh hóa đơn mình còn giữ. Những con chữ mảnh dẻ và dù đã nắn nót cẩn thận vẫn nhìn thấy những vết đứt đoạn của tuổi già.


Sau tang lễ, tiệm lại mở cửa bình thường. Ngồi thay vào chiếc ghế của bà lão là một cô bé lúc nào mồm cũng nhai kẹo cao su, tay bấm điện thoại liên hồi. Đôi cánh bướm cũng được thay thành một tấm bảng hiệu trắng tinh. Quần áo được treo sát dọc hai bên tường, căn tiệm trông sáng sủa hơn hẳn. Vậy mà tôi lại thèm cái vẻ xám xịt của nó ngày xưa, và đôi cánh bướm cứ chập chờn như giấc mộng. Tất cả dường như đều bị quét sạch và thay thế, duy chỉ còn lại ông lão vẫn ngồi nguyên vị trí ngày xưa. Nhưng đôi mắt ông cũng khác trước, nó chẳng còn tập trung vào một điểm như xưa mà cứ mông lung, thăm thẳm nơi đâu…


Tôi đã đãng trí, cô bé ghi sổ còn đãng trí hơn tôi. Cô bé rất hay nhầm các túi quần áo hoặc không nhớ để đâu. Hôm trước tôi đã dặn đi dặn lại là ngày hôm sau tôi cần gấp chiếc váy đó thế mà đến lúc đến lấy, cô bé lại chẳng nhớ để đâu. Sau một hồi lục lọi tìm kiếm không ra, cô bèn hẹn tôi ngày nữa. Tôi có thể chờ, nhưng đám cưới bạn thân tôi đâu thể chờ. Bực dọc toan bỏ ra về, thì ông lão lại ú ớ phát ra vài âm thanh. Tôi dừng lại chờ đợi. Ông chậm chạp đứng dậy, kéo tay cô cháu nhỏ chỉ vào một chiếc tủ. Chiếc váy tôi cần nằm trong đó.
Thật ra người ta càng già càng lẩn thẩn? Hay người ta lẩn thẩn ngay cả khi chưa già?



Rồi một ngày, chiếc ghế ông lão ngồi cũng trống. Gia đình ông quyết định đưa ông vào viện dưỡng lão. Cô bé liến thoắng thuật lại tôi nghe:

- Chị biết không? Ông lẩn thẩn lắm rồi lại khó tính nữa, nên chẳng ai chăm sóc nổi. Tốt nhất cứ đưa vào viện, vừa có người chăm sóc, vừa có bạn bè cùng tuổi cũng an ủi hơn chị hen.

Bất giác tôi hỏi một câu chẳng liên quan gì:

- Chiếc bảng hiệu cũ đâu rồi em? Đôi cánh bướm ấy.

Cô bé cười thành tiếng:

- Nhắc đến nó càng thấy ông em lẩn thẩn chị ạ. Ba em bỏ tấm bảng ấy trước cửa chờ xe rác đến lấy. Vậy mà ông lại ra nhặt , đem cất vào phòng. Đấy chị thấy người già lạ ghê chưa?

Tôi ừ hử vài tiếng rồi ra về.


Ngày sau, rồi ngày sau nữa, tôi tự lấy quần áo mình đem ra giặt tay rồi hì hục ngồi ủi. Cứ vừa ngồi vò quần áo, tôi lại vừa nghĩ đến một chuyện - một chuyện mà tôi không tài nào nhớ ra nổi…


Thi thoảng dừng xe khi đèn đỏ, tôi lại nhìn vào cửa hiệu giặt ủi mong mỏi được thấy đôi cánh bướm ngày xưa, dù biết đó là điều không thể. Những lúc cô bé ghi sổ thấy tôi liền vẫy vẫy tay chào rối rít, tôi cũng mỉm cười đáp lại.

Rồi đèn xanh, xe phóng vọt đi. Những tiếng còi xe chát chúa vang sát ngay sau lưng. Tôi bần thần nhìn vào kính chiếu hậu, khóe miệng hơi cong lên. Nơi ấy hình như vừa hằn lên một nếp gấp của thời gian…