Category : Truyện ngắn
Hoàng hôn muộn
Tác giả : Nắng Thủy Tinh
Dáng chị nghiêng nghiêng chăm chú nhặt từng cọng cỏ, rác trên mộ mẹ. Tôi nhìn xa xa… Hoàng hôn nhuốm hồng cả một khoảng trời.

Chị quay lại nhìn tôi mỉm cười :

- Dọn xong mộ ba mẹ rồi.

Tôi khẽ cúi đầu :

- Mình qua mộ má luôn nha chị.

Chị gật nhẹ đầu, môi mím chặt như cố nén một tiếng thở dài.


Tôi và chị là chị em cùng cha khác mẹ. Năm chị lên tám, má chị bệnh rồi qua đời. Hai năm sau, ba đi thêm bước nữa với một người phụ nữ là mẹ tôi.

Chị kể lúc ấy chị giận ba lắm, giận cả mẹ. Chị nghĩ mẹ dám chiếm chỗ của má, một vị trí mà không ai có quyền được thay thế. Chị bỏ ăn mấy bữa, làm trận làm nự với ba mẹ rất lâu. Thế mà mẹ chịu đựng hết, không một lời quở trách chị. Có lần chị hắt cả chén cơm vào mẹ, ba giận quá tính rút roi đánh chị. Thế mà mẹ lại gạt roi ba ra, ôm chị vào lòng che chở. Lúc ấy chị cũng hơi xuôi xuôi rồi, nhưng chị nhớ mấy người bên nhà ngoại hay nói “có mẹ ghẻ nào mà thương con chồng”. Thế là chị lại làm khổ mẹ thêm bao ngày nữa. Chuyện ấy chắc sẽ còn tiếp diễn, nếu không có một ngày…

Hôm đó, ba đi làm ăn xa chưa về. Mẹ đang mang thai tôi tháng thứ bảy. Đêm ấy chị lên cơn sốt. Mẹ tay cầm chiếc đèn dầu soi đường, trên lưng cõng chị tôi chạy băng giữa bóng đêm để đến trạm xá. Chị vẫn còn nhớ, lúc ấy triền đê tối lắm và dài như vô tận. Tiếng bước chân nặng nề của mẹ, hơi thở người hổn hển gần như đứt hơi, chiếc áo bà ba mẹ mặc thì ướt đẫm mồ hôi và cả nước mắt chị. Chị khóc vì mệt thì ít mà khóc vì thương mẹ thì nhiều. Sau đêm ấy, chị không còn ghét mẹ nữa. Đến lúc bàn tay gầy gò của mẹ bón cho chị từng thìa cháo thì chị bật lên tiếng kêu: “Mẹ ơi”. Chị nói lúc ấy, mẹ tôi đánh rơi cả chén cháo, nhưng bà chẳng bận tâm, cứ ôm chị vào lòng thật chặt rồi hai mẹ con cùng khóc.

Từ ấy, chị có hai người mẹ. Tôi cũng thế dù chưa lần gặp gỡ má chị. Hai chị em gọi một người là má, một người là mẹ cho dễ phân biệt hơn. Những ngày ấy, ai đi ngang qua ngõ nhà tôi, thấy cảnh mẹ âu yếm tết tóc cho chị, còn chị thì hát liến thoắng, chẳng ai có thể nghĩ đó không phải là hai mẹ con ruột…

Đó là ký ức ngọt ngào cả của tôi và chị. Nhưng rồi, khi thằng Út vừa lên 2 tuổi, ba tôi đã đi mãi không về. Cả nhà lao đao khi mất đi trụ cột chính. Mẹ tôi gầy rộc hẳn đi, cứ ôm lấy ba chị em mà khóc. Rồi người chết thì đã chết, người sống vẫn phải sống. Mẹ tôi lại bươn chải nấu chè gánh đi bán. Nhà lúc ấy cứ bữa đói bữa no. Những hôm thằng Út bệnh thì còn khổ hơn vì chẳng biết lấy tiền đâu mà thuốc thang cho nó. Chị nhìn thấy mẹ ngày một hốc hác, nên quyết định xin nghỉ học để phụ mẹ nuôi hai em. Mẹ tôi không đồng ý, nhất quyết bắt chị học tiếp, chị một mực không chịu. Nhìn ánh mắt cương quyết của chị lúc đó, mẹ chỉ còn biết khóc và than trách “mẹ làm khổ con rồi.” Đêm ấy, tôi nằm mãi không ngủ được, cứ nhìn tấm lưng xương xương của chị run run. Tôi biết chị đang khóc thầm. Năm ấy, chị mới mười sáu tuổi.

Rồi chị đi học may, vừa học việc, vừa làm thêm chuyện cho nhà thầy. Mỗi tháng cũng được ít lương và ngày hai bữa cơm. Chị cười thật tươi khi nói với mẹ “Lương không cao, nhưng nhà mình sẽ bớt một miệng ăn, cũng đỡ hen mẹ.” Mẹ lại rưng rưng nước mắt. Từ ngày ba mất mẹ toàn khóc, sáng nào tôi cũng thấy mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ vốn nhỏ bé, bây giờ càng gầy gò hơn, như chỉ còn tấm da bọc xương. Và mẹ cứ ho mãi rồi ho mãi cho đến khi tôi chuẩn bị vào đại học năm thứ nhất thì tiếng ho ấy cũng mãi mãi không còn có thể nghe thấy nữa.

Nhìn cảnh nhà khi đó, tôi đòi nghỉ học đi kiếm việc làm giúp chị nuôi thằng Út. Chị gạt phắt đi, bảo chị có thể lo. Giờ chị đã thành thợ may chính tuy hơi chật vật, nhưng cũng sẽ lo đủ cho tôi và thằng Út. Thế là tôi phải nghe lời chị lên thành phố nhập học. Tôi cũng ráng vừa học vừa kiếm việc làm thêm để gánh nặng trên vai chị nhẹ đi phần nào. Thi thoảng những ngày lễ, tôi lại đón xe về quê thăm chị, thăm Út. Khi đó, lúc nào chị cũng nấu cho tôi những bữa cơm thịnh soạn với đầy đủ thịt cá. Chị bảo bồi dưỡng, chắc trên kia tôi ăn uống kham khổ lắm. Tôi hỏi Út. Nó kể, bình thường chỉ có nó được ăn ngon có chút thịt, chút trứng, còn chị toàn ăn cơm với rau, mắm kho… Đêm trước khi lên thành phố lại, chị dúi vào tay tôi một ít tiền. Cầm những tờ bạc ấy, tôi bật khóc “ Sao chị lại tốt với em và Út vậy? Chị cứ bỏ mặc tụi em có hơn không?” Chị lại xoa đầu tôi như ngày bé “Con ngốc này. Tụi mình là chị em mà.”

Cứ thế, chị vừa là ba vừa là mẹ tảo tần nuôi tôi và Út. Tôi ra trường, kiếm được việc làm nên cũng đỡ đần được chị phần nào. Đỡ đần ở đây là tiền học cho thằng Út, chứ tuyệt nhiên chị không đụng đến một đồng nào lương của tôi. Chị bảo “Để dành mà lo cho tương lai em nữa chứ.”

Năm tháng cứ trôi qua vùn vụt. Thằng Út cuối cùng cũng vào đại học. Tôi thì lập gia đình và sống hẳn trên thành phố. Chị vẫn vậy, ngày ngày cọc cạch ngồi bên chiếc bàn may nhỏ bé. Tôi bảo chị dẹp đi đừng may nữa cho mệt. Giờ công việc tôi đã ổn định, tôi sẽ nuôi chị nuôi Út. Chị lại bảo. Tôi giờ phải nghĩ đến gia đình riêng của tôi trước đã. Chị vẫn khỏe, vẫn làm việc được mà. Rồi Út cũng ra trường, nó xin một công việc ở gần nhà. Nó bảo không muốn xa chị. Tôi cũng thấy yên lòng hơn một chút, nhưng lại xót xa khi nhìn dáng chị gầy gò, mái tóc lơ thơ đã có vài sợi bạc. Tôi hối thúc chị tìm hạnh phúc cho riêng mình. Chị cứ cười bảo “Già rồi ai mà thèm.” Tôi và Út nhìn nhau ân hận. Chúng tôi đã lấy mất đi thời xuân xanh của chị còn đâu.

Có một dạo, mỗi khi về thăm tôi thấy mắt chị long lanh, lại hay cười một mình. Thi thoảng có một người đàn ông trung niên ghé qua, mang theo chút quà bánh biếu chị. Những khi ấy, mặt chị càng rạng rỡ hơn nữa. Tôi có hỏi, chị chỉ cười, trả lời bâng quơ “Chưa tới đâu đâu em. Mà em thấy người ta được không nè?” Tôi cũng vui lấy với niềm hạnh phúc của chị.

Vậy mà, vài tháng sau, thằng Út đánh điện báo chị ốm. Tôi vội sắp xếp việc rồi về thăm chị. Chị nằm đó, đôi mắt sưng đỏ như đã khóc rất nhiều. Nói mãi chị mới ăn vài muỗng cháo. Thằng Út nói nhỏ tôi nghe. Người đàn ông hay ghé nhà đó hóa ra đã có vợ con. Hôm kia nhà ông ta kéo xuống đây la mắng chị, bảo chị là cướp chồng người khác. Chị chẳng phản ứng gì, cứ ngồi im lặng nghe người ta xỉa xói. Út chẳng nhịn được tính đáp lại, nhưng chị cứ nắm tay nó mà can. “Tội chị hai quá!” Nó thở dài làm tôi cũng xót xa biết bao. Sao số chị tôi cứ mãi lận đận như thế?

Nằm vài hôm chị lại ngồi vào bàn may tiếp như không có chuyện gì, nhưng chị ít nói ít cười hẳn. Út có người yêu, dẫn về ra mắt chị. Chị cũng chỉ gật gật đầu tỏ vẻ ưng thuận, rồi chị bắt tôi trở về thành phố. Chị bảo có ốm đau gì đâu mà tôi cứ quanh quẩn ở đây lo cho chị.

Chiều hôm đó. Cũng một ngày hoàng hôn nhuộm thẫm góc trời. Chị lặng lẽ đi cạnh tôi trên triền đê lộng gió, tiễn tôi một đoạn ra bến xe về thành phố. Chị bảo bao năm rồi con đê này vẫn không thay đổi, vẫn như cái ngày mẹ cõng chị ra trạm xá. “Mẹ như sinh ra chị lần nữa. Chị nợ mẹ nhiều lắm!” Tôi nắm nhẹ bàn tay chị “Tụi mình cùng một gia đình mà. Nợ nần chi hả chị. Chị cũng đã lo cho em và Út bao năm nay.” Chị mỉm cười, khóe miệng hằn sâu những vết úa thời gian, rồi giục tôi đi mau cho kịp xe.

Tôi cúi đầu bước tiếp, cố ngăn cho mình không khóc. Xa xa một cánh cò trắng chấp chới bay vào bóng trời tím thẫm. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại. Chị vẫn đứng đó, hằn lên một vệt nhỏ bé nhạt nhòa.

Chị ơi, bao giờ hạnh phúc mới lại về với chị đây ?