Previous     Next   
Category : Truyện dài
Phượng Hoàng bất tử
Tác giả : Long Tử Tiên Tôn
Biện Kinh thành, đời Kim Thế Tông Hoàn Nhan Ung, niên hiệu Đại Định thứ 4.

Từ khi Kim chủ Hoàn Nhan Lượng thừa long, Hoàn Nhan Ung nối ngôi đại thống. Tân chủ vốn hiền minh hiếu hòa, thường không thích dấy động can qua. Khi kế nghiệp liền lập tức cùng Tống bang giao hiếu để tránh sinh linh đồ thán. Đại Định đế bắt đầu mở mang việc văn để trị quốc, tỏ ra là một vị quốc chủ nhân từ. Đế vẫn tự xưng mình là Tiểu Nghiêu Thuấn thời ấy. Nhân dân nhờ ơn Đế mà thoát cuộc binh lửa nên cũng mến phục rất nhiều. Trung Nguyên cũng do đó mà yên ổn. Võ lâm, văn giới lại có thời gian tụ hội đua tranh tạo ra bao nhiêu huyền thoại vang lừng một thuở.

Tả Tùng Kiên ngày đêm vượt một chặng đường dài từ Long Môn trấn đến Biện Kinh thành trên lưng một con bạch mã, một túi hành trang và vài tờ ngân phiếu nhỏ. Những thứ đó không khiến người ta ngạc nhiên bằng thứ khác trên người y, đó là một thanh mộc kiếm cũ kỹ đeo lủng lẳng bên hông. Thanh mộc kiếm đó có hình dạng của kiếm Đông Doanh, lưỡi dài và hơi lượn cong, chuôi cũng khá dài. Trông nó khác hẳn với các loại danh kiếm ở Trung Thổ. Thoạt nhìn Tả Tùng Kiên ai cũng nghĩ có lẽ đây là gã khùng, người hiếu sự hơn thì lại tán ra rằng hẳn đây là một tay tuyệt thế danh kiếm trên giang hồ bởi chỉ lí do đơn giản là họ Tả dám sử dụng...kiếm gỗ, mà thanh kiếm gỗ này lại rất lạ không như các thanh kiếm khác vẫn thấy. Trên giang hồ đương thời, chỉ có một người sử dụng mộc kiếm mà thành danh đó chính là Triệu Quân Diện tiên sinh, lão sư của Thế tử Uyên, trưởng tử của Đông vương điện hạ.

Hiếm ai thấy Triệu tiên sinh xuất kiếm. Nghe bảo đâu có nhiều người chết vì muốn thấy điều ấy. Người ta kể, khi thế tử Uyên lên 9 tuổi bắt đầu thụ giáo kiếm thuật của tiên sinh. Thế tử có hỏi "Tôi trông thanh gươm của thầy mỏng manh như thế, liệu có đỡ nổi các thần binh lợi khí của kẻ địch chăng?" Triệu tiên sinh chỉ nói "Kiếm để đâm chết địch, chứ chẳng phải để đỡ binh khí của địch. Nếu đâm chết người thì chỉ kiếm gỗ cũng đủ sử dụng".

Nhưng đó là việc của họ Triệu, còn với Tả Tùng Kiên thì y vẫn chỉ là một con người như bao người, y chẳng bị khùng, mà cũng chẳng phải là danh gia kiếm thuật gì hết. Đơn giản y mang thanh gươm gỗ tồi tàn ấy bên mình là vì lời dặn của mẫu thân y khi lâm chung "Thanh kiếm này rất có giá trị, con hãy cầm nó đến Biện phủ và tìm gặp Đông vương điện hạ mà bán đi lấy tiền chi dụng. Điện hạ rất hiểu giá trị của thanh kiếm, ông ta sẽ mua lại bằng 100 kim bảo đó. Khi cầm lấy tiền rồi, có thế nào con cũng phải lập tức rời khỏi Biện thành ngay, về quê nhà làm lụng. Điện hạ có lưu giữ thế nào cũng tuyệt đối không được ở lại. Nhớ lấy lời ta". Số tiền lớn quá, khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự mơ ước của Kiên. Y biết mẫu thân luôn nghiêm nghị từ xưa, bà chẳng thể nào nói đùa hay lầm lẫn được. Y vốn say mê làm giàu từ nhỏ, chỉ nghe như thế đã quyết lòng đến Biện Kinh tìm Đông vương rồi. Y sẽ gặp con người này. Y phải gặp.


Ngạo Thiên Lâu...

Thời gian trôi qua nhanh lắm. Thoạt cái tòa lầu này đã trải qua mấy chục năm rồi. Người ta kể ngày xưa nó lộng lẫy xa hoa lắm, nghe đâu chủ nhân cũng là tay phong lưu, anh kiệt một thời. Nhưng giờ đây tòa Ngạo Thiên đã khác xưa, nó trở nên cũ kỹ, rêu phong ẩm thấp, là nơi tụ họp của bọn giang hồ, dị khách. Người ta mỗi khi nghe hai chữ Ngạo Thiên là ghê sợ, hệt như sợ một thứ ôn dịch thiên họa nào đó vậy.

Tả Tùng Kiên chợt thấy một bài thơ có nét chữ bay lượn phóng khoáng rất hoa mỹ bên vách tòa lầu Ngạo Thiên. Y bất giác tò mò đọc một đoạn còn tỏ nét:

..."Đạo đã nên khí cơ vừa ứng
Trỏ làn mây lững thững bay theo
Xiêm nghê, áo vũ dập dìu
Xích tùng là bạn, đan tiêu ấy nhà
Chén tử hà vơi vơi tay rót
Khúc vân thiều não ruột bên mây
Hứng vui yêu cảnh bạn bầy
Gần thay nghìn dặm, chóng thay muôn đời
Từng rong chơi thập châu tam đảo
Trải qua ba mươi sáu động tiên
Lần xem thương hải tang điền
Bầu trời đã rộng, ngày tiên càng dài
Khi đắc ý bể khơi rút lại
Chơi một ngày Bắc Hải, Thương Ngô
Lạc Dương viếng cảnh đã no,
Hứng vui dù Động Đình hồ cũng bay"...

Tả đọc đến đó thì không đọc tiếp nữa, bài thơ rất dài nhưng đã bị rêu phủ mất chữ rất nhiều. Bài thi thong dong khoáng đạt, bút pháp tinh lệ cố nhiên chủ nhân nó trước đây hẳn là bậc quân tử nho phong rồi. Có điều ý tứ hơi lạ, hình như nói về ma hơn là người.

Ma hay người cũng đã là quá khứ, Tả Tùng Kiên là kẻ thích hướng về tương lai. Y lững thững tiến vào lầu Ngạo Thiên.

Người ta hay thêu dệt cho Ngạo Thiên những việc như trộm cướp, giết chóc nhưng Tả Tùng Kiên lại thấy nó thật thanh bình, yên ả. Các phòng đều đóng cửa kín bưng, giữa khách sảnh là một gã ăn mày to béo ục ịch nằm ngủ lim dim, lưng đeo bầu rượu, miệng ngáy pho pho. Trông gã thật vô sự, thi thoảng lại đưa tay gãi bụng xoạt xoạt mấy cái. Họ Tả trông thấy kẻ ăn mày đó thì cũng lơ mơ đoán đây chắc lại là hào khách giang hồ rồi. Tùng Kiên tuy trẻ nhưng lại buôn bán lão luyện, từng trải khắp đại giang Nam Bắc, người thế nào y thoáng chốc là đoán được ngay không khó khăn gì mấy. Y khẽ sờ tay kiểm tra lại hành trang, ngân lượng rồi lựa một góc khuất mát mẻ ngồi xuống, đoạn lại tháo thanh kiếm gỗ Đông Doanh ra khỏi lưng cột vào túi đồ sau đó lục ra hai cái màn thầu và bình nước vừa ăn uống vừa tựa lưng quan sát chung quanh.

Trời đang giữa trưa, đâu đó lại lâu lâu vẳng tiếng nam nữ đùa bỡn nhau trong căn phòng nào đó của các tầng trên, có lẽ là của bọn vô lại với các ả kỹ nữ về chiều, xen lẫn vào đó là tiếng chó sủa, tiếng gà gáy..Y bắt đầu mỏi lưng bèn nằm dài ra đầu gối lên túi nải. Mắt trĩu xuống...


First   Previous   1   2   3   4   5   6   7   8   Next   Last