Sau khi đại ka Trần Đình Thu "chém gió" thì có quả "lại gió" của Thành Cát đại hiệp:
Văn hóa phê bình và phê bình văn hóa
(GD&TĐ) - Trong thời gian gần đây, nhất là từ trước, trong và sau khi diễn ra Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, trên một số các trang báo mạng, blog cá nhân, nhân danh sự tự do ngôn luận đã đăng tải hàng loạt bài viết phê bình tác giả, tác phẩm văn chương một cách hỗ lốn rất thiếu văn hóa với những lời lẽ cùng cách thức mang tính chất trả thù, gây hấn nhiều hơn là phân tích, bình phẩm, phê phán các tác giả, tác phẩm ấy. Điều này cho thấy văn hóa phê bình đang rơi tự do xuống vực thẳm của sự thô lậu.
Phê bình văn chương cần phải có văn hóa
Văn chương- nghệ thuật là một trong những lĩnh vực thuộc về/của văn hóa, nên trước hết nó cần phải được đối xử một cách có văn hóa, bất luận tác phẩm, tác giả, chỗ này hay chỗ khác có những điều viết hoặc nói ra chưa hay, chưa đúng. Mọi lối viết theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, sử dụng nhiều đại ngôn để khỏa lấp vấn đề nhằm mục đích gây hấn, chọc tức, trả thù cá nhân hoặc là bới lông tìm vết, săm soi tác phẩm, tác giả như cảnh sát điều tra tội phạm đều là biểu hiện sự xuống cấp của văn hóa phê bình chân chính.
Nếu bất cứ ai có thì giờ, chỉ cần vài giây nháy chuột vào lethieunhon.com, hoặc một số trang blog cá nhân khác, nếu lướt qua các tít bài, sẽ thấy ngay hàng chục bài viết kiểu này, của một vài cây bút nhằm vào những người có trách nhiệm tổ chức Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII và chủ yếu là ông Chủ tịch Hội NVVN Hữu Thỉnh. Chẳng hạn như: “HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ 8” CÓ CHÍNH DANH KHÔNG?; VÌ SAO HỮU THỈNH ĐƯỢC NHIỀU GIẢI THƯỞNG TÔN VINH NGHỀ NGHIỆP HƠN XUÂN DIỆU?; “TRƯỜNG CA BIỂN”- MỘT TÁC PHẨM LÀNG NHÀNG, NHẠT NHẼO SẮP ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH; “CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA,...
Chưa vội bàn đến nội dung đúng sai của các bài viết nói trên mà chỉ cần đọc một vài cái tít như vừa nêu trên cùng chapeau được người biên tập giật làm phụ đề cho bài viết với chủ đích làm tăng “sức nóng” của vấn đề cũng đủ thấy một thái độ hằn học cá nhân , với sự “ác tâm” rất rõ rệt, khiến người đọc hoàn toàn có thể nghi ngờ về tư cách cá nhân của tác giả các bài báo trên, cũng như quan điểm của chủ các trang mạng ấy. Ngôn ngữ của phần lớn các bài viết trên hoặc là mang tính hù dọa, quy chụp, cãi vã kiểu hàng tôm hàng cá ngoài chợ hơn là chỉ ra những thiếu sót, sai lầm của các tác phẩm, tác giả văn chương. Minh chứng là trong bài viết “TRƯỜNG CA BIỂN”- MỘT TÁC PHẨM LÀNG NHÀNG, NHẠT NHẼO SẮP ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH” với hơn 3040 chữ mà chỉ có khoảng 850 chữ là ngôn ngữ của tác giả, còn lại khoảng 2200 chữ là trích trong “Trường ca biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Thử hỏi như vậy có được gọi là một bài “phê bình” hay không, chưa cần nói đến thái độ, lời lẽ của tác giả. Nếu nói đúng ra đây phải gọi là một bài trích dẫn thơ. Bạn đọc nếu muốn biết tường tận “Trường ca biển” hay dở như thế nào thì đọc trực tiếp tác phẩm, chứ họ đâu cần nhà phê bình trích dẫn quá dài dòng theo một cách chắp vá lổn nhổn nhằm chủ đích nói lên cái chưa hay của tác phẩm. Sao tác giả bài viết lại làm khổ bạn đọc đến như vậy. Đây là kiểu “phê bình” nào, xin nhường phần bạn đọc quyết định. Ở những bài khác người viết phê bình lại chuyển sang dạng đơn khiếu nại, tố cáo một cách trá hình. Vì nếu là đơn khiếu nại, tố cáo mà gửi lên mạng lethieunhon.com e rằng tác giả đã nhầm địa chỉ chẳng, thay vì phải gửi đến công an, tòa án chứ (!?). Còn giọng văn mang tính chất tố cáo, nhưng thể thức lại không thuộc về dạng đơn từ có tính chất pháp lý. Sự “đánh bùn sang ao”, cố ý nhầm lẫn kiểu này chỉ chứng tỏ người viết hoặc là không biết/không có văn hóa phê bình mà thôi.
Sao lại cố tình “chữa lợn lành thành lợn què” như thế (?!)
Bài viết “CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VIẾT SAI VĂN PHẠM VÀ DÙNG TỪ TỐI NGHĨA” là của tác giả học và làm luật, chứ không phải của một nhà văn, nhà phê bình, nên cách diễn đạt rất “đúng luật”, một, hai, ba,... rõ ràng. Từ xưa đến nay chẳng ai có quyền cấm nhà toán học, luật học, côn trùng học,... viết văn, làm thơ, với tư cách là sự sáng tạo hoàn toàn mang tính chất ca nhân. Và ngay cả ở lĩnh vực lý luận phê bình văn học- nghệ thuật cũng chưa thấy có quy định nào bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấm các nhà trên tham gia. Như vậy có thể nói quyền và cơ hội được tham gia hoạt động văn chương- nghệ thuật được chia đều cho tất thảy mọi người trên thế gian này. Nhưng thiết nghĩ người biết “tri túc, tri chỉ” thì nên hiểu rằng quyền là một chuyện, còn năng lực để thực hiện quyền ấy lại là một câu chuyện khác. Riêng đối với lĩnh vực phê bình lý luận văn học là một ngành khoa học về văn chương, người muốn tham gia vào lĩnh vực này, cần thiết phải được đào tạo hẳn hoi, có bài bản hệ thống lý thuyết với tư cách là công cụ nhận thức tác giả, tác phẩm giai đoạn, thời kỳ, trường phái,... văn chương. Đồng thời cần được trang bị các tri thức chuẩn về văn chương cùng tri thức về các ngành khoa học kế cận như tâm lý học sáng tạo, ngôn ngữ, triết học,...với tư cách là những công cụ tối thiểu phục vụ cho các thao tác trong quá trình hoạt động lý luận phê bình, văn chương.
Trở lại bài viết vừa nói trên, ngay ở điểm 1, tác giả cho rằng đoạn văn sau đây có những bất ổn: “Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này,...”. Sau khi tra từ điển tiếng Việt Wiktionary, tác giả bài viết kết luận xanh rờn rằng” “Rõ ràng câu văn trên dùng từ sai. Nó phải được viết thế này mới đúng: “Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ…” (hết trích dẫn).
Trước hết xin thưa với tác giả bài viết rằng cái từ điển mà ông tra là nguồn tư liệu không đáng tin cậy, vì không thấy chú thích tập thể tác giả, chủ biên, nhà xuất bản, năm xuất bản, nơi xuất bản,...thì chẳng khác nào ông bảo độc giả là người mù đi tìm bắt con mèo đen trong đêm ba mươi tết ở vùng quê xưa. Nếu đây là từ điển tồn tại trên mạng, tức là không gian ảo lại càng không đáng tin cậy hơn. Thứ nữa, cụm từ “địa chỉ” và “địa điểm” ở đây không có sự phân biệt quá xa về ngữ nghĩa. Địa chỉ là chỉ về một địa điểm nào đấy, chẳng hạn như: Địa chỉ của tôi ở quận Ba Đình, thì từ Ba Đình là địa điểm. Như vậy có thể hiểu hai từ “Tuyên Quang” ở đây chính là địa điểm rồi, nếu dùng thêm một từ địa điểm nữa thì câu văn trở nên cực kỳ ngớ ngẩn. Cớ sao nhà luật học lại đi “chữa lợn lành thành lợn què” như thế.
Còn ở điểm 2, tác giả bài viết cho rằng đoạn văn này ông Chủ tịch hội cũng viết sai nốt, xin trích: “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.
Đoạn văn trên có gì đó không ổn khi sau cụm từ “cây bút trẻ”, tác giả dùng động từ “tiếp tục”. Ở đây đã có động từ “bày tỏ” rồi, sao lại dùng thêm động từ “tiếp tục”? Hai động từ dùng xen kẽ ở chỗ này là không ổn. Đoạn này phải viết là: “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến” (thay cụm từ “tiếp tục một cách xứng đáng” bằng “đối với”). (hết trích dẫn).
Câu “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến” là một câu phức gồm hai mệnh đề độc lập được nối với nhau bằng liên từ “và”. Mỗi mệnh đề có cấu trúc của một câu đơn hoàn chỉnh, nên buộc nó phải có đủ hai thành phần cơ bản của câu là chủ ngữ và vị ngữ, mà chương trình ngữ pháp dạy cho các em học sinh phổ thông gọi là câu CHỦ- VỊ. Như vậy hai từ “tiếp tục” là động từ- vị ngữ của chủ ngữ “các cây bút trẻ” thì có gì là sai đâu. Câu trên có thể diễn đạt như thế này: “Diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm (của mọi người) và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”. Nếu thêm động từ tình thái “là” trước hai từ “tiếp tục” thì hai từ này trở thành trạng ngữ chỉ tình thái, bổ nghĩa cho động từ “là”.
Dường như nhà luật học này chưa học ngữ pháp tiếng Viết sơ cấp hay sao ấy nên mới chữa văn của người khác theo cách “chữa đui thành mù” đến thế. Tôi chỉ cần dẫn ra hai ví dụ trên để xin thưa với vị luật sư là nên học lại câu của cha ông ta đã dạy từ bao đời nay là “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Còn nếu không thì học câu này của Khổng tử cũng được “tri chi vị tri chi, bất tri chi vị bất tri chi, thị tri”.
Lâu nay, cổ nhân có câu “bản thân không thể nổi tiếng và thành danh bởi uy tín cá nhân, thì “đánh” vào người nổi tiếng, thể nào cũng được chú ý”. Như vậy, mục đích hạ thấp danh dự cá nhân-hòng bới lông tìm vết cho bõ ghét, bõ tức, để cho thiên hạ biết mình là ai, âu cũng là một cách hành xử thiển cận.
Rõ ràng đem những hiểu biết lỗ mỗ ra để đi phê phán người khác là một điều
rất không nên làm đối với những người có học hành hẳn hoi. Nếu làm vì chủ đích hạ uy tín, bôi bẩn một ai đó, ngoài phạm vi quan tâm của học thuật thì đấy là một nhân cách kém, đáng thương.
Thành Cát
Nguồn:
http://www.biethet.com/n762910-van-hoa-p...nh-van-hoa