Kể từ
bữa anh hàng xóm vô tình nghe lọt câu nói của bà Bốn, ngoài cái danh sợ vợ, Bốn Lành còn bị công chúng đặt vấn đề là kẻ Yêu Sông Lam. Nhưng có thực như thế chăng? Ai tinh ý, cứ nhìn cái bộ mặt hớn hở của bà Bốn vào mỗi buổi sớm mai là rõ cả.
Kế hoạch làm tuyển tập của cụ thượng không ngờ lại gây ra đủ thứ chuyện bi hài trong trấn. Đây nói tới cố sự tại nhà cụ Lãnh Cồn, một chí sĩ tề danh trong Ngũ Đại thi nhân đã từng làm nên biết bao kỳ tích phi thường mà kẻ phàm khó ai tưởng tượng nổi. Sau này dân làng yêu mến còn gọi chệch ra thành Lạnh Cồn, có lẽ bởi cụ lớn tuổi mắt kém hơn so với thời giai trẻ.
Số là, trưa hôm ấy cụ vừa đi chợ về, đang sửa soạn lặt rau nấu cơm thì nghe tiếng cụ bà trong nhà the thé gọi vọng ra :
- Ông Lãnh, ông Lãnh... vô đây tui biểu nè!
Nghe giọng cụ bà ra chiều gắt gỏng, cụ đâu dám chậm trễ, vội rục phắt các thứ xuống, lật đật chạy vô, khoanh tay đứng đợi. Cụ bà đang nửa nằm nửa ngồi trên cái đi văng bọc nhung, một tay cầm ly nước lọc, tay kia dứ dứ về phía cái truyền hình 64 inh bự chà bá ở góc nhà :
- Ông nói coi, cụ trưởng trấn sắp ra tuyển tập thơ Thi Ẩm, sao ông lại giấu tui? Hả?
Chữ "hả" của cụ bà cao lên lảnh lót, như xoáy vào tâm can cụ, khiến cụ run bắn. Thiệt tình là oan uổng quá trời quá đất mà! Cụ suốt cả ngày trông tiệm, rồi cơm nước giặt rũ, nào đã nghe biết chuyện tuyển tập tuyển tiếc chi đâu! Mãi cụ mới lắp bắp thốt lên được mấy tiếng :
- Bà kêu tui giấu giếm thì... đúng là tui giấu giếm. Xin bà tha tội. Nhưng mà đầu đuôi ra sao, bà nói rõ tui mới hiểu chứ!
Cụ bà làm bộ thở dài thượt lượt, nghe nẫu cả ruột gan :
- Ông hay lắm! Chuyện hệ trọng như vậy mà không hé răng nói một câu nào với vợ với con. Ông ngon rồi mà! Có thơ trong tuyển tập, danh tiếng càng thêm lẫy lừng, ra đường gái tơ chúng nó bu lại, cần gì ngó đến gái già này nữa...
Cụ bà càng nói ra lại càng thương tâm, cứ như thế vừa khóc nức nở vừa kể lể một thôi một hồi. Cụ ông chỉ còn biết đứng im thin thít. Ngoài trời, mưa cũng bắt đầu rơi. Mưa Sài Gòn đẹp quá! Tâm trí cụ bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ, có lần cùng các bằng hữu chém gió với bọn Nặc trong mưa. Rồi cả đám mỹ nhân xinh như mộng vây quanh những người anh hùng thắng trận trở về. Một ý thơ nảy ra trong đầu cụ. Bất giác cụ không kìm lòng được, thốt lên khe khẽ :
Mưa đẹp mà em cũng đẹp thay
Mộng hoa vương vấn đã bao ngày
Chiến bào loang máu quân Nặc cút
Ta lại ôm nàng trong đêm say...
- Ông vừa nói cái gì?
Tiếng cụ bà cất lên cao vút kéo tuột cụ ra khỏi cơn mộng mị của thi hứng. Thoạt tiên cụ sợ đến run người. Nhưng ngay lập tức, bằng sự mẫn cảm tuyệt vời của một thi sĩ, cụ nhận ra trong thanh âm của cụ bà không hề có vẻ giận giữ. Cụ ấp úng :
- Tui, tui...
Cụ bà phút chốc chuyển hẳn sắc mặt. Nét cười e lệ khiến cụ ông rụng rời.
- Ông vừa nói tui đẹp? Thế ra ông vẫn biết là tui đẹp!
Thiệt là hên quá xá hên vậy! Lúc cụ lẩm nhẩm mấy câu thơ kia không biết trời xui đất khiến thế nào mà cụ lại vô thức dòm thẳng mặt cụ bà. Ngày thường, có khi nào cụ dám dòm thẳng vô mặt cụ bà đâu. Thế mà lúc đó... Thiệt đúng là phúc tổ tiên để lại mà. Được nước, cụ bèn táo bạo dận thêm bước nữa :
- Bà không đẹp thì còn ai đẹp. Bạn tui trên phây búc cứ khen con gái mình đẹp hoài. Tui thì nghĩ trong bụng rằng chỉ có những người mẹ xinh đẹp mới có thể sinh ra những đứa con gái xinh đẹp thôi, phải không bà?
Chừng như cụ đi lỡ hơi xa nên cụ bà vụt trở nên đề phòng, nghiêm giọng hỏi :
- Được rồi, ông biết nghĩ thế thì tốt. Còn cái vụ thơ tuyển này sự thật ra sao? Ông có mấy bài được chọn vô?
À, thì ra là vậy, chuyện như thế này cụ đã bị hành nhiều phen rồi nên tự tin đáp ngay :
- Lầu vẫn chưa thống nhất. Chắc tui cũng có được một hai bài gì đó như các cụ khác. Trong lầu còn nhiều người viết nữa mà.
- Bởi vậy mới nói! Ông suốt ngày ru rú ở trong nhà, có biết thế giới ngoài kia thay đổi ra sao đâu. Lần này là người ta tuyển chọn theo chất lượng chứ không phải ai cũng được cho vô. Mà trong lầu thì ông đã được phong Thánh, họa may có 3 hay 4 cụ bì được. Ông chỉ cần tính cách loại bớt bài của mấy cụ ấy đi thì số lượng bài của ông trong tập dĩ nhiên phải tăng lên. Tui phải làm cho tuyển tập này trở thành Thi Thánh tuyển tập! Ông hiểu chửa? Tui nghĩ là nghĩ cho ông đấy!
- Bà nói vậy tui cũng biết là đúng, nhưng làm như thế tui chỉ sợ quần chúng họ dị nghị...
Cụ bà gắt :
- Ông chỉ giỏi quét nhà rửa chén thôi. Làm cái chi cũng sợ đủ thứ thì sao làm? Chuyện này ông để đó tui lo. Từ hôm nay hễ trong lầu đề cử bài nào, ông phải đưa cho tui coi. Tui sẽ chỉ cách cho ông chém tác giả bài đó.
Biết chẳng thể nào làm khác ý vợ được, cụ đành ngoan ngoãn phụng phịu đáp:
- Dạ, bà đã quyết vậy tui nghe theo là được chứ gì.
Tối ấy, cụ Lãnh Cồn rón rén lên lầu coi tô bích đề cử. Cụ cẩn thận ghi ghi chép chép một hồi rồi chạy như bay về nhà, hổn hển nói với cụ bà :
- Thưa bà, có nhiều người được đề cử lắm, tôi được 3 bài rồi nhưng không bằng cụ Hớ được tới 6 bài.
Cụ bà gật gật :
- Thế còn các đại thi nhơn khác thì sao?
- Dạ bà, cụ Bốn được 3 bài, cụ Ngạo được 5 bài, cụ Phụng cũng được tới 4 bài.
- Vậy thì chúng ta sẽ đánh cụ Bốn trước. Cái này gọi là “tránh chỗ mạnh đánh vào chỗ yếu”, ông hiểu chửa?
- Vâng, bà dạy phải, chúng ta đánh vào chỗ yếu cụ Bốn trước.
Cụ bà định nói gì đó nhưng rồi chỉ khẽ thở dài. Cụ vẫy vẫy tay ra hiệu cho cụ ông đi tới bên, rồi ghé tai nói thì thấm mấy câu. Như thế... như thế...
Cụ ông nghe xong ánh mắt sáng lên đầy vẻ bội phục:
- Bà nó dụng mưu như thần, chẳng kém gì Gia Cát Lượng ngày xưa. Phen này cụ Bốn bị loại chắc cmnr!
Cụ bà gật gật ra chiều hài lòng:
- Chỉ giỏi nịnh! Còn không mau đi làm như tôi biểu đi!
Lãnh Cồn vội vàng khấu đầu mấy cái rồi lon ton chạy ra ngoài. Vừa chạy cụ vừa hô : "Vợ là số một... vợ là số một...".
Không biết cụ Lãnh Cồn sẽ giở chiêu gì để loại cụ Bốn. Mời các bạn chờ xem.