“HAT TRICK” LÀ GÌ?
aydada > 15-05-2011, 03:30 PM
VŨ ANH TUẤN
Nạn dùng tiếng nước ngoài tuỳ tiện thay cho tiếng Việt đang có xu hướng gia tăng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. “Hat trick” là một trong những trường hợp phổ biến, nhất là trong bóng đá. Luôn miệng nói “Hat trick”, nhưng hỏi tại sao lại có chữ HAT là cái mũ thì ngay đến tác giả làm sách dạy thiên hạ cũng hiểu … sai. Ấy vậy mà người ta vẫn đua nhau sử dụng!
Tôi tình cờ được một bà bạn đưa cho cuốn sách nhan đề là “Tiếng Việt – Từ chữ đến nghĩa” của tác giả TS. Phạm Văn Tình, Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa – nộp lưu chiểu tháng 1/2005.
Trong cuốn sách này, tôi đã đọc bài “Hat trick – từ thể thao vào ngôn ngữ” (trang 101 – 103). Tại trang 102 từ dòng thứ 8 đến dòng thứ 12 (từ trên xuống) tác giả này đã dịch nghĩa từ “Hat trick” nguyên văn: “Để chỉ chiến công này, người Anh đã sáng tạo ra cụm từ HAT TRICK: có nghĩa là “ngả mũ (chào)”. Thực tế thì ở môn cricket, một cầu thủ ghi tới ba bàn trong một trận quả là một nỗ lực xuất thần, đáng kính nể tới mức phải “ngả mũ” bái phục (xem bản photocopy đính kèm, tài liệu số 1).
Theo chỗ tôi biết, từ “Hat trick” của Anh không hề có nghĩa là “ngả mũ chào” vì kính phục. Và ngay dưới đây, tôi xin đưa ra định nghĩa, mà tôi cho là đúng (được chứng minh bằng ba tài liệu), để tất cả mọi người chúng ta, kể cả tác giả bài viết, cùng nhau tìm ra sự thật.
Lý do tôi “ăn cơm nhà, vác ngà voi” làm việc này thật đơn giản: Tôi chỉ muốn những gì được viết ra đều thật và đúng, không thể vì một lý do gì mà để độc giả, nhất là con cháu chúng ta bị nhầm lẫn, để rồi bị ngoại nhân coi thường.
Theo tôi biết (do đã có lần tra một cuốn từ điển cổ, xuất bản năm 1918), từ “Hat trick” được cho ra đời và được sử dụng từ thời Trung Cổ - vào thời đó, nghĩa là khoảng từ năm 500 sau công nguyên tới năm 1.500 sau công nguyên, mỗi ông vua ở Châu Âu đều có một vài chú hề phục vụ (tiếng Pháp gọi là “le bouffon du roi”, tiếng Anh là “the King’s buffoon”) và mỗi khi có chú hề nào thành công trong nổ lực để nhà vua cười, hài lòng ba lần – sẽ được ban thưởng một cái mũ mới (lý do tại sao có chữ “hat” là cái mũ). Các từ điển của Anh xuất bản trong những năm gần đây đã không kể lại nguồn gốc từ thời Trung Cổ, mà chỉ coi như từ “Hat trick” bắt nguồn từ môn thể thao “cricket”, tuy nhiên ở các tài liệu số 2, 3 và 4 đều có ghi rõ như sau:
- Số 2: "Probably from the practice of rewarding the feat with a hat" (có thể là do thói quen tưởng thưởng kỳ tích này bằng tặng một cái mũ).
- Số 3: “From the practice of rewarding the feat with a new hat” (từ thói quen tưởng thưởng kỳ tích này bằng một cái mũ mới).
- Số 4: “Deserving a new hat” (đáng được một cái mũ mới) - Riêng với tài liệu số 4 này trích từ cuốn từ điển Chambers in năm 1949 và từ “Hat trick” nằm ở trong từ “hat” là cái mũ.
Qua cái tài liệu số 2, 3 và 4 – trong cả ba cuốn từ điển của người Anh, ta chỉ thấy họ nói tới việc thưởng một cái mũ và tuy không lấy lại được nguồn gốc từ thời Trung Cổ, nhưng họ đều nói là “from the practice of rewarding” (từ thói quen ban thưởng) và đặc biệt là ở tài liệu số 4, từ “Hat trick” đã nằm ở trong mục từ “hat” là cái mũ từ năm 1949.
Do đó, việc nói “thói quen thưởng một cái mũ” rất phù hợp với nguồn gốc của từ “Hat trick” từ thời Trung Cổ, và tất cả chỉ là nói tới chuyện thưởng một cái mũ hoặc đáng được thưởng một cái mũ mới, chứ không hề thấy tài liệu nào nhắc tới việc “ngả mũ chào” vì đáng phục.
Hơn nữa, hai sự việc “thưởng một cái mũ” và “ngả mũ chào vì kính phục” chẳng hề có liên hệ gì với nhau.
Lời nói theo gió bay đi, nhưng viết lách trên giấy thì còn để lại với muôn đời. Và nếu quả thực có sự nhầm lẫn, thì việc đính chính lại cho đúng sự thật chẳng có gì đáng chê trách, nếu không nói rằng đó là thái độ thực trí thức và chân chính.
© Cập nhật theo nguyên bản của tác giả từ Sài Gòn ngày 30.10.2010.
. Đăng Tải Lại Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn Newvietart.com