Cô bạn không quen biết, đời ta không phải là hoàn toàn quyết định từ hồi nhỏ mới sanh, hoặc ngay từ hồi vạn cổ do một quyền năng bí mật và vô hình nào đó đâu. Nó được quyết định một phần, dĩ nhiên. Nếu cô sanh ra mà xấu xí thì đời cô sẽ khác hẳn, và cái nhan sắc diễm lệ của cô hiện nay do sự kết hợp của các nhiễm sắc thể (chromosome) của song thân mà ý chí của cô không làm sao thay đổi được. Nhưng phải nhận rằng ngày nay một nhà giải phẫu sửa nhan sắc có thể đổi nét mặt, rằng sự duyên dáng và thông minh làm cho nét mặt đẹp ra, và sự thanh tĩnh của tâm hồn hiện lên trên nét mặt. Ai đã nói đấy nhỉ, rằng từ tứ tuần trở đi người đàn ông nào cũng chịu trách nhiệm về nét mặt của mình ? Nhưng khả năng sửa đổi lại số phận của mình, trước hết ở trong cách ta phản ứng với biến cố.
Biến cố là chỉ là biến cố. Một người đàn ông yêu cô, tỏ tình với cô. Chiến tranh xảy ra, người đó mất tích : một cuộc khủng hoảng làm cho người đó phá sản ; một người đàn bà khác hiện ra. Đó là những sự kiện. Nhưng những sự kiện đó tự nó không gây hoạ hay phúc cho cô được. Thái độ của cô trước những sự kiện đó ra sao? Đó mới là điểm "tối quan trọng". Trong nhiều hoàn cảnh, có một lúc và chỉ một lúc một thôi, sự tự ý quyết định của cô sẽ xoay hướng cho trọn cuộc đời cô. Tôi gọi lúc đó là cái phút của số phận. Tại sao lại chỉ có một phút một? Tại thế giới như vậy đấy. Rất ít khi một cơ hội thuận tiện xảy ra lần thứ nhì.
Xét về chiến tranh lời đó cũng đúng. Trận Lamarne là một cơ hội duy nhất và ngắn ngủi. Tướng Đức Von Kluck đã tiến mau quá. Joffre và Galliéni biết lợi dụng ngay sự lầm lẫn đó. Đức đã thua ngay từ hôm đó, mặc dầu là chưa ai ngờ được. Trong chiến tranh giữa nam giới và nữ giới thì cũng đúng nữa. Đôi khi có một lúc thoáng qua, một người đàn ông ve vãn một người đàn bà từ lâu, bỗng thấy hiện lên trong cặp mắt người này một vẻ lả lơi âu yếm, nó là phản ánh của thắng lợi. Có cả ngàn nguyên nhân: một sự ngẫu nhiên, cảnh vắng vẻ chỉ có hai người, trong không khí có cơn dông, một trang sách, một cử động. Tóm lại, cơ hội thuộc về mình.
Nhưng nếu cái đem may mắn nhất đời đó, nếu ta bỏ lỡ cơ hội mà nghĩ : "Cơ hội sẽ trở lại, còn tốt hơn nữa", thì cơ hội sẽ tiêu, tiêu luôn. Cô bạn sẽ tỉnh ngộ, nghĩ tới các nguy hiểm, khinh ta đã nhút nhát. Nhất là cô ta không còn chịu ảnh hưởng của sự giao hội kì diệu của các ngẫu nhiên nó làm cho cô sãn sàng qui phục đó nữa. Đêm đó, sự thắng lợi thật dễ dàng, chắc chắn. Hôm sau thì vô phương.
Hôm qua tôi đọc lại một truyện hay, truyện "Un de nos conquerants" của Meredith mà nghĩ tới cái phút của số phận đó. Truyện nhà lãnh tụ đãng xã hội Đức, Ferdinand Lassalle, yêu một thiếu nữ quí phái, vì đẹp trai và có tài mà được cô ta yêu lại, mặc dầu cô đã hứa hôn với một người khác. Một hôm cô bảo ông ta : "Gia đình em có ác cảm với anh ; chúng mình trốn đi!" Ông ta khuyên hãy ráng chờ : "Tại sao lại gây một chuyện xấu làm hại cả đời em? Chịu kiên nhẫn vài tháng nữa rồi chúng ta làm lễ cưới với sự hoà thuận của ba má em". Ông ta không bao giờ đạt được sự thoả thuận đó và mất luôn vợ, lại bị vị hôn phu của nàng giết trong một cuộc đấu súng nữa chứ. Trớ trêu thay cái trò tự đắc và luyến ái ! Lassalle tức giận, vì danh dự mà chết một cách dại dột; tình nhân của ông khóc ông, nhưng đã quá trễ, rồi nàng cưới người đã giết ông.
"Đã quá trễ!", cô đừng bao giờ để cho phải thốt ra mấy tiếng ghê gớm ấy nhé. Tôi biết một bà nữa. Trong thế chiến vừa rồi, một sĩ quan mà bà ta yêu hỏi cưới bà. Bà xin một đêm để suy nghĩ và hôm sau viết thư nhận lời. Nhưng hôm đó chính là ngày quân Đức tấn công , tức ngày mùng 10 tháng 5 năm 1940. Sĩ quan đó được lệnh trở ra mặt trận ; bức thư đó lạc mất. Tuyệt vọng vừa vì sự thất bại của tổ quốc vừa vì mối tình của mình, ông ta giỡn với thần Chết. Thần Chết vốn dễ tính, ai ve vãn thì cũng được liền. Còn bà nọ thì ân hận, hối tiếc. Vì bà ta trong lòng vẫn ước ao cuộc hôn nhân đó, chỉ do tự ái, muốn cho đoan trang mà xin được suy nghĩ một đêm. Giá nhận lời ngay đi có phải là hơn không?
Luân lý : cô nên viết thư ngay cho tôi đi!
Vạn an.
(Trích trong "Thư gửi người đàn bà không quen" của André Maurois), dịch giả Nguyễn Hiến Lê