Ba sắc màu...
Vũ Thiên Di > 05-12-2010, 03:11 PM
Xanh. Đỏ. Vàng.
Ba màu cơ bản.
Trộn chúng với nhau.
Vẽ gì đây nhỉ?
1. Xanh
Một ngày kia, bầu trời trong – trong như mảnh thủy tinh sơn màu xanh vừa mới được rửa sạch, như hòn bi ve được lũ trẻ cất giữ kín đáo trong rương hộp. Em vừa lên mười tuổi, đôi mắt em trong, to và sáng như nền trời; em nhìn tôi, ngây ngô không biểu lộ cảm xúc gì.
Một ngày kia, bầu trời trong, tôi dạy em cầm cọ. Tay em run vì còn yếu sau cơn phẫu thuật, nhưng sóng mắt em vẫn không dao động, tập trung cao độ vào tờ giấy trắng. Em chọn màu xanh lam, nhúng cây cọ hơi ẩm nước vào lọ màu rồi quệt một đường ngang lên trang giấy. Nói là muốn vẽ bầu trời, tôi cười bảo em rằng khó lắm; em nhíu mày rồi như mặc kệ, em cắm cúi vẽ.
Một ngày kia, bầu trời trong, tôi đến xem đôi tay em hồi phục lại hoàn toàn chưa; em chỉ nói bác sĩ bảo tay em không thể vẽ như hồi trước nữa. Sọt giấy rác trong phòng chứa đầy những tờ giấy nhăn lại vì vò nát – những tờ giấy lem lấm màu xanh.
Đôi mắt trong của em phản chiếu nền trời, em lặng đi bên cửa sổ hướng về phía bất tận và cao vời vợi, em giơ cánh tay không còn được như xưa lên, hướng về phía trước như muốn nắm bắt lấy cái gì đó. Và tôi nhận ra rằng đó là bầu trời kia. Lần đầu tiên em cười, bảo muốn bắt lấy nó rồi ép vào tờ giấy trắng, thế là em khỏi phải vẽ. Miệng em nhếch lên trước ý nghĩ đó và cũng lần đầu tiên, đôi mắt em không trong như bầu trời ấy nữa.
Tôi đã nghĩ em hẳn phải là một cánh chim từ kiếp trước mới phải; rồi như tự cười với chính mình : tôi thấy hình ảnh ấy thật hợp với em. Có lẽ em phải là một thiên thần nên em mới yêu bầu trời đến thế. Em không nói cho tôi lý do sao em vẽ bầu trời – tôi nghĩ thầm : chăng là em dấu thân phận mình là một thiên thần, rồi sau đó tôi lại cười vì ý nghĩ ấy.
Một ngày kia, bầu trời trong, em xuất viện khi nào tôi không hay. Bầu trời xanh kia chợt đổ mưa, tôi tự hỏi, bầu trời trong mắt em có thế không, rồi như tỉnh lại, tôi tự trả lời : chắc là không.
2. Đỏ
Đỏ, những bông hoa nhện nước đỏ cả một dòng sông, tranh của anh lúc nào cũng có màu đỏ. Ngày anh đến, năm tôi lên mười tuổi, anh mười lăm, cũng chỉ hơn tôi có năm tuổi chứ xa gì; thế mà lúc nào anh cũng làm như mình là người lớn. Lần đầu tiên tôi nhìn anh, anh nhìn lại tôi, anh cố làm vẻ trưởng thành nhưng ban đầu nhìn cứ như một tên ngốc. Tôi cũng chả có biểu hiện gì rõ rệt, tại sao tôi phải cười hay làm vẻ mặt cau có với người lạ chứ.
Đỏ, nền trời trong tranh anh toàn là một màu đỏ - đỏ như là tang thương, như than khóc, như hối hận; những mảng màu đỏ của từng cấp độ khác nhau đan xen, hòa quyện như cà phê và sữa lẫn với nhau trong tách latte nóng. Anh quen với bác tôi, bác chăm sóc tôi khi nhỏ; nghe lời bác, anh dạy tôi cầm cọ. Tôi thấy nó hơi nực cười, tôi đã vẽ từ năm bốn tuổi rồi kia mà.
Đỏ, chiếc ô đỏ nổi bật trong cơn mưa – sắc nóng nổi bật giữa một nền sắc lạnh, thu hết cả sự chú ý của tôi vào bức tranh. Những khi tôi cố vẽ bầu trời, anh mặc tôi loay hoay với những lọ màu, anh luôn vẽ một bức tranh có màu đỏ. Nhìn đôi mắt màu hổ phách của anh chăm chú vào từng nét cọ, ba ngón tay đầu anh bám lên thân cọ, và cây cọ như đang múa một vũ điệu hoàn mĩ khiến lông cọ lướt trên mặt giấy như êm.
Tôi hỏi anh sao lúc nào cũng vẽ màu đỏ. Lần đầu tiên, tôi thấy anh cười nhìn chẳng ngốc tý nào cả, đôi mắt anh khác mọi lần, anh nói đó là màu mẹ anh thích nhất. Nghe bác tôi kể, thì anh và mẹ gặp tai nạn xe hơi, đó là trong một buổi chiều hoàng hôn đỏ. Tôi thấy thật mỉa mai.
Tôi hay vẽ màu xanh, cũng như anh hay dùng màu đỏ. Anh hỏi tôi tại sao, cứ hỏi đi hỏi lại câu ấy, cứ như để anh xác nhận lại một giả thuyết nào đó của mình. Tôi không quan tâm lắm, chuyện đó thì có gì quan trọng chứ; chỉ là tôi muốn bức tranh có bầu trời xanh là bức tranh đầu tiên kể từ khi tay tôi có thể vẽ lại được. Bởi vì, ba và mẹ đều ở nơi xanh bất tận ấy.
Đỏ, chiều hôm ấy trời đỏ, ngày cuối cùng tôi ở đây. Liệu tôi có nên nói với anh không nhỉ? Rằng chỉ sau hôm nay nữa thôi, tôi sẽ xuất viện và xuất ngoại nốt, bác tôi đã dành sẵn kế hoạch cho đôi tay của tôi rồi. Nhưng mà nói thì có làm được gì đâu, tôi không thể ở lại, anh cũng không thể đi. Tôi nhìn sang anh, anh vẫn lặng nhìn ngắm bầu trời đỏ kia. Lồng lộng gió thổi, nền trời như được nâng cao lên, kéo xa tầm tay của anh; rồi tôi nhận thấy một điều : cả tôi và anh đều đắm chìm trong quá khứ. Tôi đắm chìm trong thế giới màu xanh, anh lạc lối trong sắc màu đỏ; và xanh với đỏ là hoàn toàn trái ngược nhau.
3. Vàng
Hè. Nắng vàng tráng màu trên khắp các ngỏ phố và nhỏ giọt lên từng tán cây – từng giọt mơn trớn trên bề mặt trơn láng của lá cỏ. Năm năm sau, cô trở về với danh hiệu họa sĩ trẻ xuất sắc nhất trong khu vực. Đôi mắt trong, cô ngước nhìn bầu trời đầy nắng.
Thu. Lá vàng trải lối cả con đường dưới căn hộ của anh, tại đây, nhìn lá anh mỉm cười. Vừa đi triễn lãm tranh tại nước ngoài về, nhưng anh chẳng thấy mệt; ngồi bên cửa sổ, tay cầm nhành cọ, chấm vào khay màu, một màu vàng anh quẹt lên tờ giấy trắng. Lá vẫn tiếp tục rơi, nhưng không phải lá nào cũng rơi như nhau : có lá như mũi tên nhọn hoắt, cắm phập xuống lạnh lùng và không thương tiếc; có lá chao đảo như sợ độ cao, dềnh dàng chưa muốn đi vội; có lá quay hai ba vòng như một vũ công ba lê, thoải mái tự tin… Và anh nhận thấy, lời chia tay nào cũng không như nhau, và chia tay cũng không có nghĩa là kết thúc; lá rơi nhẹ nhàng – chia tay cũng như thế.
Xuân. Mai vàng nở rộ trong không khí ấm áp, cô và cả nhà bác đi về quê đón tết. Gặp loài hoa tím, cô vẽ.
Xuân. Anh đi tìm cảnh để vẽ. Đôi bờ sông, nước dâng trắng lóa, nắng vàng nhạt quyện hòa trong hơi nhang trầm, loài hoa tím ven sông mọc thành một hàng dài. Cũng chẳng biết từ khi nào, anh thôi vẽ màu đỏ ấy, dù sao đỏ cũng chẳng phải là màu anh thích. Anh nhớ năm năm trước, khi anh kể cho một con bé mười tuổi với đôi mắt trong như bầu trời xanh con bé luôn nhìn ngắm, rằng lý do anh vẽ màu đỏ. Nó nhìn anh, một cái nhìn không ngây ngô, một cái nhìn hiểu chuyện, anh giờ đã hiểu – nó biết rằng anh lúc ấy đang chìm đắm trong quá khứ.
Cô định pha đỏ và xanh để tạo màu tím. Nhìn màu đỏ, cô nhớ đến năm năm trước. Người anh luôn vẽ màu đỏ, người anh có đôi mắt màu hổ phách; cô biết anh lạc trong quá khứ, cũng như cô đã từng; sao phải nói lời tạm biệt khi nó có thể trở thành một quá khứ khác, để rồi nhốt cả hai người vào? Màu đỏ ấy, cô biết rằng không phải là màu để biệt ly, và đó đã không là một cuộc biệt ly, vậy sao phải nói lời từ biệt?
Anh tìm một chỗ ngồi để vẽ, bùn đất do những con mưa xuân khiến việc tìm được một chỗ thích hợp thật khó. Trời xanh bất tận vẫn tỏa nắng, rồi như nâng cao thêm, tầm nhìn anh xa hơn, anh thấy cô. Anh thấy một chỗ ngồi thật thích hợp, lại gần, anh nhìn vào bức tranh với bông hoa tím.
Cô đang cặm cụi vẽ, bông hoa tím hiện dần lên trang giấy, thật tỉ mỉ; những ngón tay trắng thon thon cầm lấy thân cọ nhỏ, xoay chuyển, uốn lượn. Tạm rời mắt khỏi trang giấy trắng, cô ngước lên, thấy anh. Đôi mắt anh màu hổ phách – một màu sắc trộn lẫn giữa bộ ba đỏ hồng, vàng aureoline và lam cobalt – anh nhìn cô, và cô nhìn anh bằng đôi mắt trong, cô nhận thấy khuôn mặt anh không ngốc như hồi đó nữa; thể nên cô cười.
“ Anh không còn vẽ màu đỏ như hồi đó nữa” Anh cười.
Cô gật đầu. “ Em cũng đã thoát ra khỏi bầu trời xanh. Dù sao thì xanh cũng không phải là màu em thích.” “ Em thích màu vàng, vì nó là màu trung tính cũng như hiện tại vậy – trung tính giữa quá khứ và tương lai”
Và anh thấy cô nói thật đúng. Con người có thể nhớ về quá khứ, bằng cách này hay cách khác bởi không có quá khứ thì không thể có hiện tại và tương lai được, nhưng hiện tại nếu ta không giữ lấy rồi nó sẽ biến thành quá khứ mà thôi.
Màu vàng đã và vẫn luôn bên cô, nó cũng vẫn tồn tại bên anh, và bên chúng ta.
Xanh. Đỏ. Vàng.
Ba màu cơ bản.
Trộn chúng lại đi.
Ta vẽ cuộc sống.
Bởi Xích.
Sài Gòn
18.07.2010