"Thơ cho chị" của 1t2u3a4
Tác giả : Thiếu Văn
Trích dẫn:Đây là lời bình mà Thiếu Văn dành cho bài Thơ cho chị của 1t2u3a4. Tuy có những chỗ bông đùa, nghịch ngợm, và chưa thật sự thuyết phục được những người đọc có đòi hỏi cao về tính chuyên môn, nhưng bài bình này sẽ đem lại một góc nhìn thú vị khi bạn thưởng thức trên tâm thế của những người bạn Thi Ẩm lâu. Với sự tôn trọng người viết, tôi đã giữ nguyên văn bài bình. Tác giả có thể hiệu chỉnh bất kỳ lúc nào anh muốn.
HVN
Wow bài Thơ của thi sĩ 123 ở trên thật đáng hân thưởng. Nhân lúc vừa ngủ dậy đọc được bài Thơ đẹp, tiểu sinh Du Tử Chiêu Nam xin được phép phân tích (mổ xẻ & thái lát).
Đầu tiên là cảm giác miên man của thi sĩ mang đến cho người đọc. Chưa nói đâu xa đến bài Thơ, ngay cái tên hiệu 123456789.... dương vô cùng của thi sĩ đã gợi sự liên man dài dằng dặc, quả nhiên Thơ viết như người, rất miên man và khắc khoải.
Bài Thơ viết theo thể tuyệt cú trường thiên, gồm nhiều giải, mỗi giải lại như một bài thất ngôn tứ tuyệt riêng biệt, tách ra đọc đều có nghĩa, hợp nhất lại ta có một bài Thơ hoàn chỉnh thông suốt, rất bổ khuyết cho từng đoạn. Cái độc đáo của bài Thơ trước nhất là ở chỗ gieo vần. Hai khổ đầu tiên dùng lối tuyệt cú thể luật, gieo cước vận ở các câu thứ nhất, thứ hai và thứ tư. Tuy nhiên thi sĩ chọn cách gieo thông vận chứ không dùng chính vận, quả nhiên Thơ viết không tạo sự bó buộc. Hai câu đầu của giải tứ tuyệt thứ nhất gieo vần bằng:
Em ở nơi này biết chị vui
Con chim đơn chiếc đã thành đôi
Vần bằng trỏ vào chữ thứ sáu câu thất thứ hai tạo cho nhịp Thơ nhanh gọn, gấp gáp, rất hợp với tâm sự mừng vui khi biết tin người chị đã sang sông của thi sĩ. Hai câu Thơ mở đầu là tiền đề cho toàn bài, gợi sự nhớ thương bồi hồi. Hai câu sau đổi sang nhịp trắc:
Từ nay chị sẽ tươi hơn trước
Chín nhớ mười thương với một người
Giọng Thơ trùng xuống, tưởng như một lời thì thầm nhẹ nhõm, ngậm ngùi. Thi sĩ cũng "vô tình" hé mở cho người đọc cái quá khứ truân chuyên nào đó của thân gái dặm trường, khiến người đọc không khỏi thương cảm và tò mò về số phận của người con gái ấy.
Chẳng về bên chị để vui chung
Xa cách làm chi hỡi núi sông
Ai sinh ra chuyện ngăn đường đất
Để chị tôi vui phải chạnh lòng
Đến khổ này thì hoàn cảnh của thi sĩ với người chị đã dần hé mở. Hóa ra ngày chị sang sông mà em cũng chẳng được ở gần để vui tiệc yến diên, san sẻ cho chị cái hạnh ngộ lớn lao của cuộc đời. Giọng Thơ vừa nuối tiếc, lại tràn vẻ ngượng ngùng, như một lời tạ lỗi của thi sĩ với người chị. Núi sông ngăn cách ở đây, thật ra là ngăn cách ở trong lòng đấy chứ...
Các khổ Thơ sau đổi sang tuyệt cú thể cổ, mỗi khổ viết theo lối tứ tuyệt nhị vận. Hai khổ gieo vần trắc rồi đến hai khổ gieo vần bằng, nhịp Thơ biến đổi không ngừng, lúc trầm lúc bổng, cảm xúc dạt dào, nhưng đều là nỗi ưu tư trĩu nặng, bóng dáng khấp khởi vui mừng ở khúc đầu tuyệt nhiên không còn nữa. Người đọc quả thật bất giác suy nghĩ: người chị đi lấy chồng, đứng trước hạnh phúc đó của người con gái mà sao thi sĩ lại có tâm tư u buồn đến thế? Nhưng thật ra không phải, thi sĩ chỉ mượn việc người con gái đi lấy chồng là cái cớ để viết cho chị, còn hình ảnh trong đó đều là những hồi tưởng mình về quá khứ, từ buổi hai chị em còn ở gần nhau, cho đến khi ly biệt.
Em tưởng chiều đông vừa dợm bước
Bên đường níu lại chị choàng khăn
Lạnh bàn tay nhỏ che hơi giá
Có nói gì đâu, mắt lặng thầm
Biền biệt người đi không trở gót
Xiêm áo biếng lười thôi chải tóc?
Đông mấy mùa qua còn giá rét?
Bên đường còn ai rơi lệ xót?
Cảnh ly biệt chiều đông thật ảm đảm. Người gợm chân đi không đành, kẻ lưu luyến níu áo choàng khăn không nỡ xa. Thấp thoáng đâu đó, tuy tình và cảnh có khác nhau, nhưng gợi cho người đọc sự liên tưởng về "người lên ngựa, kẻ chia bào...", rất dung dị mà đau xót. Một loạt câu hỏi thi sĩ đặt ra, như là chút dư vị còn sót lại của ngày xưa, sao đã mấy mùa rồi mà kí ức vẫn còn rõ ràng đến thể? Đủ thấy nỗi chia xa ngậm ngùi, khiến ly nhân càng tê tái se lòng.
Thời gian một chốc đã mươi năm. Nhịp Thơ đang trắc lại đổi sang bằng, tình cảm cũng đang lắng đọng mà bất giấc hứng khởi.
Chốc đã mươi năm! Chị thôi buồn
Bên ai nắn nót dạo cung đàn
Em nghe tin chị vui thầm lặng
Xuân mới vừa qua hơi rét vương.
Gieo cước vận ở chữ cuối câu thứ nhất và câu thứ tư, đồng thời vần bằng trỏ vào chữ thứ sáu của hai câu thất đầu tiên. Nhịp Thơ nhanh, tưởng như tiếng lòng đang lắng đã ngân lên khe khẽ, nỗi hân hoan với ngày vui của chị trở lại với thi sĩ, xóa nhòa đi những kỉ niệm u buồn xa vắng. Nhưng ngay sau đó, lại là chút ngập ngừng khi thi sĩ tự cảm thán tình cảnh của mình:
Em vẫn nơi này với tháng năm
Màn trời chiếu đất nắng quanh thân
Ướp hơi sương lại làm hơi lạnh
Hoa đêm thoảng khóc một cung trầm.
Chị từ nay dứt áo theo chồng, hẳn sẽ an nhiên hưởng mộng gối chăn. Còn lại em vẫn như ngày nào, một mình với nỗi buồn tri âm, với hơi sương và màn đêm cô lẻ. Tâm trạng của thi sĩ thật khiến người đọc quan hoài và cảm thông. Nhưng nét buồn thoáng qua đó chỉ như một ý nghĩ lướt nhanh, vội vã. Thi sĩ buồn cho mình, nhưng vẫn không quên ngày vui của chị:
Chiều nay chơm chớm bấc, em đi.
Mưa gió nơi nào lạnh có khi
Mưa ơi, gió hỡi - ngừng cả lại
Ngày này, bên ấy - chị vu quy.
Khổ Thơ lại đổi sang tuyệt cú thể luật, với lối tứ tuyệt ba vần, thâm trầm u mặc.
Từ khổ Thơ đầu đến khổ Thơ cuối, có hai diễn biến xảy ra độc lập: tin vui ngày vu quy của người chị làm nền cho nỗi cô đơn trống trải của thi sĩ. Giọng Thơ xoay chuyển nhịp nhàng, tình cảm nồng nàn, lắng đọng. Năm khổ thơ giữa với nỗi buồn chia ly trong hồi tưởng để "tích lũy" cảm xúc cho người đọc, rồi sau chót vỡ òa nhẹ nhàng trước niềm vui, san sẻ cùng người con gái. Hình ảnh gợi cảm, lối Thơ và ngôn từ mang nét cổ kính đều tạo nên hiệu ứng cho một bài Thơ đẹp, nhiều cảm xúc.
Lời phê: 9 điểm. Nhưng 9.5 mới là điểm chuẩn đỗ tốt nghiệp.
Kết luận: thí sinh 123... vẫn trượt
.
TV
Du Tử Chiêu Nam
Copy về từ
nguồn của bác HVN trên Võ Lâm Giai Phẩm Quán