Xung quanh bài "Les feuilles mortes",
nhạc của Joseph Kosma,
lời Thơ của Jacques Prevert.
Nếu như bài "Torna a Surriento", cả lời lẫn nhạc đều của cùng tác giả người Ý De Curtis, là một bài rất quen thuộc với thính giả VN từ trên nửa thế kỷ nay, thì cạnh đấy giai điệu bài "Les feuilles mortes" của Pháp cũng quen thuộc với ta không kém; tuy là qua các đĩa nhạc của ngoại quốc chứ không qua người hát từ hồi ở bên nhà cho đến nay. Ai khác không biết sao chứ còn riêng tôi thì rất hiếm khi có dịp nghe bài này, lời Việt, suốt 40 năm của quãng đời tôi sinh sống ở VN. Hôm nọ ghé nhà một người bạn, tôi thấy loáng thoáng trong xấp các bản nhạc khi xưa của chị ấy một ấn bản với lời Việt của Duy Trác thì phải ! Rảo một vòng trong "database" của một số các "websites" thì cũng thấy một đôi bài của những tác giả khác.
Những ai quen nghe loại "Nhạc nhẹ" của nước ngoài từ non nửa thế kỷ nay thì khó mà không quen thuộc với giai điệu của bài hát này ! Các đĩa nhạc của Mantovani (người Anh gốc Ý) có bài này.( Khi trình diễn "live" một lần ở Luân Đôn cách đây trên 40 năm thì ông gọi đó là: "This wonderful melody" )! Đĩa nhạc "The best of France" của Paul Mauriat ( người Pháp) có bài này. Đĩa nhạc piano "Love, French style" của Richard Clayderman (tên thật: Philippe Pages, sinh tại Paris) có bài này !
Khác với bài "Torna a Surriento" của Curtis như ta đã có dịp đề cập đến, bài này không có gì "trục trặc" cho lắm từ ý tình ban đầu của các tác giả cho đến người nghe (cho dù là nghe bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, cho dù hiểu hoặc không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của lời hát) cũng như những ai đã từng viết lời Việt cho nó. Lý do :trước hết là giai điệu buồn man mác của bài hát. Kế đó là cái tựa :"Những chiếc lá chết" ! Với hai yếu tố đó thì chỉ có thể là nhắc nhở đến những chuyện tình buồn chứ không thể có cái gì khác xa cho lắm ! Mà cũng khác với bài "..Surriento" của De Curtis, bài 'Les feuilles mortes" tự nó đã là một bài Thơ phổ Nhạc của Pháp!
Lai lịch ngắn gọn:
Năm 1946 ở Paris có phim "Les portes de la nuit" (Những cánh cửa đêm") của nhà đạo diễn Marcel Carne. Vai nam chính: Yves Montand, mà ở VN còn được biết như là một danh ca của Pháp thời tập niên 50. (Thập niên 60 Ở miền Nam VN có hai phim do Yves Montand đóng :"Les heros sont fatigues", chung với Kurt Jurgens và maria Felix; và "The milionaire", chung với Marilyn Monroe).
Truyện phim "Les portes de la nuit" do nhà Thơ nổi tiếng của Pháp thời ấy, Jacques Prevert viet, va dac biet la co phan nhac cua mot nhac si bạn của ông ta là Joseph Kosma. Trong phim, lần đầu tiên bài "Les feuilles mortes" được Yves Montand hát !
Sau đấy rồi cứ thế mà truyền đi ! Âm hưởng nơi nhạc của Kosma đi đôi với bối cảnh u buồn và ảm đạm của truyện phim. Ấy là cái thời nước Pháp vừa được giải phóng. Người ta còn nhìn ngó nhau bằng những con mắt ngờ vực sau cái thời phần lớn nước Pháp ( có thủ đô Paris trong đó) bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Người ta đang hàng ngày tìm cách truy lùng, vạch mặt chỉ tên những phần tử "collaborateurs" ( "hợp tác" hiểu theo nghĩa "tay sai") với quân Đức.
Phim kể là vào một mùa Đông sau ngày Giải Phóng, nhân vật Jean Diego gặp lại người bạn cũ của mình là Raymond Lecuyer, lúc bấy giờ lang thang không nhà không cửa ! Gặp lại bạn cũ, Raymond nói với bạn rằng anh ta biết đoán hậu vận, tương lai. Raymond bói rằng bạn mình sẽ gặp một người con gái đep nhất trên đời này ! Bạn của Jean có tài chiêm tinh thực hay không thì không biết, chỉ biết là ngay chiều hôm đó, Jean quen với một cô gái thật xinh xắn tên là Malou. Chỉ một thời gian ngắn, Jean khám phá ra rằng người anh trai của người yêu mình chính là tay đã từng chỉ điểm cho lực lượng An Ninh "Gestapo" của Đức theo bắt Raymond ! Cốt truyện phản ánh những "mắc míu" của thời đại !
Các dàn nhạc thuở nay khi chơi bài 'Les feuilles mortes" thì chỉ chơi một đoạn giữa của toàn bài Thơ do Kosma phổ nhạc. Khi Yves Montand hát bài đó trong phim thì là hát trọn bài. Toàn bài Thơ được phổ nhạc dài 32 câu. Riêng bài "les feuilles mortes" ( hoặc "The Autumn leaves" do Nat King Cole hát) chỉ có vỏn vẹn 8 câu.
Trích tám câu đó trong bài Thơ của Jacques Prevert:
"C'est une chanson qui nous ressemble"
"Toi qui m'aimais et je t'aimais"
"Nous vivions tous les deux ensemble"
"Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais"
"Mais la vie sépare ceux qui s'aiment"
"Tout doucement, sans faire de bruit"
"Et la mer efface sur le sable de l'oubli"
"Les pas des amants désunis"
Tạm dịch cho thoát ý:
"Đấy là một bài hát giống như truyện tình của đôi ta"
"Ngày đó có em yêu anh, và anh yêu em"
"Thế rồi cũng ngày ấy mình chung sống bên nhau"
"Những ngày tháng em yêu anh, và anh yêu em"
"Nhưng cuộc đời thì thường lại hay chia lìa những kẻ yêu nhau"
"Cuộc đời nó tách lìa chúng ta một cách nhẹ nhàng êm thắm, chẳng có ồn ào "
"Và rồi sóng biển cứ thế mà xóa đi trên bờ cát của lãng quên"
"Những dấu chân của hai kẻ yêu nhau nay đã ly tan "
Johnny Mercer khi viết lời tiếng Anh cho bài "Autumn leaves" thì vẫn giữ được cái ý chia lìa như trong bài Thơ của Prevert, nhưng lời lẽ ở đây không có cái buồn tuyệt vọng, vĩnh viễn như trong nguyên tác. Trong "Autum leaves", sự ngăn cách vẫn có thể mới chỉ là một sự tạm biệt:
"The falling leaves, drift by my windows. The Autumn leaves of red and gold. I see your lips, the Summer kisses, the sunburned hands I used to hold. Since you went away, the days grow long. Anh soon I hear Old Winter song. But I miss you most of all, my darling, when the Autumn leaves start to fall "
Tạm dịch ý:
"Những chiếc lá (Thu) rơi cứ thế bay là đà qua những khung cửa kính nơi nhà tôi. Những chiếc lá Thu sắc đỏ và vàng. Tôi tưởng chừng như còn thấy đâu đó đôi môi em, nhớ lại những nụ hôn trao nhau trong những ngày Hè, nhớ lại đôi bàn tay rám nắng mà tôi vẫn nâng niu trong tay. Kể từ ngày em đi thì ngày lại ngày cứ thế mà thêm dài ra. Rồi đây chẳng mấy chốc tôi sẽ lại nghe những âm vang của mùa Đông xưa cũ. Thế nhưng em yêu ơi, tôi cảm thấy trống vắng và nhớ em hơn cả là vào những ngày khi những chiếc lá Thu kia bắt đầu rơi !"
Nhân đây thì tưởng cũng cần nhắc lại một kỷ niệm riêng !
Khoảng cuối năm 1970, ngày đó tôi còn đi học ở bên này, một hôm trời mưa rả rích vì đang độ sang Thu ở Nashville thì trưa đến tôi che cái dù đen đi lững thững với cô bạn Michelle từ lớp học đến cái "cafeteria" trong "campus". Vào đến nơi, xếp dù lại ở một góc dành riêng cho dù, rồi cùng với cô bạn đi chọn món ăn. Đến lúc ăn xong, trở ra lấy dù thì lục lọi mãi chả thấy cái dù đen của mình ở đâu, mà khổ nỗi là có hàng chục cái dù đen như thế, tuy kiểu cọ, kích tấc có khác nhau. Đặc biệt là trong mớ đó cũng có cái dù đen từa tựa như cái của tôi nhưng khi bung ra thì thấy rách một mảng to bằng nửa bàn tay chứ không ít ! Hai đứa tôi đoán thù phạm "cầm nhầm cây dù lành" của tôi thì tức là chủ nhân cây dù rách này chứ không ai khác! Tôi đi tìm tay Quản Lý "cafeteria" để giải thích sự việc. Tôi nói là chúng tôi phải đi ngay cho nên "tạm" lấy cái dù rách bởi nó cùng cỡ với dù của tôi; có ai thắc mắc khiếu nại gì thì chiều đến sau giờ học tôi sẽ quay lại rồi tính sau. Tay Quản Lý dơ hai tay lên trời, nói lẩm bẩm rằng "Ai mà đi làm những chuyện như thế này nhỉ?" (Sở dĩ có câu tán thán đó bởi trường ấy từ cả trăm năm rồi vẫn được -hoặc "mang"- tiếng là "trường đại học dành riêng cho đám con nhà giàu" !) Tôi với Michelle chung nhau cái dù rách trở lại lớp, nước mưa cứ thế bay xuống đầu xuống cổ hai đứa qua cái lỗ rách nơi mái dù. Cô nàng học bên "School of Law", còn tôi bên "School of Economics" cho nên phải đi hai chặng vòng vo mà lúc ấy đã trở thành vất vả. Chiều lại, tôi ra trước nên quay về "cafeteria" một mình. Tay Quan Lý lúc ban trưa gặp tôi thì lúc này trông cứ như là đang có ý chờ tôi từ trưa đến giờ. Ông ta cười toe toét, nói rằng tay lấy nhầm dù thì nó đã đem cái dù lành của tôi mà giả lại, đồng thời cu cậu cũng chuyển lời xin lỗi và nhờ "ai đấy lấy phải cây dù rách" của đương sự thì "làm ơn vứt đi dùm, cảm ơn lắm !"
Lát sau, trở lại đón Michelle để cùng ra xe thì đã có cái dù lành lặn ở trong tay. Nhưng điều lý thú là ở chỗ này:
Mùa Thu đến, chả ai thích cái gọi là "Thu ướt" ("wet Autumn") tức là Thu mà cứ mưa rả rích ! Bên Tennessee thì mùa Thu nào cũng lắm ngày mưa. Tôi chỉ thích những ngày Thu khô ráo, có tí gió lành lạnh, có tí nắng dịu dù không đủ ấm. Mà cái hôm súyt mất dù thì lại là một ngày "Thu ướt" ! Nhưng chiều trở về nhà trọ, tuy mưa vẫn rả rích và trời càng lúc càng lạnh nhưng trong lòng lai vui vẻ vì lấy lại được cái dù mới mua hôm đầu Thu ! Thế rồi trên đường về, ngồi trên xe thì cái Đài FM phát ra từ radio (thời đó "cassette" gắn trong xe chưa thịnh hành, và CD thì tất nhiên là chưa có) lại đến một lúc bỗng phát bản nhạc "Autumn leaves" do dàn nhạc Frank De Vol hòa tấu ! Về đến "studio", Michelle ở phòng bên cạnh lo bữa ăn tối trong khi tôi ngồi vào bàn lôi giấy ra viết một mạch phần lời Việt cho bài "Les feuilles mortes" ! Cũng chả có gì là ghê gớm, bởi bài hết sức ngắn so với bao bài hát khác !
Lời Việt cho bài "Les feuilles mortes" tôi viết vào cái ngày "Thu ướt" đó nó như sau:
Lá Thu rơi
Dặt dìu lá úa
Rụng từng cơn nhớ !
Vọng huyền âm xưa
về buồn gây mơ !
Ngày vui em đến
Tình còn xao xuyến
Lời hẹn còn xanh
Đêm cũng yên bình !
Khi hồn phong kín sầu Đông
ai vời ai mong?
Khi về bậng khuâng
chiều đã mênh mông !
Rồi vui cũng thoáng qua như từng mùa lá khô rơi..
Còn đó
riêng Thu với mình tôi !
Thanh Trang
Nam Cali, cuối mùa Hạ 04