Trần Trung Đạo- Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười (sưu tầm)
Hồ Yên Dung > 09-10-2014, 05:40 PM
Trần Trung Ðạo quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam. Cựu học sinh Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An. Cựu sinh viên đại học Luật Khoa và Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Vượt biên bằng đường biển ngày 11 tháng Sáu năm 1981, được chiến hạm USS White Plains vớt và đưa về cảng Subic Bay, Philippines trước khi nhập trại tỵ nạn Palawan. Tạm trú 5 tháng tại trại tỵ nạn Palawan và được nhận định cư tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ vào cuối tháng 11 năm 1981.
Từ 1983, theo học ngành khoa học điện toán tại Wentworth Institute of Technology và Boston University. Tốt nghiệp kỹ sư điện toán và làm việc cho một công ty đầu tư tài chánh tại Boston.
Đóng góp vào việc xây dựng các mạng lưới Internet đầu tiên của người Việt hải ngoại trong giai đoạn phôi thai của kỹ thuật này vào đầu thập niên 1990.
Từ năm 1995, thuyết trình về các chủ đề Internet, văn học, tuổi trẻ, nhân quyền tại nhiều cộng đồng Việt Nam, hội luận văn học, hội nghị nhân quyền, đại học, tổng hội sinh viên Việt Nam, trại hè thanh niên sinh viên học sinh.
Bắt đầu tập làm thơ ở trung học Duy Xuyên và tập viết báo ở trung học Trần Quý Cáp Hội An nhưng sáng tác mạnh từ năm 1990 sau khi đã ổn việc định cư tại Mỹ. Phần lớn sáng tác được phổ biến qua trung gian các trang mạng và các nhóm sinh hoạt Internet.
Tập thơ đầu tay Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười do nhóm thân hữu Viet-Net ở Mỹ và Canada phát hành tại San Jose năm 1992 và được tái bản nhiều lần.
**********************************************************************************
Trần Trung Đạo
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười
Và Những Bài Chủ Đề Mẹ
Written by Hà Khánh Quân
Saturday, 05 June 2010
Mẹ, một đề tài thường đem lại sự thành công, trong nhiều bộ môn sáng tác nghệ thuật. Riêng trong lãnh vực thi ca, không kể những cây bút thành danh, những người có duyên với thơ, phần nhiều cũng đã viết được những bài về mẹ từ xuất sắc đến đọc được. Phải công nhận một số thơ thuộc chủ đề này, đôi khi có sự lặp lại ngôn từ, hình ảnh hoặc cả cách diễn đạt. Tuy vậy, người đọc cũng ít khi gặp sự nhàm chán như ở một số đề tài khác. Điều này có lẽ nhờ tình thương yêu sẵn có trong lòng người đọc. Đọc thơ viết về mẹ có lúc như là kiểm chứng lòng mình, có lúc như là ôn lại, sống với những kỷ niệm, những hình ảnh, khó phai nhòa trong tâm tưởng. Tôi đã từng bâng khuâng với Nắng Mới của Lưu Trọng Lư, đã từng thao thức với Lòng Mẹ của Nguyễn Bính, đã từng trôi nổi với Lời Ru Của Mẹ của Xuân Quỳnh. Và cũng đã từng ứa nước mắt với Mất Mẹ của Xuân Tâm.
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
(Lời Chim Non – Xuân Tâm)
Bạn thấy rất thân quen với bài ngũ ngôn đơn giản, tuyệt vời trên? Vâng đúng vậy, bài thơ không xa lạ với số đông chúng ta. Xin cảm ơn thầy Nhất Hạnh và đoản văn Bông Hồng Cài Áo thầy viết vào năm 1962.
Trong đoản văn này, có lẽ vì quá xúc động khi đọc thơ, khi thả lòng theo bút, thầy Nhất Hạnh đã quên ghi xuất xứ, tên tác giả bài thơ. Nhưng nhờ vào đoản văn của thầy, bài thơ của Xuân Tâm được phổ biến rộng rãi hơn. Rất hy vọng, trong tương lai, nếu Bông Hồng Cài Áo còn tái bản, xin những người có lòng, kính tưởng người mẹ già của nhà thơ Xuân Tâm, không hà tiện một đôi dòng ghi chú cho thêm phần lịch sự, tri thức.
Thơ Mất Mẹ của Xuân Tâm, một tác giả đất Quảng Nam, đã là chuyện trong quá khứ. Gần đây, tại hải ngoại cũng có một tác giả khác của xứ Quảng Nam lại viết được một bài về Mẹ rất thành công. Bài thơ tạo được ấn tượng tốt ngay ở cái tên bài: Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười.
Trần Trung Đạo, tác giả của một khao khát, ước muốn thần kỳ. Anh là nhà thơ, nhà văn, là tác giả nhiều bài nhận định về chính trị và văn học rất già tay. Bút danh của anh không những nổi bật tại hải ngoại, trong nước giới trẻ, giới chính trị trí thức cùng tìm đọc với xao xuyến đồng cảm, hoặc hằn học tức tối, cụ thể như ông Trần Chung Ngọc.
Theo đường mòn, trước khi lang thang vào tác phẩm, tôi xin mở hồ sơ lý lịch của người viết Trần Trung Đạo:
Sinh tại Duy Xuyên Quảng Nam vào năm 1955, Trần Trung Đạo tên thật là Trần Văn Nhơn. Những tư liệu này được hai nhà thơ Lưu Nguyễn và Phan Xuân Sinh cho giống nhau, gần cùng một lúc. Chưa thấy ghi trong Tác Giả Việt Nam của Lê Bảo Hoàng, hoặc nhiều trang điện toán có thông tin, đăng tác phẩm của tác giả như: thewriterspost.net, vnthuquan.net, uminhcoc.com, xuquang.com, nguoivietboston.com, trantrungdao.com.
Trần Trung Đạo có vóc dáng rất Việt Nam, rất thư sinh nho nhã. Anh đã từng có mặt tại trung học Trần Quý Cáp Hội An, đại học Vạn Hạnh, đại học Luật Khoa Sài Gòn. Rồi tốt nghiệp kỹ sư điện toán tại Wentworth Institute of Technology. Trần Trung Đạo đến Hoa Kỳ bằng phương tiện phổ thông: vượt biên đường biển vào năm 1981. Sau thời gian ở đảo Palawan, anh hiện sống cùng gia đình tại Boston Massachusettes. Nghề tay phải hiện nay: điều hành hệ thống dữ kiện cho một hãng đầu tư tài chánh ngay tại nơi định cư. Trần Trung Đạo bắt đầu sinh hoạt văn học từ cuối thập niên 80. Ngoài bài vở đóng góp trên các báo đất, báo mạng, anh đã có các tác phẩm bày bán:
- Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (thơ, in 1993 tái bản 1996),
- Thao Thức (thơ, 1997)
- Thơ Trần Trung Đạo (thơ, 2003)
- Giấc Mơ Việt Nam (văn, 2003)
- Tâm Bút (văn, 2005, được chính trang web TTĐ giới thiệu: Gồm 23 bài tâm bút và tiểu luận liên quan đến các vấn đề của đất nước mà mỗi chúng ta hằng ưu tư, trong đó có Suy Nghĩ Tháng Tư, Ba Mươi Năm Nhìn Lại Chiến Tranh, Sự Im Lặng Của Biển, Tuổi Trẻ Và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội,"Con Có Một Tổ Quốc", Số Phận Một Loài Chim, Nhìn Tấm Bia Tưởng Niệm Ở Galang Suy Nghĩ Về Hòa Giải v.v Ngoài ra, Tâm bút Trần Trung Đạo còn gồm những bài thuyết trình của tác giả về các chủ đề văn hóa, tuổi trẻ và nhân quyền tại các cộng đồng, hội nghị, đại học và các trại hè thanh niên trên nước Mỹ),
- Tiểu Luận (văn, 2009. Nguyên văn giới thiệu trên web TTĐ: Tuyển tập dày hơn 300 trang, bao gồm những tiểu luận chọn lọc như “Khám nghiệm một “Hồn Ma””, Sông Gianh chảy giữa lòng Hà Nội, Tuổi trẻ Việt Nam học lịch sử để làm lịch sử, Trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam, Hẹn một ngày giành lại Hoàng Sa, thảo luận về các vấn đề nóng bỏng của đất nước và đang được người Việt trong cũng như ngoài nước quan tâm nhất. Ngoài ra, tập tiểu luận còn có những bài góp ý về các hồi ký gây nhiều chú ý của một số nhà văn trong nước, đã qua đời hay còn sống như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc v.v..)
Sức viết và thành phẩm đa dạng trong nhiều bộ môn sáng tác của Trần Trung Đạo thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng nghiêm chỉnh với cuộc chơi Theo Gót Thơ, và như đã nói trên, tôi xin đến với Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười cùng một vài bài thơ khác cùng một chủ đề Mẹ.
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười đã được sự đồng cảm của nhạc sĩ Võ Tá Hân. Bàn tay cầm đàn này, đã thả ra những nốt nhạc cho một số tiếng hát Bảo Yến, Hà Lan Phương, Thanh Thúy, Gia Huy, Thế Sơn... đưa thơ của Trần Trung Đạo đến giới thưởng ngoạn. Bài thơ có nội dung:
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Với thể loại bảy chữ, giàu âm điệu. Hơi thơ là một dòng chảy man mác buồn, mang những tiếng thỏ thẻ tâm sự của một người con xa nhà gởi về mẹ già. Trần Trung Đạo không nhắc đến Mẹ Việt Nam, nhưng qua thơ, qua hình ảnh và những chân tình, chúng ta nhận ra điều đó. Đây là một ưu điểm giúp bài thơ thu hút được nhiều đồng cảm, chia xẻ.
Trần Trung Đạo không phải nhờ đến sự khôn khéo. Anh đã dùng chân tình trong yêu thương, trong nhớ nhung có thật của mình, để viết được những câu, dùng được những chữ, mà ai đọc vào cũng tưởng như chính mình đã viết ra, đã nói lên cùng với mẹ. Những nghĩa vụ cao cả của người mẹ, cùng những nỗi truân chuyên trong đời thường của nhiều bà mẹ đều không cần để trưng ra. Đó là cái đặc biệt, giúp bài thơ không đi vào vết mòn của nhiều bài thơ, ca ngợi chung chung về một người mẹ.
Để hoàn thành một bài viết có vần trở thành một bài thơ, hình như thường phải có:
- ý, hồn
- từ ngữ, nhạc điệu
- hình ảnh, màu sắc
Ý, hồn của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười chính là tình cảm, sự thương nhớ. Như đã nói, Trần Trung Đạo dùng cái tình của mình, cái tâm của mình để ướp, để bón vào câu chữ, nên mỗi dòng anh viết đều dính liền hơi thở của anh, hơi thở của chính người mẹ anh đang nhớ thương, chuyện vãn.
Chữ dùng của Trần Trung Đạo không mới, nếu không muốn nói là cũ: lặng người, lặng thề, sơn khê, màu tang trắng, thiên thu... Tuy vậy sự sắp xếp đúng chỗ và thích hợp đã không hề cho thấy câu nào sáo cũ. Trái lại chúng mang được nét giản dị, bình thường và trung trực giữa tình mẹ con trong đời thường. Sự đơn giản này chính là cây cầu để mọi trình độ bạn đọc đều đến được với thơ anh một cách chân tình, lý thú.
Về hình ảnh cũng na ná như ngôn từ. Phong phú nhưng thông dụng, thường gặp.
Mọi bài thơ đều cần có đoạn mở đầu gây được ấn tượng tốt với người đọc. Tôi thật sự ngưỡng mộ Trần Trung Đạo, ở cách trưng ra hình ảnh thật đẹp để chuyển vận tâm sự của mình:
“Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
tiếng ai như tiếng lá thu rơi”.
Chúng ta có thể hình dung thật rõ những diễn biến của một bi kịch câm:
Có tiếng chuông điện thoại, người con bắt máy lên và liền ngay đó lặng người đi vì bất ngờ, vì sửng sốt. Vài giây cho nghi vấn tiếp theo “tiếng ai...” chính là nỗi nghẹn ngào chợt đến trong lòng người con. Anh không lạ và nhận ra ngay hơi thở, giọng nói quen thuộc, nhưng gắng vờ đi vài giây để cho lòng mình bớt xúc động. Tiếng nói bên kia đầu dây, nhẹ nhàng quá. Nó rung lên như âm vang của một chiếc lá rụng. Chiếc lá đang ở thời kỳ vàng úa của mùa thu, của một kiếp đời sắp qua. Diễn tả, so sánh giọng nói mòn yếu của mẹ bằng cái động của một chiếc lá mùa thu rơi, quả thật là một hình ảnh đẹp. Hình ảnh này Trần Trung Đạo đã lượm được trong tích tắc xuất thần.
Tiếp liền hình ảnh gợi mở là những thỏ thẻ gói trọn những nét dễ thương, trìu mến, qua hai chữ rất bình thường “mẹ nhỉ”. Tấm lòng người con vừa kịp mở ra với chân tình và thực tế:
“chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi”
Hình ảnh trở thành là hơi thở của bài thơ. Trần Trung Đạo thật có hoa tay trong kỹ thuật này:
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Sự so sánh tưởng như chệnh choạc nhưng không. Màu trắng tóc mẹ chính là cái bao la của tuổi đời. Một sự giàu có buồn nhiều hơn vui. Và tác giả cũng không quên vẽ ra ngay nét bi quan, gọn nhẹ trong một từ “tang”. Cái bát ngát này cũng là cái vô cùng thương nhớ kính yêu trong lòng nhà thơ. Hình ảnh trắng cả lòng còn nói lên sự thao thức lo lắng của người con trước buổi xế chiều của mẹ. Dùng một hình ảnh cụ thể để mở ra một hình ảnh trừu tượng không phải lúc nào cũng có thể linh động, cân xứng như tay nghề Trần Trung Đạo. Nếu không có chân tâm đích thực, không có hồn thơ dẫn dắt, khó có thể viết được hai câu trên.
Bốn câu tiếp vẫn là những dòng chứa đầy hình ảnh đẹp. Với một người đang về chiều, còn phải bị những nhớ nhung, đau thương vây phủ, chắc khó có chọn lựa nào hơn là ngồi ôn lại những tiếc tưởng, thương nhớ. Khuôn mặt đứa con thân yêu đã ngàn trùng xa, chính là nỗi buồn mà người mẹ ôn tới ôn lui trong trí nhớ, trong trái tim. Cử chỉ tâm tư này như những mũi đan cho nỗi buồn ngày một rộng lớn thêm. Tôi nghĩ, chủ yếu của bài thơ là tình mẹ con, nên tác giả đã chọn số-từ đơn vị “một” để đứng trước nỗi buồn. (một nỗi buồn). Thật ra trong cuộc sống nỗi buồn vốn phong phú hơn niềm vui. Nếu số-từ “một” được thay mạo-từ “những”, để vẽ ra hình ảnh người mẹ ngồi đan kết những mẩu buồn trong đời lại với nhau, vừa thương nhớ đến con cũng rất đẹp.
Trong đoạn đầu, tiếng nói của mẹ được ví như tiếng lá mùa thu rụng đã tuyệt vời. Ở đoạn bốn, tiếng mẹ lại được hình dung là một tiếng nói trong giấc chiêm bao càng sắc sảo hơn. Bởi ngoài hình ảnh đẹp còn tỏa rộng nỗi ngậm ngùi đến vô cùng. Động từ “vói” (miền Bắc dùng “với”) nằm cuối câu ba đoạn này, cũng rất thần tình. Vói là vươn đến một hình tượng trước mắt, không quá xa, nhưng khó chạm vào. Ở đây khoảng cách hai mẹ con vốn thật gần trong tình cảm nhớ thương, nhưng lại vô cùng xa cách về phương diện địa lý.
Thơ không để giải thích. Tôi đã có ít nhiều lẩm cẩm. Dù sao cũng xin phép được vớ vẩn thêm vài dòng nữa: Dùng mạng sống của mình, hy sinh hết cả ngàn năm của thiên hạ, để được thấy lại nét cười của mẹ mình, là một ý niệm đáng yêu. Bài thơ ngợi ca tình mẫu tử của Trần Trung Đạo là một bài thơ hay. Nó mang đến sự vừa lòng cho người viết lẫn người đọc. Với tác giả, anh đã đệ trình lên đấng sinh thành lòng thương yêu kính trọng vô biên trong sự chân thật. Với bạn đọc, tìm gặp được những xúc động, những suy nghĩ về tình cảm bản thân với phụ mẫu. Được chia xẻ những cảm nhận về mẹ thật không gì ấm lòng, bình tâm hơn.
Ngoài Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, Trần Trung Đạo còn viết nhiều bài khác để ngợi ca trái tim người mẹ. Có thể kể: Chuyện Đời Mẹ, Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ, Lời Trối Trăn Của Mẹ, Góc Xưa Nơi Mẹ Vẫn Ngồi, Mẹ Là Thơ Nên Đất Nước Sẽ Hồi Sinh, Thưa Mẹ Chúng Con Đi, Bà Mẹ Điên...
Tôi chỉ dựa vào từ Mẹ xuất hiện đề bài để liệt kê, nên chắc chắn còn thiếu sót nhiều. Tôi cũng khó dựa vào mỗi bài để ba hoa hoặc trích dẫn tất cả. Chỉ xin được nêu gọn nhẹ nội dung ở mỗi bài viết cùng trích dẫn một số câu tiêu biểu.
Chuyện Đời Mẹ là tâm cảm của một gia đình nghèo khó, nhiều khổ đau. Một người cha góa vợ sớm, không tục huyền. Một đứa con chiụ tang mẹ khi chưa tròn một tháng tuổi. Hạnh phúc đáng trân trọng ở đây là sự thương nhớ của người cha, sự tìm hiểu về mẹ của người con. Nhân vật Mẹ được nhắc lại, kể ra, với một kỹ thuật viết khéo léo, không rườm rà. Tạo những nét vẽ phụ để làm nổi hình ảnh chính là chủ yếu và thành công của tác giả. Bài thơ với ngôn từ đơn giản nhưng giàu hình ảnh. Sự thương tiếc ngậm ngùi được nuôi dưỡng man mác suốt bài thơ. Những câu đẹp tiêu biểu:
“... thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
thiếu lời ru con lớn với lọc lừa
...
mẹ có đẹp? cha nhìn xa không nói
nhưng con nghe dao cắt ở trong lòng...”
Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ là tâm sự của người con trai lưu lạc xứ người. Tâm sự này được khơi dậy mạnh mẽ trong những ngày xuân về Tết đến. Một thời điểm sum họp gia đình rất quan trọng theo tục lệ dân tộc. Mọi sự vắng mặt cần phải có lý do. Dù là lý do ngụy tạo nhiều khi cũng là cái phao, đủ để làm nguôi ngoai một phần thương nhớ, chờ đợi của người mẹ. Với những người vượt biển tìm tự do, nguyên nhân sự chia cách là chính đáng. Nhưng những chuyến trở về thăm lại vô cùng khó khăn. Rào cản chính trị, khó khăn kinh tế là những lý do thiết thực, khiến một số người ra đi phải xót lòng tìm ra một nguyên nhân cho người ở quê nhà chờ đợi không quá tủi buồn. Hoàn cảnh của Trần Trung Đạo là tình trạng chung của một số người. Nhờ biết làm thơ anh giải tỏa được một phần nào u uất, và tiếng thơ của anh đã là tiếng lòng chung của một số đông chúng ta. Cảm ơn những câu thơ thật thấm lòng người đọc của anh:
“... Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Ðời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn
Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần
...
Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai
Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn”.
Lời Trăn Trối Của Mẹ gợi nhớ Lời Cuối Cùng của nhà thơ Thanh Tịnh. Hình thức kiến thiết bài thơ hơi na ná nhau.
“Rồi một hôm, nếu về, cha hỏi: / Mẹ ở đâu? con biết nói sao? / Con hãy bảo: trông cha mòn mỏi / Mẹ từ trần sau mấy tháng đau...”.
Dĩ nhiên tâm sự ngậm ngùi của mỗi người mẹ trước khi từ giã cõi đời, được bày tỏ khác nhau. Một số hình ảnh tiêu biểu:
“Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm căn láng nhỏ bên sông
Nơi Mẹ sống trong chuỗi ngày hiu quạnh
Nặng oằn vai một nỗi nhớ thương chồng
Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm chiếc ghe nhỏ đang neo
Ðời Mẹ đó, kiếp con cò lận đận
Sớm đầu non đêm cuối bể, thân nghèo
...
Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm chăn chiếu phủ giường tre
Mẹ ôm ấp chút hơi tàn quen thuộc
Của người đi biền biệt đã quên về
...
Lòng của Mẹ, một tấm lòng đại lượng
Vẫn nghìn năm son sắt chẳng phai màu”
Góc Xưa Nơi Mẹ Vẫn Ngồi dàn trải tâm sự một cô gái giàu gian truân, đã từng lưu lạc với đủ nghề kiếm sống. Một lần tình cờ được trở về, nhận diện một góc phố thân quen, chỉ còn ngờ ngợ trong trí nhớ.
có phải đây là góc phố đã bao lần
giọt nước mắt trôi trong thời thơ ấu
Từ góc phố này, người con gái nhận ra, và sống lại với nhiều hình ảnh thật chua xót của chính đời mình.
Quầy thuốc lá ven đường em đứng đấy
Mẹ đã ngồi nghe muỗi vắt đêm khuya
Ðời cô đơn theo nắng sớm mưa chiều
Chiếc áo bạc mang hàng trăm chỗ vá
...
Nhà hàng đó em chờ người khách lạ
Chén cơm thừa ai để lại đêm nay
Nuôi thân em một cô gái ăn mày
Mười bốn tuổi đời đen hơn ánh tóc
Công viên lạnh em thường hay đứng khóc
Tuổi nai vàng hay tuổi của vàng phai
Ai dạy em những mánh lới đeo đòi
Cả những chuyện mà em chưa nên biết
Nỗi cay đắng đã không buông tha cho một số phận cố gắng đổi đời, ngay đến sự chấp nhận nghiệt ngã
“... em bỏ đi như lá bỏ quên mùa
như giọt nước quên tấm lòng biển cả.
...
tóc nhuộm vàng che những vết thương đau
mắt em xanh vì nét kẻ thay màu
bước em nhẹ sợ màu tan trong nước...”
Cùng thời điểm cố gắng tồn tại để vươn lên, người con gái cảm nhận sự mất mát lớn nhất trong đời mình :
“... bao mùa đông thương nhớ nặng vai gầy
mẹ gục chết âm thầm trên góc phố...”.
Thể hiện đau đớn chấp nhận số phận, nhưng không thể không hồ nghi, chua chát
Em là kẻ đã cuối cùng thua thiệt
Kẻ cuối cùng mất một khoảng trời mơ
Chẳng phải tại em mẹ chết không mồ
Chẳng phải tại em làm đời thay đổi
Giữa một quê hương muôn trùng thống khổ
Mười năm trời em làm được gì chăng
Rồi mai đây em sẽ hiểu ra rằng
Ai giết chết cuộc đời em thơ ấu.
Tác giả là người ngoại cuộc, nhưng anh không là kẻ bàng quan vô tình. Chính nhờ vậy, những câu thơ mềm mại tình người, không hằn học thù hận.
Mẹ Là Thơ Nên Đất Nước Sẽ Hồi Sinh, một niềm tin nhẹ nhàng nhưng thật mãnh liệt. Bài thơ được diễn đạt tâm sự của những người làm thơ có tâm huyết với quê hương, tổ quốc một cách tuyệt vời. Tôi muốn trích trọn bài để bạn đọc thưởng thức và tùy nghi nhận xét. Chỉ xin lưu ý, đọc thơ là một sinh hoạt văn học rất được ưa chuộng tại hải ngoại. Hầu hết những thành phố trên nhiều quốc gia có một số lượng người Việt tương đối, đều có tổ chức đọc thơ đi kèm trong các buổi ra mắt sách. Hình ảnh những phụ nữ Việt, những bà mẹ có mặt trong các buổi sinh hoạt này thường thường chiếm đa số.
Mẹ ngồi suốt hai giờ trên xe buýt
Chỉ mong đến tận nơi để nghe đọc thơ con
Những vần thơ chan chứa vạn nỗi buồn
Những vần thơ chảy ra từ tim mẹ.
Bảy mươi lăm năm
Cuộc đời bao dâu bể
Mẹ vẫn còn nguyên vẹn một tình thương
Bụi thời gian không lấp kín tủi buồn
Ðời đất khách chẳng làm phai quá khứ
Lòng mẹ vẫn nương về cố xứ
Nhìn trời xanh hoài vọng phút thanh bình.
Mẹ chờ lâu không?
Như chờ ngày đất nước được hồi sinh
Vườn trầu cũ, hàng cau xưa ai bón
Mẹ để lại quê hương, láng giềng, hàng xóm
Mồ mả tổ tiên, thân thuộc xa gần.
Mẹ buồn lắm không?
Một đời mẹ long đong
Bảy mươi lăm tuổi, ngọn đèn dầu sắp cạn
Lỗi là ở chúng con
Những con chim trúng đạn
Mang vết thương quằn quại bốn phương trời
Thơ con buồn hay máu chúng con rơi.
Mẹ đi xe buýt suốt hai giờ
Chỉ mong đến tận nơi
Ðể nghe đọc thơ con
Những vần thơ vốn buồn hơn nước mắt
Con biết lòng mẹ đau mà không khóc
Như chúng con vẫn gượng cười đi giữa điêu linh.
Có giống dân nào như một giống chim
Bay suốt bốn ngàn năm chưa dừng lại
Như đời mẹ mang nỗi buồn đi mãi
Bảy mươi lăm năm chưa một chỗ quay về
Mẹ ghé từng quán sách ở San Jose
Ðể rao bán những bài thơ con viết
Như bán tình thương mẹ chảy hoài không hết
Bán cả niềm đau cho nhân loại vô tình.
Có ai cần đọc thơ con
Một thi sĩ vô danh
Viết những chuyện chẳng còn ai muốn nhắc
Câu chuyện Việt Nam mịt mờ xa lắc
Mười tám năm bao nước chảy qua cầu
Xin mẹ đừng buồn dù chẳng ai mua
Hồn thơ đó nghìn năm sau vẫn đọng.
Nhờ có mẹ thơ con còn hy vọng
Mẹ là thơ nên nước Việt sẽ hồi sinh
Tuy đã nói “...bạn đọc thưởng thức, tùy nghi nhận xét”, tôi chợt nhớ ra mình cũng là bạn đọc, nên xin được giới thiệu những nét đẹp của bài thơ, qua thưởng ngoạn riêng:
1- “Mẹ ngồi suốt hai giờ trên xe buýt”. Một hình ảnh không lạ. Câu chữ giản dị. Nhưng mục đích của việc ngồi liền hai giờ của một người mẹ, đã tạo ra một hình ảnh khác thường, và mượt mà chất thơ.
2- Những hình ảnh đẹp và xác thực:
Bụi thời gian không lấp kín tủi buồn
Ðời đất khách chẳng làm phai quá khứ
Lòng mẹ vẫn nương về cố xứ
Nhìn trời xanh hoài vọng phút thanh bình.
...
Con biết lòng mẹ đau mà không khóc
Như chúng con vẫn gượng cười đi giữa điêu linh.
3- Những thân tình thiết tha qua những câu hỏi giản dị, âu yếm, tão cái bâng khuâng cho không khí thơ:
Mẹ chờ lâu không ?
...
Mẹ buồn lắm không ?
Thưa Mẹ Chúng Con Đi là một bi hùng khúc, gói trọn vẹn cái nỗi niềm, chí hướng của những con bất ngờ phải rời bỏ quê hương. Nỗi tủi nhục mất nước, sự đau buồn trong cảnh đời lưu vong được ghi lại bằng những dòng thật xót xa:
“... Chúng con đi gót chân mòn vạn dặm
Ngơ ngác nhìn nhân loại, tủi thân nhau.
Mười tám năm trời nuôi lớn một niềm đau
Mang một vết thương vẫn còn đang mưng mủ
Khi ngoảnh mặt trông về chốn cũ
Lòng chưa kịp buồn, nước mắt nhỏ trên tay...”
Vịn vào kỷ niệm lẫn lòng tự hào về cội nguồn, tiền nhân, tác giả tuy chưa đưa ra một hướng giải quyết cụ thể nào, nhưng tỏ ra tin tưởng ở luật tuần hoàn, cũng như khẳng định lòng yêu nước không mai một:
“... mẹ ơi, trăng còn có khi tròn khi khuyết
nhưng tình yêu quê hương chẳng khuyết bao giờ”
Bà Mẹ Điên là một bức tranh thời sự sống thật tại miền Nam Việt Nam, sau ngày đất nước thật sự thống nhất. Non sông liền một mối nhưng lòng người vẫn rẻ chia, thù hận. Mười hai đoạn thơ ngũ ngôn của Trần Trung Đạo là một câu chuyện thương tâm.
Chuyện kể lại cảnh tuyệt vọng, điên loạn của một bà mẹ trước sự bất lực của chính mình. Tồn tại trong cuộc sống dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa “một tấm vải dầu che nắng”, với lương thực theo chế độ hộ khẩu “sớm khoai chiều sắn”. Người mẹ ôm con dại, biết rõ nhưng không được phép tiễn chồng ra xứ Bắc chịu tù đày không bản án. Với bao vây của lý lịch việc kiếm sống, nuôi con quanh quẩn trong việc bán máu. Thiếu dinh dưỡng sức người có hạn cuối cùng phải gục ngã. Hậu quả đương nhiên tiếp theo đứa con thân yêu phải lìa đời, bỏ mẹ trong cơn đói. Lòng người mẹ tan nát đau buồn dẫn đến điên loạn, mất trí. Hoạt cảnh xã hội này là thành quả của một chiến thắng vĩ đại được mệnh danh là giải phóng. Sự lặp lại những chính sách tàn bạo như một ngón lành nghề của chế độ đã phân hóa dân tộc đến đỉnh tột cùng.
Trần Trung Đạo, một thanh niên đầy nhiệt huyết. Anh chưa xuất hiện trong chính trường, nhưng thơ anh viết bằng nhịp đập của trái tim yêu nước, yêu dân tộc. Từ đó những dòng thơ giàu có tính chất chính trị. Một thứ chính trị vì nhân bản, lương tri. Trần Trung Đạo không lợi dụng hình ảnh người mẹ để chuyên chở những thao thức của mình. Hình ảnh mẹ hiển lộng trong thơ anh như một điều đương nhiên, bởi hình ảnh cao qúy này chính là trái tim, hơi thở của con người. Nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng đã rất chí lý khi nhận xét:
“... Đề tài về mẹ có thể nói là đề tài “ruột” của Trần Trung Đạo. Đọc thơ anh, đâu đâu cũng thấy hình ảnh mẹ. Không phải chỉ là hình ảnh bà mẹ của riêng Trần Trung Đạo, mà là hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam trong thời tao loạn.”
Nhận xét về thơ văn Trần Trung Đạo đã có nhiều ngòi bút thật sâu sắc, tinh tế:
“... Quả thực có ai đọc Trần Trung Ðạo mà lòng mình chẳng rung động, chẳng cảm thấy gần gũi dễ xích lại với nhau hơn? Rung cảm đó trải dài trong hai tập thơ Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, Thao Thức và tác phẩm Giấc Mơ Việt Nam, là tập hợp “một số bài viết nhiều thuộc nhiều thể loại, đôi bài tham luận, dăm bài tâm bút, vài câu chuyện ngắn, về những vui buồn, đời và đạo, niềm đau riêng và nỗi lo chung.”
Linh mục Trần Cao Tường
Một nhà tu hành khác, Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu bày tỏ:
“.... Là nhà văn, nhà thơ, tác giả Trần Trung Đạo đã tâm sự cùng độc giả về đời mình. Quê hương tác giả là xứ Quảng xa xôi, dải đất miền Trung địa linh nhân kiệt nuôi dưỡng bao nhiêu anh hùng dân tộc, bao nhà văn, nhà thơ, anh tài nước Việt. Cũng có lẽ vì mang dòng máu đó, Trần Trung Đạo đã đắm mình trong nỗi u hoài, nhớ thương về Mẹ, về quê hương đổ nát, điêu tàn, về đất nước dân tộc lầm than cơ cực...”
Trong gia đình thơ văn hải ngoại, Trần Trung Đạo được tán dương, thưởng thức bởi những danh xưng giàu uy tín: Lương Thư Trung, Thái Tú Hạp, Lôi Tam, Tuệ Chương, Đỗ Văn Phúc, Nguyễn Hữu Hoạt, Nhược Thu, Thi Hạnh, Trần Hoài Thư, Trần Ý Vân, Nguyễn Vy Khanh, Phan Xuân Sinh, Phùng Nguyễn, Ái Khanh, Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Vĩnh Liêm...
Chẳng phải dễ dàng để có một đông đảo đồng tình ngợi khen, nếu những sáng tác không tạo được xúc động người đọc một cách rộng rãi. Trần Trung Đạo, hay đúng hơn, thơ văn của anh mang được những xuất sắc cần có này. Tôi thật sự không dám viết thêm về những điều đã có quá nhiều người phát biểu. Nếu làm thơ, tôi sẽ gắng học ở anh sự trong sáng trong ngôn từ, giản dị trong suy tư và diễn đạt.
Chọn thơ Trần Trung Đạo, để theo gót tản mạn, mà chỉ loanh quanh trong một chủ đề Mẹ, quả thật thiếu sót. Thơ của anh trải dài qua nhiều chủ đề khác: tình quê hương, tình yêu nam nữ, tình bằng hữu, tình người cùng những suy tư tâm sự. Mỗi nhánh thơ dưới ngòi bút Trần Trung Đạo đều ấm áp hơi thở thi ca. Ưu tư, mơ mộng sát cánh với hiện thực là nét đặc biệt của Trần Trung Đạo. Lượng sức, không thể cặn kẻ theo từng chủ đề, tôi chỉ dám nêu lên một vài bắt gặp khi phải đọc một lúc quá nhiều bài thìch thú.
Về quê hương, cũng như những nhà thơ xứ Quảng Nam khác, địa danh, là hình ảnh chủ yếu được Trần Trung Đạo âu yếm gọi tên qua nhiều dòng thơ. Thu Bồn, Vĩnh Điện, Hội An, Cẩm Phô, Chùa Cầu, Núi Quế, Chợ Đụn... cùng lúc được đứng chung với những Khổng Miếu, Trần Quý Cáp, Hùng Vương... trong cõi nhớ thương vô bờ của tác giả. Từ phương trời Bắc Mỹ xa xôi, những nơi tác giả đã đi qua, đã ở lại, gần như hiện diện thường trực trong tâm hồn nhà thơ. Vì vậy anh dễ dàng thấy ra:
Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Thuở học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Ðiện
...
Ðường Phố Hội chưa mưa đà ngập nước
Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau
Ðình Cẩm Phô, Khu Khổng Miếu, Chùa Cầu
Tên nghe lạ nhưng vô cùng tha thiết
Để rồi bâng khuâng thắc mắc, hoài nghi tưởng tượng:
Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng
Ðất có lạnh hơn mùa đông Bắc Mỹ
Còn chăng nhỉ những con đường kỷ niệm
Những bạn bè dăm đứa lạc nơi đâu
Tóc chưa xanh mà đã vội hoen màu
Thời ly loạn tìm nhau trong ký ức
Niềm mơ ước đơn giản, nhỏ bé cũng được bày tỏ trong nỗi tha thiết trông mong:
Cho tôi ghé thăm trường Trần Quý Cáp
Những màu rêu gạch ngói cũ còn chăng
Bài thơ xưa còn đọng dấu bên thềm
Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước
Cho tôi ghé bến xe đò Nam Phước
Lần cuối cùng em đến tiễn tôi đi
Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì
Nghìn năm để mây buồn vương trong mắt
Một vài chuyến trở về quê nhà thăm viếng, không phải là điều bất khả thi, nhưng sự quyết định thực hiện lòng mong ước, hình như còn lấn cấn trở ngại bởi những mắc xích kỳ thị rập rình, mở ra những băn khoăn thật tội nghiệp
Bao giờ nhỉ tôi về thăm Núi Quế
Ðứng bên cầu Chợ Ðụn nước trôi xuôi
Mùa sim lên tím rực cả lưng đồi
Hương ngây ngất tôi mộng thành thi sĩ
...
Bao giờ nhỉ tôi trở về Ðà Nẵng
Nghe ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn
Bến Bạch Ðằng còn những chuyến đò ngang
Ngày hai buổi nối cầu qua An Hải
Rồi những hình ảnh, những kỷ niệm của cả một thời xa xưa, cùng chen nhau về, giúp tác giả có những giây phút sống lại với những gì chưa phai nhào trong trái tim, trong trí nhớ. Bài thơ Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng dài mười bốn đoạn, tôi đã trích già nửa bài, hẳn bạn đọc đã nhận ra sự bình dị, nhưng chí tình trong nhánh thơ viết về quê hương của Trần Trung Đạo. Trong bài thơ còn có một đoạn tuyệt đẹp, tôi không thể dẹp bỏ sự tham lam trích dẫn của mình:
Em Trường Nữ có bao giờ trở lại
Thả tơ tình trêu chọc đám con trai
Ðường Hùng Vương thuở ấy rất là dài
Sao quá ngắn trong những chiều chung bước
Về nhánh tình lứa đôi, Trần Trung Đạo có phần hạn chế trong chủ đề này. Đúng ra thơ tình yêu nam nữ của Trần Trung Đạo thường được lồng vào những nhánh thơ của nhiều chủ đề khác. Anh không gần với Hoàng Lộc, Hà Nguyên Thạch. Nhưng khá gần với Tường Linh, Thành Tôn... “Tôi Vẫn Nợ Em Một Lời Xin Lỗi”, là một đặc biệt hiếm hoi trong thơ Trần Trung Đạo. Hiếm hoi ở đây nhằm vào số dòng khá nhiều anh dành riêng cho cuộc tình. Dù những thân phận, quê hương vẫn thấp thoáng đi kèm. Điều đáng tán thưởng, nét tình yêu của anh cũng rất lộng lẫy trong ngôn từ. Toàn bài thơ:
Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Dấu trong lòng từ buổi bước lên xe
Thơ tôi viết bao lần không dám gởi
Chuyện tình buồn năm tháng lớn khôn theo
Em tội nghiệp như cành me trụi lá
Hạt sương khuya nuôi ngọn cỏ sân trường
Đêm tháng sáu, mưa có làm em nhớ
Đêm mưa nào, tôi bỏ trốn quê hương
Em ở lại sắc hương tàn phấn rũ
Thời xuân xanh qua rất đổi vô tình
Em có khóc khi mỗi mùa thu tới
Lá thu vàng rơi xuống tuổi điêu linh
Giờ tạm biệt tôi ngại ngùng không nói
Không dám nhìn đôi mắt nhỏ thơ ngây
Em đâu biết giữa cuộc đời giông tố
Tôi chỉ là một chiếc lá khô bay
Đau nhức chảy theo dòng thơ tôi viết
Thu Bồn ơi, trăng nước có còn chăng
Tôi lận đận sớm chiều lo cơm áo
Ngoảnh mặt nhìn bến cũ gió mưa giăng
Tôi vẫn nợ em một lời xin lỗi
Nợ quê hương một chỗ đất chôn nhau
Nợ cha mẹ nỗi nhọc nhằn khuya sớm
Tôi nợ tôi mộng ước thuở ban đầu.
Tình bạn đến cùng thơ Trần Trung Đạo cũng không hơn tình lứa đôi. Tôi có cảm tưởng người tình, người bạn với Trần Trung Đạo là những đối tượng, để anh có dịp tỏ bày tâm sự, có dịp xác định lại những nhớ nhung đích thực trong lòng mình. Dù vậy, anh vẫn giữ được sự chân tình, tha thiết:
“... Thuở tóc còn xanh trên mái đầu
Chuyện trò tâm sự suốt đêm thâu
Tôi mơ một mảnh trời thơm ngát
Anh bón chùm hoa rực sắc màu
Hai đứa thường mơ chuyện vá trời
Tâm hồn trải rộng khắp muôn nơi
Anh như tay kiếm thời ly loạn
Tôi bút nghiên rung vẽ lại đời
Nhắc nhở làm chi chuyện đã rồi
Mộng vàng đã chết thuở hai mươi
Soi gương tóc bạc vài ba sợi
Tổ quốc nhìn lên chỉ ngậm ngùi
(Thăm Bạn)
“... Uống không nhiều mà vẫn thấy say
Vẫn ngây ngất trong men tình bằng hữu
Nhà chị có một cành hoa bưởi
Ta chợt nhớ mình thuở tuổi mười ba
Tiếng hát chị còn vọng mãi trong ta
Bài thơ anh viết gởi bạn bè Đông Bắc
Ta viết dở dang, dù lòng thương nhớ nhất
Ngôn ngữ nào kể hết chuyện con tim
...
Đừng trách gì ta nhé, hỡi quê hương
Mười lăm năm, ta bỏ người đi biệt
Mười lăm năm, trong cõi lòng tha thiết
Giấc mơ làm người áo vải đất Tây Sơn
Chào Montreal, chào bằng hữu thân thương
Một đêm say theo từng tiếng hát
Mưa trên đường về, mưa trong ánh mắt
Ánh mắt tình người làm sáng nẻo ta đi.
(Đêm Bằng Hữu Montréal)
Là một người có nhiều sinh hoạt xã hội, trực tiếp chứng kiến những xót đau bất hạnh, nhánh thơ Tình người của Trần Trung Đạo thật phong phú và nồng nàn, như chính hơi thở của anh xẻ chia hòa đồng. Trần Trung Đạo đau xót trước tin “Lính Già Vừa Chết Đêm Qua”, cũng không quên ái ngại trước cảnh đời của “Anh Bộ Đội Thương Binh Tôi Gặp”. Tình thương không phân biệt nguồn gốc hận thù, chiến tuyến. Trái tim người làm thơ luôn luôn bao dung và bình đẳng. Những nhục nhằn xót đau của dân tộc luôn luôn có chỗ đứng trang trọng trong thơ Trần Trung Đạo:
“Người lính già Việt Nam
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San Jose bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Ðến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không cả một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt.
Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.
....
Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi
Ðêm nay bên kia bờ trái đất xa xôi
Quê hương anh vẫn còn chìm trong lửa đỏ.
Tôi gởi anh đôi dòng thơ
Từ trái tim của một thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Ðau thương nầy em sẽ viết thay anh”.
(Người Lính Già Vừa Chết Đêm Qua)
“Cuối năm tám mươi
Có một lần tôi đi ngang bệnh viện Vì Dân
Nghe đâu đã đổi tên là Thống Nhất
Anh bộ đội thương binh
Ngồi dưới hiên
Nghêu ngao hát
Khuôn mặt gầy tuổi mới quá hai mươi
Giọng anh buồn đôi mắt ngắm xa xôi
Anh đang hát về quê hương miền Bắc
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh
Anh rất tự nhiên xích người nhường chỗ
Tôi khen anh hát rất hay
Anh mỉm cười
Nụ cười sao hồn nhiên chất phác
Tôi rút mời anh điếu thuốc
Anh lấy trong người cái hộp quẹt Zippo.
Tôi bỗng bật cười to:
- Thế anh cũng thích xài đồ Mỹ ngụy
Anh điềm nhiên trả lời
- Ðây chỉ là kỷ niệm
Của thằng bạn thân đã chết ở Bình Long.
Không hẹn hò chúng tôi bỗng thấy thân
Ánh mắt bao dung
Nụ cười tuổi trẻ
Hết điếu nầy chúng tôi mồi điếu khác
Khói thuốc mịt mù quanh chỗ chúng tôi.
....
(Anh Bộ Đội Thương Binh Tôi Gặp)
Tôi rất đồng tình với nhận xét của một người bạn: tình cảm của Trần Trung Đạo dành cho người lính già hoặc cho anh thương binh chỉ là tình cảm chung của hầu hết con dân miền Nam. Phần đất đã nuôi xanh tình thương yêu, tình dân tộc. Cái tuyệt vời ở Trần Trung Đạo, là anh đã nói lên nỗi niềm thương yêu chung đó bằng thi ca, bàng ngôn ngữ thơ thật ấm áp, cởi mở. Người lính già, người thương binh có thể chưa kịp gởi đến nhà thơ lời cảm ơn. Chúng ta xin được thực hiện điều đó, để một lần nữa nhìn rõ hơn chân tâm của người Việt Nam.
Những người làm thơ, viết văn hoặc sinh hoạt bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, đều có một đời sống nội tâm phong phú. Càng va chạm với xã hội, với đời thường niềm ưu tư càng giàu. Nhu cầu giải bày tâm sự cũng từ đó phát triển rộng rãi, đều nhịp. Làm thơ là một phương thức tỏ bày tấm lòng, nói lên những suy nghĩ về mọi góc cạnh được tiếp nhận từ ngoại giới. Trong nhánh thơ ưu tư, tâm sự này, Trần Trung Đạo đã thả lòng mình thật hào phóng, thật thảnh thơi. Có thể nói trong cả trăm bài thơ, được giới thiệu trên trang web riêng của anh, bài nào cũng chan chứa những tỏ bày, những suy tư về cuộc đời, về thân phận con người. Trích dẫn để minh chứng điều này khá dễ dàng, nhưng riêng tôi sẽ vấp ngay cái tham lam. Dù sao cũng xin bốc đại nhưng đoán Kiều một vài lần:
“... Bạn bè cũ từ lâu không gặp lại
Người bỏ đi theo sóng nước miệt mài
Con dế nhỏ tiếc vầng trăng thơ dại
Ta tiếc thầm hơi ấm một bàn tay
Ta vẫn bước trên đường đầy gai nhọn
Thời gian qua năm tháng đến không ngờ
Còn hy vọng dù đã từng tuyệt vọng
Gót chân trầy máu nhỏ xuống trang thơ
(Thành Phố Mùa Đông)
“... Ðêm ngồi nghe tiếng chim trên biển
Như tiếng thu xưa thổi lá vàng
Lòng ta mấy độ vàng như lá
Từ buổi xa người trên bến sông
Ở đây ta sống đời khinh bạc
Sớm tối đi về một cõi riêng
Cả một sơn hà ta nỡ bỏ
Sá gì chỉ một trái tim em
(Đêm Ngồi Nghe Tiếng Chim Trên Biển)
“... Ðêm nay anh viết nốt bài thơ
Dẫu biết chẳng thể nào tới tay em được
Thơ của anh
Tâm sự của một người anh nhu nhược
Giữa muôn vạn khổ đau chỉ biết đứng nhìn
Lơ láo giữa chợ đời
Vết thương nặng trong tim
Anh vẫn ung dung như người khách lạ
Nước Mỹ ấm no làm anh quên tất cả
Quên bảy chục triệu đồng bào đang cảnh lầm than
Quên đám em thơ lưu lạc bốn phương ngàn
Quên cả chính anh với những đau thương thời thơ ấu...”
(Người Con Gái VN Trên Đại Lộ SRI AYUTTHAYA)
Nhiều người cho rằng đọc thơ là đi tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Tôi hình như cảm thấy ngược lại, nhất là đọc thơ Trần Trung Đạo. Sự giản dị trong ngôn từ, giàu hình ảnh, trong sáng trong suy tư, đã mở ra những cảnh sống bắt lòng mình phải suy ngẫm, sống cùng. Trần Trung Đạo cũng như hầu hết các ngòi bút thành danh khác, đều viết bằng trái tim cùng khối óc. Đây là điều đương nhiên, không cần lặp lại. Nhưng tôi vẫn nêu ra để nhấn mạnh thêm: mọi sáng tác của Trần Trung Đạo đều qui về một mạch tâm cảm. Điều này giúp chúng ta không bở ngỡ trước những sáng tác văn xuôi mới nhất của anh. Tôi tin rằng tác phẩm mang tên Tâm Bút của anh cũng là những bài thơ thật đẹp, một loại thơ xuôi dễ cưu mang những tâm tình, dễ bày tỏ những tâm sự.
Tản mạn cùng thơ Trần Trung Đạo, trong những ngày trời dở mưa, dở nắng với cái cổ như bị bù loong khóa chặc, thỉnh thoảng đau nhói, thiếu thoải mái, cũng may, những dòng thơ đậm đà chân tình của nhà thơ thật nhu hiền, đã giúp tôi không bỏ dở cuộc chơi. Đọc thêm bài dưới đây để có thêm một ngày còn biết cần niềm vui:
Có những người tôi chưa hề gặp mặt
Những người tôi không rõ họ tên
Bốn phương trời chưa một chút thân quen
Sao bỗng thấy như vô cùng thân thiết
Tôi miền Bắc đang vào mùa băng tuyết
Anh miền Nam sương trắng bốn mùa bay
Từ nơi nầy ta đã biết quen nhau
Ðâu nhất thiết phải đong đầy ký ức
Cũng như anh tôi ngàn đêm thao thức
Hãi hùng mơ chung một giấc chiêm bao
Có tiếng quân reo, ngựa hí, kêu gào
Tiếng xích khua vang, tiếng người rên siết
Cũng như anh, tôi đôi lần ra biển
Hướng về Nam mây trắng một màu tang
Có ai về xoay ngược bánh thời gian
Cho tôi nhặt những mảnh đời đã mất
Trong thơ tôi mùa Xuân chim không hót
Thu không vàng Hạ chẳng để yêu đương
Thơ của tôi là máu rỉ trăm đường
Là u uất đã chìm sâu trong đất
Cũng như anh tôi mười năm đất khách
Có gì vui đời một kẻ lưu vong
Khi tôi chết nấm mồ hoang cỏ mọc
Ðã làm gì để lại với non sông ?
(Những Người Bạn Tôi Chưa Hề Quen- Trần Trung Đạo)
Hà Khánh Quân
01-6-2010