TÙY BÚT:
Chút Hoài Niệm Về GS. Vũ Văn Mẫu
Cuộc đời của một con người biến chuyển theo thời gian. Mỗi thời kỳ nổi bật lên những nét đặc thù. Cho nên khi nghiên cứu cuộc đời của một người, chúng ta nên chia ra nhiều giai đoạn. Ở đây tôi không nói về giai đọan GS Vũ Văn Mẫu đã trở thành Thượng Nghị Sĩ đứng đầu Liên Danh Hoa Sen của Thượng Nghị Viện và sau đó trở thành thủ tướng của Tổng Thống Dương Văn Minh trong một giai đọan bi thảm cuối cùng của Miền Nam Việt Nam khi Ô. Nguyễn Văn Thiệu (Tổng Thống), Ô. Trần Thiện Khiêm (Thủ Tướng), Ô. Cao Văn Viên (Tổng TMT Quân Đội), Ô. Nguyễn Văn Tòan (Trung Tướng Tự Lệnh QĐ3) đã bỏ chạy.
Ở đây tôi chỉ ghi lại một vài kỷ niệm thuần túy nằm trong giảng đường của Đại Học Luật Khoa Sài Gòn trên Đường Duy Tân “cây dài bóng mát”. Đó là những kỷ niệm thời còn thơ ấu, bồng bột của một sinh viên Năm Thứ Nhất (1962) khi mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học, cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ, kể cả hình ảnh, tác phong của từng giáo sư. Tất cả những gì mà các bậc thầy giảng dậy đều được ghi chép cẩn thận, học thuộc lòng (nếu có thể) vì đây là những kiến thức xây dựng nên một con người và xây dựng quốc gia sau này.
Trước khi đi vào một vài kỷ niệm nho nhỏ mà tôi còn nhớ tới ngày hôm nay đối với một bậc thầy khả kính như GS Vũ Văn Mẫu, tôi xin ghi lại nơi đây một đọan ngắn về tiểu sử của giáo sư trên Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia: “ Vũ Văn Mẫu (1914-1998) là một học giả lớn về Luật Việt Nam, một chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Thạc Sĩ Tư Pháp tại Pháp, hành nghề luật sư tại Hà Nội. Năm 1954 di cư vào Nam và trở thành Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Ông từng là Thượng Nghị Sĩ trong Liên Danh Hoa Sen (Khối Dân Tộc), từng là Thủ Tướng của VNCH. Ngòai ra ông còn là thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, giáo sư thực thụ Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Ông là một học giả lớn về luật của Việt Nam, uyên thâm cựu và tân học, hiểu biết nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hán và là giáo sư giảng dạy luật rất hấp dẫn. Tác phẩm của ông còn được Rene David và John C. Birelcy trích dẫn trong cuốn sách nổi tiếng về luật đối sánh The Major Legal System in the World Today. Ông mất tại Paris, thọ 84 tuổi. Trước tác tiếng Việt:
-Dân Luật Khái Luận: Đại Học Luật Khoa Sài Gòn xuất bản
-Dân Luật Lược Giảng (2 quyển): Đại Học Luật Khoa Sài Gòn xuất bản
-Pháp Luật Diễn Giảng (2 quyển): Đại Học Luật Khoa Sài Gòn xuất bản
-Cổ Luật Việt Nam và Tư Pháp Sử: Đại Học Luật Khoa Sài Gòn xuất bản
-Tiểu Từ Điển Luật-Kinh Tế: Sọan chung với GS Hồ Thới Sang, GS Lê Đình Chân, GS Lưu Văn Bình và
GS Nguyễn Cao Hách.
-Từ Điển Hiến Luật và Dân Luật: Soạn chung với GS Lê Đình Chân
-Từ Điển Pháp-Việt: Pháp-Chính-Kinh Tài- Xã Hội: Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản.
-Năm 1989 khi lấy hiệu là Minh Không ông có viết bộ sách nói về Hành Trình Mở Cõi Của Dân Tộc Việt.
(T1.Việt-Champa), (T2.Việt-Phù Nam), (T3.Việt-Kampuchia) không rõ ông đã hòan thành chưa? “
Phải nói lúc bấy giờ (1962) hai môn học hấp dẫn sinh viên Năm Thứ Nhất là môn Pháp Chế Sử của GS Vũ Quốc Thông và môn Dân Luật của GS Vũ Văn Mẫu. Giáo Sư Vũ Quốc Thông cũng là một học giả uyên thâm, thế nhưng hình như sinh viên không thích lắm vì sự trang nghiêm và cách giảng bài đều đều của giáo sư. Riêng đối với GS Vũ Văn Mẫu thì sinh viên yêu thích đặc biệt vì lối giảng bài hấp dẫn. Giáo Sư Mẫu không bao giờ nhìn vào bài để giảng. Dường như giáo sư thuộc lòng giảng khóa của
mình. Dân Luật Khái Luận là một môn học liên quan đến các bộ môn lịch sử, triết học, xã hội học và chính trị học. Dân Luật là một phạm trù có ảnh hưởng tòan bộ đời sống con người. Không có hành động nào của con người mà không bị chi phối bởi Bộ Dân Luật. Thế cho nên người nghiên cứu và giảng dậy môn Dân Luật Khái Luận phải am tường lịch sử của các triều đại Việt Nam, phân tích điển chế của từng thời kỳ một cách ngọn ngành. Chứ không phải chỉ đem các kiến thức luật pháp của La Mã Cổ, bên Anh, bên Tây về giảng là đủ. Chính vì uyên thâm Hán Học cho nên giáo sư đã nghiên cứu và phân tích được tính ưu việt của Bộ Luật Hồng Đức sọan dưới triều Vua Lê Thánh Tông gồm 13 Chương, 700 điều và chê trách nặng nề Vua Gia Long, không hiểu vì lý do gì đã hủy bỏ bộ luận tiến bộ này và sao chép nguyên văn bộ luật của Nhà Mãn Thanh – một bộ luật hết sức lạc hậu để áp dụng cho tòan dân Việt Nam. Giáo sư vẫn thường nhấn mạnh với sinh viên rằng một bộ luật dù tiến bộ và hòan chỉnh như thế nào đi nữa vẫn còn phải đi đôi với yếu tố nhân đức của nhà cầm quyền. Để minh chứng điều này, giáo sư đã kể lại một giai thọai thật cảm động khi Vua Lý Thánh Tông ngồi xử án ở Điện Thiên Khánh năm 1064. Vua Lý Thánh Tông chỉ vào Động Thiên Công Chúa đang đứng bên cạnh mình và phán với triều thần “ Trẫm yêu thương thần dân của trẫm cùng nhiều như yêu thương con gái trẫm. Họ phạm tội vì họ không biết (luật) và trẫm có nhiều tình thương cho họ. Từ nay trở đi, trẫm muốn tất cả các tội phạm, nặng hay nhẹ, đều phải được xét xử với sự khoan hồng.”
Ngay cả chủ trương của các Pháp Gia đời Tần mà tiêu biểu có Lý Tư, Thương Ưởng và Hàn Phi Tử cũng được giáo sư phân tích tỉ mỉ. Thiên Ngũ Đố (Năm Con Mọt) của Hàn Phi Tử mà giáo sư giảng dạy ngày nay tôi vẫn còn nhớ đây. Ngòai ra giáo sư còn có lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc thật nồng nàn. Tôi còn nhớ có lần giáo sư kể cho sinh viên nghe giai thọai quan Tàu đi sứ nước ta, tới Ải Nam Quan thấy trên cổng có đề mấy chữ Nam Bang Chi Đế thì nhất định đòi phải hạ bảng xuống mới chịu bước qua. Triều đình lo lắng không biết phải làm sao. Có người vấn kế cho mời Trạng Quỳnh tới. Trạng Quỳnh vui vẻ nhận lời rồi giả dạng là một anh lính hầu. Thừa lúc xuất kỳ bất ý, Trạng Quỳnh lấy chiếc quạt quất vào đầu sứ Tàu một cái rồi chửi “Tìu là má cái nị!” rồi chạy biến qua bên kia cổng. Sứ Tàu giận quá đuổi theo. Khi đó thì các quan của ta mới xúm lại can và hứa sẽ trừng phạt anh lính nào đó đã vô lễ. Sứ Tàu bị hạ nhục nhưng đã lỡ chui qua cổng rồi, thôi thì lơ đi cho xong chuyện. Nghe giáo sư kể thế, cả giảng đường tụi tôi cười bò lê bò càng vì sung sướng. Và điều sung sướng nhất là giai thọai này lại được kể ra từ một vị đại giáo sư của Đại Học Luật Khoa và đương kim Bộ Trưởng Ngọai Giao của Việt Nam Cộng Hòa.
Trong khỏang thời gian này, khuôn viên Đại Học Luật Khoa nổi bật lên một bóng dáng nữ sinh viên nhỏ nhắn, khả ái: Đó là cô Vũ Thị Việt Hương, ái nữ của giáo sư đang học Năm Thứ Nhất cùng với tụi tôi. Vũ Thị Việt Hương đến trường bằng xe hơi và có cả vệ sĩ đi theo bảo vệ. Hương tóc vấn cao, lược giắt trâm cài kiểu con nhà trâm anh thế phiệt, luôn luôn mặc áo dài hở cổ kiểu của bà Ngô Đình Nhu lúc bấy giờ. Đối với bọn sinh viên con nhà nghèo, xấu trai như tụi tôi thì chỉ dám liếc sơ qua và dành sự “bạo phổi” đến làm quen cho một vài anh chàng thật đẹp trai. Nhưng dường như Vũ Thị Việt Hương chỉ lo học và chẳng có anh chàng nào lọt mắt xanh của nàng cả. Sau khi tôi ra trường, vài năm sau nghe nói Vũ Thị Việt Hương đã đậu Tiến Sĩ và trở thành giáo sư giảng dạy tại đây. Thế là kể từ đó, kể từ khi giáo sư từ chức Bộ Trửơng Ngọai Giao để phản đối Ô. Ngô Đình Diệm
đàn áp Phật Giáo rồi sống lưu vong ở Ấn Độ và cả sau ngày Ô. Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tôi không bao giờ gặp lại giáo sư nữa. Cho mãi tới Tháng 7 hoặc Tháng 8 năm 1973 tôi mới gặp lại giáo sư trong một hòan cảnh thật đặc biệt. Giáo sư hướng dẫn một số vị TNS trong Liên Danh Hoa Sen ra thăm Tỉnh Quảng Ngãi trong đó có một số vị mà tôi còn nhớ như TNS Nguyễn Văn Ái, TNS Bùi Tường Huân, TNS Hồng Sơn Đông. Hôm đó vị tỉnh trưởng là Đại Tá Ngô Văn Lợi đi vắng cho nên tôi đại diện cho Tỉnh để tiếp đón phái đòan. Nhưng giờ đây tôi không còn là một cậu sinh viên của Đại Học Luật Khoa nữa mà là vị phó tỉnh trưởng của tỉnh này. Thế nhưng tình nghĩa thày trò năm xưa “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không sao quên được. Tôi tự giới thiệu “Con là học trò của giáo sư năm xưa tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, rất hân hạnh được tiếp đón giáo sư và phái đòan.” Tối hôm đó giáo sư tổ chức một buổi nói chuyện về tình hình đất nước sau hiệp định Paris tại Chùa Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo, tôi có đến tham dự, nhưng nửa chừng phải bỏ về vì quá bận công việc và vì lý do an ninh của bản thân. Tôi không thể ngồi lâu tại một
nơi quá đông đúc và quá khuya như vậy.
Giờ đây giáo sư đã ra người thiên cổ. Không hiểu bao nhiêu người đã tiễn đưa giáo sư về nơi an nghỉ cuối cùng tại Paris? Và có vị học trò nào của giáo sư năm xưa đọc bài diễn văn để khóc… không phải để khóc một vị cựu Bộ Trưởng Ngọai Giao thời Đệ Nhất Cộng Hòa, một vị cựu TNS thời Đệ Nhị Cộng Hòa, một vị Thủ Tướng giữa lúc Miền Nam không còn phương cứu chữa…mà là một vị giáo sư khả kính của Đai Học Luật Khoa năm xưa. Tất cả mọi chức vụ đều vô nghĩa và tan biến theo thời gian, duy
chỉ có chức năng làm Thầy là sống mãi trong lòng người. Đức Khổng Phu Tử năm xưa trở thành “Vạn Thế Sư Biểu” là vì chức năng làm Thầy chứ ngài hòan tòan thất bại trên phương diện chính trị. Ngày nay, tất cả các học trò của giáo sư, có người đã hơn bảy mươi, còn đa số thì đã bước qua ngưỡng cửa lục tuần. Bao nhiêu điều giảng dạy tốt đẹp vẫn còn đó, nhưng quốc gia không còn nữa để mà đem áp dụng cho đời. Đất nước hiện nay đang được cai trị bởi những người không cần biết luật pháp là gì. Chỉ cần nghị quyết của Đảng, lời dạy của Lênin, mũi súng, công an và nhà tù là có thể thống trị tòan vẹn đất nước. Có lẽ tất cả các bộ biên khảo về luật mà giáo sư còn để lại cho Miền Nam đã bị đốt đi như một thứ sản phẩm văn hóa đồi trụy, một lọai tư tưởng độc hại của Thực Dân, Đế Quốc và Phản Động. Chúng ta thương thày và thương cả chính chúng ta nữa. Chúng ta đã đầu thai lầm thế kỷ và lầm cả không gian. Dù biết rằng với thời gian qua đi - tất cả đều là hư vô. Nhưng ở vào một thóang hư vô nào đó, chúng ta không thể không động tâm để nhớ thương về một chút kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Kính mong hương hồn giáo sư yên nghỉ trong cõi Minh Không – Cõi Không Trong Sáng và cũng là cái tên tự mà giáo sư chọn
vào cuối đời mình.
Đào Văn Bình
California đêm 1--12-07
Cước chú: Dĩ nhiên tôi không thể nào nhớ từng lời từng chữ những gì GS Vũ Văn Mẫu đã nói ra. Để cho tài liệu được nghiêm chỉnh, tôi đã phải trích dẫn đọan văn nói trên trong bài biên khảo Đạo Phật và Nhân Quyền Trong Lịch Sử Việt Nam của GS Tạ Văn Tài- Thạc Sĩ Luật Học & Chính Trị Học nguyên Giáo Sư Học Viện QGHC và Đại Học Luật Khoa Havard đăng trên Đặc San Hòai Bão Quê Hương số Tháng 10/2007 của Tổng Hội Cựu SV/QGHC.