TÌNH KHÚC THÁNG 12
Nói đến thơ tình của lanhdien, tôi không thể tìm thấy từ nào phù hợp hơn hai tiếng “quyến rũ”. Tôi luôn bị cuốn hút bởi tứ thơ lạ, bởi những hình ảnh ẩn dụ đặt trong những ngôn từ mượt mà, giàu hình ảnh và những câu thơ giàu nhạc tính. Tình khúc tháng mười hai mà tôi đang rủ rê bạn đọc cùng tôi sau đây là một bài thơ như thế:
Tình khúc tháng mười hai
_ lanhdien _
Bài thơ tháng mười hai anh còn để ngỏ
chỉ vì anh đang ngược nắng tìm em
hôm lên núi lén ôm chầm cái lạnh
vội vàng hôn lên bần bật môi mình
Cũng bởi nhớ em từ những dòng suối
cứ quanh co bên huyền sử cao nguyên
chưa thể vốc cho riêng mình ngụm nước
nên chăng anh thèm khát một giọt sương?
Trên đỉnh Langbiang ai từng hò hẹn?
riêng anh hẹn em dưới lũng hoa vàng
mượn hòn đá thiêng nơi xứ người làm chứng
trao cho em vàng suốt một thiên đường
Chẳng hiểu vì sao mà em trở lại?
hay bởi vì em là nắng của xứ này?
xua cái lạnh len qua từng kẽ đá
để rồi
ai lên núi về cũng nhớ...
Dã Quỳ ơi!
Bài thơ này gợi cho tôi nhớ đến một bài viết có tiêu đề “Trốn vào mùa dã quỳ” của OM
. Còn nhớ lần đọc bài viết này của chị tôi đã rưng rưng. Có lẽ cảm xúc ấy xuất phát từ chữ “trốn”, từ sự đồng cảm của những tâm hồn bay bổng bị giam nhốt trong ngục tù của những quẩn quanh cơm áo gạo tiền, của những buộc ràng bổn phận, trách nhiệm, khiến họ cứ phải lui cui cặm cụi với những công việc lòng không muốn vẫn cứ phải làm. “Anh” trong Tình khúc tháng mười hai có lẽ cũng thế. "Anh" “chưa thể vốc cho riêng mình ngụm nước”, anh “thèm khát một giọt sương”, nên "anh" đã “ngược nắng” tìm "em". Khổ thơ đầu giới thiệu một cuộc trốn đi như thế:
Bài thơ tháng mười hai anh còn để ngỏ
chỉ vì anh đang ngược nắng tìm em
hôm lên núi lén ôm chầm cái lạnh
vội vàng hôn lên bần bật môi mình
Bài thơ cho em anh chưa viết xong, bởi vì nỗi nhớ, bởi vì anh chưa gặp được em, bởi vì tâm hồn anh đang khô hạn. Hàng loạt hình ảnh ẩn dụ được đề cập đến để diễn tả nỗi nhớ, sự khát khao ấy như: “ngược nắng”, “lén ôm chầm cái lạnh”, “vội vàng hôn”, “bần bật môi mình”.
Sao lại là "ngược nắng"? Nơi anh ở là một nơi đầy nắng, hẳn là vậy. Cái nắng của trời đất hay cũng là cái nắng chói chang khắc nghiệt của cuộc sống thực tại, cái nắng khiến anh chẳng thể nào mơ màng, cái nắng buộc anh vào với thế giới thực không em, cho nên "bài thơ tháng mười hai" anh hãy còn "để ngỏ".
"Ngược nắng" cũng diễn tả việc anh rời phố thị "lên núi":
Hôm lên núi lén ôm chầm cái lạnh
Vội vàng hôn lên bần bật môi mình
Hành động "lén ôm chầm cái lạnh" kia dễ thương chi lạ!
Ai cũng biết "cái lạnh" là nét đặc trưng của những phố núi mờ sương. Hình ảnh ẩn dụ còn cho ta thấy, "cái lạnh" là điều anh khao khát, là điều mà anh "ngược nắng" kiếm tìm. Nên khi vừa tìm thấy, anh vội vàng "ôm chầm cái lạnh", anh "vội vàng hôn lên bần bật môi mình". Thoạt tiên khi đọc đến câu thơ này, tôi ngỡ là "nên" chứ không phải là "lên". Xin hãy đọc lại:
Hôm lên núi lén ôm chầm cái lạnh
Vội vàng hôn nên bần bật môi mình
và:
Hôm lên núi lén ôm chầm cái lạnh
Vội vàng hôn lên bần bật môi mình
Theo cách đầu tiên, là anh hôn cái lạnh. Ôm cái lạnh, hôn cái lạnh là một nét lãng mạn rất dễ thương, rất thi sĩ đấy chứ!
Theo cách thứ hai, là anh hôn lên chính môi mình. Phải chăng là anh bị cái lạnh của trời đất làm cho hai môi xuýt xoa run bần bật, và chiếc hôn kia là chiếc hôn của chính hai môi anh "hôn" nhau khi bần bật chạm vào nhau? Một cách ví von hóm hỉnh, dễ thương.
Dù sao tôi vẫn thích cách đầu tiên, theo như suy nghĩ đầu tiên của tôi: "Hôm lên núi lén ôm chầm cái lạnh /Vội vàng hôn nên bần bật môi mình". Hôn cái lạnh mang ý nghĩa sâu xa hơn, là cái hôn anh dành cho người tình trong mộng mà anh đang ngược nắng kiếm tìm! Đến đây, tôi chợt nhớ một câu hát của Trần Thiện Thanh "Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi/ Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới." Cũng có ý gần như thế.
Khổ thơ thứ hai là khổ thơ bổ sung cho ý của khổ thơ đầu, diễn tả khát khao được tưới tắm tâm hồn khô hạn của mình trong tình em, với một loạt những hình ảnh ẩn dụ khác:
Cũng bởi nhớ em từ những dòng suối
cứ quanh co bên huyền sử cao nguyên
chưa thể vốc cho riêng mình ngụm nước
nên chăng anh thèm khát một giọt sương?
Một em cụ thể hơn với những kỷ niệm riêng của hai người xuất hiện ở khổ thơ thứ ba:
Trên đỉnh Langbiang ai từng hò hẹn?
riêng anh hẹn em dưới lũng hoa vàng
mượn hòn đá thiêng nơi xứ người làm chứng
trao cho em vàng suốt một thiên đường
Những kỷ niệm riêng ấy gắn liền với "lũng hoa vàng", một hình ảnh thật đẹp, thật lung linh, là nơi "anh hẹn em", phải chăng đấy là nơi tình yêu bắt đầu? Hay phải chăng đấy chỉ là nơi mà anh ao ước tìm đến? Là thiên đường chỉ có trong giấc mơ Anh -Em? Hình ảnh "lũng hoa vàng" lại gợi cho tôi nhớ đến "Động hoa vàng" của Phạm Thiên Thư. "Động hoa vàng, nào ai biết ở đâu, vì đâu chẳng có động hoa vàng, có phải đây là nơi mà một tay tài tử ngày xưa gọi là "đến chơi một làng không có nơi đâu"... xa thì từ muôn thuở, muôn nơi, mà gần thì ở chính ngay lòng thi sĩ." (Động hoa vàng ... Chốn Đi Về Của Hồn Thiên Cổ - Joseph Huỳnh Văn).
Vậy nên, tôi cảm nhận đây là một cuộc hẹn, nhưng dường như chỉ mỗi riêng anh lang thang vào cõi mộng, vào chốn không có nơi nào hay cũng chính là chốn chỉ có trong lòng anh, trong giấc mơ của anh mà thôi. Trong giấc mơ lung linh sắc hoa vàng ấy, trước hòn đá thiêng nơi lũng hoa vàng ấy, anh dành trọn vẹn tình anh, cho em: "mượn hòn đá thiêng nơi xứ người làm chứng/ trao cho em vàng suốt một thiên đường"
Hình ảnh "em" ở khổ cuối tạo nên cảm giác mơ hồ cho người đọc:
Chẳng hiểu vì sao mà em trở lại?
hay bởi vì em là nắng của xứ này?
xua cái lạnh len qua từng kẽ đá
để rồi
ai lên núi về cũng nhớ...
Dã Quỳ ơi!
Là Em- Người tình, hay em là những đóa dã quỳ rực vàng bên sườn núi Langbiang?
Sao không cảm nhận cả hai ý nghĩa trên được nhỉ? Em-Dã quỳ một chiều rực vàng làm ấm cả phố núi mờ sương lạnh, ấm lòng người lữ khách cô đơn đi tìm mộng. Em- Người tình tưởng chừng quá đỗi xa xôi bỗng chốc trở lại trong lòng anh, thật thân thương, gần gũi khi anh đứng trước miên man đồi dã quỳ phố núi rực vàng sắc hoa kỷ niệm...
Thơ đã kết rồi mà sao tôi vẫn thấy lòng còn lưu luyến, không muốn dứt ra khỏi những xúc cảm do bài thơ mang lại. Phải chăng đó cũng chính là nét quyến rũ kỳ bí ma mị nào của thơ tình lanhdien mà tôi chưa phát hiện ra?
Bài viết của OM, thành viên của blogspot.