Nét đẹp đời thường
Tôi vốn sống ở chợ, nên những gì mà thuộc về "văn hóa chợ" tôi đều kinh qua. Sở dĩ tôi muốn nói như vậy để mọi người hiểu rằng sống ở chợ không hề dễ dàng chút nào. Từ những xảo thuật dối trá, những lời nói khiếm nhã cho đến những thái độ hằn học, lưu manh...tất cả đều diễn ra hằng ngày. Thật không dễ dàng tí nào khi mà phải tìm một cách ứng xử cho phải phép. Đôi khi lòng tốt và sự thành thật còn phải trả giá bằng những nghi ngờ và mai mỉa. Vì thế nên không biết từ lúc nào tôi lại thích quan sát. Tôi thường lặng lẽ nhìn từng chuyển biến tâm lý của những người xung quanh mình, xem cách họ xử sự ra sao để nhận biết cá tính của từng người. Đa phần thì mọi người rất hời hợt trong tình cảm đơn thuần và chỉ chú trọng vào các mối quan hệ làm ăn có sức ảnh hưởng từ đồng tiền là chính. Thế nên chỉ cần cạnh tranh một chỗ ngồi vừa ý hoặc để bán một món hàng nào đó của họ có lợi nhuận. Họ sẵn sàng tranh giành, thậm chí cãi vả và xung đột với nhau không ngần ngại.
Chỗ tôi có một bà Câm ( tôi gọi bà câm là vì tôi không biết tên và có thói quen xưng hô với những người phụ nữ trên 40 như thế) hay kéo một chiếc xe đẩy đi bán chanh, ớt, hành, ngò...Vì là bà ta câm nên không biết mời chào khách. Bà ta chỉ cắm một tấm bảng có dòng chữ là hành tỏi 5 ngàn một bịch trên chiếc xe đẩy của mình thôi.
Bà Câm là trẻ mồ côi từ nhỏ thì phải, sống với một người mẹ nuôi và người đó lớn hơn bà ta chừng 10 tuổi là cùng. Công việc của bà là sáng và chiều đẩy xe ra chợ bán hành, tỏi...Mọi việc phân phối cũng như mua hàng là do bà mẹ nuôi kia làm hết. Bà Câm sau khi bán hàng xong về nhà là phải đưa tiền lại hết cho bà mẹ nuôi kia. Có những hôm bán ế tiền ít bà thường hay bị mẹ nuôi đánh, những vết sưng nơi tay hoặc chân được bà Câm đưa ra cho mọi người ở chợ xem vào những buổi sáng hôm sau khiến không ít người chua xót. Thân phận bà thật rất thảm thương! Vì không thể nói, không nghe được nên mọi hành động của bà đều nhất nhất phải theo sự sắp xếp của mẹ nuôi. Bà mà gọi mẹ nuôi kia thì ngồi ở nhà nên không cần biết lề lối ở chợ. Có khi bà xúi bà Câm đẩy xe ra ngồi giữa đường để buôn bán, hoặc nếu như ai đó xua đuổi bà Câm vì bà ngồi lấn sang gian hàng của họ thì đều bị bà xưng là mẹ nuôi kia ra mắng vốn.
Thật sự thì những người ở chợ họ không hề sợ bà mẹ nuôi của bà Câm. Họ chỉ đáng thương cho bà Câm nên có phần hời nhường nhịn đôi chút. Bà Câm thì nói cho cùng cũng không phải là người hiền lành gì, bà ta chỉ sợ mỗi một mẹ nuôi của mình mà thôi. Thỉnh thoảng với những người xung quanh khi vô tình hoặc cố ý chọc bà thì bà cũng tức tối và la ó không kém. Thời lượng bà ta la cũng không ít oi gì, tôi đồ rằng không dưới 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Có lẽ sự ức chế về ngôn ngữ cộng thêm một chút ít phẫn nộ bộc phát khiến bà có thể hoa tay múa chân và miệng ú ớ những âm thanh khô khốc rất kinh sợ kia cả hàng giờ liền. Những lúc như thế mọi người đều lắc đầu chào thua và chỉ biết cười trừ. Sau khi giải tỏa cơn ấm ức thì bà Câm trở về với cái bóng của chính mình. Đó là sự cô đơn lặng lẽ, một chỗ ngồi thu lu và chẳng buồn ai thăm hỏi. Đó là những ngày tháng của bà Câm ở chợ mà tôi thấy trong đó hằn lên sự hiu quạnh và kèm theo sự khẩn nài, van xin lòng thương xót của những người qua đường.
Thế rồi một hôm có một người chị vợ tôi lên buôn bán cùng gia đình tôi ở chợ. Bất chợt tôi lại nghe một thứ âm thanh khác lạ. Thứ âm thanh mà từ lâu tôi chưa từng được nghe lần nào. Thứ âm thanh đó chính là tiếng cười của bà Câm. Tiếng cười vừa khô khốc, hệch hệch, chát chúa nhưng đầy đủ sự vui mừng, rạng rỡ...
Thì ra là bà chị vợ tôi kết bạn với bà Câm, họ thường hay trêu đùa nhau bằng những cử chỉ vui mắt. Tôi rất ngạc nhiên về điều này bởi chị vợ tôi có thể nói là một người rất đẹp và cũng rất cầu kỳ từ trang phục cho đến bạn bè...Mọi thứ nói chung phải tươi sáng và tốt đẹp. Việc chị hay vui đùa cùng bà Câm cũng như thỉnh thoảng hay cho bà ta vài bộ áo quần để mặc cho tươm tất tôi nghĩ chắc xuất phát từ lòng thương hại là trước nhất. Một phần là phụ nữ nhạy cảm và hay xúc động nên dễ dàng đồng lõa với sự mủi lòng. Ở họ có sự vui đùa từ ngày này qua ngày khác, thỉnh thoảng cũng giận hờn gì đó mà có lần tôi thấy bà Câm đã từng cầm một chiếc áo khoác đến trả lại chị vợ tôi. Lúc đó tôi phì cười và thầm nói hai người này giống con nít quá! Nhưng hôm sau là thấy hai người cười cợt lại với nhau như trước như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Có thể nói từ lúc có người như chị vợ tôi bầu bạn, bà Câm vui hẳn lên và không còn la hét như xưa nữa. Thay vào đó là những điệu bộ vui nhộn cùng tiếng cười mang thương hiệu của mình lúc nào cũng thường trực. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó thì tôi nghĩ vẫn chưa phải là điều đáng nói hay đáng để suy ngẫm bởi hơn hết vẫn còn có một sự việc khác ấn tượng hơn rất nhiều.
Đó là hôm bà Câm nhận được một tấm thiệp mời dự sinh nhật. Trên tấm thiệp được đề tên chị Câm cùng đến dự một buổi tiệc tại một nhà hàng khá danh giá ở Thủ Đức. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời cho đến bây giờ bà Câm được mời đi dự một buổi tiệc sinh nhật như thế. Thái độ hí hửng như trẻ được quà khi được nghe người ta giảng giải cho bà hiểu là nó như thế này, như thế nọ trong suốt mấy ngày chờ đợi đến buổi tiệc đó cũng chộn rộn không kém.
Tiệc sinh nhật hôm đó không ai khác là con trai duy nhất của chị vợ tôi. Nó là nguồn vui nhất của chị và hạnh phúc lớn nhất của chị. Thế nên những lần sinh nhật của nó chị đều làm rất chu đáo và cũng muốn thể hiện sự tự hào của mình trước bè bạn cùng người thân. Chị vợ tôi vốn rất sợ người khác xem thường mình nên không muốn mình thua sút với ai. Chị chọn một nhà hàng sang mà tôi hay trêu rằng chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình chứ thật sự nó có cần thiết phải là như vậy đâu? Nói thế để biết rằng với chị thì đó một việc rất quan trọng đối với chị như thế nào. Khách mời cũng lựa chọn những người "sáng sáng" một chút, món ăn cũng thế, cũng cầu kỳ chút chút...
Trước hôm sinh nhật một bữa tôi thấy bà Câm mặc chiếc váy mà chị tặng đến tiệm tôi đứng đợi rất lâu. Tôi lấy làm lạ vì sự ăn mặc bất thường của bà ta nên ra hỏi và được bà ta đưa cho xem một tấm thiệp mời. Tôi nhận ra đó là tấm thiệp mời sinh nhật của con chị, tôi bằng giải thích cho bà ta hiểu rằng là chưa đến ngày, còn phải đợi thêm một ngày nữa mới đến buổi tiệc. Bà Câm dường như hiểu ra và tiu nghỉu ra về với điệu bộ lững lững lơ lơ như người mất của khiến tôi không khỏi buồn cười.
Hôm sau tôi đến dự tiệc thì thấy bà Câm xuất hiện trước tôi rồi cũng được nghe nói là chị tôi đã chạy đến rước. Trông bà ta lúc đó như một đứa trẻ, cứ vô tư ăn uống và say sưa nhìn mọi người trò chuyện rôm rả. Thỉnh thoảng có vài đứa nhỏ bạn của con chị cùng nâng ly cụng cụng cùng bà và hô to Zô Zô cũng rất khí thế. Cùng lúc đó tiếng cười hách hách ,hệch hệch của bà câm bất chợt vang lên như cố hòa âm vào dàn đồng ca kia cho khỏi lạc nhịp.
Khi đó tôi chợt nhận ra một điều rằng không thể dễ mà có được cái niềm vui như thế xuất hiện thêm một lần nữa với người phụ nữ tật nguyền kia. Những người như tôi có quá nhiều ưu ái trong cuộc sống này, nếm trải đầy đủ những hương vị ngọt ngào cho đến cay đắng của cuộc sống thì đó là một phần thưởng rất lớn. Nhưng với người phụ nữ tật nguyền kia thì đã có gì và nhận được gì? Từ âm thanh một cuộc nói chuyện, hay một lời nói cảm ơn để xã giao đều không thể có. Tất cả chỉ là bằng một thứ hành động ra hiệu để diễn tả cái gọi là cảm xúc. Và nữa là một cuộc vui, một buổi tiệc mà những người thuộc về lành lặn thường lãng quên họ và để họ đứng ở bên lề cuộc vui. Một chút đặc ân kia để san sẻ nhưng rất hiếm hoi xảy ra và liệu rằng nếu là tôi, tôi có thể làm được một việc như chị vợ tôi không? Hay cũng rồi lãng quên? Tôi thật sự rất khó trả lời một cách mạch lạc được và tôi thấy mình nhỏ bé trước hành động này của chị vợ mình. Vì tôi biết đó là một việc không phải ai cũng có thể làm được. Hoặc họ sẽ quên, hoặc họ sẽ nhớ nhưng mà không muốn...vân vân...với muôn ngàn lí do. Thế mà chị đã làm nó một cách hoàn hảo và trọn vẹn.
Hôm tiễn mọi người ra về và nhìn cách bà Câm cúi đầu tạ ơn chị, tôi thấy chị thật hạnh phúc và đẹp lắm! Sự việc đó đến bây giờ và sau này thật khó diễn tả bằng lời. Phải chăng từ tấm lòng đến tấm lòng là một khoảng cách được kết nối bằng sự lặng im của sẻ chia mà không cần đến những thước đo của ngôn ngữ? Và chính họ đã làm được những điều kia!