Hoài
Thị xã đón chào tôi bằng một cơn mưa tầm tã. Xuống tàu rồi, tôi vẫn cứ đứng ở nhà chờ, ôm túi hành lý trong tay, ngơ ngẩn nhìn từng bóng người vội chạy đến chạy đi. Phố thị nhỏ nên người xuống ga này cũng thưa thớt. Chẳng mấy chốc dường như chỉ còn lại mình tôi và… mưa. Vài bóng đèn được thắp lên tỏa ra những vòng sáng vàng nhàn nhạt_ thứ màu vàng thật đặc biệt chỉ có khi pha vào đó nỗi cô đơn.
Một ông bác mặc đồng phục của nhân viên nhà ga chắc thấy tôi cứ đứng mãi đó nên đi ra hỏi thăm:
- Cậu chờ người nhà đến đón à?
Tôi lắc đầu:
- Không, cháu từ nơi khác mới đến. Gần đây có nhà trọ nào không bác?
Nghe tôi nói thế, người đàn ông có mái tóc điểm hoa râm kia cẩn thận nhìn tôi một lượt:
- Cậu nhìn cứ như học sinh, không phải bỏ nhà đi đấy chứ?
Tôi nghe thế chỉ còn biết mỉm cười… chua chát:
- Trông cháu giống dân bỏ nhà đi lắm à?
- Chẳng có điểm nào khác. Mà thôi, gần đây cũng chả có nhà trọ nào đâu. Cậu cứ vào đây với tôi trước đã.
Nói rồi ông cũng dợm bước quay vào phòng, nghĩ nghĩ một hồi tôi cũng theo sau. Căn phòng trực không rộng lắm cũng chẳng bày biện gì. Một chiếc bàn làm việc, trên có đặt vài chồng sổ sách, cạnh đó là một tủ hồ sơ , rồi mới tới “góc nhỏ riêng tư” mà ông bác hóm hỉnh giới thiệu: một chiếc chiếu cuộn gọn dựng ở góc, phích nước sôi, cùng vài vật dụng linh tinh khác.
Tôi vục đầu vào bát mì tôm còn tỏa khói nghi ngút mà ông Hoàng _người trực nhà ga tốt bụng vừa nấu cho. Chợt cảm thấy tiếng mưa rả rích ngoài kia như vọng về từ một cõi xa xăm. Nước dùng nóng hôi hổi tràn qua cổ họng, rót từng chút ấm áp xuống tứ chi tê lạnh, có ớt đâu mà tôi cảm thấy sóng mũi mình lại cay cay.
- Đúng là tụi trẻ chúng bây nông nổi và bồng bột quá đi. Nhưng thế mới đúng là tuổi trẻ chứ. Cứ đi đi con. Lăn lộn, thất bại rồi mới khôn ra. _ Nghe xong câu chuyện của tôi, ông Hoàng cười khà khà phán cho.
Nông nổi và bồng bột ư? Tôi nghĩ ông nói không hề sai.
Thi xong tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định không thi tiếp vào Đại học mà sẽ vừa đi trải nghiệm các nơi vừa tự học vẽ. Cả nhà tôi ai cũng phản đối, rồi đủ thứ lý do được đưa ra: sức học tôi không hề tồi, phải có tấm bằng đại học mới mong tiến thân, rồi thì tương lai, rồi cả mặt mũi gia đình… những sợi dây chằng chịt đã thít chặt lấy cổ tôi suốt mười mấy năm qua.
Trong mắt gia đình và bạn bè, tôi luôn là một đứa con, một người bạn bình thường và ngoan ngoãn. Nhưng chỉ riêng tôi biết được, nỗi cô đơn tự bao giờ đã xâm nhập và gặm nhắm hết tâm hồn tôi. Mãi mãi tôi cũng không thể nào có được cảm giác bình yên. Và tôi biết đã đến thời điểm cuối cùng. Một là phải cắt phựt những ràng buộc ấy đi, nếu không chính bản thân tôi sẽ bị chúng quấn chặt và hút đến cạn kiệt chút sinh lực ít ỏi còn lại của mình. Dòng máu chảy trong huyết quản tôi đang kêu gào sự thoát ly. Dù tôi biết để có được điều ấy, tôi sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ.
- Thế bây giờ cậu dự tính thế nào?
- Cháu tính tìm một chỗ trọ trước, rồi mới đi tìm công việc.
- Việc làm thì tôi không thể giúp cậu rồi. Nhưng tôi có ông bạn cũng đang có phòng cho thuê. Có điều ông ấy là người kỹ tính lại thích yên tĩnh, nên cũng rất kén khách trọ. Tôi chỉ giới thiệu, có được hay không thì còn phải xem đã.
- Cháu cám ơn ông trước. Được hay không cũng không sao ạ. Ông giúp cháu nhiều quá rồi. Nếu không có ông, đêm nay cháu chẳng biết mình sẽ ở đâu.
- Có gì đâu. Tôi ngồi trong phòng quan sát cậu một hồi, thấy cậu cứ ngơ ngẩn đứng một chỗ. Đoán chừng cậu có chuyện gì nên đến hỏi thăm thử.
Đêm nay không có tàu qua ga, sắp xếp xong công việc ông Hoàng mới trải tấm chiếu ra, vặn nhỏ ngọn đèn bàn rồi bảo tôi nghỉ ngơi. Tôi lấy vài bộ quần áo ra, xếp vuông vắn làm cái gối tạm, rồi mới nằm xuống một bên chiếu. Nghĩ nghĩ sao tôi lại muốn hỏi:
- Trông cháu giống kẻ gian lắm sao, mà ông quan sát cháu kỹ thế?
Mãi vẫn không có tiếng ông Hoàng trả lời, tôi dần dần chìm vào giấc ngủ. Chợt mơ màng nghe thấy dường như có ai đang buông một tiếng thở dài, nhẹ tan vào màn đêm thăm thẳm...
(còn tiếp)