Hôm 5/9 vừa rồi, hàng loạt tờ báo theo nhau đăng tải một câu chuyện mang màu sắc tâm linh kỳ quái. Tôi tạm gọi đó là vụ "
Báo mộng tìm con".
Trước hết, xin được tóm tắt như sau :
Cụ Nguyễn Não, năm nay 80 tuổi, nguyên quán xã Tam Lập, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Vào những năm 1960, khi cụ đã có vợ và 4 người con thì chẳng may nhà bị dính bom, cụ bà mất từ đó. Năm 1961, người con thứ 2 của cụ cũng qua đời. Năm 1969, cụ bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Người con cả của cụ bèn dắt díu 2 em vào Đồng Nai lánh nạn, được một thời gian thì thất lạc nhau. Mãi tới năm 1975, nhờ ơn Đảng, cụ Não mới được giải thoát trở về quê hương. Đau đớn thay, cả mấy người con đều đã thất tán nơi chân trời góc biển, nào ai hay biết.
Thế mà rồi trong 10 năm sau đó, lần hồi cụ cũng tìm lại được hai người con. Duy chỉ có cậu út là vẫn bặt vô âm tín cho đến khi sự lạ xảy ra.
Tác giả bài báo viết:
"Đến đầu tháng 4/2012, với nỗi nhớ nhung, day dứt về đứa con út đang thất lạc, ông thắp nhang lên bàn thờ của người vợ quá cố để xin bà phù hộ độ trì. Không lâu sau đó, trong một lần nằm ngủ, giấc mơ của ông Não đã được bà vợ hiện về báo mộng, con trai hiện đang ở TP Hội An, đã có vợ con, tên khác, với mái tóc bạc trắng.".
Với những chỉ dẫn của cụ bà qua giấc mơ, ông lão 80 tuổi lặn lội vào Hội An và dễ dàng tìm lại được cậu út, anh Dũng, khi ấy đã 47 tuổi và lấy tên là Châu. Tính ra, cha con ông đã mất liên lạc tổng cộng 42 năm, gần nửa thế kỷ. Nếu không nhờ giấc mơ kỳ bí của ông, thì chắc rằng mãi mãi hai cha con không thể nào gặp lại được.
Anh Châu, tức anh Dũng, con út của cụ Não (Ảnh : nguoiduatin.vn)
Tôi xin nói ngay rằng tôi hoàn toàn tin vào những gì cụ Não kể về giấc mơ của cụ. Nhìn từ góc độ duy tâm, hiện tuợng "báo mộng tìm con" như trong câu chuyện là hết sức bình thường, không có gì khó hiểu. Người ta cũng có thể đem các khái niệm về "trường sinh học" ra để giải thích. Nhưng trong bài viết này, tôi sẽ thử nhìn nhận vấn đề theo một logic đơn giản hơn. Tôi không rõ có một thuật ngữ chuyên môn nào diễn tả điều tôi sắp trình bày hay không, nên tạm gọi nó là "hiệu ứng giao thoa ký ức cộng đồng". Ai biết xin chỉ giáo.
Mỗi cuộc đời là một tiến trình đi từ sinh đến tử. Trong khoảng giữa của hai thời khắc đó, chúng ta liên tục có những hành động thể hiện nội tâm và phản ứng với ngoại giới. Chúng ta va chạm với thế giới xung quanh bằng vô vàn hình thức khác nhau. Chúng ta liên tục tương tác với người này người khác và làm cho thế giới thay đổi trong từng giây phút. Ngay khi chúng ta hái xuống một chiếc lá, hành động đó đã làm cho thế giới này thay đổi và tương lai bắt đầu xoay chuyển theo một đường hướng khác.
Có hằng hà sa số những tương tác như vậy được phát sinh từ vạn vật trong vũ trụ. Nếu chỉ thu hẹp lại trong đời sống nhân loại, chúng ta cũng thấy nó vượt xa mọi khả năng của trí tưởng tượng. Con người quan hệ với nhau bằng nhiều hình thức, trên nhiều cấp độ và thông qua nhiều lĩnh vực. Nhưng chỉ cần có tiếp xúc, trao đổi với nhau một cái nhìn, một thanh âm... cuộc đời đã khác đi nhiều lắm. Khi bạn bước vào một cửa hàng, hỏi cô lễ tân xinh đẹp một câu. Tất cả đã thay đổi. Trong tâm trí của cô ấy đã có dấu vết về bạn rồi. Nó hoàn toàn khác với trước khi bạn đến, cô ta không có ý niệm nào về sự hiện hữu của bạn trên đời. Về phía bạn cũng vậy. Cách đây không lâu có
một cậu sinh viên bị giết chỉ vì vô tình nhìn mấy gã giang hồ đi ngang qua giảng đường. Nếu trong cái khoảnh khắc vi diệu ấy, chỉ cần một người bạn nào đó phía sau đùa giỡn nhắc đến tên cậu ta và cậu ta ngoảnh đầu lại thay vì nhìn ra cửa sổ thì số phận cậu ta đã khác.
Hãy hình dung bạn đang len lỏi qua một đám đông trong rạp chiếu phim. Người ở phía trước từ từ nhích sang hai bên chừa lại khoảng trống cho bạn chiếm chỗ. Rồi đám đông ấy tự động khép lại phía sau bạn. Có nghĩa rằng bạn đã làm thay đổi trật tự thế giới. Điều đó có thể khiến một người đàn ông về nhà muộn hơn vài phút và bị vợ bắt ngủ ngoài sân. Giọt nước tràn ly, anh chồng nhảy sông tự tử. Mấy đứa con trở thành mồ côi. Số phận của chúng đã thay đổi. Chị vợ anh ta không chịu nổi cô đơn, bắt đầu cặp với một chàng trai khác. Gã đó sau rồi quyết định bỏ vợ để theo về sống với mẹ con chị ta... Cứ như thế, xã hội vận động trong một tiến trình bất tuyệt.
Dù chúng ta đi đâu, làm gì, chúng ta cũng để lại những hiệu ứng khôn lường đối với cộng đồng xung quanh nơi ta đến. Bạn có thể nghĩ về một chiếc ván lướt sóng, khi người ta trượt đi, nó cũng để lại vệt sóng tỏa ra hai bên như vậy. Người ta chỉ thấy vết sóng yếu dần và biến mất. Nhưng đại dương đã hoàn toàn biến đổi sau những làn sóng ấy.
Trong câu chuyện của cha con ông Não, có hai chi tiết đáng lưu ý. Thứ nhất, cả ông cụ và anh con út đều nỗ lực tìm lại nhau. Thứ hai, họ chia sẻ cùng một ý niệm về địa danh Đồng Nai. Đó là những yếu tố quyết định sự đoàn tụ của họ, dù ngày gặp lại nhau không phải ở Đồng Nai.
Một khi cả hai cha con ông đều xuất hiện ở một vùng đất, tức là tiếp xúc với cộng đồng ở đó, họ đã tác động vào thực tại và tương lai của cộng đồng. Câu chuyện của họ sẽ trở thành một phần ký ức cộng đồng. Cộng đồng ấy tương tác với nhau và truyền tải thông điệp về hai câu chuyện "cha tìm con" và "con tìm cha" như những đợt sóng. Mỗi lần cha con họ xuất hiện, các đợt sóng lại tung ra va chạm với những nhân tố năng động trong cộng đồng và lan tỏa trong một khoảng thời gian/không gian nhất định. Những tín hiệu đó yếu dần đi nhưng không bị triệt tiêu hẳn mà ngưng tụ lại trong ký ức một số cá nhân bị ấn tượng mạnh bởi câu chuyện. Thậm chí còn có thể có những người đủ mẫn cảm để lắp ghép hai luồng sự kiện vào với nhau, nhưng không hội đủ điều kiện để nói ra kết luận.
(Giả như cụ Lãnh nghe được câu chuyện "con tìm cha", bữa nọ vén quần ngồi nhậu vui miệng kể với cụ Hớ. Cụ Hớ chát chít với cụ Phụng đem ra nói lại. Một ngày kia cụ Phụng ngồi cafe ở Biên Hòa, nghe lỏm một bác xe ôm kể chuyện rằng bác ta mới nghe vợ kể chuyện rằng tối qua bà ấy nghe một chị bạn kể chuyện rằng tuần trước có ông cụ gần 80 tuổi vào đây hỏi thăm tìm con... Trong tâm thức cụ Phụng hoàn toàn có thể liên tưởng móc nối hai mạch chuyện nhưng cụ sẽ không có cơ hội để nói ra điều đó vì quá nhiều mắt xích cụ chẳng thể nào tiếp cận được.)
Thế nhưng, các đợt sóng thông tin vẫn va chạm nhau, để lại ký ức trong cộng đồng người sinh sống ở Đồng Nai. Chỉ cần một sáng nào đó, có một chị bán chè ngoài chợ nhìn thấy ông lão tội nghiệp, bâng quơ nói với ông một cách mơ hồ về chuyện một anh ở ngoài Hội An tên là Châu vào tìm cha mấy lần chưa thấy. Lập tức, hai tiếng Hội An sẽ trở thành một tín hiệu bền vững trong trí óc cụ.
- Cô có biết anh ấy bao nhiêu tuổi không?
- Dạ, cháu cũng không rõ. Chỉ nghe mấy bà trong chợ kháo nhau như thế.
Rồi mấy năm sau trở lại, nếu may mắn cụ sẽ gặp một tay thợ hồ, kể rằng năm ngoái đi làm cho một ông chủ thầu tên là Ngạo bên Định Quán, ổng kể rằng năm ngoái có một người tên là Châu, ở Hội An vào đây tìm cha thất lạc từ dạo chiến tranh, nhưng mấy tháng vẫn không tìm được nên xin nghỉ về quê.
- Chú có biết ông Châu đó nhìn thế nào không?
- Dạ con chỉ nghe nói chú ấy tóc đã hơi bạc rồi...
Bấy giờ, ấn tượng về Hội An và cái tên Châu sẽ có thể trở thành ám ảnh của cụ mỗi khi nhớ tới người con lưu lạc. "Biết đâu nó chính là thằng Dũng nhà mình!", ý nghĩ ấy một khi xuất hiện và được nuôi nấng bằng khao khát tìm lại con, nó sẽ len lỏi trong tâm trí cụ cho đến lúc biến thành giấc mơ. Đồng Nai, Hội An, Châu, Dũng, mái tóc bạc... và nhiều loại thông tin vi tế khác nữa mà cụ không nói ra được, cứ xoay vòng trong đầu cụ nhiều năm tháng. Vô thức của cụ tổ hợp các mảnh vụn thông tin rời rạc ấy lại thành một chỉnh thể dựa trên ao ước lớn nhất đời cụ là trả lời câu hỏi: “Thằng Dũng bây giờ ở đâu?”. Không trả lời được, cụ sẽ không thanh thản và cảm thấy có lỗi với người vợ đã mất. Chắc hẳn đã rất nhiều lần cụ vừa thắp hương lên bàn thờ vợ và thầm hỏi : "Cái người ấy có phải thằng Dũng nhà mình không hả bà?". Cụ muốn tin điều đó là sự thật vì với cụ đó là kết quả mong đợi nhất. Giấc mơ của cụ, chỉ là một hình thức gia cố cho niềm tin mong manh. Logic của giấc mơ phản ảnh khát vọng trong vô thức của chủ thể, còn dữ kiện của giấc mơ đều được lấy từ hiện thực.
Trong hai cuộc tìm kiếm của anh Dũng và cụ Não thì cụ Não có lợi thế hơn. Bởi trước đó nhờ việc tìm được hai người con khác, cụ đã có thêm dữ kiện đủ để thu hẹp địa bàn tìm kiếm. Còn anh Dũng phải trải rộng miền tìm kiếm ra khắp cả vùng Đồng Nai. Ví như thể cụ Não ném xuống giữa hồ nhiều hòn đá lớn, còn anh Dũng rải nhiều hòn sỏi bé hơn xung quanh. Sức lan tỏa thông tin mạnh yếu khác nhau nhưng dù thế nào cũng có những vòng tròn sóng gặp nhau, cộng hưởng với nhau và dội trở lại. Tôi tạm gọi hiệu ứng vận động xã hội này là "hiệu ứng giao thoa ký ức cộng đồng". Nhờ hiệu ứng này, cụ Não tiếp nhận được các dữ kiện rời rạc từ nhiều người khác nhau trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, cụ đem chắp nối với nhau dựa trên khát vọng của vô thức để từ đó hình thành giấc mơ kỳ diệu.
Kết luận
Đa số những sự việc mang vẻ ngoài kỳ bí thường vẫn có thể giải thích được bằng những kiến thức khoa học phổ thông căn bản mà không cần phải nhờ cậy đến một thế lực siêu nhiên nào. Chỉ cần nắm được một số dữ kiện cần thiết của vấn đề, chỉ cần lý trí đủ tỉnh táo để bước ra khỏi bóng mờ tâm linh, chỉ cần chậm rãi xem xét các bình diện của vấn đề dựa trên lập trường duy vật biện chứng, chúng ta sẽ tỏ tường được hầu như mọi điều ám muội.
Một lần nữa, điều đó cho thấy việc lựa chọn triết học duy vật biện chứng làm cơ sở lý luận nền tảng cho hệ thống chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa của Đảng và Bác là hoàn toàn đúng đắn