1.
Cùng Em ngủ lại giữa miền động hoa
Tôi cóc biết Phạm Thiên Thư và không quan tâm đến Phạm Duy trước khi đọc bài thơ này. Thành thử giờ nghe
Ánh Tuyết hát "Đưa em tìm động hoa vàng" là tôi nghĩ đến anh và cái concept về "động hoa vàng".
Non vàng nở cánh mai rừng
Em cài lên tóc hóa bừng dáng tiên
Tôi say trong giọng Em hiền
Trăm năm ngủ lại giữa miền động hoa
Dạo mới đọc, tôi cảm thấy bài thơ mang hơi huớng một thứ ngôn ngữ của chốn bồng lai.
2.
Thiên hương
Tác giả của bài thơ này là người viết nhiều và luôn có những sáng tạo trong ngôn ngữ thơ, nhưng “Thiên hương” để lại ấn tượng sâu sắc nhất ngay từ khi tôi đọc nó. Giai đoạn này hình như tác giả bắt đầu chịu ảnh hưởng của thơ Đinh Hùng. Đã có chút gì đó ma mị trong thơ anh. Nhưng tôi gặt hái vẻ đẹp của nó. Thỉnh thoảng tôi vẫn thích lẩm nhẩm lại một đoạn, khi nhìn thấy một cô gái đẹp ngang qua
Mướp hồn mơ xao động biển trần ai
Xanh màu mộng gót sen đài êm ái
3.
Lẽ
Tôi thấy. Tôi hiểu. Tôi nhớ. Tôi cóc biết uống rượu nhưng đọc bài này thực rất muốn uống với cụ cho say!
4.
Hỏi rằng: Trăng có nguyên màu thanh tân
Tôi không hề chú tâm đến tác giả cho đến khi đọc bài thơ này, một tác phẩm xuất sắc của dòng thơ lục bát cổ điển.
Bao giờ mới gọi: thiên thu
Cho trăng chở mộng tương tư về tìm
5.
Không đề (Sào Phủ)
Có thể gọi là tuyệt bút trong một phút xuất thần. Đọc mà ngỡ mình trôi bềnh bồng trên sông Ngân, giữa một cảnh đêm huyền diệu, thoát tục.
Ô hay ta say
Ta say
Chèo ra sông ngân giặt lụa
Yếm đào tiên nga cười ngây
6.
Buông 3
Tôi rất phân vân giữa bài này và bài "Ở chốn nhân gian", một bài thơ cho tôi thấy phía bên kia tâm hồn tác giả. Sau cùng tôi chọn đề cử "Buông" vì nó vừa có vẻ đẹp yêu kiều mềm mại của một đóa hoa lan vừa có nét an nhiên và sức mạnh hồi sinh của Đạo. Sau cùng, đối với thơ, có lẽ tôi vẫn ủng hộ khuynh hướng lãng mạn hơn là chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực phê phán.
Sân người nở đóa an nhiên
Một làn sương mỏng qua miền phù vân
7.
Nỗi nhớ mùa thu
Bài này phải được đọc lên khẽ khẽ, và nhỏ dần về cuối, rồi phải lặng im một hồi lâu để mặc cho nỗi nhớ thấm đẫm tâm hồn... Như thế bạn mới đồng điệu được với tác giả.
Anh phủi bụi thời gian
Tìm về
Tìm về ngày nắng ấm
Chỉ bởi mùa thu.
Mùa nắng ấm
Ấm...
Ấm ngọt tựa môi em…
Riêng em...
8.
Cô lái đò sông Hương
Tôi đã mấy lần lang thang bên sông Hương với bài thơ này để tìm kiếm một giai điệu tương xứng với nó. Nhưng chưa thành công! Đâm ra cứ cảm thấy mắc nợ anh. Đâm ra cứ nhớ mãi bài thơ này.
Mấy mùa gió lạnh lướt qua sông,
Hoa cải vàng hoe trổ khắp đồng,
Cô lái nghe chừng mong mong lắm,
Tiếng gọi đò ơi, khách sang sông.
9.
Khóc chó
Nhắc đến anh, tôi chỉ nhớ được mỗi tác phẩm này, và nhớ mãi! Mặc dù trong bài anh không nói con chó màu gì nhưng tôi hình dung nó màu đen, nhanh nhảu linh hoạt. Tôi thấy nó như một bóng mờ ngoài sân, và anh ngồi lặng thinh bên thềm nắng nhạt. Những động tác vô thanh vô tức của con chó ở ngay trước mắt anh, mà anh không thấy được. Nó cũng rất buồn và sợ hãi.
10.
Gọi tên mùa yêu cũ
Xin các nhà thơ nữ tha lỗi, với riêng tôi thì cháu gái tôi đúng là Nữ Hoàng thơ tình! Sau khi
phổ nhạc cho bài thơ này, tôi đã thử thêm với 2 tác phẩm khác của cháu nó, nhưng bất lực. Chỉ thấy mình như đã già thêm 20 tuổi! Con nít bây giờ giỏi thật
Thôi đừng gọi tên lần nữa
Nghìn năm đá núi hao mòn
11.
Sỏi đá
Điều kỳ quặc là tôi có cảm giác cô ta viết ở một tâm thế rất siêu thực. Có cái gì đó không hợp lý, không phản ánh đúng thực tại khách quan. Nhưng chúng lại được bảo vệ bởi những phép tắc biện chứng của tâm hồn. Tôi không cách gì phản đối.
Em làm viên cuội nhỏ
Giữa dốc tình chênh vênh
Anh đi tìm đỏ mắt
Chốn non cao thác ghềnh
12.
Cổ tích ngủ quên
Nhưng đôi khi cô nàng như bé lại, như đã vụt chạy trốn vào trong tuổi nhỏ, không ai có thể tìm thấy được nữa. Vanessa!, tôi gọi thầm như thế! Khi đọc bài này, tôi cứ tưởng tên cô là Vanessa và thực tại chỉ là một câu chuyện của anh em nhà Grimm.
Có cuộc tình đi hoang
Lạc khu vườn hoa mộng...