Tình khúc ơ bai
Nhịp điệu khác nhau
Tôi đi bằng nhịp điệu
Một hai ba bốn năm
Em đi bằng nhịp điệu
Sáu bảy tám chín mười
Ta đi bằng nhịp điệu
Nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu
Nhịp điệu sao khác màu
Đó là những ca từ trong
Tình khúc Ơ bai của họ Trịnh. Và chuyện kể rằng trong một buổi giao lưu văn hóa với đồng bào dân tộc thiểu số ở núi rừng Di Linh, Trịnh Công Sơn và đám văn nghệ sĩ lúc đó nhảy múa theo nhịp điệu của núi rừng cùng với các cô sơn nữ. Để lưu lại cái khoảnh khắc đó làm thành những kỷ niệm, họ Trịnh đã mời các cô sơn nữ chụp hình chung. Nhưng đáp lại lời đề nghị trên là cái lắc đầu của các cô sơn nữ và kèm theo câu nói "
Ơ bai!". Ơ bai có nghĩa là
Không thể được! Là tiếng chối từ của người K'ho vùng Di Linh. Hai tiếng "Ơ bai" kia đã bắt đầu nhen nhóm lên trong tâm hồn đầy nhạy cảm của Trịnh, và sau khi về lại thành phố ông đã cho ra đời
Tình khúc Ơ bai như một sự nuối tiếc...
Lời bài hát rất giản dị, mộc mạc như khắc họa lại hình ảnh nhịp bước ngây thơ, hồn nhiên. Những bước chân ngờ nghệch, lệch pha nhau. Từ trong sâu thẳm đã có sự khác biệt, cho dù mọi người đã cố gắng hòa nhập trong những nhịp chân chung.
Tôi đi bằng nhịp điệu
Một hai ba bốn năm
Em đi bằng nhịp điệu
Sáu bảy tám chín mười
Là những con số tiến lên, càng bước càng xa, càng đi càng mông mênh vời vợi. Phải chăng chỉ có tâm hồn nhạy cảm và mỏng manh như Trịnh mới thấy được những điều như thế để buộc phải bật lên thành một thứ ca khúc mà ca từ lúc nào cũng mang yếu tố quyết định để chiếm hữu toàn bộ cảm xúc của người nghe? Ngôn ngữ của họ Trịnh là một thứ ngôn ngữ ít khi mang lý trí ra để phán xét. Nghe nhạc Trịnh giống như ngắm cầu vồng, đừng cố nhìn cho rõ và phân biệt nó có bao nhiêu màu sắc, đừng phải cố gắng soi nó rõ ràng tận ngóc ngách. Hãy nhìn cách nó phản chiếu sau cơn mưa, một ánh sáng vàng hắt lên phía cuối trời và phủ xuống những cảnh tượng lung linh, óng ánh...có thể trong từng sắc lá trên những ngọn cây hoặc vướng vít đâu đó trên sợi tóc của ai dưới ánh nắng chiều đầy mê hoặc. Là chiếc cầu nối của những luồng cảm xúc đến với từng thế giới quan riêng lẻ. Nghe Trịnh là nghe thứ ngôn ngữ mơ hồ, lất phất của mưa nắng, bàng bạc của mây trời và chịu sự mù lòa của lý trí.
Ở bài hát này ngôn ngữ chẳng có gì đặc sắc, thậm chí rất đơn giản. Thế nhưng với những con số "
một hai ba bốn năm và sáu bảy tám chín mười" trong nhịp điệu của bước chân, được họ Trịnh đẩy lên cao ngất ngưỡng tạo thành thứ cảm xúc mơ hồ, lâng lâng. Nó là một thứ gì mà không thể nắm bắt được, là những bước chân đi lạc của cuộc đời, là những cố gắng tận cùng vẫn không thể có...
Ơ bai í à í á
Ơ bai í à a á
Ơ bai i à a á
Ơ bai i à a a á
Là không thể được! Tiếng ngân dài đến não nuột. có từng thảng thốt, có một khoảng trống vô hình được dựng lên từ bức tường âm thanh kia. Khánh Ly rất tâm đắc bài này. Người ca sĩ của đôi chân đất ngày nào đã đồng cảm cao độ khi thảng thốt gọi từng tiếng Ơ bai. Tại sao phải là tiếng gọi mà không phải như nguyên thủy nó là tiếng chối từ. Bởi tôi tin rằng đó là một tiếng kêu của nuối tiếc một thời. Khánh Ly hát là đã dấn thân trực tiếp vào ca khúc, nơi cô thấy là chính mình, thấy cả Trịnh, thấy được cái sâu thăm thẳm từ tâm hồn kia. Cô đồng lõa với ca khúc để cất lên thành lời. Sự rung cảm đó không phải ca sĩ nào cũng có thể có được. Những cảm xúc đó rất tinh tế và chỉ có những tâm hồn đồng điệu mới có thể nương tựa vào nhau như một định mệnh.
Nhưng Trịnh thật may mắn, khi đã lạc nhịp đôi chân thì cũng vội kịp " vừa còn chút ơn" là có Khánh Ly nói hộ lòng mình.
Còn mình thì sao?
Chợt nghĩ đến em, người mà tôi biết suốt đời phải lạc nhịp. Cho dù đang cố bước song hành sao vẫn tréo ngoe cẳng ngỗng. Người ta lý giải về sự cô đơn của một người bằng một hình ảnh hai tay chắp ra sau, đầu cúi xuống và lầm lũi đếm bước. Đó là dấu hiệu của sự độc hành và vĩnh viễn không lạc nhịp cùng ai.
Sông cạn, đá mòn
Sông cạn, đá mòn
Làm sao ta gặp
Làm sao ta gặp được nhau?