Sài Gòn và những âm thanh đi lạc
Đã ngót nghét gần 20 năm quen thuộc với cái xứ sở hai mùa mưa nắng này, quen thuộc sự nhộn nhịp và tất bật của người Sài Gòn mà không thể lẫn vào đâu với bất kỳ thành phố nào của xứ Việt. Ồn ào và náo nhiệt, tất cả những thứ âm thanh đều bật lên và pha trộn lại tạo thành một nét đặc trưng vốn rất riêng biệt. Những thứ đó cứ một ngày thấm dần, thấm dần và hòa nhập vào tâm hồn của những người xa xứ lúc nào không hay. Nó trở nên quen thuộc và thân thương quá đỗi. Những ai ly hương và chọn Sài Gòn là điểm nương náu đều có cảm giác như vậy, đều thấy mình giống như sinh ra để thuộc về nơi này. Với riêng tôi, quê hương bây giờ chỉ là một ký ức nhỏ, một chút gì đó để hồi tưởng những khi lắng lòng. Sài Gòn thật sự cuốn hút tôi, nó giống như hơi thở. Phải như thế, phải quen thuộc như thế nên khó lòng mà lìa bỏ.
Có một câu nói dân gian mà tôi cảm thấy rằng nó quá thích hợp để mô tả về Sài Gòn đó chính là " Đất cũ đãi người mới". Biết bao người, biết bao thế hệ đã đến đây lập nghiệp và đã thành danh. Sài Gòn như là một vòng tay lớn biết chở che cho bao nhiêu con người, những người khách đã mang lớp bụi cơ hàn tứ phương đến đây được gội rửa để rồi tươm tất hơn trong một diện mạo mới. Không thể đếm hết được có bao nhiêu lớp người " Tiến về Sài Gòn", nhưng vòng tay xứ sở cứ vẫn cứ dang rộng ra đón nhận, vẫn bao dung và hào phóng ban tặng cho những đặc ân. Biết bao nhiêu người tưởng chừng đã gục ngã, nhưng khi đến đây đã bám vào đất này gượng dậy hồi sinh và đứng lên rất vững vàng. Dĩ nhiên là cũng phải có những người cũng từ mảnh đất này ngã gục và nằm xuống vĩnh viễn hoặc tháo chạy tứ tán. Nhưng đó chỉ là ở góc độ số ít của tiêu cực và đó cũng là qui luật của cuộc đời.
Chính vì sự du nhập tứ phương kia nên vô hình chung Sài Gòn trở thành một bản lưu sao của nhiều nét văn hóa đầy màu sắc,và cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là màu sắc của ẩm thực. Những nét đặc sắc của từng địa phương lần lượt được tái hiện giữa đất Sài Thành. Từ bát phở Hà Nội cho đến tô Mỳ Quảng, hay bát Bún Riêu Cua Hải Phòng hoặc dĩa Cơm Tấm, tô Bún Bò Huế...đâu đâu cũng là những món ăn ngon được nhiều người ưa thích. Rất nhiều món ăn ngon và lạ mà tôi không thể kể ra hết. Chỉ tóm gọn một câu rất đơn giản là " Nơi nào có thì Sài Gòn có" để cho thấy sự phong phú của nơi này. Cũng rất là thú vị khi biết rằng Sài Gòn dung nạp cho mình một lượng văn hóa đặc thù của từng vùng miền rất khổng lồ như vậy nhưng vẫn không đánh mất được bản sắc của mình. Phải thế chăng mới gọi là Sài Gòn?
Nhưng tất cả những món ăn ngon, những đặc sản kia chắc hẳn không thấy thân thuộc và gần gũi với những ai đã sinh sống trên mảnh đất này bằng tô Hủ Tíếu Gõ ( Mỳ gõ). Đó là một món ăn quen thuộc với những ai đã từng có cuộc sống lam lũ, cơ hàn. Nó gắn bó rất nhiều với đối tượng bình dân, những chàng sinh viên nghèo, anh thợ hồ, bác xích lô, những công nhân, thợ máy, những cô gái sống về đêm...vân vân...rất rất nhiều những thân phận gắn liền với tô hủ tiếu gõ, kể cả những người giàu có đi ăn khuya cũng thấy rất thích thú món ăn rất đơn giản này. Một nét văn hóa ẩm thực vỉa hè đã hình thành rất lâu.
Hơn mười năm trở về trước, hàng đêm, xen lẫn với những tiếng rao gần như lạc giọng của " Chưng gai, bánh giò" hoặc tiếng " lách xách" của mấy tay tẩm quất giác hơi thì còn có tiếng gõ "lốc cốc" của hai thanh tre và có khi là hai cái muỗng, được phát ra rất đều và điệu nghệ của mấy tay hũ tiếu gõ. Chẳng biết cái âm thanh kia gắn liền với Sài Gòn từ thời điểm nào, nhưng với tôi thì mười năm về trước nó quen thuộc lắm, quen trong mỗi đêm khuya chợt thấy đói bụng thèm ăn một cái gì, hay trong lúc đọc sách, xem phim...
Hủ tiếu gõ ngày đó là một cái bát trẹt bằng đất chứ chẳng phải "tô sành, chén kiểu" gì cho sang. Những sợi mì vàng cùng với sợi hủ tiếu màu trắng trộn lẫn với nhau kèm theo là giá, hẹ. vài tép mỡ nhỏ nổi lềnh bềnh trong tô nước lèo nóng hổi và được trang điểm bằng vài lát thịt " mỏng như lá lúa" cùng vài ba lát bò viên. Tất cả gói gọn lại chỉ có 2 đến 3 ngàn đồng.
Ăn hủ tiếu gõ không phải là để thay bữa ăn chính mà chỉ là phương pháp chống đói tạm thời. Chỉ một số ít người cơ nhở thì có đôi khi lấy nó làm kim chỉ nam thay cho những bữa cơm tối trong những ngày khốn khó. Nhưng trên hết vẫn là một bữa "ăn vặt" dành cho số đông.
Hủ tiếu gõ theo dấu chân của những người Miền Trung, những người đến từ vùng đất Quảng Ngãi, Bình Định lưu dạt vào Nam. Nó cứ thế lăn lỏi mọi ngóc ngách, mọi hang cùng ngõ hẻm của đất Sài Gòn tạo thành một tên gọi riêng biệt và gần gũi. Có rất nhiều hàng quán hủ tiếu bình dân ở Sài Gòn. Nhưng đừng lẫn lộn với hủ tiếu gõ. Vì những hàng quán kia thì chỉ có một chỗ nào đó, nhưng riêng hủ tiếu gõ thì lưu động hơn và đặc biệt là phải có gõ chào mời. Tiếng "lốc cốc" đó như một tín hiệu thân thuộc mà ai ai cũng phải biết cũng đều nhận ra.
Những đêm khuya người ta chỉ cần nghe tiếng gõ đó ngang qua và gọi lại, thì một lát sau đã có tô hủ tiếu nóng hổi đem đến rồi. Khách trả tiền luôn và ăn xong thì để tô trước cửa sẽ có người đến thu dọn. Thuở đó tôi rất thích nhìn những người bưng bê hủ tiếu cho khách, nhiều khi thấy họ giống như một nghệ sĩ xiếc thành thục. Với một chiếc mâm và bên trên là đầy những tô hủ tiếu của khách gọi, họ trên chiếc xe đạp cà tàng, một tay lái và một tay bê mâm lăn lỏi qua những con hẻm tối. Dưới ánh đèn đường hiu hắt nhập nhoạng, họ rất giống là người nghệ sĩ xiếc đang cống hiến hết sức mình giữa đêm khuya.
Một chiếc xe đẩy, một nồi nước lèo, một cái tủ kiếng nhỏ, một lô lốc bịch treo lủng lẳng nào là giá, hẹ, hành phi...treo bên dưới tấm bạt được cuộn lại để phòng hờ khi có mưa. Đó là nét phác họa rất đơn sơ của người hành nghề hủ tiếu gõ. Họ dừng lại trước những con hẻm, có khi là một bãi đất trống đâu đó hoặc dưới một tàn cây nào đó có ánh điện đường rọi xuống. Và thế là những chiếc ghế nhỏ được bày ra cùng với vài cái bàn lèo tèo là bắt đầu hành nghề. Có những người đi bán hủ tiếu vào khoảng 2 cho đến 5h chiều. Nhưng phần lớn là bán ở thời điểm 5h chiều cho đến 1h sáng hôm sau. Dường như bóng đêm trở nên quen thuộc và gắn liền với hủ tiếu gõ thì phải? Cái bức tranh sáng tối đó đã phản ánh khá trung thực nét cơ bản của con người, những người buôn bán lam lũ, những "thượng đế bình dân" trong túi vỏn vẹn vài nghìn. Cả những người có tiền nhưng muốn tìm một hương vị khác, một hương vị mà không thể có trong những buổi tiệc chiêu đãi ở những quán hạng sang. Trong bức tranh toàn cảnh đó, người ta không thể nhận ra ai là ai. Tất cả đều như nhau, đều là những chiếc bóng thầm lặng cúi xuống húp sột soạt một cách ngon lành. Tự trong họ đã có cách thưởng thức riêng và cảm nhận khác nhau để cảm thấy thú vị với bản thân qua tô hủ tiếu gõ.
Thưởng thức hủ tiếu gõ rất đơn giản như bản thân của nó. Hủ tiếu không cần làm quá nhiều (trừ một số người lao động phải ăn nhiều cho đầy bụng) vì nhiều quá mất ngon, chỉ cần một vắt mì và một ít hủ tiếu cùng với giá, hẹ, tép mỡ đổ đầy nước lèo nóng hổi là ô kê con gà đen. Xịt một ít nước tương để nó bốc mùi thơm, nặn chanh, ớt trái xắt nhỏ có sẵn trong chén cho vô một ít rồi trộn đều lên là bắt đầu thưởng thức. Thật thú vị khi những lát thịt chỉ dính kẻ răng như thế, những cọng mì hay hủ tiếu chẳng có gì đặc biệt thế mà trong cái khung cảnh sáng tối kia, cái dịu dịu của màn đêm phảng phất hơi sương, cái dạ dày đang chuyển qua giai đoạn " reo hò " thì bất chợt thấy ấm áp gì đâu. Nếu như ai ngồi ở nhà mà đợi chờ một tô hủ tiếu như thế để lót dạ, thì chính cái sự sốt ruột kia đã tăng thêm tính hấp dẫn lên được mấy phần. Lúc đó chỉ cần đưa vô miệng và húp cái soạt là xong.
Ăn hủ tiếu gõ nếu muốn thay đổi cách ăn cho phong phú và hoa lá hẹ chút xíu thì nên đi sớm. Lúc đó sẽ còn xương, nói nôm na là " xí quách". Những thứ đó được hầm nhừ trong nồi nước lèo. Kêu một tô "xí quách" và lúc này hủ tiếu hay mì sợi nên làm khô. Người bán chỉ cần trụng mì sợi hoặc hủ tiếu kèm theo giá, hẹ và trộn đều đem ra là xong. Lúc này chỉ có việc cho tương đỏ và nêm nếm chút nước tương đen để vừa miệng thì thực khách có thể ăn một món ăn mới cũng không kém phần hấp dẫn. Vừa từ từ nhai "xí quách" vừa đẩy đưa mấy cọng mì, hủ tiếu rồi thi thoảng húp một ít nước lèo nóng hổi thật là tuyệt cú mèo. Ngoài ra "xí quách" còn là đặc sản của những tay rượu đế thích " cóc ổi mía ghim". Đó là những người thích "giải mỏi" sau ngày làm việc mệt nhọc bằng những ly cuốc lủi, cũng có khi là những thành phần ăn nhậu có tay nghề nay muốn "đổi món ăn chơi". Vì thế nên "xí quách" hết rất sớm là vậy.
Hủ tiếu gõ của mười năm trở về trước là thế đấy, là sự dung dị bình thường, là tiếng kêu "lốc cốc" của những đêm khuya thân thuộc. Là bước chân dò dẫm của những người xa xứ lưu lạc đến Sài Gòn để tìm chốn nương thân. Cũng rất nhiều người từ ngón nghề này mà ổn định được đời sống và gắn chặt với Sài Gòn. Sự dễ dãi của Sài Gòn, sự đồng cảm của những người cùng khổ đã giúp cho hủ tiếu gõ tồn tại và có chỗ đứng riêng không lẫn vào đâu được.
Nhưng mười năm trở lại đây thì hủ tiếu gõ đã mất dần "tiếng gõ". Vẫn còn đầy đó những chiếc xe, những chiếc bàn...nhưng tiếng gõ đã không còn và thất lạc tứ tán. Bây giờ thì không cần phải đi gõ "lốc cốc" nữa, thay vào đó là một địa điểm đã có và sẵn sàng mọc lên như nấm bên cạnh các khu công nghiệp. Bây giờ cũng đã có hẳn một công nghệ nấu nước lèo hủ tiếu gõ, người ta có thể cung cấp tận răng những xương giò, nước lèo cho người bán. Cách đây hơn mười năm tôi đã từng nghe xôn xao vụ nước lèo hủ tiếu gõ được nấu bằng trùn chỉ (địa long). Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng sao cả. Vì dù thế nào thì trùn chỉ cũng là một vị thuốc dân gian, nó cũng chẳng qua là làm cho nước lèo ngọt hơn và chỉ hơi xa lạ với người thành phố nên thấy có vẻ nó rùng rợn lên đôi chút.
Với một công nghệ chế biến như bây giờ thì người bán hàng sẽ bớt vất vả hơn. Họ sẽ khỏi phải thức khuya dậy sớm để lo lắng chuẩn bị nồi nước lèo. Và cũng từ đó hủ tiếu gõ cũng dần dần mất đi hình ảnh buổi ban đầu. Tiếng gõ ngày xưa không còn, hương vị ngày xưa cũng không còn nữa...và thực khách bây giờ vẫn ăn nhưng chỉ là "nhắm mắt đưa chân".
Phải chăng là "đất cũ đãi người mới", nên những bước chân lưu lạc ngày trước sau khi tìm chỗ đứng cho mình đã quên mất thuở hàn vi? Những người đã gắn liền với xe hủ tiếu gõ mà bây giờ thành công, đã quên hẳn cái nồi nước lèo ngọt ngào vốn rất riêng của mình, thay vào đó bây giờ là hàng tá bột ngọt đến từ Trung Quốc được đổ xuống và đem đi phân phát khắp nơi?
Dĩ nhiên vẫn còn có một số ít trung thành với kiểu nấu cổ điển. Nhưng quả thật rất hiếm so với thực tế bây giờ. Bất chợt thấy nhớ tiếng khua "lốc cốc" trong đêm thanh vắng ghê gớm,cảm thấy tiếc và đã xa một âm thanh thân quen kèm theo một chút hương vị ngọt ngào về đêm...
Bây giờ hàng quán đông hơn, thực khách cũng đông hơn và tô hủ tiếu cũng đẹp đẽ và trông hấp dẫn hơn... mà sao tôi thấy hủ tiếu gõ đã phai lạc dần trong hơi thở của thời đại.