Lặng
Gió thở dài sau ngõ
Nắng đi đâu biệt tăm
Khói quơ ngang nét cọ
Phác vệt buồn xa xăm
Tách trà dường nhạt vị
Luễnh loãng rồi hương sen
Bâng khuâng dòng suy nghĩ
Vu vơ... Ừ, thói quen...
Bản romance rất khẽ
Rụng từng giọt guitar
Ký ức vừa như thể
Buông rơi... chợt vỡ oà
Gót mùa men lối vắng
Vẹt mòn bậc heo may
Hoải hoang chiều thinh lặng
Quên
Nhớ...
Một bàn tay!
Vycam
Có đôi khi lòng chợt nổi cơn giông tố, và sấm sét, và mưa sa... và nỗi buồn nặng trĩu cứ đè nặng trong tâm hồn. Ta chỉ muốn co lại trong cái vỏ ốc tự kỷ của riêng mình, và ta cô độc, ta âu sầu, ta để những suy nghĩ buồn rầu cứ ám ảnh, ta mệt mỏi đến độ thấy cuộc sống chẳng còn một ý nghĩa gì nữa cả...
Bạn lẩn quẩn bên ta. Lặng yên. Chờ đợi. Rồi bạn nhỏ nhẻ:
_ Nắng đã lên chưa nè?
_ Nắng đã lên rồi, nhưng lòng còn u ám lắm...
Lang thang vào lúc cái cảm xúc buồn buồn vẫn chưa tan ấy, tôi đã gặp Lặng ở thư phòng của Vycam. Tôi gọi nơi ấy là thư phòng vì ở đó có cái giá vẽ cùng những bức tranh thanh thoát, có cung đàn ngẩn ngơ bao nỗi niềm tâm sự, có ấm trà ngan ngát hương sen đang tỏa lan, có nữ chủ nhân văn phong tao nhã lạ thường...
"Lặng" như tan vào trong tôi, nhẹ nhàng như khi tôi hít một hơi dài làn hương sen từ ấm trà đang nghi ngút kia:
"Gió thở dài sau ngõ
Nắng đi đâu biệt tăm
Khói quơ ngang nét cọ
Phác vệt buồn xa xăm"
Khổ thơ đầu với 4 câu năm chữ, cũng là khổ tôi thích nhất, cuốn hút tôi ngay từ giây phút đầu tiên. Ngắn thôi, nhưng đọc lên lại cứ miên man như một tiếng thở dài hoài mong trong một buổi chiều xám màu u tịch. Điều tôi thích nhất là, không nhắc đến thời gian, nhưng buổi chiều đã xuất hiện. Không hề có những từ ngữ diễn tả niềm mong đợi, nhưng vẫn hiển hiện lên tâm sự chờ trông. "Gió thở dài sau ngõ", nào đâu phải gió thở dài, là tiếng thở dài u hoài trong lòng người đó thôi. U hoài vì lặng lẽ chờ trông. Lặng lẽ vì gió ở "sau ngõ", chứ không ngang qua trước ngõ. Không gian "sau ngõ" làm ta liên tưởng đến sự lặng lẽ, đến nỗi lòng thầm kín. Ở câu thơ đầu, chỉ thấy được sự u hoài lặng thầm qua tiếng thở dài, đến câu thơ thứ hai thì sự mong đợi và thời gian buổi chiều đã được thể hiện, "Nắng đi đâu biệt tăm". Nắng xuất hiện đầu ngày, nhưng đến giờ vẫn thấy "biệt tăm", có chờ mong mới để ý đến sự vắng mặt của "nắng", và chờ lâu nên mới có thể nói là "biệt tăm", có thể hiểu là "chiều rồi" vậy. Cách nói "Nắng đi đâu biệt tăm" nghe như một câu hỏi, như một băn khoăn, nhưng lại không có dấu chấm hỏi, lại thấy như một câu nói bâng quơ. Bâng quơ như thể đang che giấu nỗi chờ mong lặng thầm trong lòng. Sự bâng quơ, hờ hững còn thể hiện ở câu thơ tiếp theo: "Khói quơ ngang nét cọ", chỉ là nét cọ "quơ ngang" thôi, nét cọ vẽ buổi chiều xám, màu xám của khói, màu xám của nỗi buồn trong lòng, nên mới "Phác vệt buồn xa xăm" làm vậy.
Sự ơ hờ tiếp tục được thể hiện ở khổ thơ thứ hai, với "tách trà nhạt vị", với "lễnh loãng hương sen", với cách tự bào chữa: "Vu vơ... Ừ, thói quen..."
Trong không gian chiều lặng lờ, trong dòng suy nghĩ vu vơ theo "thói quen" ấy, âm nhạc xuất hiện. Âm nhạc là những giọt guitar "rụng" xuống, "rất khẽ". Thứ âm nhạc đó không phá tan cái không gian trầm mặc kia, mà làm không gian ấy như sâu lắng hơn bởi những giọt khẽ khàng của bản Romance nhẹ như sương "rụng" vào chiều, "rụng" vào lòng, chạm vào ký ức, để rồi:
"Ký ức vừa như thể
Buông rơi... chợt vỡ oà"
Có lẽ đến lúc này, cảm xúc hoài nhớ, mong đợi lặng thầm trong chiều vắng đã dâng lên đến đỉnh điểm rồi chăng?
Ở khổ thơ cuối, tôi như cảm nhận được một niềm đau.
"Gót mùa men lối vắng
Vẹt mòn bậc heo may
Hoải hoang chiều thinh lặng
Quên
Nhớ...
Một bàn tay!"
"Gót mùa", một cách ví von, nhân hóa rất thơ, rất duyên. "Vẹt mòn" thì lại như một vết cứa vào tim, như vết cứa vào miền ký ức. Để buổi chiều dù thinh lặng nhưng lại đầy nỗi niềm hoang hoải trong lòng người. Và, "hoải hoang", chứ không là "hoang hoải". "hoang hoải" được đảo thành "hoải hoang" nâng mức độ cảm xúc lên một bậc rất xa! Đọc "hoang hoải", nghe âm điệu bình thường, nghe nhẹ nhẹ, nhạt nhạt, còn đọc "hoải hoang" với âm trắc trước âm bằng sau, câu thơ vang lên ấn tượng, nhạc tính cao trào hơn. Với lối đảo từ này, câu thơ thể hiện cái cảm xúc được mãnh liệt hơn, nỗi lòng như cồn cào hơn, như rối bời hơn, nỗi niềm hoang hoải, vì thế, nó ...hoải hoang hơn! Vycam ngắt dòng câu thơ cuối, tạo nên một điểm nhấn đặc biệt để kết bài.
"Quên
Nhớ...
Một bàn tay!"
"Quên", là lòng cố quên, muốn quên, vờ quên, tự dối mình rằng quên, nhưng ... (xuống dòng)... vẫn cứ "Nhớ...". Nhớ gì? "Một bàn tay!" Ồ, thì ra, chỉ nhớ một bàn tay thôi. Hẳn cái bàn tay ấy đặc biệt lắm, vì là bàn tay của một người đặc biệt nè, bàn tay ấy hình như bất kỳ nữ nhi nào cũng phải có một lần xao xuyến để rồi nhớ mãi...
Cảm ơn Vycam, bởi những vần thơ và cảm xúc nhẹ nhàng quá đỗi của nàng, trong một khoảnh khắc đã gột tan ưu phiền trong lòng ta, để nỗi niềm của ta từ đây, nếu có chăng, sẽ chỉ là những phút giây "lặng" nhẹ nhàng như thế mà thôi.