Không phủ nhận việc xuất phát từ ý thức giải quyết những tồn tại trong xã hội, nhưng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành gần đây khiến người dân hoang mang, lo lắng, còn cơ quan chức năng bối rối không biết thực thi như thế nào.
Lộ trình và đối tượng xử phạt khi sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) dỏm một lần nữa cho thấy, cơ quan quản lý chỉ “nắm kẻ trọc đầu”. Chủ trương đội MBH bắt buộc đã thực hiện được 5 năm và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định có đến 70% MBH đang sử dụng là mũ không đạt chuẩn. Nhưng sự bất lực của lực lượng quản lý thị trường lại được giải quyết bằng quy định xử phạt người sử dụng MBH không đạt chất lượng. Nhưng điều trớ trêu ở đây còn là, mặc dù là thông tư liên bộ (Khoa học - Công nghệ, Công thương, Công an và GTVT) nhưng khi được hỏi thì mỗi bộ trình bày một cách. Tóm lại là đến giờ vẫn không rõ, lực lượng xử phạt là lực lượng nào, trong bối cảnh nào và lấy căn cứ gì để phạt. “Ông” giao thông thì nói không có lực lượng nào để xử phạt người đội mũ dỏm cho xuể, công an than phiền làm sao bằng mắt thường phân biệt thật-giả để mà phạt. Trên thực tế có chuyện, cơ quan chức năng bắt được những lô sản phẩm mũ không giấy tờ, nhãn mác, biết chắc là hàng giả đấy, nhưng để tiêu hủy theo quy định cũng phải trải qua một quy trình giám định dài và tốn kém. Nên về mặt hình thức, nếu giao cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường xử phạt tức thì những người đội MBH - gọi là dỏm - sẽ thật là thiếu thuyết phục.
Đành rằng, có thể có những người ý thức kém, coi thường tính mạng, sức khỏe của mình khi cố tình sử dụng mũ không hợp chuẩn nhưng không thể có chuyện 70% mũ đội trên đầu người tham gia giao thông là mũ dỏm mà lại đổ lỗi tại người tiêu dùng. Đấy rõ ràng là khuyết điểm của cơ quan quản lý, không kiểm soát được thị trường và luật pháp muốn nghiêm chỉ có cách bắt đầu giải quyết từ gốc gác ấy.
Câu chuyện xử phạt MBH dỏm cũng khiến lực lượng chức năng bối rối không kém chuyện phạt đi xe không chính chủ. Mặc dù Bộ Công an hướng dẫn, CSGT sẽ không dừng xe chỉ để kiểm tra và xử phạt lỗi “không chính chủ”, nhưng trong khi chờ sửa đổi chính sách (tháo gỡ khó khăn cho việc chuyển quyền sở hữu phương tiện) thì người dân vẫn luôn bị đe dọa về một quyết định phạt, bất cứ khi nào ra đường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ bị mất quyền tự lựa chọn hình thức sở hữu tài sản của mình.
Sự lúng túng của quản lý cho thấy, các quy định này rồi cũng sẽ chung số phận với nhiều quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP trước đây (và sau này là Nghị định 71/2012/NĐ-CP), ban hành để mà ban hành. Chẳng hạn như quy định xử phạt vi phạm luật Giao thông đường bộ đối với người đi bộ, quy định xử phạt người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do cấp tỉnh quy định…
Những chính sách thiếu tính thực tiễn đó chỉ là những ví dụ điển hình trong nhiều chính sách, quy định không khả thi đang tồn tại trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Nó cho thấy, hoạt động phân tích chính sách, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật rất hạn chế. Những quy định ban hành do đó dễ phản tác dụng, gây tâm lý bất ổn trong xã hội.
An Nguyên
Nguồn: báo Thanh Niên