Hôm nay, mời các học viên qua thăm quán thơ "Song thất lục bát" của cụ Ngạo để học về thể thơ này
Khóa học K158 của Học viện Thơ
Học phần 1
Bài 6
Song thất lục bát
Song thất lục bát là thể thơ lai giữa Lục bát và Thất ngôn. Đây là đặc sản của nền thi ca Việt Nam. Thể thơ này không giới hạn số lượng câu, bút lực và thi hứng đến đâu thì viết đến đó. Bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm có tới 483 câu thơ song thất lục bát.
Luật thơ song thất lục bát có sự kết hợp khéo léo giữa luật thơ Lục bát và luật thơ Thất ngôn. Học viên đã học qua 2 thể thơ này rồi nên thầy chỉ nói lướt sơ một chút bằng các ví dụ.
Đây là một bài song thất lục bát của Thiên Di nữ sĩ, các anh chị quan sát những từ in đậm :
(26-11-2010, 05:12 PM)Vũ Thiên Di Đã viết: Dẫu nhân thế lúc mưa lúc nắng
Để cuộc đời có đắng có cay
Anh hùng sống trả nợ vay
Chẳng quen lòn cúi, rủi may sá gì
Những từ in đậm trên đây cho thấy cách gieo vần của song thất lục bát cũng như cách mà thi sĩ dùng để nối lục bát vào thất ngôn.
Có anh chị sẽ hỏi rằng sau đó nếu muốn nối thêm song thất vào sau lục bát thì làm sao, vậy hãy xem bài Vẫn của Thi Tiên dưới đây, lưu ý các từ "đầy" và "gầy" in đậm :
(16-01-2011, 11:53 AM)Ngạo Đã viết: Vẫn
Vẫn vẩy tay ..chào nhau lần cuối..
Vẫn hy vọng.. vẫn nuối duyên xưa..
Buồn vui nhạt nắng ban trưa..
Tỉnh cơn mộng đắng ..cơn mưa phủ đầy..
Vẫn nặng lòng dáng gầy xuôi gió
Vẫn ấp ủ duyên nọ duyên kia..
Chim lồng cá chậu ..thở dài..
Lệ ai đẫm ướt..trang đài hỗn hoang..
NTCS
Đây là một trong các bài thơ khá dở hiếm hoi trong sự nghiệp cao quý của Thi Tiên, có lẽ được viết trước khi ông trở thành tiên. Dù sao cách mà Thi Tiên ghép song thất vào sau lục bát vẫn hoàn toàn chính xác.
Tại sao nói là dở, vì ngay sau đó, ông ghép lệch 2 câu lục bát cuối cùng, khiến cho người đọc có cảm giác ông tùy tiện nhặt đâu đó 2 khúc gỗ, đóng đinh tạm bợ vào rồi bỏ đi. Nhạc tính của bài này rất kém, đọc lên nghe ngang phè. Các học viên hãy thử đọc lại bài trên một lần, sau đó đọc bản chỉnh sửa ngữ âm dưới đây và so sánh cảm nhận nhịp điệu tiết tấu thanh âm. Lưu ý đừng chú tâm vào ngữ nghĩa của các từ đã sửa đổi.
Vân vầy táy chao nhau lần cuối
Vẫn hy vòng vân nuối duyền xưa
Buồn vui nhạt nắng ban trưa
Tình cơn mông đắng cớn mưa phù đầy
Vân nằng lóng dang gây xuội gió
Vân âm ù duyên nọ duyên kia
Có vẻ như Thi Tiên chỉ chăm chăm vào xử lý từng từ, thay vì nguyên cả bài thơ. Học viên cần nhớ, người làm thơ phải nhìn bài thơ như 1 tổng thể toàn vẹn mà trong đó mỗi âm tiết sẽ mang ngữ nghĩa và thanh điệu của nó tác động đến cả bài thơ. Hãy làm thơ như người ta vẽ tranh, phác ra cái khung trước rồi sau đó tô điểm dần các thành phần trong bức họa, thận trọng đi từ tổng thể đến chi tiết. Khi mới tập làm thơ không nên vội vàng hấp tấp, dễ mắc hàng loạt lỗi nhỏ và phá hủy toàn bộ vẻ đẹp của thi phẩm, dẫn đến chán nản vì cảm giác bất lực, không thể hiện được thi ý trong tâm tưởng.
Thi luật là bộ xương, thi ngôn là da thịt, thi hứng là linh hồn, thi âm là tính cách, thi tứ là nhận thức lý tính. Hội đủ các yếu tố ấy thì mới ra thi phẩm hoàn hảo, khiến người đọc bao lần vẫn phải nức nở khen hay. Người làm thơ giỏi không phải là người phá luật giỏi, mà là uyển chuyển, nhu nhuyễn trong xử lý ngôn ngữ và cấu trúc thơ đến mức làm như vô luật. Thành ra, tuy nhìn thoáng qua thì có vẻ không theo luật mà đọc lên vẫn cảm thấy bài thơ có độ vững chãi và sự gắn kết chặt chẽ trong nội tại.
Một bài thơ song thất lục bát có thể bắt đầu bằng cặp thất ngôn hoặc cặp lục bát tùy ý, khi kết thúc cũng vậy, không có quy tắc ràng buộc nào. Lục bát và thất ngôn đan xen nối tiếp nhau, thông thường mỗi lần xuất hiện phải đủ cặp, không hơn không kém 2 câu. Tuy nhiên, dòng cuối cùng thì có thể buông lửng lơ một câu lục hoặc 1 câu thất mà không bị xem là sai luật.
Các học viên có thể tham khảo thêm ở đây :
Luật thơ Song thất lục bát
------------
Bài tập
Vẫn với hai hình ảnh cũ, mời các học viên hãy bình phẩm bằng 2 bài Song thất lục bát, mỗi bài 4 câu :
Hình 1
Hình 2
* Giáo trình dùng một hình ảnh minh họa cho nhiều bài để đánh giá khả năng sáng tạo của học viên và tính linh hoạt trong truyền đạt ý tưởng bên ngoài thể thơ. Các học viên chú ý làm bài tập đầy đủ.