Tôi biết câu đối từ nhỏ. Ngày đó các gia đình dịp Tết đến Xuân về còn treo tranh, dán nhà, vẽ cửa, trồng cây nêu và … mua câu đối. Thế nhưng một số kiến thức về câu đối, tôi cũng chỉ mới cập nhật được cách đây khoảng 2 năm, nghĩa là sau khoảng 20 năm biết đến nó
.
Câu đối – bản thân hai từ ngắn gọn này đã thể hiện đặc trưng thể loại. Đa số đều biết đối phải ít nhất đảm bảo 3 yếu tố là: đối từ (loại) – đối thanh – đối ý.
Cái này chẳng nên nói nhiều, vì nếu người đọc đã quan tâm câu đối hẳn sẽ biết. Người bắt đầu quan tâm (sau khi đọc bài này, he he he) muốn biết chỉ cần sợt Gúc-gồ là ra cả loạt. Nếu lười có thể xem tạm ở đây:
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i
Nhưng có một điều ít người biết, đó là còn phải thêm một cái đối ngầm nữa, tạm gọi là đối hoàn cảnh. Ngoại trừ những hoàn cảnh, tính chất mọi người đều biết (như Tết đến – Xuân về, mừng thọ, chúc phúc…), tất cả câu đối đều được lồng vào trong một hoàn cảnh nhất định. Nói cách khác, nếu không nằm trong hoàn cảnh đó, câu đối sẽ trở nên lạc lõng, mất hoặc giảm đáng kể ý nghĩa.
Ta thử xem một vài ví dụ:
1. Hai anh chàng ngồi nhậu thách nhau đối. Mồi lai rai là chả . Một chàng nhâm nhi rồi buột miệng:
- Chả ngon.
Anh kia hơi cuống, vế ra gồm cả hai nghĩa: Miếng chả ngon và Miếng chả chả ngon. Bất đồ anh nhìn thấy trong góc tường có một con cóc nhảy ra, miệng chóp chép bèn nhanh ý đọc:
- Cóc sướng.
Thế là vế đối hoàn chỉnh đến không ngờ.
2. Câu đối sau được viết cho người đàn bà khóc chồng:
Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ,
Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Đó là vợ người nào?
3. Giai thoại sau đây (có thể gọi là… thần thoại cũng được
) được rất nhiều người biết. Ấy là có đoàn sứ Trung Quốc sang Việt Nam, đang đi đò bỗng dưng sứ nhịn không nổi, trung tiện một cái rõ to giữa trời xanh màu thiên thanh. Thằng chả cũng nhanh trí và ngạo mạn, bèn đọc ngay một câu: “Sấm động Nam bang”. (Mẹ tổ, thằng này láo gớm). Trạng Quỳnh nhận nhiệm vụ chèo thuyền, thấy thế bèn vạch t-rym ra, ồ ồ xuống dòng nước xiết, đầu lướt lại giai điệu “Take me to river” của Uyên Linh Ai-đần, mồm thản nhiên đọc: “Vũ qua Bắc Hải”. Sứ thần tái mặt…
Những câu chuyện tương tự như thế này rất rất và very nhiều, không kể xiết. Nhưng ta xét qua 3 mẩu chuyện trên để thấy cái ý “đối hoàn cảnh” nó ra sao?
Ở ví dụ 1: Vế ra “Chả ngon” liệu có còn đa nghĩa không khi câu chuyện kể cho 2 chàng này nhậu… thịt rừng?
Vế đối “Cóc sướng” mà không có chú cóc thần tài kia liệu có chỉnh, có tự nhiên với vế ra?
Ở ví dụ 2: Đọc câu đối, ta như hình dung ngay ra câu đối khóc chồng này chỉ dành riêng cho vợ một dạng người. Và nó dành cho duy nhất đối tượng này. Nó hay, nó thú vị, nó độc đáo bởi nó tài tình: vừa giãi bày tâm tư, vừa không hề nhắc đến mà ai cũng biết đó là vợ anh thợ nhuộm (có bác nào bảo… vợ họa sỹ nữa thì em cũng đành nín chứ biết sao). Câu đối sẽ mất rất nhiều ý nghĩa, chỉ là chơi chữ một cách đơn thuần (mà còn nhạt nhẽo, vô duyên) khi đó là vợ anh tiều phu chẳng hạn.
Ở ví dụ 3: Sao Quỳnh lại phải “take them to river” trước khi đọc vế đối? Ấy là vì tên sứ thần láo toét kia đã minh họa thực tế cho cái vế ra của hắn. Để đối lại, không chỉ có chữ nghĩa suông, Quỳnh còn phải biểu diễn phụ họa cho cân xứng.
Như vậy, chốt lại ở ý 1 này, tôi muốn nói đến cái “đối hoàn cảnh”. Vế ra dựa trên một hoàn cảnh nào đó, vế đối cũng bắt buộc phải có một hoàn cảnh tương tự. Nếu không, dù đáp ứng được cả ba ý: đối từ - đối thanh – đối ý, câu đối ấy vẫn không được gọi là cân chuẩn.
(Trước đây, để đối câu “Da trắng vỗ bì bạch” của họ Đoàn (câu này cũng dựa trên hoàn cảnh là nàng tắm – chàng đòi vào mới trở nên thú vị), bao nhân sỹ đã loay hoay dù họ Đoàn chắc xương cũng chả còn chứ nói gì đến da mà trắng. Nào là “Trời xanh màu thiên thanh”, “Rừng sâu mưa lâm thâm”… Lại còn “Sen xấu mọc liên tục”, ục ục… Chưa hết, nghe đâu còn có quả cấp 3 được xưng tụng là chuẩn nhất, rằng: “Con thầy bắt sư tử” nữa. Vâng, con cũng xin lạy cả thầy đối lẫn thầy khen).
Câu đối được chia làm vế ra và vế đối. Tùy vào kiến thức, tính cách, hoàn cảnh, tài hoa của người ra mà vế ra trở nên dễ hoặc khó.
Những vế ra thuộc dạng dễ là trong nó không có sự lắt léo, không ẩn chứa “cạm bẫy” ngôn từ , hoặc không che giấu hàm ý sâu xa.
Nhưng nếu vế ra nào cũng dạng “Xuân về trang hoàng phây búc” để ta có thể ung dung “Tết đến dọn dẹp tuýt tơ” thì câu đối đã chẳng được coi là “tinh hoa của tinh hoa”. Giờ, chắc nó đang nằm chơ vơ đâu đó, có khi phải khai thác bauxite may ra mới đào lên được. Bản thân người đặt vế ra cũng có tâm lý chung: câu của mình càng khó càng … khoái. Do vậy mà dẫn đến 2 dạng “khó nhằn” tiếp theo:
Bản thân người ra kết hợp giữa tâm sự, tài năng, trải nghiệm và hoàn cảnh lúc ấy để đặt vế ra. Những câu này thường mang lại cảm giác vừa khâm phục vừa thách thức. Có những vế ra khó, phải có kiến thức sâu rộng, phải tìm tòi, đôi khi nhanh ý mới đối được. Lại có những vế cực khó, để ngỏ vế đối đến hàng trăm năm chưa đối được, thậm chí là không đối được. Vế của họ Đoàn đã nhắc đến ở trên là một ví dụ.
Ngoài ra còn có vế ra thuốc dạng “khoai cả củ, chuối một buồng”. Những câu đối này rất lắt léo, hóc hiểm về ngôn từ. Để đối được thì …may mắn là một yếu tố rất lớn
. Sở dĩ như vậy là bởi người ra vế đối dụng công trong việc đánh đố từ ngữ, sử dụng nhiều nghĩa oái ăm, cầu kỳ, pha trộn các yếu tố ngôn ngữ. Không biết đã có ai đối câu “Cô uống Cô ca Cô la” chưa? Riêng tôi, dạng này không gợi hứng. Chính vì quá chú tâm vào ngôn từ nên nó như một mớ rối rắm loằng ngoằng, không có hồn. Thêm nữa, người ra có thể ra vô thiên lủng, câu nào cũng là câu… đối được chết liền một cách tương đối dễ dàng. Trong khi đó, người đối vừa khó đối, vế đối (và cả cặp) – nếu đối được – thường không tạo ra lý thú và sâu sắc.
Không khuyến khích ai máu đối dạng này, nhưng để minh họa, nhắm mắt ra đại một vế:
Thái Công Công thái thịt công, bõ công bỏ công bắt công.
Như vậy, vế ra trong câu đối phải tự nhiên, kết hợp hài hòa giữa hoàn cảnh thực tế với ngôn từ, cảm xúc. Bằng tài hoa của mình, người ra vế đối chuyển hiện trạng thực tế vào vế ra một cách tinh tế, độc đáo. Đó là một vế ra có hồn.
Tương tự, người đối (vế đối) mà chỉ chăm chăm mặt hình thức sẽ không khác gì “Thần Nông giáo dân dạy ngũ cốc” được đối “Thánh sâu gươm vua gừng tam cò” cả. Hiện tượng này, tiếc là không ít.
Câu đối được chia ra làm nhiều thể loại, trong đó, tôi thích thú nhất đọc các câu đối tự sự (tạm đặt như vậy, he he), vì nó toát ra khí chất, phẩm cách và tài hoa của người cầm bút. Hai câu thơ của Hồ Xuân Hương còn truyền mãi:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Hay câu đối tương truyền của Lê Thánh Tông viết cho người hót phân sau đây:
Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự.
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
(Thân mặc có một tấm áo lại chuyên đảm đương việc khó của thế gian
Tay cầm chỉ 3 tấc kiếm mà thu phục sạch lòng người trong thiên hạ)
Một câu khác:
Tẩy túc trì trung, ba động bán thiên ngưu đẩu
Họa đồ bich thượng, tận thu tứ hải sơn hà.
(Rửa chân dưới ao, sóng động nửa trời bắc đẩu
Treo tranh trên vách, thu sạch bốn biển năm châu)
9.2011 (Phong Ma Quật Mộ của Thi Tiên )