Bài Nói Chuyện Về Một Vài Nổ Lực Cách Tân Thể Lục Bát và Quan Niệm Hoán Vị.
I. CĂN BẢN.
Nhìn lại tiến trình phát triển của ngôn ngữ nhân loại, ta có thể tóm lược như sau:
A. NGÔN NGỮ KHỞI NGUỒN
Thoạt tiên, ngôn ngữ dù của dân tộc nào, cũng đều mang tính Đơn Âm.
Nó là những tiếng kêu, thét thảng thốt, như những phản ứng tự nhiên của con người, bày tỏ sự sợ hãi, kinh ngạc, hốt hoảng trước những biến chuyển đột ngột của thiên nhiên như sấm, sét, mưa, bão, động đất, núi lửa... Nói chung là thiên tai.
Đó là những Thán Từ (Interjection) Đơn Âm, đột ngột phát ra, không do một sắp xếp, chuẩn bị. Nói cách khác, nó không mang một ý nghĩa biểu tính của một loại ngôn ngữ nào hết. Tự thân nó chỉ là những tiếng kêu, thét.
Thí dụ: Ô! Oh! Ôi! Outch! A! Á! Ao!...
B. NGÔN NGỮ BIẾN CHUYỂN: GIAI ĐOẠN I
Vì tính Lưỡng Cực hay hai mặt của đời sống tự nhiên mà, sau này (cũng có thể cùng lúc,) con người cũng xử dụng những Thán tự/ Interjection Đơn Âm kia, để diễn tả nỗi mừng rỡ, hân hoan... nữa.
C. NGÔN NGỮ BIẾN CHUYỂN: GIAI ĐOẠN II
Do nhu cầu chống lại những đe dọa của thiên tai mang đầy tính thần bí, con người tiến từ đời sống đơn độc tới đời sống hợp quần. Họ tụ tập từng thành nhóm nhỏ, trước khi tiến dần tới giai đoạn quần tụ thành Bộ Lạc.
Theo một số nhà nhân chủng học thì ý niệm sống quần tụ của con người thời sơ khai, có thể được gợi ý từ hình ảnh thú vật sống thành bày, đoàn..
Dù sự quần tụ của con người cổ xưa thành hình từ nguyên nhân nào, thì, khi có nhiều người chung sống với nhau, nhu cầu diễn đạt tình cảm thuận/nghịch, phân chia quyền lợi..., đã tự động nẩy sinh.
Khi con người có nhu cầu diễn đạt mới để thích ứng với giai đoạn quần tụ, sự sống của ngôn ngữ cũng đương nhiên sinh nở, phát triển theo.
Từ đó, tùy theo vùng đất (cao, thấp,...,) khí hậu (nóng, lạnh,...,) mức độ tiến hóa của từng nhóm người mà, ngôn ngữ phát triển theo một trong hai khuynh hướng sau đây: Đơn Âm (Monosylabic) hoặc Đa Âm Polysylabic.)
D. NGÔN NGỮ BIẾN CHUYỂN: GIAI ĐOẠN III
1-/ Hình thái sống ï quần tụ nêu trên đưa con người tới chỗ:
a- Có sức mạnh của tập thể.
b- Nhưng tập thể hay bộ lạc không nhất thiết có số lượng người bằng nhau. Có nhóm lớn, nhóm nhỏ. 3- Sự kiện này, tự động hình thành luật: mạnh được; yếu thua. Kết quả:
Nhóm mạnh không chỉ đàn áp, thôn tính và coi nhóm yếu:
- Như một thứ chiến lợi phẩm (người và của cải, gia súc
,
- Ảnh hưởng, chi phối nhóm yếu cả về phương diện tiếng nói nữa.
2-/ Từ đó, với thời gian, ngôn ngữ của nhân loại dần dần quy vào hai gốc chính:
- Dòng ngôn ngữ lấy hình vẽ làm nguồn gốc. Ta gọi là chữ tượng hình (Hieroglyphic Script.)
- Dòng ngôn ngữ lấy mẫu tự La Tinh (Roman Alphabet,) làm chuẩn.
E. NGÔN NGỮ BIẾN CHUYỂN: GIAI ĐOẠN IV.
Khi ngôn ngữ của nhân loại quy về một trong hai mối chính, kể trên, cũng là lúc con người tiến từ giai đoạn bộ lạc hiểu theo nghĩa Du Mục, bước qua giai đoạn định cư. Giai đoạn định cư này, là bước khởi đầu để con người tiến dần tới sự hình thành lãnh thổ, quốc gia.
Để thích ứng với giai đoạn định cư, tiền thân của giai đoạn định hình lãnh thổ, quốc gia, ngôn ngữ của nhân loại cũng tiến dần từ giai đoạn đơn sơ tới phức tạp.
Ngôn ngữ như đời sống, một khi trở nên phong phú, phức tạp thì, tự thân đòi hỏi những luật lệ căn bản, hầu bảo đảm cho sự dễ dàng, chính xác trong nhu cầu diễn tả. Bởi thế, con người phải đặt ra những luật lệ cho ngôn ngữ. Từ đây, chúng ta văn phạm.
(Xin nhấn mạnh, Văn Phạm do con người đặt ra. Nghĩa là con người có thể thay đổi, bổ khuyết, hầu phù hợp với thời đại của mình.)
II. QUAN NIỆM VỀ CHỮ VÀ NGHĨA
A- Trên căn bản: hai vật-tượng (sự vật, hiện tượng) đặt / đứng / ở / cạnh nhau thì, chúng hỗ tương nhau làm thành vật thứ ba, hoặc cho ta liên tưởng tới vật thứ ba.
Thí dụ (1): Cục đá đặt trên một khối đất, cho ta liên tưởng tới một pho tượng.
Thí dụ (2): Những chiếc ghế kê quanh một cái bàn, cho ta liên tưởng tới một gia đình, một bữa cơm; hay những người vắng mặt, Vân vân...
B- (Cũng thế) Hai chữ đặt cạnh nhau, cho ta một nghĩa khác.
Thí dụ: - Quả / Trái cho ta ý niệm hay hình ảnh quả / trái sinh ra bởi cây.
- Nhưng khi ta thêm chữ Cam, hay chữ Mít
sau chữ Quả / Trái, lập tức ta biết ngay, quả cam không phải là trái mít, và ngược lại.
C- (Nhưng) Nếu nhiều hơn hai chữ đặt cạnh hay đi liền với nhau, đương nhiên nó sẽ làm thành một nghĩa khác (hay nhiều nghĩa khác.)
D- (Bây giờ) Ta thử hình dung một xâu, chuỗi nguyên ngữ đi liền nhau, nó sẽ giống một dòng nước, mà:
1-/ Dòng nước (gồm nhiều hạt nước nhỏ) xô đẩy (pushing) nhau chảy theo một hướng nhất định (the specific direction):Hướng thấp, trũng.
2-/ Giọt thứ hai xô đẩy giọt thứ nhất. Giọt thứ ba, xô đẩy giọt thứ hai.... Trình tự này, bất biến.
Nói cách khác, giọt thứ nhất không thể xô đẩy ngược giọt thứ hai. Giọt thứ hai không thể xô đẩy ngược giọt thứ ba. Đơn giản hơn, một dòng nước không thể vừa chảy xuôi, vừa chảy ngược. Dòng nước có thể chảy ngược, nếu có sự tham dự của bàn tay con người. Ta đậy kín nấp bình nước. Dốc ngược bình lên, khoét một lỗ ở đáy bình. Nước sẽ chảy ra. Nhưng rốt cuộc vẫn theo chiều từ cao xuống thấp.
3-/ Những xô đẩy liên tục theo một hướng nhất định tạo thành Sự Chuyển Động (mobility) của một dòng nước. Định luật này, cũng là định luật của một xâu chuỗi ngôn ngữ đi liền nhau.
4-/ Tóm lại:
a- Giọt nước đầu tiên cũng là hướng tiến của cả dòng nước, do sự xô đẩy của giọt nước kế cận, trước nó. Nhưng những giọt nước này, tự thân chúng không thể tách biệt (self separated) nó khỏi giọt trước, và, giọt sau nó để mà, xô đẩy, hay bị xô đẩy. Nó dính liền, trộn lẫn (link, mix.) Nó là một khối nguyên vẹn, bất khả phân (a completed block, which couldn't divide.)
b- Một nhóm chữ cũng vậy. Chữ thứ hai chỉ có thể xô đẩy chữ thứ nhất, theo hướng đi theo một chiều nhất định nào đó. Ta không thể bứt / nhặt / lóc / chúng khỏi cái nguyên khối bất khả phân của chúng.
Ta gọi đó là những mệnh đề độc lập.
c- Tuy nhiên, khác hơn một dòng nước, một nhóm chữ khi được nói ra nó phải phù hợp với nhịp thở của con người. Bởi vì con người không thể vừa thở vào (hít vào) vừa nói ra. Chúng ta chỉ có thể nói cùng lúc với hơi thở ra mà thôi. Bởi thế chúng ta có chữ Nói Ra / Speak Out.
Khi nói một câu nói dài, bao giờ con người cũng cần có những giây ngưng lại để thở, trước khi nói tiếng kế tiếp. Nên trong câu văn, người ta dùng những dấu như: phẩy, chấm phẩy, hai chấm, chấm than, để ngắt nhịp cho câu văn. (Nó cũng tựa như những dấu ngắt, hay dấu lặng trong âm nhạc.) Ở đây, ta không kể tới dấu chấm vì dấu chấm khi được dùng đến, thì câu văn đã đầy đủ ý nghĩa. Như một câu nói đã hoàn tất. Ta gọi một câu văn tự nó đã đủ nghĩa và, chấm dứt bằng dấu chấm là một Mệnh đề độc lập / An Independent sentence.
d- Trường hợp có tới hai mệnh đề độc lập, muốn nối vào nhau, người ta phải dùng tới Liên Tự hay Conjunction. (Liên tự, tất nhiên, cũng còn được dùng để nối liền 2 danh từ, động từ, tĩnh từ, trạng từ,...) Liên tự / Conjunction như chúng ta biết là chữ nối liền hai mệnh đề độc lập, một khi ta không muốn dùng dấu chấm câu. Nó như chiếc cầu nối liền hai bờ sông, ống thông thương cân bằng hai mực nước, vân vân...
III. QUAN NIỆM HOÁN VỊ , TẠI SAO / BỞI ĐÂU/
- Khởi tự căn bản, như tôi đã trình bày ở trên, qua thí dụ của một dòng nước, thủy chung văn chương của nhân loại, tới ngày hôm nay, vẫn còn cho thấy:
1-/ Chữ thứ nhất bị xô đẩy bởi chữ thứ hai, theo một hướng tiến tới nhất định (trước khi rơi xuống do hấp lực của trái đất.) Nó không thể xô đẩy ngược lại. Và, càng không thể vắt ngược lại chữ đầu tiên, cùng như con rắn có thể mang cái đuôi của nó ngược lên đầu, hay ngược lại.
2-/ Giữa các chữ nằm trong một câu nói / câu văn không thể xô đẩy hai chiều / Two way directions.
- Từ ngày nhân loại có chữ viết và, hình thành một nền văn phạm như ta đã biết, trước sau không có một đổi thay nào, dù đã hàng nghìn năm. Trong khi về phương diện vật lý, toán học, bao nhiêu quan niệm cũ đã bị đảo lộn bởi những lý thuyết, định luật mới mẻ. Từ định luật về hình học không gian, toán không gian, qua tới những định luật vật lý mới về vũ trụ. Gần đây nhất là thuyết Quantum / Fragment của Heidenberg, nói về ảnh hưởng giây chuyền, chuyển động qua không gian... Vì thế, tôi chủ trương:
1-/ Ngắt lại nhịp đi (punctuate) của câu thơ / văn.
2-/ Cởi bỏ sự trói buộc, tính một chiều, đi tới của câu thơ / văn, để chúng có thể có được cái tự do chuyển động:
a- Hai chiều.
b- Hoán vị / conversion hay đơn giản hơn, thay đổi vị trí trước đấy vốn cố định (fix) của chúng.
Ở quan niệm thứ hai, quan niệm Hoán Vị / Conversion, còn mang ý nghĩa giúp cho người đọc THỰC SỰ trở thành độc giả thứ hai. Nghĩa là họ có quyền sắp xếp lại câu thơ / văn của chúng ta theo ý họ. Họ không bị đặt trước một bữa ăn đã hoàn tất / a ready meal, hay một ngôi nhà tiền chế mà, họ chỉ có quyền chấp nhận hay từ chối.
A
. CHỦ TRƯƠNG NGẮT LẠI NHỊP ĐI CỦA CÂU THƠ / VĂN VÀ, CÁCH TÂN THỂ LỤC BÁT.
1./ Xử Dụng Các Dấu Có Sẵn, Như Phẩy, Chấm...
Tôi đã áp dụng chủ trương này từ những bài thơ viết năm 1966. Thí dụ bài thơ có nhan đề BÀI CUỐI, 66 đăng trên Tạp chí Văn, năm 1966, ở Saigòn. Bài này, Hai ông Phan Canh và Nguyễn Tấn Long có trích đăng lại (nguyên bài) trong phần Thi Tuyển, của cuốn Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại (Thế Hệ 54-73); Quyển I, Sống Mới xuất bản năm 1974, Saigòn.
Căn bản, tôi chia lại nhịp đi thể lục bát của ta.
Thay vì giữ lại cho nó nhịp: 2 / 2 / 2 (câu sáu - nhịp chẵn.) Và nhịp: 2 /2 /2 /2 (câu tám - nhịp chẵn.) Hoặc nhịp: 3 / 3 (câu sáu - nhịp cân bằng.) Và nhịp: 4 / 4 (câu tám - nhịp cân bằng...) Tôi dùng nhịp lẻ (như nhịp chỏi/ syncope của âm nhạc.)
Thí dụ:
phố cao, gió nổi, bóng mờ (nhịp 2/2/2)
đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi (nhịp 2/2/3/1)
(Đọc thêm Phan Canh & Nguyễn Tấn Long: Thi Nhân Việt Nam Thế Hệ 54-73, Sống Mới, Saigòn. Từ trang 221 tới 284.)
Về mặt nhân sinh quan, tôi chủ trương cắt vụn một câu văn / thơ của mình, vì, tôi nghĩ đời sống hiện tại của chúng ta, đầy bất trắc, xáo trộn. Nó không hề là một dòng sông êm ả chảy như thời tổ tiên của chúng ta xa xưa nữa. Không ai có thể đoan chắc được điều gì sẽ xẩy tới trong đời sống ta, đời sống những người chung quanh ta, ngày tới, giờ tới. Đời sống hiện tại, theo tôi là những mảnh vụn (như những mảnh puzzle vậy.)
Tôi đã bị chống đối rất nhiều, lúc bắt đầu cuộc thử nghiệm vào năm 1966.
Sau đó chỉ ít năm, số người làm thơ Lục bát chia lại nhịp để Lục Bát có nhịp lẻ, nhất là ở những câu 8 chữ, đã gia tăng, mỗi ngày mỗi nhiều. Tuy nhiên, mãi tới năm 1992, tình cờ một người quen cho tôi mượn cuốn Nghĩ Về Thơ của Nguyễn Hưng Quốc, (Văn Nghệ xuất bản, 1991,) nỗ lực cách tân của tôi, lần đầu tiên được công nhận bởi tác giả này.
Bây giờ thì, trong nước cũng như hải ngoại, số lục bát có nhịp lẻ, là chuyện đương nhiên. Không còn ai thấy nó dị dạng, ngu xuẩn hay lập dị nữa.
2./ Chẻ Chữ Để Thêm Nghĩa
- Căn bản ngôn ngữ Việt Nam thuộc loại đơn âm. Nhưng một mặt nào khác, nó cũng mang tính đa âm nhờ có nhiều từ kép. Thí dụ: oang oang, ầm ầm, ồn ào, buồn rầu, đau khổ, v.v...
- Không kể những từ có âm lập lại chính nó / Take after itself, chữ Việt Nam có rất nhiều từ kép. Nếu chúng ta chẻ đôi nó ra, chúng ta sẽ:
a- Thấy rõ hơn ý nghĩa liên tục hay ảnh hưởng hỗ tương về ý nghĩa của hai từ ghép lại đó.
Thí dụ: với Tĩnh từ /Adjective: Đau Khổ, nếu ta chẻ chữ này làm đôi bằng một dấu phẩy, ta sẽ có Đau, Khổ, hay Đau và Khổ.
Từ đó, ta hiểu rõ ý nghĩa giây truyền của tĩnh từ này là:
Bị đau đớn rồi mới đưa tới trạng thái khổ sở.
b- Từ suy nghiệm này, tôi đã chẻ đôi những từ kép của ngôn ngữ Việt.Thử nghiệm này bắt đầu từ đầu năm 1990.
Những bài thơ đầu tiên tôi thử nghiệm cái mà tôi gọi là Chẻ Chữ Để Thêm Nghĩa, đã được gom lại, in trong tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em BướcRa in năm 1993.
Thí dụ:
sương, trần thân mây chia, ly
nhập chung nỗi chết: sầu khô, héo về
(Trích bài Khúc 19 tháng 9, trang 50, Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra.)
Tôi cố tình dùng dấu phẩy / phết giữa hai chữ Chia và Ly, để cho rõ nghĩa rằng: chia đôi xong rồi mới tới ly biệt đôi ngả. Cũng như khô rồi mới héo.
3./ Bỏ âm Trắc bắt buộc nơi chữ thứ 4 của những câu sáu chữ trong thể lúc bát cũ.
Cũng với hai câu thơ thí dụ vừa nêu trên, những người có kinh nghiệm làm thơ Lục bát sẽ nhận thấy ngay rằng tôi đã cố tình bỏ âm trắc bắt buộc nơi chữ thứ 4 của mỗi câu 6 trong thể Lục bát.
Khi bỏ đi âm trắc bắt buộc này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc diễn tả những tâm trạng buồn bã, tuyệt vọng, rời rã... cực độ. Chúng ta cũng dễ dàng có một hình ảnh toàn khối mà, không cần phải giảng giải như ở dạng văn xuôi.
Một thí dụ khác: Nhờ bỏ đi âm trắc bắt buộc ở chữ thứ 4, tôi có thể viết một câu thơ trong bài thơ Tôi Nào, mà, đôi người sau này, thường nhắc nhở. Câu thơ đó là:
tôi Lê. Lê. Lê. Lê nào?
(Trích trong Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà/ Your Scented Garden, My Nostalgia, trang 112.)
Cấu trúc của câu thơ còn cho thấy rất rõ sự khác biệt văn phạm giữa văn xuôi và thơ.
B. QUAN NIỆM VỀ HOÁN VỊ.
1-/ Nhân loại trải qua nhiều nền văn minh khác nhau. Tựu trung người ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau rằng, chúng ta có 4 nền văn minh chính. Văn minh Nông Nghiệp, văn minh Công Nghiệp, văn minh Cơ Khí và, văn minh Điện Toán...
(Xin xem thêm phụ bản /chart 1)
Nền văn minh Điện toán mang lại cho chúng ta một số ký hiệu / symbol mà từ trước chúng ta không có. Một trong những ký hiệu đó là dấu Back Slash (/) Gạch Chéo.
2-/ Muốn cho người đọc hiểu điều ta muốn nói hay, thông cảm hoặc chia xẻ với ta, dĩ nhiên, ta phải dùng một ký hiệu nào đó, để biểu thị điều ta muốn trình bày.
Tôi đã lợi dụng ký hiệu Slash / Gạch Chéo để minh thị cùng người đọc những điều sau đây:
a- Khi một dấu gạch chéo được đặt sau một chữ nào đó, điều ấy, có nghĩa chữ đó có thể di chuyển theo hai chiều thuận nghịch ( Freely two way directions.) Và nó cũng có nghĩa chữ này tuy ở vị trí bị kẹt giữa hai chữ khác, nhưng nó vẫn có nhiệm vụ (hay tự do) xô đẩy chữ đứng trước nó và luôn cả chữ đứng sau nó nữa.
b- Khi một chữ hay nhiều chữ bị đặt giữa hai dấu slash / gạch chéo, điều đó có nghĩa người đọc có thể di chuyển MỘT CHỮ, MỘT NHÓM CHỮ theo bất cứ chiều nào họ muốn. Nói khác đi, người đọc có thể thay đổi vị trí đầu tiên của chữ (hay nhóm chữ) đó, tùy theo ý thích của họ.
c- Thay thế Giới Tự / Preposition Như / As: Căn bản, về phương diện kỹ thuật: văn chương, nghệ thuật được xây dựng trên thể Tỷ giảo (Comparison) và Liên Tưởng (Associate or Connection.)
Nhà văn khi trông thấy (nghĩ tới, nhớ lại) một vật tượng không chỉ thấy như nó là (as is) mà, so sánh, liên tưởng nó với / tới một vật
tượng nào khác. Vì thế mà, nhân loại có cái gọi là văn học nghệ thuật.
Thử nghiệm này tôi bắt đầu từ năm 1992.
Những bài thơ thử nghiệm đầu tiên và kế tiếp, sau đó, được in lại trong cuốn thơ Chấm Dứt Luân Hồi Em Bước Ra / End Of Karma: You Walked Out (Tủ sách Văn Học Nhân Chứng, Calif., 1993.)
Xin đưa một thí dụ mà nhiều người quen thuộc, trích từ cuốn Nhà Văn Nói Chuyện Với Chúng Ta, do Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn tôi, năm 1994.
1-/ Rừng /tôi/ sâu/ thở/ nốt chân trời (nguyên văn.)
Trong câu thơ này, những chữ TÔI, SÂU, THỞ có thể thay đổi vị trí tiên khởi, để có một vị trí khác, mang âm hưởng và ý nghĩa khác, tùy theo suy nghĩ, ý tưởng của mỗi người đọc.
Dưới đây 3 câu thơ khác, của một câu thơ ấy:
2-/ tôi rừng sâu thở nốt chân trời (câu hoán vị thứ nhất.)
3-/ sâu rừng tôi thở nốt chân trời (câu hoán vị thứ hai.)
4-/ thở nốt chân trời rừng tôi sâu (câu hoán vị thứ ba.)
(Nguyên bài thơ này, đăng lại trong tập Chấm Dứt Luân Hồi Em Bước Ra.)
Về mặt nhân sinh, tôi quan niệm, đời sống của chúng ta hiện nay là những mảnh puzzle. Mọi người ai cũng có quyền sắp xếp lại những mảnh vụn đó, theo ý mình. Thậm chí, có thể làm cho nó vụn, nát hơn, cũng được.
C. HAI CÁCH HOÁN VỊ KHÁC NHAU.
1-/ Cách Thứ Nhất: Như tôi vừa trình bày ở trên. Hoán vị / Conversion, dựa trên sự đổi chỗ (replace position) của từng con chữ hay một nhóm chữ.
2-/ Cách Thứ Hai: Hoán đổi vị trí của Chủ thể (Subject) ngắm nhìn Khách Thể (Object.)
3-/ Quan Niệm: Văn học nghệ thuật của nhân loại (nói chung cho tất cả mọi bộ môn, từ văn chương tới hội họa, điêu khắc, âm nhạc...) từ nghìn xưa tới nay, xây dựng trên:
Chủ thể: quan sát / cảm nhận / suy luận / liên tưởng / rồi đi tới kết luận chủ quan về những gì chúng ta thâu nhận được bằng ngũ quan và bằng trí não.
Cách khác, chúng ta quan sát, cảm nhận, đánh giá, liên tưởng về vật, tượng rồi sau đó, chúng ta cho nó một kết luận của chúng ta về nó.
Thí dụ: Buổi chiều buồn vì có mưa hiu hắt.
Ta (Chủ thể / Subject) quan sát (khách thể / Object) buổi chiều và mưa. Sau đó, ta viết xuống (nói ra) - tức chúng ta gán ghép cho buổi chiều thì...buồn; và mưa thì hiu hắt.
Một người khác cũng đứng trước một vật / tượng như vậy, có thể gắn cho vật / tượng này cái ghi nhận chủ quan của riêng mình:
Thí dụ: Buổi chiều vì có mưa réo rắc.
Vấn đề với tôi, không phải là trả lại sự vật tính khách quan / objective reality căn bản của nó, như phong trào văn chương mới / The New Romance (khởi đầu ở Âu châu đầu thập niên 50,) trong quá khứ xa, đã đòi hỏi mà, tôi muốn hoán vị / converse vị trí của SUBJECT thành OBJECT và OBJECT thành SUBJECT.
(Xin coi thêm phụ bản / chart 2.)
Tôi đã thử nghiệm cách Hoán Vị Hai này, qua một số bài thơ, in trong tập: Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà / Your Scented Garden, My Nostalgia. Tủ Sách Văn Học Nhân Chứng, Calif., 1996.) Rõ nhất như bài: Hoán Vị, viết năm 1994:
tình yêu / đường xá / ghế, bàn /ngọn đèn /đêm tối:
hát cho tôi nghe
bởi chúng thấy tôi
vật lãng quên, lớn nhất.
(sdd, trang 83.)
Hay các bài Phác Họa 95/2, Phác Họa 95/3, viết hồi tháng 2 và tháng 3 năm 1995:
tại sao cứ phải vì ai /cho ai/
khi vạn vật vốn một
khi chúng cũng có thể nhìn/ nói/ về ta
hệt như
ta nói hoài hủy (mấy nghìn năm)
về cây cỏ /thiên nhiên/ đồng loại
nhưng chúng im lặng...
(sdd, phác Họa 95/2, trang 132.)
Những nỗ lực cách tân thể Lục bát cũng như việc xử dụng thêm một dấu mới của tôi, được Nhà văn Bùi Bảo Trúc nhìn thấy, khuyến khích sớm nhất, trong những phát biểu, bài viết của ông.
Tôi vẫn nghĩ, Văn học và Nghệ thuật vốn không phân biệt mầu da, tiếng nói, lãnh thổ, biên cương; nó là một thứ tài sản chung (The Common Mankind Heritage) của nhân loại. Vì, mục đích tối hậu của Văn Học Nghệ Thuật Là mang cái đẹp, cái mới đến cho mọi người. Nhờ đó, nhân phẩm của con người được nâng lên cao hơn; khiến cho sự khác biệt giữa con người và thú vật ngày một thêm cách biệt.
Trong tinh thần ấy, tôi trân trọng kêu gọi mọi người, bất cứ ai, đã, đang, sẽ trằn trọc, thao thức với nhu cầu cách tân văn học nghệ thuật hãy tiếp tay tôi, bổ khuyết, hoàn chỉnh công việc khó khăn này. Cá nhân, tôi xin tình nguyện làm vật thử nghiệm, trong bước đầu của những đổi mới ấy.
(Bài nói chuyện tại Đại học UCLA ngày 25 tháng 5, 1996, và tại Đại học UCI ngày 26 tháng 11, 1997 )
Du Tử Lê