HVN cuộc đời và huyền thoại
lanhdien > 04-11-2012, 12:46 PM
HVN cuộc đời và huyền thoại
Mỗi khi nhắc đến Thi Ẩm Lầu người ta thường nghĩ đến Đê Tiện Hội. Thật sự là thế, ngoài món ăn tinh thần là thơ ca ra, các tiện sĩ ở đây luôn khai thác và xây dựng tối ưu hình ảnh đê tiện với mức có thể. Sẽ không ngoa khi nói rằng một khi ai đó mới lần đầu tiên bước chân vào Thi Ẩm Trấn sẽ có cảm giác như mình lọt vào một mê cung hay một hang ổ nào đó...mà tiện khí bốc lên ngùn ngụt, như muốn ăn tươi nuốt sống mình. Thật là điều đáng sợ cho những tâm hồn nhạy cảm mong manh...
Một hình ảnh được ví von cụ thể và gần gũi nhất đó chính là Đê Tiện Hội không khác gì Ác Nhân Cốc đến từ trong tiểu thuyết võ hiệp Cổ Long. Ai đã từng coi cuốn Giang Hồ Thập Ác hẳn sẽ thấy Ác Nhân Cốc với những huyền thoại được thêu dệt đã khiến bao khách giang hồ phải e dè kinh sợ. Họ được cho là thành phần bá đạo với bao điều tiếng thị phi. Nhưng từ khi có sự xuất hiện của Yến Nam Thiên thì Ác Nhân Cốc dần dần hé mở ra nhiều vấn đề thú vị...
Sở dĩ tôi dài dòng như vậy là bởi vì tôi muốn nói đến một người rất đặc biệt. Người đó ngoài khả năng thơ phú bẩm sinh còn là một bậc thầy về đá đểu, đá xoáy. Khả năng đê tiện vô biên, trùng trùng điệp điệp...thật sự không có bút lực nào tả hết.
Khách ngoài nhìn vô Thi Ẩm Lầu thường nghĩ ngay đến Ngũ Đại Thi Nhơn. Họ được ví von và thần tượng hóa lên đến mức thần thông quảng đại, từ biên dịch cho đến nói lái, nói nhảm, bói toán... đều đạt ở mức độ khôn lường. Nhưng như thế cũng chỉ là những nhận định sơ sài và hời hợt. Để thấy sâu hơn và hùng vĩ hơn thì phải nhắc đến con người này, người có thể một tay xoay chuyển càn khôn, từng lời nói, từng nụ cười của y tiềm ẩn một mối đe dọa chết người, rất thâm trầm và bí hiểm đó là lớp vỏ bọc mà y cố tình tạo ra khiến những người xung quanh đều có cảm giác mơ hồ...
Vậy y là ai?
Vâng! Đó chính là Ngọc Tiêu Thần Thám HVN
Xuất thân từ con gia đình gia giáo, nhà mặt phố, bố làm quan to. Từ nhỏ đã thông thạo Thơ văn nhạc cụ, năm 8 tuổi đã biết bốc quẻ coi kinh (dịch) cho mấy bà hàng xóm. Năm 12 tuổi đã biết viết thơ tình cưa cẩm bé em hàng xóm, đến năm 14 tuổi đã phát triển tột bậc độ tuổi dậy thì, bằng chứng là lông đã mọc đầy và đen lên trên tay và chân. Sang năm 16 tuổi thì đi sứ sang Tàu, sống ở đó để giao lưu và hợp tác với nước bạn trong bốn năm liền. Năm 20 tuổi về nước và lúc này thành tựu rất lớn, đã có râu và lông mi dài thêm 2 phân nữa. Năm 24 tuổi bước vào Thi Ẩm Trấn và bắt đầu xôn xao cả lầu thơ lúc bấy giờ cho đến nay.
Được ví von như Đông Tà nên trên tay y lúc nào cũng kè kè một ống sáo. Y có tài thổi tiêu rất điêu luyện và thành thục. Tôi nhớ có một lần công chúa xứ Phù Tang có nhã ý mời y qua giao lưu về thơ phú. Ngay trong lần gặp mặt đầu tiên y đã thổi cho cô này nghe dập dìu lên sàng xuống nia sau đó còn đề thơ trên vách theo thể Haiku có nội dung tả về sự việc ấy như sau:
em cô gái Phù Tang
anh thổi tiêu giỏi
nên phang bốn lần
Đại loại là khi dịch ra Tiếng Việt nó có ngụ ý như thế. Không biết bên trong nó cao siêu bao nhưng công chúa coi chừng cũng thích thú. Khi chia tay ra về còn tặng cho y tấm khăn lụa trắng có thêu 1 con bướm như dấu môi son đỏ chót dưới góc.
Ngoài khả năng cầm kỳ thi họa ra y còn sở hữu một yếu tố đó là Tiện Khí, mỗi khi y phát khí thì tầm ảnh hưởng của khí tiện ảnh hưởng ra ngoài chu vi 50 dặm.
Trong một lần trà dư tửu hậu dưới ánh trăng, bất chợt y có nói với tôi rằng:
Bậc đại tiện khác tiểu tiện ở chỗ là
Đại tiện thì lúc nào cũng kết tụ được tinh hoa của mình thành một khối, riêng tiểu tiện thì với hình thức đó nhưng thành quả thì chỉ là nhỏ giọt, cho dù cố lắm thì cũng chỉ như dòng suối nhỏ chảy về đại dương hay như mưa rơi xuống đất. Thấy đó rồi biến mất không giống như đại tiện một khi đã thành cục thì nó lan tỏa dần ra khiến cho thiên hạ phải lác mắt nhìn.
Vâng! Quả thật là chí lý khi nghe được lời vàng ý ngọc của y.
Còn nhớ khi người Thi Ẩm Trấn tung hô Ngũ Đại Thi Nhơn thì y chỉ đứng một góc mà nhìn họ cười tủm tỉm. Nào ai biết chính y là người khai phá và đưa họ lên chứ. Trong cuộc chiến sinh tử với lão Phều, với bàn tay y nhào nặn và giúp sức Tứ đại thi nhơn lúc bấy giờ mới chiến thắng nổi trận đó. Từ y mà lần lượt những cái tên như Thánh, Bá, Vương, Tiên lần lượt ra đời. Sau này Chú Cương trong một đêm cao hứng đã sừng sững đứng lên ngang nhiên bước thẳng vào hàng ngũ Ngũ Đại. Nhưng chuyện đó tôi xin kể vào dịp khác.
Nếu như bọn Ngũ Đại Thi Nhơn chuyên về bùa ngãi và thuốc kích thích để tạo nét riêng của mình thì với y thiên về sự dụ hoặc. Y có biệt tài nói ngon, nói ngọt nên dụ dỗ người ta nghe theo mình một cách dễ dàng. Chữ dụ đối với y có ý nghĩa rất lớn nên y trịnh trọng chứ không dùng đại được. Có thể khẳng định rằng y chính là người khai sinh ra Ngũ Đại Thi Nhơn.
Còn nhớ những năm giao - hợp (tên viết tắt của từ giao lưu và hợp tác) trên đất Trung Hoa, có lần y đặt chân đến đất Tây Tạng và trò chuyện với một vị Lạt Ma, không biết cuộc đàm thoại đó diễn ra như thế nào? Chỉ biết từ đó về sau y không bao giờ dùng đến các món ăn theo kiểu xào nấu, cho dù là xào khô hay xào ướt y đều ngán ngẫm. Y chỉ thích ăn lạc (tức là các món ăn chỉ đơn giản là luộc chín không dầu mỡ) và dùng với vài cộng hành là đủ.
Năm 2011 phái đoàn Đê Tiện Hội cập cảng Sông Hàn và ở đó 1 tuần để tham quan và giao lưu với các đại tiện xứ Quảng trong đó có y. Trong một buổi tiệc chia tay, để sử dụng món lẩu mọi người nhờ y đi mua giùm ít cồn lỏng để đun bếp ( vì nếu sử dụng bếp lò bằng tôn thì phải đun dầu hỏa khiến món ăn không còn ngon nữa), y nhanh nhẹn đi mua nhưng kết quả là trở về tay không trong một thời gian khá lâu. Mọi người tỏ ra thất vọng. Nhưng tôi biết nào có ai hiểu cho y bởi nếu nhờ mua cồn đặc thì y còn biết địa điểm, chứ cồn lỏng thì y chịu chết, bởi người dân xứ đó không quen xài loại dung dịch đó.
Ngoài ra y có tài dỗ ngọt người ta rất hay. Tôi còn nhớ có một giai đoạn cao trào ở Thi Ẩm Lầu lúc đó. Đó cũng là thời điểm hoàng kim của Thi Ẩm Lầu. Tài tử giai nhân kéo về đây dập dìu ngày đêm, lúc đó có một tài nữ rất nổi tiếng là Vô Hình Hiệp Nữ. Trong một lần đấu khẩu với y vì bất đồng một số quan điểm, người tài nữ kia đang trong giai đoạn hưng phấn và căng cứng nên thừa thắng xông lên diệu võ dương oai trước quần hùng. Bằng một thủ thuật rất tinh vi nơi đầu môi chót lưỡi, y đã nhẹ nhàng kiềm hãm sự hưng phấn của cô ta lại và khiến cô ta phải khuất phục như chú mèo ngoan trước mặt khách giang hồ thập phương. Sau này Tà Cái có thơ tặng rằng:
Vô hình nữ hiệp nhẹ lời
Hờ linh lan cũng là người mềm môi
Tôi mường tượng rằng bất kỳ ai mà được y dỗ ngọt chắc hẳn thích thú lắm.
Quả thật cuộc đời bôn tẩu giang hồ của y từ khi lò dò vào Thi Ẩm Trấn rất nhiều điều thú vị và mang tính chất huyền thoại. Người ta không thể thống kê được số lần y ón - lầy (online) là bao nhiêu nên vì thế mà bí hiểm chăng? Người ta chỉ biết một khi y đã xuất hiện thì nơi ấy đang xảy ra hoặc sắp sửa xảy ra một điều gì đó ghê gớm lắm.
Cho nên khi muốn nhìn nhận hay đánh giá Đê Tiện Hội hoặc Ngũ Đại Thi Nhơn mà không nhắc đến y quả là một thiếu sót rất lớn. Với y chúng ta nên đặt ở nơi cao nhất, vượt qua tầm Ngũ Đại thì mới xứng đáng và phải nên xướng danh y là : Thiên Hạ Đệ Nhất Đê Tiện Bốn Lần Ngũ Đại Thi Nhơn Trùm Lái Gió Đại Hiệp thì mới xứng đáng.
Đê Tiện Cốc
Ngày tháng năm sau công nguyên.
(Lược trích từ : Đê Tiện Biên Niên Khảo Giám Tạp Lục từ thời báo Lá Chuối)