Tuổi thơ tôi có rất nhiều điều mà nay đã xoá dần theo năm tháng. Có nhiều lý do để nó biến mất, con người sáng tạo ra rất nhiều thứ từ khi có điện, và càng biến mất nhanh hơn từ khi có máy vi tính. Một trong những thứ mà trong xã hội hiện đại tôi không còn tìm thấy là cái cần " dọt" nước, công cụ dùng lấy nước sinh hoạt từ giếng cho gia đình tôi một quãng thời gian dài cho tới khi bị bơm và nước máy thay thế.
Thật ra chính tả tôi không biết chính xác là "cần Vọt", "Cần Giọt" hay "cần dọt", tôi chả muốn tra google về từ đó, vì dù nó thế nào thì quê tôi vẫn phát âm là cần dọt. Với tôi, chữ viết chính tả chỉ là biểu hiện của ngôn ngữ nói, và sai chính tả chẳng qua là chữ viết chưa đủ tầm, chưa đủ khả năng thể hiện hết ngôn ngữ nói mà thôi.
Viết đến đây tự nhiên tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó, loài người sẽ mở rộng thêm bảng mã Unicode hiện tại thành EveCode. Ý của tôi Eve trong chữ every things, có nghĩa là mọi thứ (vật thể và phi vật thể) à không phải Uni có nghĩa là Vũ trụ, vạn vật như hiện tại. Khi đó ngôn ngữ số có khả năng biểu đạt được mọi loại ngôn ngữ loài chim thú cá....
Quay lại chủ đề cái cần "dọt" (mà đúng chính tả có thể là cần vọt, tôi không chắc và một lần nữa vẫn dùng từ cần dọt nhé), nó là một công cụ lấy nước từ giếng với 5 phụ kiện chính :
- Một cây cột gỗ trong cỡ DN200 (219mm) cao 5m, đóng vai trò chịu đòn bẩy,.
- Một cây tre cái dài tầm 6m, loại tre cái to cỡ ống DN100 (110mm),
-Cột cây tre tầm vông tầm 5m
- Một khối sắt tầm 10kg
- 1 cái gàu có thể chứa tầm 8 lít nước
Cây tre cái một đầu buộc vào cây tre tầm vông, một đầu buộc vào khối thép, và gác lên cây cột sao tỷ lệ tầm 4/2.
Cây tre tầm vông đầu kia buộc vào cái gàu.
Trông cái cần vọt nước nó như thế này:
Nguyên lý hoạt động là ta cầm cái thanh tre tầm vông buộc gàu, kéo xuống giếng, khối sắt được nâng lên theo nguyên lý đòn bẩy nên kéo nhẹ nhàng lắm, nâng khối sắt sau thanh tre cái lên, khi nước đầy gàu thì kéo lên, cũng nhẹ nhàng như khi kéo xuống, Nhẹ nhàng như cách ta bập bênh vậy, đứa trẻ tầm 6-7 tuối như tôi hồi đó có thể nâng 1 khối nước bằng trọng lượng của mình.
Đấy, cây cần dọt nước nhà tôi nó như thế. Nhưng liên quan đếch gì con ong Bầu.
Chuyện là thế này- ong Bầu - nghe cái tên là biết ong Cái rồi, (thật ra tôi chớ hề biết giới tính của nó, và tương tự, tôi chả muốn tra google, lổ hổng kiến thức đủ lớn rồi, bộ nhớ ngập rồi, nhét cái này vô thì phải xoá cái kia ra, nên những kiến thức "cho vui" thì biết vậy thôi, đừng cố nhồi vào đầu làm gì), nó là một loài ong khá đặc biệt, bởi vì tới nay tôi chỉ biết đến nó là một loài ong duy nhất đóng vai Single Mom (bầu bì gì mà tự làm hết, từ kiếm mồi đến làm tổ đến ...đốt người ta), không đi thành đàn, đi về một mình thôi. Nhà của nó đóng ở một vị trí khá đặc biệt, đó là cây tre tầm vông khô, mà vị trí ưa thích nhất của ẻm là trên cây tre tầm vông mà nhà tôi làm "cần dọt nước".
Lỡ may khi kéo nước mà cầm trúng cái lỗ ra vào tổ của ẻm thì ẻm chích cho 1 phát. Nhức ....óc luôn chứ không phải tới nách thôi đâu.
Mỗi khi bị ong cắn, thì tôi hay đi sang nhà cô tôi xin vôi ăn trầu bôi lên. Tôi chả biết có khỏi không nhưng nghe nói là sẽ đỡ đau. (Cái này cũng lười tìm hiểu nốt).
Và Vôi ăn trầu từ khi cô tôi mất đến nay tôi không còn biết xin ở đâu nữa, có lẽ nó là món thứ 2 biến mất khỏi cuộc sống tôi từ khi về với loài người hiện đại.