Khúc Thụy Du
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
Năm 1968 bài thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê như một phúc âm buồn quạnh quẽ trôi trên thân xác con người trong cuộc chiến. Nơi mà những mất mát đau thương đã dằn xé con người ra thành trăm mảnh. Nhắc đến chiến tranh chắc hẳn những người đã từng đi qua chiến tranh mới cảm nhận đầy đủ những dư vị của nó. Tôi thât sự chẳng biết chiến tranh. Bởi lẽ rất đơn giản là tôi sinh sau đẻ muộn. Chỉ qua sách báo, tài liệu và lời kể…Nên đối với cái sự chết chóc của chiến tranh, tôi chẳng có chút nào ám ảnh như lớp người đi trước. Lớp người đã đứng trên bờ tử sinh, của chuyển giao lịch sử.
Nhưng trong tôi lại ám ảnh Khúc Thụy Du! Khi bắt đầu nghe ca khúc này của nhạc sĩ Anh Bằng
Một Khúc Thụy Du của thơ và nhạc. Hay nói cách khác là một của
“Thụy ơi và thụy ơi”và một của
“Thụy ơi và tình ơi”
Cái điểm chung mà tôi hằng thích thú và tò mò là cái tựa đề mang tên Khúc Thụy Du, và hơn nữa là “Thụy”. Thụy của lời kêu gần như tuyệt vọng:
“Thụy bây giờ về đâu”.
Theo như từ điển Hán Việt thì Khúc Thụy Du tạm hiểu là?
- 瑞 thụy: điềm lành, tin tốt
- 睡 thụy: chỉ về giấc ngủ. Nguyễn Du có viết: Sơn ổ hà gia đại tham thụy, Nhật cao do tự yểm sài môn và được Quách Tấn dịch Nhà ai góc núi sao ham giấc, Nắng gội hiên chưa mở cánh bồng.
- 諡 thụy: Dành cho người chết.Tên hèm. Lúc người sắp chết, người khác đem tính hạnh sự tích của người sắp chết ấy so sánh rồi đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy. Ta gọi là tên cúng cơm.
Khúc Thụy Du theo cách diễn giải của Du Tử Lê chỉ là một cách lồng ghép tên của ông và người tình sinh viên Dược trong lúc lúng túng tìm cái tiêu đề cho bài thơ. Và hơn hết là bài thơ viết về chiến tranh, tình yêu trong bài thơ chỉ là một phần nhỏ.
Người ta hay tranh cãi về điều này. Nhưng tôi nghĩ tranh cãi nhau làm gì. Trong khi Du Tử Lê đã xác tín bài thơ của ông một cách rõ ràng.
Rất mâu thuẫn khi nói về điều đó, bởi bản thân Khúc Thụy Du vốn là một bài thơ được phổ nhạc.
Nhưng cũng chính vì điều đó mà tôi càng tò mò và cuốn hút Khúc Thụy Du hơn. Đã bao lần tôi trắc nghiệm lại nội tâm của mình khi bắt đầu nghe bài hát hoặc khi đọc bài thơ. Thú thật giữa thơ và nhạc trong Khúc Thụy Du theo cảm nhận của tôi nó hoàn toàn khác nhau.
Nếu như Thụy trong Du Tử Lê thiên về sự chết chóc như một tiếng kêu tuyệt lộ thì Thụy trong Anh Bằng là một giấc mộng nửa hư nửa thực,vừa ma quái vừa liêu trai.
Có một Khúc Thụy Du trằn mình vì bom đạn cày xới, điếng tê với chiến cuộc hoang tàn và một sự chết chóc
Lại có một Khúc Thụy Du da diết với giấc mộng trăm năm…đứng lưng chừng giữa mê và thực.
Tôi cũng mê đắm Khúc Thụy Du của Anh Bằng . Bởi đơn giản nó là một bản tình ca. Một bản nhạc thiên về tình yêu, và cũng một phần tôi không hiểu hết về chiến tranh. Nên chăng tôi dễ rung cảm với những giai điệu, ca từ da diết và khắc khoải của bản tình ca hơn là bài thơ gốc
Trong một bài thơ mà chuỗi dài là sự chết chóc. Tình yêu chỉ là một chút ít gì đó lóe lên, nhưng tất mãnh liệt dưới ngòi bút của Du Tử Lê như câu này:” hãy cho anh được ôm/ em, ngang bằng sự chết”. Tôi cảm nhận giá trị đích thực của tình yêu. Nó có một cái gì đó rất là ghê gớm, có thể đánh đổi được mọi thứ. Điều này có thể lý giải được bởi trong tình yêu đích thực thì mọi thứ đều có thể. Du Tử Lê đã khắc họa riêng cho mình một tình yêu bằng cả sinh mệnh.
Và bạn nghĩ gì khi nghe những ca từ này:
Anh là chim bói cá
Em là ánh trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa
Rõ ràng là sự day dứt đến gần như tuyệt vọng . Tuyệt vọng của tình yêu chứ không phải là nỗi tuyệt vọng của chiến tranh. Một biến thiên tình cảm đan xen giữa hư và thực. Cái mộng ảo mơ hồ lấn át người nghe. Đau xót và bàng hoàng, gần gũi và chia xa…Những cảm xúc nội tâm cứ dồn dập và thôi thúc người nghe như là câu hát :
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao ta yêu nhau
……………………...........
Vì sao và vì sao?
Bất chợt trào dâng lúc nào không hay để buột miệng tự hỏi;
Thụy bây giờ về đâu?
Sau mấy chục năm từ ngày bài thơ và bản nhạc ra đời. Chắc hẳn không ít người thầm hỏi như vậy khi nghe Khúc Thụy Du.
Thụy đã về đâu qua một chặng thương điền tang hải?
Tôi tạm xếp hai trường hợp và hai lối đi cho Thụy.
Có thể diễn giải rằng Thụy của ngày xưa và Thụy của ngày nay.
Thụy của lớp người đi trước và lớp người kế thừa.
Thụy của chiến tranh và Thụy của tình yêu
Thụy của sự chết và Thụy của lẽ sống
Cùng là một cái tên chung nhưng rõ ràng là có hai Thụy khác biệt.
Khi người ta còn cố níu kéo, còn có những ray rức, trăn trở của thời cuộc. Thì Thụy của họ phải là Thụy của Du Tử Lê.
Nhưng khi nói đến tình yêu về giấc mơ chưa đến được thì người ta nhớ đến Thụy của Anh Bằng.
Giữa hai luồng suy nghĩ đó thì từ khi ra đời Thụy đã chết!
Tôi không hề điêu ngoa chút nào khi tuyên bố như vậy. Thụy trong thơ đã chết nơi hòn đạn mũi tên, chết từ lúc biến cố lịch sử. Chết từ khi được chuyển tải thành những giai điệu du dương
Lý do chết rất đơn giản: Bởi vì chết để được giải thoát, để hồi sinh.
Khi nói đến sự mất mát, đau thương thời cuộc là chúng ta bắt đầu hướng đến một tương lai khác, một sự xây dựng và tái thiết. Chứ chẳng thể nào ôm cái quá khứ kia mà tiếc nuối, bi lụy. Cho nên Thụy đã chết
Nhưng đối diện với tình yêu người ta lại có sự hồi tưởng, những mất mát, những thứ chưa với được khiến con người dằn xé và muốn kêu gào lên cho thỏa sức. Muốn giằng co níu kéo…phải chăng vì vậy mà Thụy đã hồi sinh.
Khúc Thụy Du cho dù đứng ở lãnh vực nào dù thơ hay nhạc đều có giá trị cửa riêng nó. Bản thân cái tên gọi của nó đã mơ hồ, không phân định cho dù Du Tử Lê đã xác tín đến trăm lần người ta vẫn không thỏa mãn.
Cái hư hư, thực thực của nó như một thỏi nam châm cuốn hút người nghe lại. Nơi đó, con người mặc nhiên tưởng tượng, mặc nhiên ca ngợi say sưa, thỏa thích. Nơi đó người ta có thể sống lại phút giây riêng tư của mình, dẫu đau khổ hay được hạnh phúc thì nơi đó vẫn là nơi tự do nhất. Một cái thú, một niềm phấn khích dù rằng vừa thống khoái vừa bi ai.
Cái gì càng mơ hồ và khó lý giải thì bản thân nó có sức cuốn hút mãnh liệt, nó có thể trường tồn theo năm tháng. Nó bay qua cuộc đời này để người ta hiếu kỳ khám phá.
Phải chăng chính câu hỏi “
Thụy bây giờ về đâu?” như là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn cho những ai còn tiếc nuối, hoài vọng về tình yêu có dịp được nở hoa kết trái. Để lắng nghe nội tâm mình phát tiết dữ dội và những câu hỏi cứ đang xen lẫn nhau như một vết cắt ngọt ngào vừa xước qua cuộc đời này.
Và Thụy đã và đang về với những ai còn biết khắc khoải , lắng đọng với lòng mình, với cuộc đời mình nhưng vẫn hơn hết là với Tình Yêu đang còn dang dở.
Cảm ơn Anh Bằng khi ông đã chọn lọc những lời trong bài thơ Khúc Thụy Du và thổi vào đó một làn hơi khác, từng giai điệu rơi xuống một cách nhẹ nhàng trong tâm khảm người nghe một cách huyễn hoặc, mê hồn.
Và hơn ai hết, chính Du Tử Lê cũng thừa nhận điều này khi nói ra
“Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…
Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông… “
Một khi ông cảm nhận được cái lý của Anh Bằng cũng chính là lúc chúng ta cũng đã hiểu Thụy đã về đâu.
http://youtu.be/3xeGncBG4aQ