Giới thiệu "Hô Hát Bài Chòi" tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam
Hồ Yên Dung > 24-09-2012, 09:28 PM
Thứ tư, 18 Tháng 4 2012 09:16
Nhằm sưu tầm, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam trong sinh hoạt văn hóa, Trung tâm VHTT thành phố Tam Kỳ đã sưu tầm những làn điệu dân ca bài chòi của các tác giả Nguyễn Kiểm, Nguyễn Đốc, Trần Hồng, Đinh Thị Hải, Trịnh Văn Kỳ phổ biến rộng rãi đến các xã, phường thuộc thành phố để phục vụ các lễ hội của địa phương, phong trào VH-VN cơ sở, các tour du lịch.v.v.. Trung tâm VHTT thành phố Tam Kỳ xin trân trọng giới thiệu đôi nét về Hô hát bài chòi và trích dẫn nội dung câu hô hát bài chòi, về thể thức cuộc chơi, cách tổ chức và những làn điệu dân ca bài chòi để phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân tham khảo cũng như tổ chức vui chơi hô hát bài chòi.
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
Bài chòi là một loại hình dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Trung bộ từ những năm trước Cách mạng tháng Tám (1945), về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch vào những năm 30 của thế kỷ 20. Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, khắp miền quê, hội bài chòi được tổ chức trong khoảng thời gian dựng nêu (từ 30 tháng chạp đến mồng 7 Tết). Đôi khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng giêng âm lịch (từ Tết Nguyên Đán đến Tết Thượng Nguyên).
Hô Bài Chòi là một bộ môn văn hóa dân gian lâu đời, phát triển và dính liền cùng với những thăng trầm của lịch sử. Người dân miền Trung bắt đầu từ Quảng Bình, đi dần vào miền sông Hương núi Ngự kéo dài mãi tận Phan Thiết. Đi đến đâu loại hình văn hóa này đều được công chúng hồn nhiên tham gia và được nâng cao qua tài năng ứng đối của nhiều đời nghệ nhân qua vai trò của anh Hiệu (người hô bài hát). Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính từ trò chơi bài chòi mà ca kịch bài chòi ra đời. Đầu tiên các nghệ nhân ngồi trên chiếu trải dưới đất còn người nghe đứng xung quanh, nhưng về sau các nghệ nhân ngồi trên một giàn gỗ dựng cao (nên người trong giới thường nói rằng bài chòi đã từ đất lên giàn “Bài bản và làn điệu của ca kịch bài chòi gồm: các điệu hát ru, điệu lý thương nhau, lý tang tình, khoan hỡi hò khoan (Quảng Nam - Đà Nẵng), nói lía, chèo thuyền (Quảng Trị), hò mái nhì (Thừa Thiên). Lời hát là những bài thơ bốn chữ theo điệu vè và nhiều nhất là thơ lục bát, không có nét nhạc cố định mà tùy theo thanh giọng của câu thơ. Có ba điệu chánh là Xuân Nữ, Nam Xuân (hay cổ bản, gần hơi bắc của nhạc tài tử) và xàng xê (gần với hơi nhạc, hơi hạ trong nhạc tài tử).
Đánh bài chòi là một trò chơi dân gian giải trí mang tính chất văn chương bình dân. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui dịp đầu năm, chứ không tính ăn thua đỏ đen. Dần dần, bài chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng. Từ một nghệ nhân ban đầu là “Anh Hiệu” đóng đủ mọi vai khi bài chòi có tính cách tự sự, về sau xuất hiện nhiều nghệ nhân và hình thành một sân khấu hẳn hoi như sân khấu tuồng truyền thống. Những làn điệu dân ca đã tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như: Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông.
Về tiết tấu, chỉ có nhịp đôi đều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp, nhưng cũng có thể biến tấu. Nhạc cụ phụ họa lúc đầu chỉ có đàn nhị và sanh sứa (là hai mảnh tre chuốt nhọn hai đầu cầm trong một tay, âm thanh chạm vào nhau nghe như tiếng ve kêu), sau thêm đàn nguyệt, ống sáo và song tiền. Động tác trên sân khấu áp dụng các điệu múa sắc bùa, lục cúng, bát dạo. Ngôn ngữ bình dân trong hô bài chòi có thể bày tỏ tình cảm trai gái lứa đôi, ve vãn, phê phán những thói hư tật xấu, nói chuyện thời tiết mùa màng, chuyện chính sự, phụ sự... Bài chòi còn cả gan “sờ tận gáy” các quan phụ mẫu thời xưa... nghĩa là nó không tha bất kỳ việc gì trên đời này. Trong khi đó, tại các sân hò (hò khoan, hò giã gạo, hò kéo vải...) chỉ thấy một kiểu thức huê tình, phong tình mà thôi.
Điểm độc đáo của ca kịch bài chòi là một diễn viên có thể thủ một lúc nhiều vai, cùng với vài nhạc cụ thô sơ phụ họa mà đủ sức lôi cuốn khán thính giả thích thú theo dõi (Cách biểu diễn này ở châu Á chỉ có thể loại Pansori của Triều Tiên với một diễn viên thủ nhiều vai cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, được sự phụ họa của một trống puk.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng. Bài chòi được phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân lao động. Vào mỗi dịp lễ Tết, ở vùng nông thôn rất phổ biến trò chơi này. Bài chòi có hình thức chơi tương tự như chơi lô tô với 32 tấm thẻ bài và không gian chơi diễn ra trong chín chiếc chòi làm bằng tre lợp tranh thường được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết đến ngày khai hạ mồng 7. Ban đầu, trò chơi chỉ mang tính chất gia đình, về sau cứ mỗi độ xuân về, người ta dựng những chòi cao trên bãi đất trống thu hút khách thập phương đến tham gia…. Hiện nay ở Quảng Nam, bài chòi không chỉ gói gọn trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng giêng trong các lễ hội truyền thống lớn nhỏ. Có thể nói hô hát bài chòi đầu xuân là một trong những nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo, riêng biệt và mang tính đặc trưng của vùng đất và con người xứ Quảng.
Trò chơi bắt đầu khi anh Hiệu (mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề) cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng rặt phương ngữ tiếng Quảng
Nam không lẫn vào đâu được:
Gió xuân phảng phất nhành tre
Xin mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi
Bà con cô bác lắng lặng mà nghe
Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây...
Nực cười chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân
Con bài “Tứ Móc”
Hoặc: Một hai bậu nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người
Con bài “Tứ Cẳng”
Từ những con bài ngắn gọn dần dần được đặt những con bài có câu dài hơn:
Một anh để em ra
Hai anh để em ra
Về em buôn em bán
Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo
Còn dư trả nợ thịt heo
Anh đừng lầm em nữa, kẻo mang nghèo vì em
Con bài “Nhì Nghèo”
Hoặc: Ngồi buồn nghĩ chuyện đời nay
Trai tài gái sắc sao tày ngày xưa
Đời nay ăn sớm ngủ trưa
Ngồi lê đôi mách bỏ thưa việc nhà
Con bài “Bảy Thưa”
Cuộc chơi bài chòi có sinh động có rôm rả hay không còn phụ thuộc vào tài hô hát của anh Hiệu, anh hiệu phải thuộc hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng ngàn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng. Trong câu hát của anh Hiệu, có thể bắt gặp được những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động và những sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế... hay phê phán những thói hư tật xấu ở đời:
Làm thân con gái lẳng lơ
Ngủ trưa đứng buổi dậy đo mặt trời
Quần áo thì rách tả tơi
Lấy rơm mà túm mỗi nơi một đùm, đó là con bài Ngủ trưa
Cu tôi ăn đậu ăn mè
Ăn chi của chị, chị đè cu tui. Đó là con bài Chín cu
Có những câu hát của anh Hiệu làm cho cả hội bài chòi cười nghiêng cười ngã bởi tính hài hước, vui nhộn, ý nghĩa sâu xa, tuy lời tục nhưng thanh, rất gần gũi dân dã với đời thường:
Tối qua tôi đi ra gò
Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe, đó là con Tứ cẳng
Hay: Lấy chồng từ thuở mười ba
Chồng chê em bé không nằm với em
Đến khi mười tám đôi mươi
Em nằm dưới đất chồng lôi lên giường
Lên giường anh nói anh thương
Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương
Anh thương em chi hung rứa
Cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh. Đó là con bài Tứ cẳng
Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và xem; đông nhất là những người già, phụ nữ và trẻ em. Họ đắm mình trong những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo những câu hò, điệu hát mộc mạc, dân dã; Đồng thời cũng muốn tìm được sự may mắn đầu năm. Cái thú vị của trò chơi bài chòi không những mang tính bài bạc đơn thuần mà ý nghĩa của nó còn vươn xa hơn loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian: là nơi trổ tài vừa biểu diễn, vừa hát hò, đối đáp; là nơi gặp gỡ của bà con làng trên xóm dưới... và còn đặc biệt vào dịp đầu xuân đây còn là nơi nam thanh, nữ tú đến gặp gỡ, tìm hiểu, trao duyên.
II. THỂ THỨC CUỘC CHƠI:
Một hội bài chòi, ngoài số người đến đánh bài và thân nhân của họ, còn có số người đến xem, có thể lên đến vài trăm người. Một đám hát trống, người xem thường có mặt từ lúc dạo tuồng đến khi vãn tuồng. Nhưng ở bài chòi, người xem có thể đến rồi ra về bất cứ lúc nào tùy thích và không có lệ bán vé vào xem.
Muốn đánh bài chòi người ta phải báo cho ban tổ chức biết để sắp xếp ở hội kế tiếp. Người đến xem không cần xin phép ai cả, cứ chen vào đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya. Giờ ăn chỉ nghỉ ngơi chốc lát. Ở đám bài chòi, lúc nào cũng có tiếng kèn trống, âm thanh rộn rã vang xa, lôi cuốn thúc dục:
Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra
Trống chầu một hồi ba tiếng trống lên, dàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người tham gia leo ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân hay người tình lên ngồi trong chòi của mình. Ban Hiệu ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵn trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: "Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền". Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: Dạ!
Trống lệnh đã cho phép, Hiệu hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu với tay rút một con bài. Mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay Hiệu. Lúc ấy tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Nhưng Hiệu chưa vội đọc tên con bài. Anh ta múa may, vái chào mọi người rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát tùy thích. Có điều câu cuối bao giờ cũng có chữ chỉ định tên con bài vừa mới rút được. Chẳng hạn tên con bài là Ngũ Trượt thì hô:
Trời mưa làm ướt sân đình
Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây
Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!
Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ "cốc, cốc, cốc!". Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống "tum tum tum!". Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm trên chòi. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài (chòi trung ương thì báo một hồi trống tum). Lúc ấy, ở rạp ban tổ chức, một hồi trống chầu được gióng lên, báo hiệu xong một ván bài.
III. CÁCH TỔ CHỨC:
Một gánh bài chòi có ban hô bài gồm một Hiệu chính và một hoặc hai Hiệu phụ, trong đó có đủ nam nữ thì diễn xuất mới linh hoạt. Ban nhạc thường chỉ gồm bốn người: một đàn cò, một kèn, một sanh, một trống chiến (nhỏ hơn trống chầu và lớn hơn trống tum, có dây mang trước ngực khi di chuyển).
Hát bài chòi là thể loại hát đối đáp dân gian của người dân xứ Quảng giữa nam và nữ.
1. Hội Bài Chòi
Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay sân chợ. Nói chung, nơi có khoảng đất trống bằng phẳng. Người ta cất 9 chòi, xếp chung quanh hình chữ nhật, mặt quay vào sân chơi. Tám chòi nằm dọc theo hai cạnh hình chữ nhật, mỗi bên bốn chòi, đối diện tương ứng nhau từng cặp một. Chòi trung ương ở giữa cạnh nắn hình chữ nhật. Cạnh bên kia, đối diện với chòi trung ương, là rạp hội đồng, dành cho ban tổ chức. Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt, có bốn mặt dành cho Hiệu; Rạp và các chòi đều quay mặt vào sân này. Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, trang hoàng đẹp đẽ, nền sàn cao quá đầu người, có thang lên xuống. Mái chòi lợp tranh hay lá dừa để che mưa nắng. Mặt sau và hai hông chòi che kín, chỉ chừa trống mặt trước. Mỗi chòi chứa được 4 hoặc 5 người. Trong chòi có một cái mõ và một khúc thân cây chuối hay bó rơm để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi trung ương, lớn hơn cái chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Những khi không có khách đặc biệt thì người dân thường vẫn có thể ngồi chòi này.
Rạp ban tổ chức cũng có mái che mưa nắng, trang hoàng đẹp đẽ hơn. Các cột được bó lá ngâu hay lá đùng đình để tăng thêm vẻ trang trọng. Trong rạp kê một bộ phản ngựa rộng dành cho các hương chức và quan khách có địa vị ngồi. Ðầu phản đặt một cái trống chầu dùng làm trống lệnh để ban tổ chức điều khiển cuộc chơi. Bên cạnh bộ phản có đặt hàng ghế cho ban nhạc của gánh bài chòi ngồi hòa âm.
2. Bộ Bài Chòi
Trong sân, trước rạp, chỗ Hiệu đứng hô bài, có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đặt cao quá tầm mắt.
Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được.
Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, có tên như sau:
- Pho VĂN: Nhất Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rốn, Sáu Xưởng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu.
- Pho VẠN: Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trượt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.
- Pho SÁCH: Nhất Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Hường, Bảy Thưa, Tám Dây và Cửu Ðiều.
Trên mỗi con bài không ghi tên con bài, chỉ vẽ hình như kiểu siêu thực, bằng mực đen, làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài. Ðôi khi người ta rút 3 cặp bài bất kỳ, mỗi pho rút một cặp, thế vào đó 3 cặp Yêu, màu đỏ, có tên là Lão, Thang, Chi. Nếu Lão thì gọi Ông Ầm, Thang gọi là Thái Tử và Chi gọi là Bạch Huê. Miễn sao bộ thẻ bài chòi vẫn giữ y số ấn định là 27 cặp, chia đều mỗi pho 9 cặp. Ngoài 27 thẻ bài bỏ vào ống, còn 27 con bài cũng y như vậy, đem dán vào thẻ lớn. Cứ 3 con bất kỳ dán chung vào một thẻ. Có 9 thẻ phát mỗi chòi một thẻ, nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi. Cũng có nơi không dán chung 3 con bài vào một thẻ lớn mà vẫn dùng 27 thẻ nhỏ, y như 27 thẻ bài đã dùng trong ống để phân phát cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ bài. Như vậy, cả hai cách, mỗi bộ bài chòi phải có 27 cặp như đã kể trên, chia làm hai phần y nhau về số lượng và tên con bài. Một phần bỏ vào ống bài để cho Hiệu bốc thăm, một phần đem phân phát cho 9 chòi.
Tấm thẻ bài vẽ hình siêu thực Sau mỗi làn điệu hát đối đáp thì con bài được hiện lên
và chú lính lại treo con bài lên giữa cuộc chơi người chơi biết đến
Trong bài chòi, tên con bài đôi khi được gọi khác. Như trong pho Văn: Nhất Gối thì gọi là Chín Gối, Nhì Bánh tức là Hai Bánh rồi đảo ngược gọi là Bánh Hai, Ngũ Rốn gọi trại Ngũ Rún hay gọi khác là Ngũ Ruột, Tám Miểng gọi trại là Tám Miếu. Trong pho VẠN: Tứ Ghế còn gọi là Tứ Móc hoặc Tứ Cẳng, Ngũ Trượt là Ngũ Trật hay Ngũ Trợt, Lục Trạng gọi là Lục Chạng. Trong pho SÁCH: Tứ Sách gọi là Tứ Gióng, Ngũ Dụm thành Ngũ Dít, Bảy Thưa là Bảy Hột.
Có thể hiểu nôm na rằng hội bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 loại thẻ gỗ (3 quân cờ là một thẻ) và người chơi sẽ được chọn phát các loại thẻ
Hiệu bưng khay tiền và một lá cờ đuôi nheo đến tận chòi có bài tới. Cờ đuôi nheo còn gọi là cờ hiệu, có hình tam giác vuông, màu đỏ bằng giấy. Trên cờ viết số thứ tự ván bài, từ đệ nhất, đệ nhị đến đệ bát. Hiệu đứng trước chòi có bài tới trịnh trọng thưa: Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền. Hiệu (tui) khẩn cấp điện cờ Ðệ nhất. Theo lệ, chòi có bài tới, muốn lịch sự phải thưởng tiền cho Hiệu, nhiều ít là do tài diễn xuất của Hiệu. Vì thế, khi dâng khay tiền, Hiệu phải trổ tài múa những động tác đẹp mắt, miệng thì ngâm thơ, hát Nam, hát Khách. Nếu gặp người tới có máu văn nghệ, hỏi đố bằng thơ, Hiệu cũng phải biết đáp bằng thơ. Chẳng hạn như câu hỏi đố:
Cái gì có trái không hoa?
Cái gì không rễ cho ta tìm tòi?
Cái gì vừa thơm vừa tho?
Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân?
Cái gì mà chẳng có chân?
Cái gì không vú xây vần lắm con?
Cái gì vừa trơn vừa tròn,
Mười hai tháng chẵn không mòn chút nao?
Cái gì mà ở trên cao?
Làm mưa làm gió làm sao được vầy?
Cái gì mà ở trên cây?
Trèo lên tụt xuống khen ai là tài?
Cái gì chỉ có một tai?
Cái gì một mặt cái gì ngẳng lưng?
Cái gì anh gảy từng tưng...
Nếu không lanh trí, có tài ứng đối, thuộc nhiều ca dao, câu đố... Hiệu khó mà vượt qua nổi. Hiệu nhanh nhẩu đáp ngay:
Cây súng có trái không hoa
Tơ hồng không rễ cho ta tìm tòi
Quế ăn vừa thơm vừa tho
Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân
Cái ốc ma không có chân
Con gà không vú xây vần lắm con
Sợi chỉ vừa trơn vừa tròn
Mười hai tháng chẵn chẳng mòn chút nao
Ông trời mà ở trên cao
Làm mưa làm gió làm sao được vầy
Con vượn mà ở trên cây
Trèo lên trợt xuống khen ai là tài
Cối xay đậu có một tai
Trống mảng một mặt, mâm bồng ngẳng lưng
Ðàn bầu anh gảy từng tưng...
Hiệu vừa đáp xong, người chủ chòi trúng khoái quá, đổ cả khay tiền xuống thưởng. Các chòi thua cuộc, chẳng buồn việc ăn thua, vẫn ném tiền xuống thưởng tài nghệ của Hiệu, người đứng xem cũng hùa theo, vãi tiền vào sân như bươm bướm lượn. Màn thưởng thức xem chừng đã mãn. Trống chầu của ban tổ chức vang lên một hồi ba tiếng, báo hiệu cuộc chơi cho ván kế tiếp. Người chạy bài đi thu con bài ở các chòi đem bỏ vào ống thăm chuẩn bị. Người xem chỉ cần nhìn cây cờ đuôi nheo cắm ở chòi trúng có đề số thứ tự thì biết hội bài này đã chơi đến ván thứ mấy.
Thời gian cho một ván bài không chừng, tùy sự may rủi của việc bốc bài. Nhanh nhất, bốc ba lần đã thấy bài tới. Còn chậm nhất phải bốc đến lần thứ 19. Ngoài ra còn tùy thuộc vào việc hô bài của Hiệu. Nếu hô những bài dài thì chiếm nhiều thời gian. Vì vậy, Hiệu thường hô những câu thai chỉ có hai hoặc bốn câu lục bát. Thỉnh thoảng mới chen một bài dài hoặc bài có tính hài hước để thay đổi không khí, tránh sự nhàm chán. Chẳng hạn như câu thai của con bài Bạch Huê chọc cười dưới đây:
Con vợ tui tốt tựa tiên sa
Coi trong thiên hạ ai mà dám beng (bì, sánh)
Lưng khòm rồi lại da đen
Còn hai con mắt tựa khoen trống chầu
Giò cao đít lớn to đầu
Lại thêm cái mặt cô sầu bắt ghê
Việc làm trăm việc tui chê
Chỉ thương có chút ....................
Những câu thai thường có sẵn, Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm câu. Cũng có khi Hiệu phải sáng tác hoặc chắp nối, ráp câu nọ với câu kia, miễn sao câu thai nói lên được tên con bài Hiệu vừa mới bốc. Ðể tăng sự hấp dẫn, khi hô Hiệu phải diễn tả bằng điệu bộ, nét mặt, giọng nói như một diễn viên hát bội rành nghề. Nội dung câu thai cũng luôn thay đổi. Chẳng hạn ván thứ nhất, gặp con bài Nhì Nghèo, Hiệu hô:
Chắp tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em!
Ván thứ hai, nếu gặp lại con bài đó, Hiệu hô câu thai có nội dung khác:
Cây khô tưới nước cũng khô
Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo
Ván thứ ba Hiệu đổi khác:
Nhiều quan thêm khổ thằng dân
Nhiều giàu thì lại chết trân thằng nghèo
Ván thứ tư lại khác:
Thấy anh em cũng muốn theo
Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi
Ván thứ năm khác nữa:
Buồn từ trong dạ buồn ra
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo
Ván thứ sáu, vẫn còn nhiều câu khác nữa:
Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Ðêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
Dù dơi, dép bướm chật đường
Màn loan gối phượng ai thương thằng nghèo
Ngoài ra tên con bài cũng được gọi trại đi hoặc đổi khác để ứng vào một câu thơ hoặc câu ca dao nào đó. Gọi khác chữ, chẳng hạn Bảy Thưa thành Bảy Hột. Gặp cái bài này, Hiệu sử dụng một trong hai câu thơ sau đây làm câu thai:
Ước gì em chửa có chồng
Anh về thưa với cha mẹ mang rượu nồng đón em
Hoặc: Còn duyên mua thị bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Có ba bảy hột để lùi cho con
Nói trại, chẳng hạn Ngũ Rốn thành Ngũ Rún rồi thành Ngũ Ruột:
Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra
Hay: Thò tay vào ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ
Suy diễn, từ Ngũ Dụm thành Ngũ Dít:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây dụm lại thành hòn núi cao
Có khi dùng câu đố làm câu thai. Trường hợp này thì nội dung của câu đố đã diễn tả tên con bài nên câu chót không cần phải trùng chữ với tên con bài nữa. Chẳng hạn gặp con bài Ba Gà, Hiệu có thể hô câu thai:
Mình vàng vận áo mã tiên
Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình
Có trường hợp không cần nêu tên con bài mà chỉ giải nghĩa đầy đủ là được. Gặp con bài Thái Tử, có thể dùng câu:
Thuyền ai thấp thoáng bên bờ
Hay thuyền ông Lữ đợi chờ con vua
Ðôi khi Hiệu dùng câu thai hình tượng để suy diễn ý nghĩa con bài Tứ Cẳng (còn gọi là Tứ Ghế hay Tứ Móc):
Một hai bận nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người
Thỉnh thoảng còn dùng những câu thai mơ hồ, người xem khó đoán được tên con bài Nhì Bánh mà Hiệu đang nắm trong tay:
Biết rằng ai có mong ai
Sao trời lại nỡ xé hai thế này
Có sao hôm mà chẳng có sao mai
Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn
Cũng có lúc, cả bốn câu đều nhắc đến tên con bài. Gặp con bài Chín Cu thì câu thai sau đây điển hình cho trường hợp này:
Tiếc công bỏ mẩn cho cu
Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay
Cu say mũ cả áo dài
Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh!
Còn như gặp những câu thai nêu trọn vẹn tên con bài thì Hiệu không bao giờ bỏ qua cơ hội. Chẳng hạn như con bài Ba Bụng mà dùng câu thai sau đây thì tuyệt:
Xét ra cho kỹ sự đời
Ba người ba bụng không ai thời giống ai
Khi bài tới ván thứ tám thì xong một hội. Lẽ ra phải chín ván vì có chín chòi đóng tiền, nhưng phải dành tiền ván thứ chín để ban tổ chức chi phí cuộc chơi và trả tiền công cho gánh bài chòi. Vậy khi vãn một hội thì ban tổ chức được một khoản tiền bằng số tiền cáp của một chòi, và cứ xong một hội thì ít nhất cũng phải có một chòi thua. Xong một hội, trống chầu vang lên một hồi rất dài. Ban nhạc cũng tạm nghỉ giải lao, chuẩn bị cho hội khác. Người đánh bài nếu muốn chơi tiếp thì vẫn ngồi trên chòi của mình, bằng không thì xuống, để chòi trống cho người khác lên thay.
IV. NỘI DUNG CÂU HÔ BÀI CHÒI:
Tên con bài Câu hô
Ông ầm * Có thằng cha nghiêng ngang đất trời
Cứ mặt mày đỏ gấc tối ngày
Ầm ầm khi tỉnh khi say
Ông chê bà trách từ rày xin thôi
* Đừng ai bắt chước kẻ say
Uống rượu suốt ngày chẳng kẻ nào thương
Lang thang ngõ xóm đầu đường
Đứng đi không vững, ngã xuống mương nghe cái ầm
* Hai tay bưng đĩa mắm dầm
Vừa đi vừa húp té ầm xuống mương
* Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà
Lấy chồng gặp phải oan gia
Tưởng người văn vẽ té ra ông ầm
* Cô kia nước lọ cơm niêu
Chồng con chẳng có, nằm liều nuôi thân
Chồng con thì cái nợ nần
Chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm
Lấy chồng chẳng biết mặt chồng
Đêm nằm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng
* Nửa đêm gà gáy le te
Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm
* Vai mang bị bạc kè kè
Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm
* Bài chòi, bài tới là ba mươi lá
Dang tay sớn sá là cái gã Ông Ầm
Nhứt trò, nhứt nọc, nọc thượt, học trò:
* Không ngon cũng bánh lá gai
Dù anh có dại cũng trai học trò
* Tay cầm quyển sách bìa vàng,
Sách bao nhiêu chữ, thương nàng bấy nhiêu
* Đi đâu mang trắp đi hoài
Cử nhân chẳng thấy, tú tài cũng không
* Anh về cắm nọc căng dây
Bên ni, bến nớ tìm thầy học thêm
Học anh rồi lại học em
Để khỏi mang tiếng ngày đêm luyện mài...
* Học cho danh phận rõ ràng
Học để xây dựng xóm làng văn minh
* Con rắn đi đất bột còn dằm
Phun ra cái nọc tối về nằm nhớ nhau
Để về tính chuyện trầu cau
Cho duyên em khỏi muộn, anh mai sau hiệp hòa...
* Tiếc công mẹ đẻ cha nuôi
Có con không giữ họ lùi thâu đêm
Đàn ông có một cái nêm
Đàn bà nứt nhụy lại them mẻ đèn
Đàn bà sáng rực ao sen
Đàn ông giữ của, nọc chèn hai bên
* Ðò em đưa rước bộ hành
Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
Trải qua bãi hạc, gành nghê
Quanh năm chèo chống, tứ bề sóng xô
Tiếng ai văng vẳng gọi đò
Mau mau nhổ nọc chèo qua đón người
* Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Lòng em ghi nhớ, ơn này không phai
Mẹ cha vất vả ngày đêm
Thầy cô dạy dỗ chúng em nên người
Mai sau đi bốn phương trời
Công ơn trời biển suốt đời không quên
Em luôn gắng sức học hành
Con ngoan - Trò giỏi đáp đền ơn sâu
Nhì bí:
* Bình Ðịnh có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh
Em về Bình Ðịnh cùng anh
Ðược ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
* Còn duyên làm cách làm kiêu
Hết duyên bí thúi bần thiu ai thèm
* Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về khuya một mình
Một mình thủ phận một mình
Bí đường qua lại, anh tiếc tình đôi ta
* Nửa đêm chó sủa ngõ ngoài
Coi chừng thằng bẻ bí, bắt gà, bắt heo
* Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Bí đao bí rợ hai hàng
Ấy là nhì bí kết đoàn tiến lên
* Chủ trương xói đói giảm nghèo
Làng ta nay đã làm theo nhiệt tình
Thực hiện nếp sống văn minh
Cả anh lẫn chị chúng mình hăng say
Cuộc sống tốt đẹp thế này
Đói nghèo quên lãng ta bắt tay với đẹp giàu
* Tại anh không chịu làm ăn
Suốt ngày mang tiếng thằng rượu chè chẳng lo
Xóm làng ai cũng nhỏ to
Không mau sửa đổi để cho đói nghèo
* Bây chừ hàng xóm đông vui
Cái nghèo cái đói đã lùi về sau
Tương lai vươn tới đẹp giàu
Đoàn kết xây dựng mai sau huy hoàng
* Hò khoan em đố ngoặc đố nghoèo
Đố chi ai biết con mèo có mấy lông
Thử về tát cạn biển đông
Đến đây anh trả mấy cái lông con mèo
* Ông cha từng dạy rất nhiều
Lá lành... lá rách, nhiễu điều...giá gương
Làm người phải biết yêu thương
Xóm thôn, Đất nước, quê hương, đồng bào
Giúp người giữa lúc lao đao
Phước dày hơn cả sóng trào biển đông
Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Bánh hai – tráng hai:
* Biết rằng ai có mong ai
Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này
Có sao Hôm chẳng sao Mai
Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn
* Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, tháng ba hội hè
Qua sông anh kẹp cùng chiếc ghe
Đưa đôi bánh lái chở anh về nhà anh
* Bánh tráng đem bán chợ chiều
Hai ngày không hết tiền tiêu chẳng còn
* Ngày tết có bánh nổ bánh chưng
Mặc mới áo quần đi dạo đường thôn
Làng mình giờ đã đẹp hơn
Tại anh lỗi hẹn để anh hờn hai bữa ni
* Bánh bèo trục lúc không tai
Bánh in to hột, dện hoài đổ ra
Ba gà:
* Đầu rồng đuôi phụng cánh tiên
Ngày hai, ba vợ tối ngủ riêng góc nhà
* Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lại con gà đưa tranh
Ai làm em bén duyên anh
Cho mây leo núi cho trăng thanh lấy gió ngàn
* Mất con gà em là cả xóm
Ba bốn ngày rồi họ đoán chẳng sai
Tại em phụ bạc duyên ai
Có tin thì cũng vài người nghe
* Gà nhà đá gà tây
Lỡ đứt dây để gà nó sổng
Ba ngày chó rống, gà cũng chịu sầu
Hỏi anh ở đâu để gà chết tiệt
* Chăn nuôi lợi ích nhà nông
Phát triển kinh tế đồng làng thi đua
Quyết tâm dù được dù thua
Thì tôi cũng bán mua ba gà
* Đầu rồng đuôi phụng cánh tiên
Ban ngày năm, bảy vợ tối ngủ riêng một mình
* Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
* Ơn cha nghĩa mẹ chưa đền,
Như gà quẹt mỏ, chẳng nên con người
*Cửu chùa:
* Chồng con chi nữa tùa lua
Vai mang chuỗi hạt lên chùa đi tu
Chùa làng không có phật tu
Mà anh sách gói đi tu chùa người
* Ra đường thấy vịt ưng lùa
Thấy diêm muốn bắn, thấy chùa muốn tu
* Bên kia là một rừng mua
Có một ngôi chùa năm, bảy ni cô
* Làng mình văn hóa nếp văn minh
Sạch đẹp chùa đình, làng xóm đông vui
* Lắng tai nghe tiếng chuông chùa
Xóm làng rộn rã vào mùa bội thu
* Trăng non, trăng khuyết, trăng lu
Đợi người tình nghĩa cho dù mấy năm
* Nam mô, hai chữ từ bi,
Phật còn mê gái, huống chi thầy chùa
Chín gối:
* Đêm nay còn gối tay nàng
Ngày mai ra biển anh gối dàng dây nêu
* Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho ai gối đã mòn một bên
* Gối chăn còn ấm tay người
Ngày mai anh phải biển trời gió sương
Nơi miền biên giới yêu thương
Canh trời giữ đất cho quê hương thanh bình
* Nhà tan cửa nát cũng ừ
Đánh tan xâm lược cực chừ sướng sau
Ngày xưa giết giặc đi đầu
Ngày nay xây dựng ta mau kết đoàn
Làm cho làng xóm khang trang
Sản xuất gói vụ, mùa màng bội thu
* Được một điều được ba bảy điều
Day dứt chín chiều em bỏ đi đâu
Đi đâu em để anh sầu
Con thơ khát sữa, đem thâu nó khóc hoài
* Ðêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em
Tứ cẳng:
* Một hai bạn nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người
Hai người thì có bốn chân
Ấy là tứ cẳng bớ nàng bớ anh
* Nhà em có bụi mía mưng
Có con chó dữ anh đừng vô ra
Chó nhà em hay bắt vịt bắt gà
Bốn cái cẳng nó nhảy qua nhảy về
* Anh về cuốc đất trồng rau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Dây trầu xanh cao bằng anh lá rậm
Bốn dấu chân mình in đậm dưới gốc cau
* Lưng choàng áo đỏ
Đầu đội khăn đen
Chân đi lèng quèng
Là ông chân gãy
* Một, hai bậu nói rằng không,
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người
Ngũ dụm, ngũ trưa, ngũ rún, ngũ trợt:
* Chiều chiều vát cuốc đào lươn
Nước trơn, lươn trợt, người thương phải rồi
* Tới đây giả gạo ăn chè
Ai mà không giã ngồi hè trợt ăn
* Trời mưa ướt lá trầu vàng
Ướt em em chịu, ướt chàng em thương
Đi đâu vấn vấn vương vương
Bước chân không vũng trợt xuống mương bây chừ
* Chờ cho buổi chợ mau trưa
Rảnh buôn rảnh bán đi ngừa người thương
Người thương ơi hỡi người thương
Thề xưa ta lỗi hẹn, ta buồn biết bao
* Bậu ơi, em mê ngủ quá chừng
Cả trưa lẫn tối biểu họ đừng chê bai
Làm thân con gái phải lo
Đại hàn, đông chí ai cho mượn chồng
* Trời mưa làm ướt sân đình
Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây
Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!
* Bớ chị em ơi! đi chợ
Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
Còn thêm bánh đúc bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
Những con cá chép cá thu
Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán thịt phay
Nem tươi chả lụa
Rượu trà no say
Ngó ra ngoài chợ
Vẫn bán tranh cày
Roi mây, lưỡi cuốc
Nẫu bày nghinh ngang
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán sàn sàn
Khoai lang, bắp đỗ
Ðục, chàng, kéo, dao...
Xem ra chẳng sót hàng nào
Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua ...
Lại còn những món bánh khô
Xem đi xét lại nhiều đồ lắm thay
Những còn hàng giép hàng giày
Nón ngựa nón chóp bán rày liên thiên
Lại còn những món nhiều tiền
Cà rá, hột đá, dây chuyền, dầu thơm...
Song thần An Thái
Dừa trái Tam Quan
Ðường cát Dương An
Ðĩa bàn nội phủ
Kể đủ hàng hoa...
Cà dê, cà dĩa, cà chình
Ớt ngà, ớt bị, ớt sừng, ớt cay
Rau răm, rau húng
Bầu thúng, cà tây
Mua bán bạc cây
Những người hàng xén
Mấy chú rón rén
Ăn cắp thiệt lanh
Mấy chú gian manh
Là anh trùm chợ
Buôn mọi bán rợ
Mấy chú An Khê
Ở trển đem về
Xấp trần nài rể
Dễ mua dễ bán
Bánh tráng, kẹo cà
Xoa xoa, đậu hũ
Mè xửng, bánh canh
Dạo hết xung quanh
Hành ngò, cúc cải
Dây dừa, dầu rái
Kẹo đỗ, kẹo dừa
Mấy chị ngủ trưa
Nẫu mua trợt lớt
* Con gái đời nay không hút thuốc ăn trầu
Ngồi lê dụm miệng tìm câu nói hành
* Dụm miệng kể chuyện nhau ba
Chuyện ông cũng thúi chuyện bà chẳng thơm
* Làm thân con gái chẳng lo
Ngũ trưa ngũ nướng dậy do mặt trời
Quần áo thì rách tả tơi
Lấy rơm túm rún mỗi nơi mỗi đùm
* Một cây làm chẳng nên non
Ba cây dụm lại thành hòn núi cao
* Ăn mặc thì phải đàng hoàng
Áo ngắn lòi rún cả gang khó nhìn
Nếu cần khuyến mãi làm tin
Em ơi mặc áo để cái nhìn nó ung the
* Tui làm ăn cũng muốn kiếm đồng tiền
Bà con thấy sướng thì thưởng riêng cho ít đồng
Người mà có quả tui lại có công
Nếu mà trợt lớt đừng hòng tui chơi
Sáu ghe, sáu miếng:
* Còn đâu nay thiếp mai chàng
Ghe anh lúc khỏi bến, bậu lăng loàn anh biết đâu
* Thuyền em bán mấy anh mua cho
Đem về làm đò chở khách vảng lai
Ghe em đúng giá sáu ngàn
Không tin anh thử đội về làng anh coi
* Ghe em mũi phụng lá loan
Đưa người tiến sĩ chớ hạng chàng em không
Hôm nay đông khách, em làm đây
Ngày mai vắng khách ăn mày ghe cũng đưa
* Gió nam thổi xuống lò vôi
Ai đem tin cho bạn ta có đôi bạn buồn
Dời chân bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu dợn dạ chàng buồn bấy nhiêu
* Cánh buồm gió thổi hiu hiu
Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng đều không khô
* Mũi dại thì lái phải chịu đòn
Chống sào cho vững để ghe còn đi xa
Đời này lắm kẻ nói khoe
Một chuyến xe lửa bao nhiêu ghe cũng không bì
Cửu điều:
* Thất văn ông cụ chỉ yêu
Ăn đứt cửu điều lại kém mười non
* Bao điều anh đã khuyên răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
* Làm điều lành tránh điều không phải
Đối đãi mọi người tử tế trước sau
Thuận hòa trên dưới có nhau
Tình làng nghĩa xóm đượm màu nhân văn
* Đi đàng phải bịt khăn đen
Ở nhà vợ sắn vóc sen nhuộm điều
* Huỳnh Kim có bến Tân An
Có lầu Thông Nhẫn lập đàn bán buôn
Trước kia đường vắng hơn truông
Bây giờ trong bán ngoài buôn đầy tràn
Trong nhà dệt nhiễu thêu hàng
Trong sân thợ nhuộm, ngoài đàng xe hơi
Khen cho ông Nhẫn đủ đời
Lụa hàng cấp giá nơi nơi cũng điều
Bạch Huê:
* Nghèo mà làm bạn với giàu
Ngồi xuống đứng dậy nó đau cái dì
* Bông xanh bông trắng bông vàng
Bông lê bông lựu đố nàng mấy bông
Bông màu tím bông màu hồng
Bông mô có mồng là con bạch huê
Bổng đâu có một học trò
Bỏ ra giữa cổng thập thò chân dê
Vàng vàng Hoa cải hoa kê
Trăng trắng hoa cải có bạch huê đứng đầu
* Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá vững như đồng
Ai xô không ngã ngọn gió lồng không xao
Mỉa mai cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu bướm vào muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp khi nở khi xù khi tươi
Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vươn vấn mấy người tài danh
Có bông có cuống không cành
Có bông có nụ bốn vành có tua
Nhà dân cho chí nhà xua
Ai ai có quả cũng mua để dành
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi
Và Năng cường năng nhược
Năng khuất năng danh
Nó thiệt cục gân
Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu
* Cũng vì duyên nợ ba sinh
Sáng trăng câu hát huê tình mà theo
* Nước da trăng trắng là cái chị Bạch Huê
Ba Bụng:
* Suy bụng ta mà ra bụng người
Xin chớ lắm lời toan tính so đo
Đói nghèo thì phải biết lo
Ngồi không ăn bám có khi mô nên người
* Vợ đôi chồng một lạ gì
Mồi người mỗi bụng ở thì sao nên
* Vợ đôi chồng một ra gì
Mỗi người mỗi bụng tao thích thì phá tan hoang
* Ở sao cho xứng làm người
Bụng dạ bất chính thiện hạ cười thúi râu
* Ở sao phải biết trước sau
Lòng cay nghiệt lắm lấy đâu đẹp đời
* Gió sao gió mát sau lưng
Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này
* Một chàng, hai thiếp khó phân,
Anh về nghĩ lại đề cầm cân cho bằng
* Xét ra cho kỹ sự đời
Ba người, ba bụng, không ai thời giống ai
Tam Quăng :
* Uổng công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé lớn thành trâu ai cày
Uổng công anh giăng lưới quăng chài
Con cá kia không giữ để ai câu rồi
* Ngồi câu bờ lạch đằng mương
Mồi ngon thả xuống cá trờn lên ăn
Ba bốn bề đáp móng lăn tăn
Giựt lên khỏi nước gở quăng rốn lờ
* Nghề câu quăng được ăn cá lớn
Ngồi cả ngày chờ cá dợn mồi câu
Em đừng nản chí ao sâu
Sợi dây anh câu cứng cái cần câu nó cong vòng
* Anh đang viết liễn trong đình
Nghe em, chồng hỏi, giật mình quăng nghiên
* Một hai quăng hết đói nghèo
Ba qăng khốn khó gieo neo một bài
Xây đời hạnh phúc tương lai
Xóm làng yên ấm lá bài ca xuân
Quờ nhầm thì vợ chửa ba bốn tháng rày
Thì thổi lửa quăn là quăn râu quăn
* Ba đồng một mớ đàn ông
Chị bỏ vào lồng chị xách đi chơi
Ra đường nóp đứt nó rơi
Nó bò lổm ngổm mỗi nơi một thằng
Tứ gióng:
* Đời bây giờ võ nghệ huyên thuyên
Không ai gióng được ngón quyền cho thông
* Đời bây giờ hiện đại đầy kho
Có ai gióng được câu hò ngày xưa
* Có người làng gióng ngày xưa
Đánh tan giặc cướp khi tuổi vừa lên ba
Ăn bảy nong cơm ba nong cà
Chuyện chàng trai Phù Đổng đất nước ta tự hào
* Đôi gióng mây anh ra tay thắt nút
Để em đi về lên xuống chợ trưa
Tình anh đã thấy được chưa
Mà sao em đợi sớt sưa đủ điều
* Đường bê tông ta gắn công xây dựng
Gánh cát sạn về đôi gióng đứt quay
Để anh về anh thắt lại ngay
Trọn tình ta với quê này ấm vui
Bảy hột, sáu hột:
* Anh về ba bữa anh lên
Em đừng úp mặt vô phên khóc thầm
Nhớ người ngàn dặm xa xăm
Nước mắt rơi năm bảy hột ước dầm như mưa
* Còn duyên mua thì bán hồng
Hết duyên mua mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ trở lại gặm cùi
Còn ba bảy hột để lùi cho con
* Hột cơm cộng với lát cà
Một thời gian khó cũng qua đi rồi
Bây giờ làng xóm đông vui
Kinh tế sung túc tiếng cười râm ran
* Chèo ghe bẻ bắp bên sông
Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về
Chèo về tới ngõ mụ Đề
Xin năm bảy hột bắp đêm về cho con
* Hột lê, hột lựu, hột đào
Hột mô dồn nhất thì vào túi của tôi
* Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ mẹ già rụng răng
* Sông bao nhiêu nước bấy nhiêu tình
Lụy rơi hột hột như bình phích nghiêng
Sáu hột
* Ù ơ ba trái ù ơ
Chim ăn hết hột còn xơ với cùi
Ù ơ hột chín hột mười
Hột rơi xuống đất hột lùi nồi cơm
* Hột muối mặn ba năm còn mặn
Lát gằng cay chín tháng còn cay
Anh thương em cha mẹ cho hay
Ngọn đèn treo trước gió không biết lay phương nào
* Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai
Thân em như hột mưa sa
Hột rơi xuống giếng hột ra ruộng lầy
Tứ tượng:
* Ai đi ngoài ngõ ào ào
Hay là ông tượng ổng đạp rào ổng vô
* Thương nhau đúc tượng để thờ
Bỏ lăn bỏ lóc tượng bơ vơ một mình
* Ngồi đọc kinh dịch nghìn trang
Bát quái tứ tượng ta đố nàng giải ra
* Bốn voi không ngọt bát nước canh
Bao nhiêu thề ước em với anh đã giải bày
Bốn voi chàng hỡi có hay
Ấy là tứ tượng (là em nay chàng biết không)
* Chuông đồng ai gõ nên thanh
Tượng đồng ai đúc để anh nhớ nàng
Lục trạng
* Chú có học giỏi sao chú chẳng đi thi
Cứ ăn ngủ xó bếp lại ngủ khi chuồng trâu
Chú ơi tui chẳng ưng chú đâu
Trạng không xứng trạng tôi có hầu cũng uổng công
* Ngồi buồn nói trạng nghe chơi
Có lần tôi rũ ông trời đi buôn
* Trạng nguyên trạng lợn trạng bùng
Trạng bòng trạng bưởi trạng chung một nhà
Sáu ông trạng sáu người tài hoa
Ông mô ổng cũng có bà đi theo
* Ngồi buồn nói chuyện láo thuyên
Hồi nhỏ tôi có đi khiêng ông trời
Lên rừng thấy muỗi bắt dơi
Thấy sáu ông trạng đi mời ông tây
* Bậu khoe giỏi, sao chẳng chịu đi thi
Cú ăn xó bếp, ngủ thì chuồng trâu
Bậu ơi tôi chẳng ưng đâu
Trạng gì như thế có hầu cũng uổng công
Thất vung
* Ngó lên hồn núi chóp chài
Có hai cục đá to như hai cái thùng
Ngó lên hòn núi chóp vung
Thấy bảy cô gái ở chung một nhà
* Nồi tròn thì úp vung tròn
Lời cha mẹ dạy khi em còn thơ ngây
Lạy trời cho đó gặp đây
Như chim huỳnh điểu gặp cây ngô đồng
* Xưa giàu có vung tiền qua cửa sổ
Mua lợi danh khinh rẻ bần hàn
Thời nay cuộc sống huy hoàng
Người người bình đẳng xóm làng yên vui
* Ra đường nể mặt anh hùng
Thấy em lên xuống anh nhớ cái vung ở nhà
Từ gần cho chí phía xa
Vung chị vung bà biết mấy là vung
Bảy liễu, bảy dây:
* Em nghe anh tỏ lời này
Em đòi để, bỏ như vầy sao nên
Tào khang nghĩa ở cho bền
Liễu mai tác hợp đôi bên thuận hòa
* Thân em liễu yếu đào tơ
Mười hai bến nước chỉ chờ duyên anh
Trách người xuôi phận lênh đênh
Cho hoa em úa cho tình em đau
* Em nhớ ai như hàng liễu rũ
Năm bảy ngày rồi gặp gỡ chẳng nên
* Anh về ba bữa anh lên
Em đừng úp mặt vô phên khóc thầm
* Dây tơ hồng không ai trồng mà mọc
Gái chưa chồng anh chọc anh chơi
* Biết đâu mà đợi mà chờ
Tấm thân liễu yếu đào tơ gió lồng
* Ví dầu cha đánh mẹ treo
Ðứt dây té xuống cũng theo tới cùng
Bảy thưa:
* Ngồi buồn nghĩ chuyện xưa nay
Trai tài gái sắc so tài ngày xưa
Đời nay ăn sớm ngủ trưa
Ngồi lê đôi mách bỏ thưa việc nhà
* Đò ngang qua khúc lạch sâu
Gặp hai người khách lấy trầu mời ăn
Thưa rằng: cha mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
* Biết thì thưa thì thốt
Không biết dựa cột mà nghe
Cho dù nhà lợp tranh tre
Chữ tình em giữ, em đậy che răng dành
* Ðừng ham nón tốt dột mưa
Ðừng ham người tốt mã mà thưa chuyện nhà
Chín cu:
* Tiếc công bỏ én nuôi cu
Cu ăn cu lớn, cu gù cu bay
Cu say mũ cả áo dài
Cu chê nhà dột, phụ hoài duyên anh
* Con cu bay bổng qua sông
Hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa
Có chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ cũng như chưa có chồng
* Con cu nó hưởng lộc trời
Nó ăn chi của mụ, mụ nói lời đắng cay
* Con cu ăn đậu ăn mè
Ăn chi của mụ, mụ đè con cu tôi
* Tiếc công anh bỏ cu nuôi cò
Cò ăn cò lớn cò dò lên cây
Anh thề rằng ngủ liểu thất mai
Cò kia anh quên phắt, chỉ nhớ hoài chín cu
* Lội suối trèo non
Tìm con chim nhỏ
Về treo trước ngõ
Nó gáy cúc cu
* Sự đời có bốn cái ngu
Mai dong, hứng nợ, rập cu, cầm chầu
Thái tử:
* Con vua thì được làm vua
Con sải ở chùa thì quét lá đa
Lá đa năm bảy lá đa
Lá mô to nhất thì để bà quạt trưa
* Chăm lo đèn sách bút nghiêng
Lâu thông kinh sử nối quyền vua cha
* Xứng danh tài đức vẹn toàn
Thanh gươm yên ngựa hiên ngang sa trường
Vớ câu vọng lối biên cương
Lời vua cha dạy, tỏ tường trước sau
* Con quan gọi là công tử
Con thầy có thể là sư tử
Vậy ta thử hỏi nàng
Con vua trước gọi rõ ràng là chi
* Thuyền dời nhưng dạ chẳng dời
Khăng khăng một lời: quân tử nhất ngôn
* Thuyền ai thấp thoáng bên bờ,
Hay thuyền ông Lữ đợi chờ con vua
Chín rậm:
* Ông già tôi chẳng ưng ông đâu
Ông đừng xách búa cạo râu đau cằm
Thương nhau vì rậm vì dài
Cắn rứt chi lắm bậu nài cái hàm râu
* Hang sâu cây lá rậm rì
Chín hòn núi đứng đá lì trơ gan
Có anh nắm lấy tay nàng
Dạo xem phong cảnh non ngàn trời mây
* Có hai cô gái ngoài đàng
Đi lên đi xuống với chàng rậm râu
Lục rế:
* Cái nồi ngồi trên cái rế
Hỏi bạn rày để chế cho ai
Để chế cho ai xẻ hai mình nữa
Để chế người tình thổi lửa đốt đi
Trung tâm VHTT thành phố Tam Kỳ cố gắng trong việc sưu tầm và biên tập lại nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Mong các nghệ nhân góp ý chân thành.
(st)