Những người nhà quê
Phở > 18-09-2012, 12:01 PM
Quê, khi nào trở về lòng cũng nhiều xao xác. Quê, mỏi mệt lại muốn quay về. Như cố thi sĩ Phùng Cung từng viết “Gót nhọc/ Men về thung cũ/ Quỳ dưới chân quê/ Trăm sự cúi đầu/ Xin quê rộng lượng/ Chút thổ phần bò xéo/ Cuối thôn...”. Quê khác nhiều, đã có tiệm massage, đã có nhà nghỉ tính giờ, đường nhựa tăm tắp đầu làng cuối hẻm. Chỉ có bạn bè, vẫn rặt giọng xưa
1. Bạn, tốt nghiệp phổ thông bặt tin không biết. Đột ngột sang Bệnh viện Chợ Rẫy có việc, gặp lại nhau. Bạn đi chăm vợ bệnh.
Vợ bạn bệnh cũng quái quái, đi làm kế toán cho một công ty tư nhân. Nghe điện thoại theo kiểu ngoái đầu một bên, điện thoại tì vào má và vai. Nghe hoài, tự dưng khớp xương bị đơ, gật lắc đầu gì cũng đều không được.
Bạn nói, Sài Gòn buồn quá mày. Cả ngày tao hết đi ra rồi đi vô bệnh viện, không biết cái gì khác. Nhìn bạn cười cười.
Lấy số điện thoại trước khi chia tay, hẹn, về tao gọi.
Về, ngồi cà phê với nhau. Bạn tỉnh queo, đang buồn. Hỏi, sao buồn. Vợ có thai ngoài tử cung. Tao mang con ra nghĩa địa, chôn rồi. Không biết nên ghi trên bia là vô danh hay gì nữa. Đời đen đủi quá.
Lại về, ngồi cà phê với nhau. Hôm nào tao trốn vợ, lên Sài Gòn một đêm mày dắt tao đi chơi cho biết chân dài với. Tao ba mươi mốt tuổi rồi, ngoài vợ ra, chẳng biết con nhỏ nào khác. Đáp, chi vậy. Trả lời, chơi cho biết với người ta.
Lại về, ngồi cà phê với nhau. Tao tính xin đi làm công nhân. Hỏi, sao vậy. Đáp, ở nhà nhìn vợ hoài, chán quá.
Tất cả nhẹ tênh.
2. Đám tang cô, ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ thì gặp bạn. Cô mất, tai nạn giao thông. Xuống xe buýt, băng ngang đường. Ngay thời điểm đấy, cậu nhóc đi đón vợ làm công nhân về, chạy bạt mạng. Tai nạn xảy ra.
Vợ cậu nhóc hoảng lắm, lút cút theo người nhà xuống bệnh viện với cô. Gom góp tiền, bán cả nhẫn cưới để khắc phục hậu quả. Có nói với mấy chú, thôi thì xui rủi không ai muốn. Cho người ta cơ hội để lo cho vợ con. Nhà mình đã bi kịch, không nên tạo thên một bi kịch khác cho một phận người.
Số cô khổ. Xinh gái nhất làng, mà ở vậy cho đến khi nằm xuống. Thầy bói nói, cô nặng nghiệp, có người theo nên ai đến cũng bị người đó phá. Cô, cô đơn từ thời còn con gái.
Gặp bạn ở đám tang, bạn mặc cái quần dài cũ, cái áo bạc thếch, da màu trắng mốc, mặt ngây ngây.
Mới về hả, bạn hỏi. Ừ, trả lời.
Bạn xuống đám tang, để đánh trống. Trống đám tang đánh theo nhịp chiêng. Chiêng gõ trước, trống phụ họa theo sau.
Bạn hơn vài tuổi, suốt ấu thơ, cứ gặp là bị bạn đá đít hay bợp tai vài cái. Rất hận.
Một ngày đẹp trời bạn thức dậy, tự nghĩ mình quyền phép nhất trần đời. Hô mây gọi gió trong tầm tay. Thư người này, ếm người kia là chuyện vặt vãnh.
Người quê gọi bạn cà tưng. Bạn trốn nhà đi lang thang hết chỗ này đến chỗ kia, anh trai bạn ngồi xe đò, chạy xe máy bắt bạn về nhà điều trị.
Anh trai bạn là thầy dạy môn Sinh của trường cấp II, gần nhà.
Ba bạn ngày xưa hay kéo đờn cò, kéo miệt mài từ đêm này qua đêm khác.
Người quê bảo, đàn cò để cõi âm nghe. Kéo hoài, bị ám.
Bạn nhìn, cười hệch hệch, hút thuốc đều miệng. Thuốc Trị An, loại rẻ nhất.
3. Bạn ở cái nơi gọi là ấp. Toàn đồng ruộng. Bạn đen nhẻm, thấp người, nhiều cơ bắp, rất mạnh khỏe. Bạn mê đá gà thời thanh niên. Lấy vợ, có hai con vẫn đam mê gà đá.
Sáng, bạn ôm gà đi đá. Trưa, vợ nhận tin, bạn mất rồi.
Đá gà là việc phi pháp. Phải chui rúc vào tận những mảnh đất trống của khu vườn hay cái rẫy của ai đó, thậm thậm thụt thụt với nhau chơi.
Tiền cá độ cho mỗi trận đá gà ở quê không nhiều. Thế nhưng, đã cờ bạc nào lại không nóng máu.
Gà mang cựa sắt, đá tung lông ngoài xới. Trong này, bạn và đối thủ hục hặc.
Kết thúc trận gà, thắng thua không quan trọng. Vì bạn và đối thủ còn bận lao vào tẩn nhau.
Bạn đánh đối thủ được vài đấm, đối thủ dùng cuốc chống trả.
Biết tin bạn, khi đọc mẩu nhỏ trên một tờ nhật báo.
Chuyện ở quê, mỗi lần lên báo, đọc ở Sài Gòn, bao giờ cũng hồi hộp xen lẫn lo âu.
Bạn cũng như bao thằng bạn khác. Khóc cười sướng khổ đều ở quê, mở mắt nhắm mắt cũng ở quê.
Như một thế hệ bị lãng quên vậy.
4. Hết chuyện người trẻ, đến chuyện người già. Quê, có bà Tư. Bà Tư xuất hiện ở xóm lúc nào không ai biết. Bà làm công nhân cạo mủ. Trong ký ức, khi nào bà Tư cũng mặc cái quần vải đen, đầy vết mủ khô, lấm lem.
Bà về xóm, làm vợ một người đàn ông lớn tuổi. Ông mất, bà bán cái nhà cũ, dọn vào phía sâu ở một cái xóm khác.
Người quê nói, trời phù hộ cho bà biết cắt lễ giác hơi lẫn xem bói. Mỗi lần cắt lễ giác hơi hay xem bói, đều có một cái giá chung là 20 nghìn đồng.
Cắt lễ ở quê rất sợ.
Mảnh thủy tinh được đập nhỏ, bén ngót. Người khó chịu ở đâu, dùng mảnh thủy tinh lấy khều lên da cho chảy máu, nặn sạch máu thì… hết bệnh(?!).
Cứ sau mỗi lần lễ, cơ thể lại hằn lên những vết mày khô.
Có người khen bà coi bói hay, nói trăm điều trúng trăm điều, cấm trật lấy một câu để tạo nên tin đồn.
Mấy lần gặp, bà đều nói: “Số mày đào hoa, cẩn thận tình thù”. Nghe rờn rợn.
Có ông cụ ở Mỹ về, không hiểu thích hay yêu thương bà, mà bắn tiếng cho xóm giềng: “Tui sẽ cưới bà Tư về làm vợ”.
Xóm đồn ầm lên. Đám cưới bà Tư hàng chục mâm, bà mặc xoa-rê trắng trang điểm như con gái, chú rể tay chống gậy, tay ôm eo cô dâu nhìn rất quái.
Tưởng thiệt, gặp chọc: “Làm cô dâu sướng ghê ha, bà Tư”.
“Bậy bạ, có đâu. Từng tuổi này, đám cưới gì nữa. Ổng có sang nhà hỏi tao, mà tao trả lời, làm bạn bè với nhau thì được. Cưới xin tuổi này, thiên hạ gièm pha. Tao trả lời hết câu, ổng đi về. Vậy thôi mà”, bà đáp.
5. Quê, có ông Chín lùn. Tên sao người vậy, cả đời chỉ biết mảnh rẫy con con, trồng cà phê. Ông ở suốt trong rẫy, ít khi về xóm. Nói là, về xóm không quen, không ngủ được. Ít thấy người, dễ chịu hơn.
Nhà ông nheo nhóc con cái, người thấp người cao.
Thanh niên trong xóm bảo với nhau, ông Chín lùn không biết ngồi xe gắn máy. Chở ổng cứ như chở cục đá không ràng dây, hết lắc bên này đến lắc bên kia. Suýt bị tai nạn mấy lần.
Ông cả đời chỉ đạp xe đạp. Cái xe đạp sườn ngang, nặng khủng khiếp. Hiện tại, hoàn toàn không còn thấy chiếc thứ hai.
Mấy ngày Tết, ông về xóm. Vận áo sơ mi xanh, quần tây đi dép lào vàng. Gặp ai cũng cười cười, nhìn dáng nhiều khổ ải.
Hơn sáu mươi tuổi rồi, tôi từ bé đến lớn ở cạnh nhà, chưa bao giờ nghe ông mở miệng lớn tiếng với ai.
Tuyệt nhiên không.
6. Quê, có ông Sáu. Ông Sáu người nhỏ thó. Ông Sáu có nhiều con trai. Con trai đầu của ông yêu một chị cùng xóm.
Biết chị ngày còn ấu thơ, nhà chị đông người, cha chị có hai đời vợ. Chị là con của người vợ sau.
Cái danh xưng “Má lớn, má nhỏ” tôi nghe lần đầu từ chị, khi chị gặp người vợ trước của cha mình.
Trai đầu xóm, gái giữa xóm, gặp nhau nhiều nảy sinh tình cảm.
Chị thương con trai của ông Sáu, thương ghê lắm. Anh làm tài xế xe tải đường dài, bạ đâu tình đó. Chị biết hết, nhưng chị bỏ qua.
Mỗi lần anh được nghỉ việc vài ngày, chị vui như trẻ con ngày Tết.
Cái thai trong bụng lớn dần lên, mà chuyện cưới xin cũng không nghe anh đề cập.
Mấy chị của chị sốt ruột, xuống nhà ông Sáu nói chuyện. Buổi nói chuyện diễn ra không êm đẹp, ông Sáu kiên quyết không thừa nhận huyết thống của con trai mình.
Chị buồn hiu, bụng chửa vượt mặt, cứ ngồi nhà sau lau nước mắt.
Đã hết đâu, anh loan tin, chị đi làm công nhân, biết cái thai có phải là của anh hay là của thằng cha xưởng trưởng, hay cái gã xưởng phó.
Chị sinh ra cậu nhóc, tóc cứng như rễ tre, khuôn mặt không thể tìm ra nét khác biệt với ông Sáu.
Chị mới xong kỳ ở cữ, thì anh lấy vợ. Ngẫu nhiên về quê ngay thời khắc ấy, ngang qua nhà chị, thấy chị ngồi ru con. Đám cưới anh rền lên tiếng nhạc từ dàn ămply khuếch đại. Cảm giác bất nhẫn choáng hết tâm trí.
Tính nói gì để an ủi chị, lại thôi.
Vài năm, cậu nhóc lớn lên. Lang thang chơi khắp xóm. Có lúc gặp nhóc ngang qua mặt ông Sáu, ông Sáu thản nhiên như không. Tôi hay cho nhóc cái này, cái kia…
Tuần trước, về quê, nhóc bám cửa sau, nhìn tôi cười nói hớn hở. Hỏi, con đi học chưa. Dạ, đi học mẫu giáo rồi.
Gặp chị, hỏi, đỡ buồn chưa.
Chị chỉ cười, xa vắng vô cùng.
7. Quê, còn nhiều câu chuyện khác, những khuôn mặt khác. Khuôn mặt nào cũng thân quen, như én mắc lưới sau mùa gặt, như bàn chân người ánh đầy màu bùn non, như rạ rơm thơm ngái trước sân nhà.
Quê cách thị thành có bao xa, mà phận người cứ cung cúc như mẹ ngồi đan áo, chị thổi lửa nấu cơm chiều. An bình mà nhiều lo toan.
Phận người quê, như sẻ làm tổ trên cây tầm vông cuối ngõ. Gió qua một cơn, tan tác sẻ non.
Phận người ở quê, có ấm áp như lửa khuya đông, thì vẫn mang nhiều dư vị của sự buồn bã.
Thế mà, quên không đành, nghĩ lại càng thương.
Như ngày mang dép nhựa cụt mõm, lang thang trên đường làng.
Như ngày trưa nắng gắt, vục mặt đại vào lu nước của ai đó đặt cạnh nhà.
Như khi vừa ngồi trên xe, đề máy về lại phố đã váng vất nhớ về điều cũ xưa.
Quê nhà, làm sao không yêu, làm sao không nhớ.
Dẫu có nhọc nhằn…
Ngô Nguyệt Hữu